*Ls Lưu Tường Quang
Vấn đề Sông Mekong hầu như bị bỏ quên trong hầu hết những phát biểu của lãnh đạo Đảng Cộng Sản trong Bộ Chính Trị, cũng như trong chính phủ, khi họ hoạch định hướng đi và sách lược của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam trong năm 2020. Thế nhưng Biển Đông và Mekong đều có tầm quan trọng như nhau và thiết yếu cho sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và trường tồn của đất nước Việt nam.
2020 là năm Đại dịch Covid 19 và do đó phương thức sinh hoạt ngoại giao đa phương đã và đang phải được tổ chức trực tuyến /online với kỹ thuật mới, nhưng không phải vì thế mà Việt Nam không thể đóng vai chủ nhà với tư cách là chủ tịch luân phiên hàng năm của Tổ chức Asean. Vai trò nầy ngắn so với 24 tháng mà Việt Nam làm thành viên không thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ). Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Mình coi vai trò kép nầy là cơ hội thuận lợi cho Việt nam trong lãnh vực bang giao quốc tế.
Nếu Việt Nam có thể coi Đại dịch Covid 19 là một trở lực và 2020 là một năm “đã mất” thì đây có vẻ không phải là tầm nhìn từ Bắc Kinh. Trung Quốc đã lợi dụng Đại dịch Covid 19 để phát động phương thức ngoại giao khẩu trang và đáng kể hơn là ngoại giao chủng ngừa /vaccine như là quyền lực mềm để bổ túc cho thể đứng quân sự của họ tại Biển Đông và vị trí địa dư của họ với tư cách quốc gia thượng nguồn sông Mekong.
Khi kiểm điểm thành quả trong năm 2019 và định hướng năm 2020, Ông Phạm Bình Minh xác quyết là quan hệ Việt-Mỹ ở mức độ đối tác toàn diện và Việt-Trung ở mức độ cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện, đã được ổn định và tiếp tục ổn định.
Liên quan đến Biển Đông, Ông Phạm Bình Minh coi đó là vấn để bảo vệ “chủ quyền thiêng liêng” rồi ông lặp lại những gì mà những người tiền nhiệm của ông đã nhiều lần nói đến: “Vấn đề quan trọng là các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982. Đây là điều quan trọng nhất, cũng là việc chúng ta phát huy vài trò. Khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nêu cao vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, tức là các cơ chế đa phương, và tôn trọng luật pháp quốc tế. Ở Biển Đông cũng vậy”.
Mười năm trước đây, khi Việt nam giữ vai trò chủ tịch luân phiên Tổ Chức Asean 2010, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm, với tư cách Chủ tọa Hội Nghị Diễn Đàn Khu Vực Asean (ARF) đã ghi nhận như sau: “Các vị Bộ trưởng (tham dự Hội Nghị ARF) khuyến khích các bên liên hệ tiếp tục tự chế và phát huy những biện pháp tạo niềm tin trong khu vực cũng như hoan nghênh những cam kết của họ nhằm giải quyết những tranh chấp tại Biển Nam Trung Hoa bằng phương tiện hòa bình theo tinh thần của Bản Tuyên Bố Ứng Xử (DOC) và công nhận những nguyên tắc của Luật Quốc Tế, kể cả Công Ước Luật Biển LHQ (UNCLOS 1982).
Vào ngày 12-09-2020, trong tư cách chủ tọa Hội Nghị ARF, Ông Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh “yêu cầu thượng tôn pháp luật, tự kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982”. Phó Thủ tướng khẳng định ASEAN sẽ nỗ lực cùng Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Và trong Bản Thông Cáo Chung ARF mà Ông Phạm Bình Minh phổ biến, có đoạn ghi nhận như sau: “Các vị Bộ trưởng (tham dự Hội Nghị ARF) tái xác nhận nhu cầu cải thiện niềm tin hỗ tương, cung cách tự chế để tránh các sinh hoạt làm phức tạp tình hình hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định cũng như tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình. Các vị Bộ trưởng tái xác nhận thêm nhu cầu theo đuổi giải quyết hòa bình những tranh chấp, đúng theo những nguyên tắc đã được công nhận phổ quát bởi luật quốc tế kể cả Công Ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982.
Tôi tin rằng sau Đại Hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021, nếu Ông Phạm Bình Mình được lên chức và không còn giữa chức vụ hiện tại, người kế nhiệm ông cũng có thể sẽ lặp đi lặp lại công thức nầy, như chính ông đã nhại lại hầu như nguyên văn phát biểu của Ông Phạm Gia Khiêm 10 năm trước đây.
