Trọng Thành
Đầu tháng 9/2020, giới chuyên gia còn khá phân vân trước câu hỏi: châu Âu có đang bước vào làn sóng Covid thứ hai ? Đến cuối tháng 9, tình hình ngày một rõ. Nếu không có các biện pháp kịp thời và phù hợp, dịch Covid-19 rất có thể một lần nữa khiến châu lục khủng hoảng trầm trọng. Tây Ban Nha đang là tâm dịch, nước Ý tương đối bình an. Rút ra các bài học từ hai kinh nghiệm tương phản này có thể giúp châu Âu đối phó tốt hơn với đại dịch.
Ý là quốc gia đầu tiên của châu Âu bị Covid-19 tấn công đầu năm 2020. Vài tuần sau, cùng với Pháp, Tây Ban Nha trở thành nạn nhân tiếp theo. Cả Ý, cả Pháp, cả Tây Ban Nha đều trải qua giai đoạn phong tỏa kéo dài nhiều tháng, trước khi bắt đầu ra khỏi phong tỏa vào mùa hè này.
Với mùa lạnh đang tới, châu Âu đang đối mặt với nguy cơ làn sóng Covid thứ hai. Tuy nhiên, mối đe dọa là rất khác biệt tùy theo từng quốc gia. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của châu Âu (ECDC), công bố ngày 24/09/2020, Tây Ban Nha nằm trong nhóm 7 quốc gia « rất đáng ngại », cùng với Rumani, Bulgari, Hungary, Croatia, CH Séc và Malta. Ngược lại, Ý nằm trong nhóm 7 nước tình hình được coi là tương đối ổn định, cùng với Đức, Ba Lan, Phần Lan, Hy Lạp, Chypre và Litva. Pháp nằm trong nhóm 13 nước còn lại của Liên Âu, tức nhóm « có xu hướng đáng ngại ».
Theo các số liệu thống kê chính thức, về số người dương tính với virus tại ba nước, vào giữa tháng 9 (từ 14 đến 26/09), nước Ý có trung bình 34,5 ca trên 100 000 dân, so với 204,5 tại Pháp và 320 ở Tây Ban Nha. Về số người chết vì Covid-19, trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 28/09, tại Ý có 183 người, tại Pháp có 617, trong khi ở Tây Ban Nha là 916 người. Tây Ban Nha đứng đầu châu Âu với tổng số 750.000 người dương tính với virus (tăng thêm khoảng 300.000 người trong vòng 1 tháng).
Tinh thần kỉ luật và văn hóa bảo vệ gia đình
Khi đại dịch Covid tràn đến châu Âu, Ý được coi là cửa ngõ đầu tiên. Tình hình tại Ý trong tháng 3/2020 rất thê thảm, với số tử vong có lúc lên tới gần 1.000 người trong một ngày. Cho đến đầu tháng 5, số tử vong vẫn xấp xỉ 500 người/ngày. Vậy mà giờ đây, tình hình tại Ý được coi là trong tầm kiểm soát. Tinh thần kỉ luật chống dịch (mới hình thành trong thời gian đại dịch hồi đầu năm) và văn hóa phổ biến trong xã hội vốn rất coi trọng bảo vệ sức khỏe của người thân trong gia đình được coi là hai nguyên nhân căn bản (bên cạnh nguyên nhân thứ ba là quá trình ra khỏi phong tỏa được tiến hành một cách bài bản, dần từng bước). Thông tín viên Éric Sénanque của RFI từ Roma cho biết cụ thể:
Trước hết là vấn đề tuân thủ kỷ luật. Trước đây, đối với các nước láng giềng, dân Ý vốn được coi là không dễ khép mình vào kỷ luật. Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ định kiến này, và cho thấy là, về mặt y tế, người dân bán đảo rất xem trọng mối đe dọa dịch bệnh.
