- Phan Anh
Nghiên cứu được thực hiện tại Houston, Mỹ cho thấy một biến thể virus corona mới có khả năng lây lan nhanh gấp 10 lần so với những biến thể khác. Đồng thời, nó còn có thể vượt qua các chướng ngại vật như khẩu trang, qua đó khiến cho các biện pháp phòng dịch phổ biến hiện nay như đeo khẩu trang và rửa tay trở nên không hiệu quả.
Theo tờ Washington Post, các nhà khoa học ở Houston hôm 23/9 vừa qua đã công bố một nghiên cứu về việc giải mã 5.085 bộ gen của virus corona được thu thập ở Houston kể từ tháng 3/2020, qua đó cho thấy sự tích tụ liên tục của các biến thể virus. Một trong số những biến thể này là D614G, được biết đến với khả năng siêu lây nhiễm. Tại đợt bùng phát thứ 2 ở Houston (một thành phố với khoảng 7 triệu dân), nghiên cứu phát hiện ra biến thể D614G đã tăng đến mức 99,9%.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chủng đột biến này làm tăng số lượng “gai” (spike) của virus corona – thành phần giúp virus liên kết và lây nhiễm cho tế bào vật chủ, từ đó làm tăng khả năng lây nhiễm của virus đột biến vào các tế bào.
Theo các nghiên cứu tại Houston, vào lần chẩn đoán đầu tiên, những bệnh nhân bị nhiễm chủng đột biến này có lượng virus tăng lên đáng kể. Các chuyên gia từ Đại học Chicago và Đại học Texas tại Austin cho biết, chủng D614G hiện đã “vượt xa các đối thủ cạnh tranh”. Họ phát hiện ra rằng, những người bị nhiễm chủng virus đột biến này có lượng virus ở đường hô hấp cao hơn, điều này khiến virus lây lan mạnh hơn.
Biến thể D614G chưa cho thấy dấu hiệu có khả năng gây chết người cao hơn các chủng khác. Tuy nhiên, theo những nhà nghiên cứu, biến thể virus này dường như có khả năng lây lan dễ dàng hơn giữa người với người, khiến các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang và rửa tay không hiệu quả.
“D614G ngày càng xuất hiện nhiều ở Houston và các khu vực khác bởi nó thích nghi tốt hơn khi lây lan giữa người với người,” tác giả nghiên cứu James Musser tại Bệnh viện Giám lý Houston cho hay.
Nhà virus học David Morens thuộc Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (National Institute of Allergy and Infmission Diseases) cho biết kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng chủng virus này có thể dễ lây lan hơn và “có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát của chúng ta”.
Ông cho rằng, chủng virus này có thể sẽ phát sinh biến đổi đến mức có khả năng vô hiệu hóa các biện pháp phòng chống dịch như rửa tay và giãn cách xã hội.
“Đeo khẩu trang và rửa tay, những biện pháp này là rào cản ngăn lây truyền và lây nhiễm. Tuy nhiên, khi mức độ lây nhiễm của virus mạnh hơn, về mặt thống kê, nó có khả năng đột phá những chướng ngại vật này,” ông Morens cho hay.
Các nhà nghiên cứu cho biết rằng một số khu vực của protein hình gai, mục tiêu chính mà vắc-xin ngừa virus corona hiện nay đang hướng tới, có tồn tại một số biến thể. Điều này chỉ ra rằng virus đang thay đổi nhằm lẩn tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu trước đây cho thấy virus corona sẽ trở nên đột biến sau khi thích nghi với vật chủ là người.
Trước đó, trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân hôm 16/8 vừa qua, Giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết biến thể D614G có khả năng lây nhiễm cao gấp 10 lần so với chủng virus đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán.
Bên cạnh đó, theo ông Abdullah, loại biến thể này được các nhà khoa học tìm ra vào tháng 7/2020, xuất hiện phần lớn ở khu vực châu Âu và Mỹ, ngoài ra còn được phát hiện tại Anh, Ấn Độ, Philippines, Malaysia. Ông Abdullah cũng cho biết thêm rằng các loại vắc-xin ngừa virus corona hiện nay là không đầy đủ tính năng và không hiệu quả để chống lại biến thể này.
Phan Anh (tổng hợp)