- Mộc San
Một số loại vắc-xin viêm phổi Vũ Hán do Trung Quốc phát triển vẫn chưa qua kiểm chứng khoa học cuối cùng, nhưng nước này đã vội vã tiêm chủng cho hàng trăm ngàn người. Điều đáng chú ý là ông Trịnh Trung Vĩ (Zheng Zhongwei), một quan chức của Ủy ban Y tế Sức khỏe Trung Quốc, đã nói rõ rằng hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc chưa được chứng minh đầy đủ, những người tiêm vắc-xin này có thể mất cảnh giác, từ đó gây ra sự lây lan lớn hơn.
Một báo cáo mới đây của hãng tin AP dẫn lời một quan chức cấp cao của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) cho biết, loại vắc-xin do tập đoàn này phát triển đã được tiêm cho 350.000 người. Công ty TNHH Công nghệ sinh học Khoa Hưng Trung Duy, Bắc Kinh (Sinovac Biotech) tuyên bố rằng hơn 10.000 người đã được chính quyền thành phố Bắc Kinh tiêm vắc-xin của công ty. Công ty cũng cung cấp 200.000 liều vắc-xin cho Vũ Hán để tiêm chủng cho các nhân viên y tế trong thành phố này. Sinovac Biotech đã tiêm vắc xin cho hơn 90% nhân viên và gia đình của họ, số người liên quan lên đến khoảng 3.000 người. Trước đó, quân đội Trung Quốc đã tiêm vắc-xin do Cansino Biotech sản xuất cho quân nhân.
Đồng thời, các công ty lớn bao gồm Huawei và Đài truyền hình Phượng Hoàng cũng đã thông báo rằng họ sẽ hợp tác với Tập đoàn Sinopharm để tiêm chủng cho nhân viên của mình..
Do vắc-xin được sản xuất tại Trung Quốc vẫn chưa được kiểm chứng lâm sàng, do đó việc Trung Quốc tiêm chủng vắc-xin trên quy mô lớn đã đã khiến các chuyên gia ở nhiều nước kinh ngạc và nghi hoặc. Tờ New York Times chỉ ra rằng, “Không có quốc gia nào khác tiêm cho người dân những loại vắc-xin chưa được kiểm định trên quy mô lớn như vậy ngoài quy trình thử nghiệm thuốc thông thường.” Tiếng nói nước Đức (DW) cho biết, “Vắc-xin chưa được kiểm chứng lâm sàng có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng, người tiêm vắc xin cũng có thể nhầm tưởng rằng mình đã có miễn dịch, từ đó buông lơi cảnh giác và gây ra lây truyền trên diện rộng”.
Để nhanh chóng quảng bá vắc xin của mình, Trung Quốc thậm chí còn cắt ghép đoạn phim của bà Soumya Swaminathan – nhà khoa học trưởng của WHO, làm giả bà Swaminathan “tuyên bố rằng vắc xin của Trung Quốc có hiệu quả”. Kết quả là, đoạn video được phát hiện là phiên bản chỉnh sửa của bài phát biểu của bà Swaminathan tại cuộc họp báo thường kỳ của WHO vào ngày 21/9, nội dung không phải là những thông tin mà bà muốn phát biểu.
Thực tế, ông Trịnh Trung Vĩ, một quan chức của Ủy ban Y tế Sức khỏe Trung Quốc, đã nói rõ trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu tuần trước (ngày 25/9) rằng hiệu quả của vắc-xin sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc vẫn chưa được xác định.
Trong khi đó, hiện vẫn chưa rõ hàng trăm ngàn người được tiêm vắc-xin Trung Quốc đã được cảnh báo đầy đủ về những rủi ro của vắc-xin chưa được kiểm nghiệm hay chưa.
Vắc-xin bị lỗi có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tờ New York Times đưa tin, năm 2017, nhiều trẻ nhỏ được tiêm vắc-xin sốt xuất huyết của hãng Sanofi có bệnh tình nghiêm trọng hơn sau khi nhiễm bệnh. Những năm 1960 của thế kỷ 20, nhiều trẻ nhỏ được tiêm vắc-xin phòng virus hợp bào hô hấp cũng gặp phải tác dụng phụ khiến thử nghiệm bị hủy bỏ. Đồng thời, chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn cũng sẽ làm tăng nguy cơ tiêm nhiều vắc-xin cùng loại, điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Ngoài ra, giá vắc-xin tại Trung Quốc cũng gây tranh cãi. Hãng tin AP (Mỹ) dẫn lời nhiều người tiêm chủng cho biết giá tiêm chủng vào khoảng 1.000 nhân dân tệ. Đối với một đất nước với dân số 600 triệu người có thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ mà nói, sẽ có rất nhiều người không thể mua nổi vắc-xin.
Đoan Mộc San