Cổ Nhuế
Thế giới đang ráo riết chạy đua chế ra thuốc ngừa con Corona. Có đến hàng ngàn – nếu không muốn nói trăm ngàn – phương thuốc tự xưng rất hiệu nghiệm chống lại con Corona. Trong số này có những thứ thuộc loại ‘Xuyên Tâm Liên’ gồm có gừng, xả, ớt … trị bá bệnh cho đến những tên tuổi lẫy lừng như Sputnik 5 của Nga, hay Sinovac của Trung Cộng.
Với phương Tây và Úc thì về đầu hiện thời trong cuộc đua chế thuốc ngừa con Corona đang nằm trong phòng thí nghiệm của đại học Oxford / công ty bào chế AstraZeneca của Anh quốc và đại học Queensland của Úc.
Thật ra, hàng đầu ở Úc không phải chỉ một thứ thuốc ngừa con Corona. Mà đến ba lận. Chúng ta nghe nhiếu nhất là thuốc do đại học Queensland đang chế. Bên cạnh đó còn hai tên thuốc khác (cũng hàng đầu) đang được đại học Melbourne và đại học Monash xào nấu. Chính phủ Úc đổ khá bộn tiền bạc vào công cuộc nghiên cứu và bào chế thuốc ngừa này. Mới nhất, chính phủ Úc đổ thêm $6 triệu.
Bên cạnh đó, thế giới đã lập ra tổ chức chuyên lo bào chế và phân phối thuốc ngừa con Corona. Tổ chức này có tên là COVAX (viết tắt từ Coalition for Epidemic Preparedness Innovations) và Úc là một trong những nước đóng góp nhiểu cho COVAX. Nghe đâu Úc đã chi $123.3 triệu cho tổ chức này, và còn tiếp tục đổ tiền vào đó. Vì thế, khi có thuốc ngừa con Corona, Úc sẽ là một trong những nước đầu tiên tiếp nhận.
Tuy nhiên, không phải cứ có thuốc ngừa là thế giới thoát khỏi con Corona. Thời sự hôm nay xin trình bày qua loa về chuyện đi tìm thuốc ngừa con Corona. Mà phải là thứ thuốc hiệu nghiệm và an toàn nghen.
Hiệu nghiệm và an toàn
Khi đã chích thuốc ngừa thì không có nghĩa là ‘chăm phần chăm’ không còn dính con Corona nữa. Ngẫm hay năm não năm nào dân Úc cũng lũ lược chích ngừa cúm mà năm nào cúm cũng vật ngã không ít người sống đất nước phước đức này. Có người nói: xem chừng cúm còn giết chết đông người Úc hơn cả con Corona nữa là… Đúng vậy, khi Cổ Nhuế viết bài này ở Úc đã có 859 người bị con Corona vật chết. Trong khi đó, vào năm ngoái vi khuẩn cúm đã đưa 902 người Úc về nơi … ‘vĩnh hằng’.
Có thuốc ngừa vẫn chưa chắc thoát con Corona. Tuy nhiên, có thuốc ngừa con Corona thì vẫn hơn không. Đây là cái phao thần nặng về mặt tâm lý. Biết dân chúng mong ngóng thuốc ngừa con Corona như con mong mẹ đi chợ về, ông Donald Trump đánh thẳng vào tâm lý này khi hứa sớm có thuốc ngừa. Và sẽ có trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng công ty dược phòng sẽ bào chế thuốc ngừa cho Mỹ – tên là Modena – đã đính chính: cho tới nay chưa có thứ thuốc nào được coi là an toàn và sớm lắm thì cũng phải chờ cho đến đầu sang năm.
Thật vậy, những thứ thuốc ngừa hàng đầu hiện nay vẫn chưa được coi là hiệu nghiệm và an toàn. Khá lắm là hai thứ thuốc do Moderna và BioNTech/Pfizer, hay Oxford/AstraZeneca đang ở vòng thử nghiệm thứ ba (Phase 3 trials) và cũng là vòng thử nghiệm cuối cùng. Vòng này chích thử vào chừng 30 ngàn cho đến 40 ngàn người tình nguyện và sẽ kết thúc vào cuối tháng 11. Nếu thuốc ngừa nào được coi là hiệu nghiệm và an toàn thì có thể ra lò vào những ngày cuối cùng trong năm 2020 hay đầu sang năm. Nhưng không có gì chắc chắn vì thuốc của Oxford/AstraZeneca đã có lần bị ngưng lại vì gây phản ứng phụ nơi người tình nguyện chích thử. Hiện nay, Oxford/AstraZeneca đã được thử nghiệm trở lại.
Chống chích ngừa
Trong khi rất đông người ngày một ngày hai ngóng trông thuốc ngừa con Corona và không ít người tình nguyện làm thân chuột bạch chích thử thứ thuốc chưa ra lò – thì cũng không ít người ngần ngại.
