Hồ sơ Biden: Chính sách đối ngoại với Trung Quốc

Ứng cử viên tổng thống Joe Biden (77 tuổi) có kinh nghiệm đối ngoại sâu rộng trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông đã phục vụ tại Ủy ban Đối Ngoại thượng viện trong vòng ba thập kỷ khi còn làm thượng nghị sĩ tiểu bang Delaware. 

Cuộc tranh luận đầu tiên với đối thủ Donald Trump cho thấy rõ hơn xu hướng ôn hòa chứ không quá thiên tả của Biden, chẳng hạn ông không ủng hộ Green New Deal – một kế hoạch năng lượng sạch cực kỳ tốn kém. Ông cũng không ủng hộ cắt ngân sách cảnh sát hay kế hoạch y tế kiểu xã hội chủ nghĩa của Bernie Sanders mà ông hay bị phe Cộng hòa cáo buộc. 

Nhưng còn về Trung Quốc thì sao? Nếu đắc cử tổng thống, sách lược của Biden về Trung Quốc như thế nào?

Dưới đây là tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ (do trang Luật Khoa dịch), và bổ sung thêm từ một số nguồn tin khác.

***

Joe Biden coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức nghiêm trọng. Ông chỉ trích việc Trung Quốc “lạm dụng” các hoạt động thương mại cũng như hồ sơ nhân quyền của nước này, và cảnh báo nước này có thể vượt qua Hoa Kỳ trong các công nghệ mới. Biden cũng nói rằng ông sẽ đẩy lùi Trung Quốc hiệu quả hơn Donald Trump và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh để gây áp lực lên Bắc Kinh. Tờ Wall Street Journal nhận định rằng chính sách đối ngoại mới chính quyền Biden với Trung Quốc cũng sẽ rất giống với Trump hiện tại, tuy có thể khác nhau về cách thức thực hiện. 

  • Biden đồng ý với Trump rằng Trung Quốc đang vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, như trợ cấp không công bằng cho các công ty Trung Quốc, phân biệt đối xử các công ty Hoa Kỳ và đánh cắp tài sản trí tuệ. Biden cũng nói rằng một triệu công việc gia công đã bị mất vào tay Trung Quốc.
  • Tuy nhiên, ông cho rằng việc đánh thuế rộng khắp của Trump là “khó đoán định” và “tự làm hại mình”. Thay vào đó, Biden kêu gọi việc chống lại Trung Quốc bằng cách sử dụng các luật thương mại hiện có và xây dựng một mặt trận thống nhất giữa các đồng minh. Ông cảnh báo rằng Trung Quốc đang đầu tư lớn vào năng lượng, hạ tầng, công nghệ và có nguy cơ khiến Hoa Kỳ bị bỏ lại phía sau.
  • Gọi Bắc Kinh là “kẻ đại thắng” trong thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” của Trump vào đầu năm 2020 với Trung Quốc bởi Trump phải nhượng bộ nhưng không khiến được Trung Quốc cải tổ theo yêu cầu của mình. Ông cho rằng việc Trung Quốc tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ sẽ không có tác động đến các hoạt động kinh tế “bất hợp pháp và không công bằng” của nước này.
  • Các cố vấn của Biden phản đối tư duy “chiến tranh lạnh mới” với Trung Quốc mà chính quyền Trump đang thể hiện. Họ lưu ý rằng hơn 500 tỷ USD hàng hóa đi qua Thái Bình Dương giữa hai nước vào năm 2019, trong khi xảy ra thương chiến. Các công ty của Mỹ, chăng hạn Apple, vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất Trung Quốc để có nguyên liệu sản xuất iPhones. 
  • Biden nói ông sẽ hợp tác chặt chẽ hơn Trump với các nước đồng minh để thiết lập một chiến dịch toàn cầu gây áp lực với Bắc Kinh. Ông nhận xét kế hoạch của Trump đáng ra có hiệu quả hơn nhiều nếu Trump hợp tác với nước khác hơn là đồng thời gây xung đột thương mại với cả Châu Âu, Canada, Mexico, Hàn Quốc và Nhật Bản. 
  • Biden Chỉ trích Trump vì đã tin vào sự trấn an của Trung Quốc về đại dịch coronavirus, và lệnh cấm đi lại của chính quyền Trump đã không ngăn được du khách từ Trung Quốc. Ông nói rằng sẽ yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải trở nên minh bạch hơn.
  • Công kích Trump về phản ứng yếu ớt trước việc Trung Quốc vi phạm các quy trình dân chủ và tự trị của Hong Kong theo luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, và tuyên bố rằng sẽ tăng cường các biện pháp cấm vận đối với những cá nhân có trách nhiệm.
  • Cam kết sẽ phục hồi Hoa Kỳ như một cường quốc Thái Bình Dương để nói rõ với Bắc Kinh rằng Washington “sẽ không thoái lui” – bằng cách tăng cường sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước khác trong khu vực, bao gồm Úc, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này giống khá giống với những gì Trump đang làm. 
  • Nói với CFR rằng “các nước tự do” phải đoàn kết khi đối mặt với “chủ nghĩa độc tài công nghệ cao” của Trung Quốc. Và Washington phải định hình “các quy tắc, chuẩn mực và thể chế” sẽ chi phối việc sử dụng các công nghệ mới trên toàn cầu, như trí tuệ nhân tạo.
  • Cho rằng vấn nạn tham nhũng và sự chia rẽ nội bộ của Trung Quốc có nghĩa rằng “họ (Trung Quốc) không phải là đối thủ của chúng tôi (Hoa Kỳ)”, nhưng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể hợp tác về các lĩnh vực như [biến đổi] khí hậu, vũ khí hạt nhân và các vấn đề khác. Ông cũng tin rằng việc duy trì lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc phụ thuộc vào sự đổi mới của Hoa Kỳ, và hợp nhất “sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ khác trên thế giới”.
  • Tin rằng kinh nghiệm làm phó tổng thống mang lại cho ông cái nhìn sâu sắc về cách đối phó với đường hướng lãnh đạo của Trung Quốc, đồng thời cho biết ông đã dành nhiều thời gian với Tập Cận Bình hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới.
  • Với tư cách là thượng nghị sĩ, Biden đã ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization) vào năm 2001, và điều này đã mang lại cho Trung Quốc mối quan hệ thương mại bình thường và vĩnh viễn với Hoa Kỳ. Trong vai trò là phó tổng thống, ông ủng hộ thỏa thuận thương mại châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Obama và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho rằng nó sẽ giúp kiểm soát tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
  • Khi được hỏi lại rằng ông có thấy mình “ngây thơ” khi đồng ý cho Trung Quốc vào WTO hay không, Biden trả lời là không:
    “Trong bối cảnh đó, chúng tôi muốn Trung Quốc phát triển. Chúng tôi không muốn chiến tranh với Trung Quốc”…
    “Còn Trump làm được gì? Ông ta chọc vào mắt tất cả bạn bè, đồng minh của chúng ta, và thân thiết với mọi kẻ độc tài trên thế giới. Chúng ta đóng góp 25% và nền kinh tế thế giới nhưng mất hết bạn bè. Cách để kiềm chế Trung Quốc là phải khẳng định rằng chúng ta chơi theo luật quốc tế… Cách để Trung Quốc phải trả lời là khi chúng ta tập hợp được phần còn lại của thế giới”. 
  • Chia sẻ với CFR rằng việc Trung Quốc giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương là “vô nhân đạo”. Biden cho rằng Hoa Kỳ “phải lên tiếng”, và ông sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và công ty liên quan, cũng như ủng hộ sự lên án của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trần Minh (t/h)

Related posts