Ông Jean Luca, chủ một quán bar, đã không hề do dự khi buộc các khách hàng không mang khẩu trang phải rời khỏi quán. Đối với vị chủ quán này, thì việc tuân thủ các quy định là điều không thể thương lượng. Theo ông, con đường tốt nhất để đẩy lùi dịch bệnh là tuân thủ các hướng dẫn của giới có thẩm quyền về chính trị và khoa học. Người chủ quán cũng nhấn mạnh : ‘‘Phải lắng nghe hướng dẫn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, phải đeo khẩu trang ! Đây không phải là một trò chơi, phải tuân thủ ! Đừng nổi loạn ! Thái độ phản đối vô chính phủ càng khiến tình hình dịch bệnh trầm trọng hơn’’.
Một trong những yếu tố giải thích khác cho tình hình dịch bệnh ít lây lan là nỗi sợ. Nỗi sợ là một động lực. Sợ lây nhiễm cho người thân, sợ bị phạt. Khắp nơi tại Ý, cảnh sát phạt người không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Ví dụ như tại Napoli, nơi chính quyền đe dọa phạt người không mang khẩu trang đến 1.000 euro.
Tại Ý, việc gia đình có vị trí rất quan trọng cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến tình trạng dịch bệnh được kìm hãm. Riccardo Antoniucci, một phóng viên trẻ, chúng tôi gặp tại một khu phố nghèo ở Roma, cho biết, ‘‘có một điểm tiêu biểu cho văn hóa cơ bản của người Ý, đó là sự tôn trọng gia đình, tôn trọng những người mà ta chung sống. Người Ý thường sống chung với cha mẹ, với ông bà. Ớ đây, chúng tôi có xu hướng tránh tiếp xúc sát, ôm hôn ông bà mình chẳng hạn, tránh có các tiếp xúc gây nguy hiểm cho người thân trong gia đình’’.
Giống như nhiều nước, Ý cũng bị đại dịch tấn công bất ngờ. Tuy nhiên, các biện pháp nghiêm ngặt mà chính quyền áp đặt ngay từ ngày 01/03 và quá trình dỡ bỏ phong tỏa được tiến hành một cách có bài bản dường như đã đóng vai trò trong việc giảm nhẹ mức độ lây lan của dịch bệnh..
Không khí hội hè gây lo ngại
Còn về nước Tây Ban Nha thì sao ? Thông tín viên Diane Cambon từ Madrid trước hết cho biết không khí hội hè bất chấp tình hình dịch bệnh được nhiều người coi là nguyên nhân nổi bật, hàng đầu :
Một buổi tối thứ Bẩy tại Madrid, tại quảng trường de la Vida ở trung tâm thủ đô. Không khí hội hè. Trẻ nhỏ chơi trên vỉa hè, hàng quán chật người. Xung quanh một bàn ăn, 12 thanh niên tuổi từ 20 đến 25 chia nhau ba đĩa tapas, món ăn khai vị truyền thống, gồm tortilla – món bánh trứng ốp-lết của người Tây Ban Nha, chả cá tuyết, mực tẩm bột chiên. Các thực khách hoàn toàn không còn nhớ gì đến các biện pháp giãn cách tối thiểu.
Đối với Susana, một sinh viên ngành kiến trúc, thì không có gì là đáng ngạc nhiên cả. Cô nói : ‘‘Thực ra, không có nguy hiểm gì cả, chúng tôi vốn là bạn bè cùng nhóm. Tôi cho rằng tình hình được kiểm soát khá tốt ở đây. Chúng tôi cũng không thấy có nhiều người mắc bệnh. Ngoài ra, khi ra ngoài đường, chúng tôi đều đeo khẩu trang’’. Joan, một thanh niên khác, ngồi đầu kia bàn cho biết, thoạt tiên, có lo ngại, nhưng theo anh, cũng không có cách nào khác, bởi nếu không, thì làm thế nào có thể duy trì được các quan hệ ?
Thiếu biện pháp phòng dịch rõ ràng, nhất quán
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với cách giải thích nghiêng về lối sống cá nhân và tập quán truyền thống này. Nhà chính trị học Pháp, ông Philippe Moreau Defarges (viện IFRI), trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo 20 Minutes (ngày 08/09), nhận định : việc sử dụng các yếu tố mang tính văn hóa, lối sống để giải thích nguyên nhân dịch bệnh không đủ thuyết phục, bởi đây là « các yếu tố khó lượng hóa ». Mặt khác, có thể tìm thấy các hiện tượng tương tự trong nhiều xã hội khác, nhưng không phải xã hội nào cũng gánh chịu mức độ lây lan của dịch bệnh như Tây Ban Nha.