Mười năm không phải là một thời gian ngắn trong bang giao quốc tế. Thật ra, thế giới đã thay đổi rất nhiều trong khoảng thời gian nầy. Hồi năm 2013, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã phát động Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) để thực hiện Giấc Mộng Trung Hoa làm bá chủ thiên hạ. Từ năm 2015, tại Biển Đông, Bắc Kinh đã xây dựng bất hợp pháp 5, 7 Đá (reefs) thành đảo nhân tạo tại Quần đảo Trường Sa của Việt nam và tiếp tục không ngừng chương trình quân sự hoá tại Trường Sa, mà Bắc Kinh đã chiếm đoạt của Việt nam hồi năm 1988 – cũng như tại Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã cưỡng chiếm hồi đầu năm 1974, sau cuộc chiến với Hải quân Việt Nam Cộng Hoà.
Tuy Ông Phạm Bình Minh đề cập đến vài tiến bộ trong việc thảo luận giữa Trung Quốc và Asean về một Bộ Qui Tắc Ứng Xử – Code of Conduct (COC), nhưng điều này có dẫn đến một COC có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 hay không là một việc mà chúng ta phải chờ xem và có lẽ phải chờ rất lâu.
Từ khi được bổ nhiệm thay thế Ông Yang Jiechi / Dương Khiết Trì hồi tháng 3 năm 2013 trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao, Ông Wang Yi /Vương Nghị đã đưa ra nhiều điểm nguyên tắc, cam kết đầy mạnh việc thương thuyết với Asean, nhưng điều mà Bắc Kinh không thay đổi và không nhân nhượng trong vòng 20 năm qua là Bộ Qui Tắc Ứng Xử nầy sẽ không áp dụng đối với quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh coi là vấn đề song phương giữa Việt nam và Trung Quốc. Mặc dầu vậy, Bắc Kinh vẫn luôn luôn từ chối thảo luận về Hoàng Sa với Việt nam và xác quyết chủ quyền đối với quần đảo nầy trên cơ sở quyền lịch sử đã có từ xa xưa (trái với luật quốc tế và đặc biệt là Công Ước UNCLOS 1982).
Vấn đề cốt lõi thứ nhì là tính cách ràng buộc pháp lý của COC. Lập trường của Asean, kể cả Việt nam, là COC phải là Bộ Qui Tắc Ứng Xử có tính cách ràng buộc pháp lý. Từ khi được đồng thuận và áp dụng trong 20 năm qua, Bản Tuyên Bố Ứng Xử DOC chẳng những không có tính cách ràng buộc pháp lý mà còn được / bị diễn dịch tùy tiện bởi Bắc Kinh.
So với 10 năm trước đây, thế hệ ngoại giao Việt nam ngày nay chuyên nghiệp và linh hoạt hơn về mặt vận động hậu trường cũng như phát biểu tại các diễn đàn quốc tế. Tuy vậy, đó chỉ là những cải tiến về mặt sinh hoạt ngoại giao trong khi mục tiêu của sinh hoạt vẫn hãy còn xa vời, vì Bắc Kinh vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ về mặt nội dung.
Lãnh vực mà Bắc Kinh không dậm chân tại chỗ là xây dựng cấu trúc hành chánh và hạ tầng để củng cố thế đứng về mặt chủ quyền pháp lý và tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông, trước và sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA tại The Hague công bố phán quyết ngày 12.07.2016. Trong vụ kiện giữa Philippines chống Trung Quốc về Đường Lưỡi Bò 9 đoạn, Tòa PCA bác lập luận quyền lịch sử của Bắc Kinh và tuyên bố xác quyết chủ quyền biển của Bắc Kinh là bất hợp pháp. Phán quyết PCA là sau cùng và có tính cách rằng buộc, nhưng Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận và thi hành.
Hồi năm 2012, Bắc Kinh đã thiết lập Thành phố Tam Sa mà chính quyền được đặt tại Đảo Phú Lâm của Việt nam và trực thuộc Tỉnh Hải Nam. Đảo Phú Lâm và ít nhất là 3 đảo nhân tạo khác tại Trường Sa (Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi) còn có những thiết bị quân sự, được coi là những tiền đồn thuộc Chiến Khu Nam Hoa và trực tiếp đe dọa Việt nam.
Bắc Kinh còn lợi dụng thời kỳ Đại dịch Covid 19 để gia tăng hoạt động quân sự và kinh tế tại Biển Đông như là một “ao nhà” mà theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, với cung cách hành xử như một “đế quốc hải dương – a maritime empire”.
