- Văn Long
Ngày 30/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump Trump đã ban hành lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh việc thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản nội địa chủ chốt tại Mỹ. Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, các loại khoáng sản chủ chốt như đất hiếm là tâm điểm chú ý của Mỹ và bị chính quyền Bắc Kinh coi là “vũ khí bí mật”.
Tổng thống Trump tuyên bố rằng sự phụ thuộc quá mức vào kẻ thù nước ngoài về các khoáng sản quan trọng của Mỹ là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đồng thời yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và bộ trưởng các ban ngành của chính phủ điều tra sự phụ thuộc này, thiết lập một chuỗi cung ứng khoáng sản chủ chốt trong nước bằng cách đơn giản hóa và đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt đối với các mỏ mới và sử dụng “Luật Sản xuất Quốc phòng”.
Chính phủ Mỹ trước đó đã liệt kê 35 loại khoáng sản quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân và an ninh quốc gia. Trong số đó, 29 loại là những khoáng sản mà Mỹ phải nhập khẩu hơn 50% để đáp ứng nhu cầu trong nước. Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã công bố một báo cáo vào tháng 6/2019, nêu rõ rằng nếu Trung Quốc và Nga quyết định ngừng cung cấp các khoáng sản quan trọng trong một thời gian dài, điều đó sẽ có tác động lớn đến toàn bộ chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của Mỹ.
Sắc lệnh hành pháp mới nhất do ông Trump ban hành cho thấy sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với nhiều nguồn cung cấp khoáng sản chính là điều đặc biệt đáng lo ngại, bao gồm việc nhập khẩu trực tiếp 80% đất hiếm từ Trung Quốc. Trong những năm 1980, sản lượng của một số nguyên tố đất hiếm ở Mỹ đã vượt quá bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Nhưng Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp kinh tế săn mồi, khiến các sản phẩm giá rẻ tràn ngập thị trường toàn cầu, nhằm thay thế các đối thủ khác. Sau khi giành được lợi thế thị trường, Trung Quốc đã buộc những ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguồn cung cấp đất hiếm này phải chuyển nhà máy, sở hữu trí tuệ và công nghệ sang Trung Quốc, giống như việc họ cắt nguồn cung cấp cho Nhật Bản vào năm 2010.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp lớn nhất của Mỹ. Kim loại đất hiếm và kim loại thứ cấp được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp Mỹ, từ động cơ máy bay, điện thoại di động đến khoan dầu khí.
Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, chính quyền Bắc Kinh coi kim loại đất hiếm là “vũ khí bí mật”. Truyền thông nhà nước Trung Quốc “Tân Hoa xã” đã có một bài báo vào tháng 4/2019, nói rằng: “Nếu không có vật liệu đất hiếm mới từ Trung Quốc, hơn 80% thiết bị quân sự của Mỹ sẽ không thể hoạt động và trở thành đồ trang trí”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết vẫn còn phải xét xem liệu Trung Quốc có sử dụng kim loại đất hiếm nhằm trả đũa hay thương lượng hay không. Ông Trần Cung, đối tác sáng lập của trung tâm nghiên cứu và phân tích Anbound, đã đăng một bài viết, nói rằng dư luận đương nhiên là phiến diện, nhưng nếu các cơ quan chính phủ cũng hành động một cách phiến diện, sẽ có thể đặt nền kinh tế quốc gia và sinh kế của người dân vào tình huống nguy hiểm. Kinh tế thị trường là nền kinh tế hệ thống, được quyết định bởi các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Đối mặt với tính hệ thống, bất kỳ chính sách hành chính có tính nhắm thẳng, chỉ duy hộ lợi ích một phía sẽ phải đối mặt với giá thành lớn và nguy cơ thất bại.
Việc ứng dụng đất hiếm của Mỹ có thể nói là đã đến cực điểm. Chỉ riêng trong ngành quân sự, nguyên tố đất hiếm đã được sử dụng rộng rãi trong thế hệ máy bay chiến đấu mới F-22 và F-35 của Mỹ, cũng như tàu ngầm hạt nhân chiến lược, gồm cả các loại tàu chiến mặt nước khác nhau.
Một số phân tích cho rằng bản thân hàm lượng đất hiếm của Mỹ không hề thấp, chỉ đứng sau Trung Quốc. Mỹ từng là quốc gia khai thác và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới. Hàm lượng quặng đất hiếm nằm ở Đông Nam California có thể được sử dụng trong hơn 200 năm. Bởi đất hiếm do Trung Quốc xuất khẩu không chỉ có chất lượng cao, giá thành rẻ và tương đối dễ kiếm, mà còn tránh được các vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác của chính họ. Do đó, Mỹ chỉ cần đóng cửa các khu vực khai thác của riêng mình và chuyển sang nhập khẩu, nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ không thể tồn tại nếu không có đất hiếm của Trung Quốc.
Úc là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất đất hiếm, Lynas Corp sản xuất khoảng 13% nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Vào ngày 27/7 năm nay, Lynas Corp, một công ty khai thác mỏ ở Úc, đã đưa ra thông báo rằng họ đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ và sẽ hoàn thành quy hoạch nhà máy chế biến đất hiếm ở Texas vào năm 2021. Nguồn vốn ban đầu cho dự án do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp.
Trên thực tế, hàm lượng nguyên tố đất hiếm trong vỏ trái đất không hề ít, lượng dự trữ còn cao hơn vàng rất nhiều. Một nguyên nhân quan trọng khiến nguyên tố đất hiếm khan hiếm là do hàm lượng nguyên tố đất hiếm trong các mỏ đất hiếm thông thường rất thấp, gây khó khăn rất lớn cho việc chắt lọc nguyên chất. Không chỉ quy trình phức tạp mà chi phí giá thành cũng cao. Điều khó chấp nhận nhất là một lượng lớn nước thải ô nhiễm, độc hại sẽ phát sinh, gây thiệt hại lớn cho môi trường, đây là vấn đề nhức nhối của nhân loại từ lâu.
Khai thác đất hiếm thải ra nhiều nguyên tố phóng xạ, đây cũng là một vấn đề rất lớn đối với sức khỏe con người. Đó là lý do tại sao trong nhiều năm qua, sau cái gọi là cải cách và mở cửa của Trung Quốc, nước này gần như đã trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có thể khai thác và xuất khẩu một lượng lớn đất hiếm, nhưng cái giá phải trả là sức khỏe của người dân Trung Quốc.
Văn Long