Theo nhà chính trị học Philippe Moreau Defarges, cần đặc biệt chú ý đến tình trạng đầu tư thấp cho hệ thống y tế công của Tây Ban Nha, do các khủng hoảng kinh tế và chính sách khắc khổ đi kèm. Thiếu đầu tư cho y tế cũng có nghĩa là thiếu khả năng phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Thông tín viên Diane Cambon từ Madrid dẫn lại nhận định của giáo sư y khoa Ildefonso Hernández, Đại học Alicante, nêu bật một số nguyên nhân theo hướng này:
Theo ông, có những nhân tố quan trọng khác dẫn đến làn sóng Covid thứ hai này, ví dụ như chính quyền thông tin kém về các biện pháp phòng ngừa. Theo vị giáo sư y khoa này, các biện pháp được đưa ra là quá chung chung. Chính vì vậy, người dân khó làm theo. Đôi khi, người ta bắt buộc phải mang khẩu trang một cách hết sức phi lý trong một số tình huống. Ngược lại, trong một số trường hợp, rõ ràng là có nguy cơ, nhưng việc mang khẩu trang lại không bắt buộc. Dân chúng không còn hiểu là cần phải làm gì cho đúng nữa. Với giới trẻ lại càng như vậy. Giới trẻ lại càng lơi lỏng với các biện pháp phòng ngừa, bởi họ biết rằng họ rất ít gặp hiểm nguy, ít hơn hẳn so với lớp những người cao tuổi.
Chính quyền đầu tư ít cho y tế công
Một nguyên nhân nữa cũng bị điểm mặt. Đó là việc thiếu các phương tiện ngăn dịch. Giáo dục và y tế là thuộc quyền quyết định của mỗi vùng, trong số 17 vùng tại Tây Ban Nha. Mà, mỗi vùng lại có các định hướng đầu tư khác nhau đối với y tế công.
Giáo sư Ildefonso Hernández chỉ trích chính sách y tế công của chính quyền vùng thủ đô Madrid, từ hàng chục năm nay nằm trong tay phe hữu bảo thủ : ‘‘Madrid là ví dụ tiêu biểu của tình trạng thiếu các phương tiện chẩn đoán sớm các trường hợp lây nhiễm, và việc cách ly những người có tiếp xúc với đối tượng có nguy cơ. Tại Madrid, có thể thấy có sự tương phản rất lớn trong đầu tư cho y tế công so với nhiều vùng khác, đã đối phó tương đối tốt hơn với dịch bệnh. Tại vùng thủ đô, con số người nhiễm virus cao hơn rất nhiều’’.
Số lượng người dương tính với virus cao hơn rất nhiều đặc biệt tại các khu phố nghèo, tại vùng ngoại ô phía nam của thủ đô Madrid. Tại những khu phố này, dân cư thường sống chen chúc, và đó cũng là nơi mà mạng lưới y tế tư nhân gần như không tồn tại. Thực trạng này khiến nhiều chuyên gia nhận định : đỉnh dịch Covid lần thứ hai này gây thiệt hại nặng nề nhất đối với các tầng lớp dân cư nghèo khó. Đây cũng là những thành phần không có điều kiện làm việc từ xa hay có phương tiện di chuyển riêng.
Trung ương – địa phương trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Nhật báo Le Monde, trong một phân tích cách đây ít tuần (ngày 12/09), cũng nhấn mạnh đến việc bộ Y Tế của chính phủ cánh tả đã có một kế hoạch ra khỏi phong tỏa một cách bài bản, với chủ trương gắn liền việc mở lại hoạt động bình thường với việc các vùng có đủ năng lực rà soát, phát hiện người nhiễm virus kịp thời. Tuy nhiên, do áp lực của nhiều vùng tự trị và do thiếu đa số tại Quốc Hội, chính phủ Tây Ban Nha đã không duy trì được khả năng kiểm soát chiến lược toàn quốc đối phó với dịch, buộc phải trao quyền cho các vùng. Và để có được sự ủng hộ của đa số trong Quốc Hội, chính phủ đã buộc phải dỡ bỏ tình trạng báo động vào cuối tháng 6, tức sớm hơn dự định một tháng.