Tất nhiên là Việt Nam phải lên tiếng phản đối như một thông lệ để tránh bị coi là mặc nhiên chắp nhận chủ quyền của Bắc Kinh, nhưng những phản đối này không đem lại kết quả gì cụ thể.
Tình hình căng thẳng tại Biển Đông trong năm 2020 còn đưa đẩy đến một sinh hoạt ngoại giao mới: cuộc chiến công hàm. Hồi đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chuyển công hàm đến Tổng Thư Ký LHQ để bác xác quyết chủ quyền biển của Bắc Kinh tại Biển Đông mà Mỹ coi là bất hợp pháp. Đây là lần đầu tiên mà Mỹ đã minh thị bày tỏ quan điểm với Liên Hiệp Quốc – một quan điểm phù hợp với phán quyết năm 2016 của Tòa PCA. Ba tuần sau, ngày 23.07.2020, chính phủ liên bang Úc và gần đây vào ngày 27.08.2020, chính phủ tam cường dân chủ Châu Âu (Pháp, Đức và Anh) cũng đã chuyển công hàm tương tự đến Tổng Thư Ký LHQ.
Đây là một diễn tiến tích cực có thể coi là thuận lợi cho Việt nam. Tuy vậy, khởi thủy của cuộc chiến công hàm nầy có thể cho thấy sự rạn nức trong nội bỏ Asean, cá biệt là giữa Malaysia và Việt nam.
Vào ngày 12.12. 2019, Malaysia đã đơn phương chuyển công hàm đến Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa LHQ xác quyết chủ quyền một phần thềm lục địa ở phía Bắc vùng được gọi là “defined area” mà Việt nam và Malaysia đã thỏa hiệp trong công hàm chung (joint Note Verbale) của hai nước, được chuyển đến LHQ hồi năm 2009. Bắc Kinh đã lập tức gửi công hàm đến LHQ để bác lập luận của Malaysia. Do công hàm đề ngày 30.03.2020 gửi Tổng Thư Ký LHQ, Việt nam đã bác nội dung công hàm của Bắc Kinh, xác nhận chủ quyền của Việt nam theo Luật quốc tế và Công Ước UNCLOS 1982, nhưng lại không nói gì đến công hàm của Malaysia.
Không ai ngạc nhiên khi Bắc Kinh bác tất cả những công hàm của Malaysia, Việt Nam, Mỹ, Úc, Anh, Pháp và Đức.
Trong nỗ lực gọi là Gắn Kết, Việt nam có thể còn gặp nhiều khó khăn nữa trong nội bộ Asean, vì Bắc Kinh đang tổ chức thử nghiệm lâm sàng chuẩn vaccine tại Indonesia. Nếu Bắc Kinh thành công với một vaccine được công nhận, Bắc Kinh sẽ có ảnh hưởng lớn đối với các thành viên trong Asean, đặc biệt là Indonesia và Philippines.
Bên lề các sinh hoạt quốc tế trực tuyến hồi giữa tháng 9/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo còn đồng chủ tọa trong ngày 11 tháng 9, phiên họp sáng lập cấp Bộ trưởng gọi là Đối Tác Mekong-Hoa Kỳ bao gồm 5 quốc gia thuộc Vùng Hạ Lưu Song Mekong (Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt nam) và Tổng Thư Ký Asean. Đối tác nầy sẽ mở rộng Sáng Kiến gọi là Lower Mekong Initiative do Ngoại trưởng Hillary Clinton phát động hồi năm 2009. Theo lời Ông Mike Pompeo, Đối Tác mới nầy sẽ củng cố nền tự chủ, độc lập kinh tế và phát triển bền vững tại các nước hạ nguồn.
Thà chậm còn hơn không. Mỹ đã không quan tâm nhiều về vai trò của Sông Mekong trong khi Bắc Kinh đã và đang sử dụng vị trí thượng nguồn như một sách lược gây ảnh hưởng, bắt chẹt mà Việt nam bị thiệt thòi nhiều hơn cả , vì Đồng bằng Sông Mekong nằm ở vị trí cuối. Hồi tháng 12 năm 2008, tác giả bài nầy đã báo động “Hà Nội trong Gọng Kìm Bắc Kinh: Chiến Lược Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây của Trung Cộng”. (Tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long, Số 3 – 2009)
*Ls Lưu Tường Quang, AO
Sydney, 23.09.2020