Tại tạp chí chuyên về y khoa The Lacet (ra ngày 14.9.2020) có đăng kết quả thăm dò 2,000 cha mẹ sống ở Úc về chuyện họ có sẵn sàng cho con chích ngừa con Corona không. Theo đó, gần một phần tư cha mẹ không chắc hay không muốn con mình phải chích ngừa. Một thăm dò khác mở rộng trong quảng đại dân chúng Úc cho biết thêm: cứ trăm người Úc thì có ít nhất 5 người lắc đầu khi y tá muốn đâm kim thuốc ngừa con Corona cho mình. 5% ở Úc là con số quá thấp so với 27% ở Pháp và 20% ở Mỹ.
Thật ra, ở Úc lúc nào cũng có nhóm người chống lại chủng ngừa. Chống bất cứ thứ chủng ngừa nào; chứ không phải chỉ ngừa con Corona. Với nhóm người này, khi nói đến ngừa con Corona thì họ quyết liệt hơn. Thật vậy, trong một thế giới loạn tin tức như chúng ta đang sống thì không ít vịt cồ.
Trong tầm tay
Thành bại của thuốc ngừa không những ở tại thuốc tốt mà còn có đông người chích ngừa. Phải đông đến 60 hay 70 dân số mang kháng thể trong người thì lúc đó xã hội mới được một thứ gọi là ‘herd immunity, cả đám được miễn nhiểm’. Vì lẽ này,khi thuốc ngừa vùa lú dạng, chính phủ Úc nhanh chóng đặt mua nhiều hơn số cần dùng và tìm cách chích ngừa cho toàn dân. Lúc đầu, thủ tướng Scott Morrison bắt buộc dân Úc phải chích. Sau đó, ổng chỉ nhấn mạnh thuốc này hoàn toàn miễn phí. Nói thể để mong được đông dân Úc chịu chích ngừa.
Cổ Nhuế rất mong được thấy thuốc ngừa con Corona và tin rằng không ít bạn đọc cũng mong như vậy. Tuy nhiên, xem chừng chúng ta đặt quá nhiều mong mỏi vào một thứ tương lai khá mù mờ. Trong khi đó, đang có thứ ‘ngừa con Corona’ trong tầm tay thì dường như chúng ta lại coi thường.
Thuốc ngừa là gì? Xin thưa theo kiểu nói bình dân: đây là một liều thuốc có chứa một số con Corona yếu xìu. Y tá chích mấy con Corona ấy vào người chúng ta để cho cơ thể của chúng ta tập trận và uýnh tan tành chúng. Nhờ uýnh chết được một mớ con Corona ‘yếu xìu’ này, cơ thể chúng ta sản xuất ra chất miễn nhiễm sẵn sàng tiêu diệt những con Corona mạnh mẽ khác. Ngừa là vậy.
Bạn đọc tinh ý thấy ngay: nếu cơ thể mình chỉ nhiễm vài ba con Corona và chỉ những con yếu xìu thì vô hình trung đã được chích ngừa mà không hay. Cô Larisa Labzin đang nghiên cứu chế thuốc ngừa con Corona tại đại học Queensland ra một thí dụ: một người sờ vào nắm cửa. Rủi trên nắm cửa đó có một con Corona. Con này dính vào tay. Rồi người này sờ vào mũi và hít con Corona vào người. Vậy là người này ‘mắc dịch’ rồi đó!
Các nhà vi trùng học cho biết: trong vòng 24 tiếng đồng hồ 1 con Corona đẻ ra thành 30 con. 30 con này phá hoại 30 tế bào của người mắc dịch và trong vòng 24 tiếng đồng hồ kế tiếp chúng thành 900 con Corona hoành hành trong cơ thể.
Dù mắc dịch, nhưng người này có thể không bị nặng và cũng không hay biết. Nếu cơ thể người này uýnh tan tành cái nhúm nhỏ 900 tên Corona Ba Tàu ấy thì được coi như … miễn nhiểm. Khà! Khà.
Trong khi đó, người khác bị ai đó ách-xì thẳng vào mặt. Cái ách-xì này tung ra 1,000 con Corona. Rủi thay nạn nhân không đeo mặt mạ nên hít trọn 1,000 con Corona vào người. 24 tiếng đồng hồ sau, ngàn con Corona này thành 30,000. Và chỉ trong vòng 2 ngày người ấy phải chịu 900,000 con Corona tấn công. Bị đánh biển người, có thể cơ thể người ấy không kham nổi. Đành vào nhà thương (hay nhà xác!). Hu! Hu.
Tại trang web The Conversation, cô Labzin viết: Because face masks might allow a small number of virus particles through, wearers might be more likely to get asymptomatic infections. This might be enough to protect them from future infection with SARS-CoV-2. Vì mặt mạ vẫn cho một số nhỏ con Corona chui qua nên người mang mặt mạ có thể vẫn bị người khác lây dịch cho. Nhờ bị vậy, mai rày mốt nọ người ấy có thể thoát khỏi con SARS-CoV-2.
Vì cái lẽ này, trong khi chờ đợi có thuốc ngừa – mà phải thuốc có hiệu nghiệm và an toàn, à nghe – thế giới đang có sẵn thứ thuốc ngừa trong tầm tay. Đó là mặt mạ.
Cổ Nhuế