Trên thực tế, vấn đề không phải do tự thân chế độ tản quyền, mà là do khả năng phối hợp giữa chính quyền các địa phương với chính quyền trung ương, để tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Tại Đức, chính phủ của thủ tướng Merkel nhìn chung được coi là đã thành công trong việc điều phối chiến lược đối phó dịch giữa các bang. Tại Tây Ban Nha, trước tình trạng dịch bệnh tăng mạnh, có nguy cơ buộc phải áp đặt phong tỏa trở lại lần thứ hai trên toàn quốc, chính quyền vùng thủ đô Madrid cánh hữu, ngày 29/09/2020, đã phải chấp nhận các khuyến nghị của chính phủ cánh tả, ban hành một loạt các biện pháp siết chặt phòng dịch tại vùng thủ đô (Le Figaro ngày 30/09). Tính cho đến hiện tại, hơn 1 triệu dân vùng thủ đô Madrid (trên tổng số hơn 6,6 triệu dân) không được phép rời nhà, ngoại trừ vì các lý do đặc biệt như đi làm, đi bác sĩ hay đưa con đến trường.
Châu Âu: Cảnh giác cao, rà soát lại các kinh nghiệm
Ra hè, Liên Hiệp Châu Âu được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ với nguy cơ đại dịch Covid trở lại lần nữa. Với tỉ lệ người có kháng thể với virus gây bệnh Covid-19 mới chỉ dưới 15% tại đa số các quốc gia Liên Âu và Vương Quốc Anh (còn xa với tỉ lệ cho phép đạt được « miễn dịch cộng đồng »), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của châu Âu (ECDC) nhấn mạnh « tính chất dễ tổn thương của toàn Liên Hiệp là ở mức độ cao ».
Ngay cả nước Ý, vốn được coi là một khu vực tương đối bình an, cũng hết sức cảnh giác. Nhà miễn dịch học Flavia Riccardo thuộc Viện Y học Cao cấp ở Roma, nhận xét ở đây cũng như những nơi khác, dân chúng mệt mỏi và căng thẳng trông đợi dịch bệnh chấm dứt, nhưng không biết đến khi nào. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hai tháng 10 và 11 tới sẽ là giai đoạn « đặc biệt khó khăn » với châu lục.
Bối cảnh hiện nay khiến châu Âu càng buộc phải rà soát lại kinh nghiệm nhiều mặt của các hiện tượng được coi là thành công, hay thất bại, để rút ra các bài học sát sườn, nhằm đối phó với dịch, một cách phù hợp, kịp thời, nhưng không quá mức khắc nghiệt, sẽ gây tổn hại quá mức cho nền kinh tế và xã hội. Kinh nghiệm nước Bỉ phong tỏa triệt để, nhưng tỉ lệ tử vong rất cao, hay ngược lại trường hợp Thụy Điển (*), vốn bị phê phán kịch liệt, coi như một biểu hiện thất bại của chiến lược « tự miễn dịch cộng đồng », cũng bắt đầu được một số chuyên gia yêu cầu xem xét lại.
Ghi chú
(*) Theo nhà dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Y tế Tổng quát (Institut de la santé globale), Genève, hoàn toàn không thể nói xã hội Thụy Điển không có chiến lược phong tỏa ngăn dịch. Thụy Điển cũng áp dụng hàng loạt biện pháp, như khuyến khích làm việc từ xa, hạn chế đi lại, nhiều hỗ trợ tài chính hay tạo điều kiện thuận lợi cho người nghỉ ốm… Tóm lại, có thể nói đây là phương thức « tự phong tỏa », với rất nhiều điểm khác biệt với các mô hình đã biết tại châu Âu. Bác sĩ Antoine Flahault nhấn mạnh, nhiều biện pháp của Thụy Điển dựa trên trách nhiệm cá nhân và niềm tin (Le Figaro, 25/09/2020).