- Phan Anh
Mới đây, 3 vị CEO của Facebook, Twitter, Google cho biết họ sẽ tham dự phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ vào ngày 28/10 tới đây (chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 diễn ra) về một điều luật quan trọng nhằm bảo vệ các công ty công nghệ.
Hôm 3/10 vừa qua, Twitter thông báo chính thức rằng CEO Jack Dorsey sẽ tham gia phiên điều trần.
Ngoài ra, theo tờ Washington Post, CEO Facebook Mark Zuckerberg và CEO Alphabet (công ty mẹ của Google) Sundar Pichai cũng đồng ý tham gia chất vấn. Được biết, các CEO đã tự nguyện tham gia thay vì nhận trát hầu tòa từ các nhà lập pháp.
Trước đó, vào ngày 1/10, Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí về việc yêu cầu CEO của 3 công ty công nghệ trên phải tiến hành trả lời chất vấn trước Quốc hội về Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act). Phiên điều trần sẽ được tổ chức bởi Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải Thượng viện Mỹ, xoay quanh Điều 230 trong Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông. Đây là quy định bảo vệ các công ty mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm về nội dung bài đăng của người dùng, đồng thời cho phép họ đưa ra các quyền kiểm duyệt của riêng mình.
Những người ủng hộ cho rằng luật này giúp bảo vệ tự do ngôn luận trên Internet, tuy nhiên nó lại khiến các chính trị gia tranh cãi. Một số thành viên đảng Dân chủ muốn sửa Điều 230, buộc các công ty mạng xã hội phải có động thái cứng rắn hơn trước những bài đăng thù địch và đưa tin sai sự thật. Còn các thành viên thuộc đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump cho rằng đây là điều luật thiên vị và cần phải bị hạn chế.
CEO Jack Dorsey của Twitter bày tỏ hy vọng phiên điều trần sẽ mang tính xây dựng, với trọng tâm là các vấn đề mà người Mỹ quan tâm nhất là làm sao để hợp tác bảo vệ các cuộc bầu cử sắp tới. Dự kiến phiên điều trần sẽ được tiến hành bằng hình thức trực tuyến. Bên cạnh việc thảo luận về cải cách Điều 230, cuộc họp cũng sẽ bàn tới những vấn đề như quyền riêng tư của khách hàng và củng cố lĩnh vực truyền thông.
Trước đó, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh liên quan đến Điều 230, trong đó thể hiện thái độ không hài lòng khi Facebook và Twitter gắn nhãn (tag) các bài đăng của ông chứa thông tin sai sự thật. Hồi tháng 5/2020, ông đã kêu gọi Bộ Thương mại yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra các quy định mới nhằm làm rõ khi nào hành vi của một công ty vi phạm Điều 230. Theo Tổng thống Trump, Điều 230 đã trao cho các công ty truyền thông quá nhiều sự bảo vệ về mặt pháp lý, cho phép họ trốn tránh trách nhiệm đối với các hành vi của mình. Ông cáo buộc rằng các nội dung đăng lên Facebook, Twitter phải chịu sự “kiểm duyệt ngầm” nhưng thường bị các công ty này phủ nhận.
Trên thực tế, 3 gã khổng lồ công nghệ không đồng ý với quan điểm cho rằng việc kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của mình có liên quan đến yếu tố chính trị. “Thiên vị chính trị là cáo buộc không có cơ sở, chúng tôi đã bác bỏ nhiều lần trước Quốc hội. Nó cũng không được chứng minh bởi các nghiên cứu độc lập,” phía Twitter cho hay.
Đây không phải là lần đầu tiên các CEO công nghệ phải ra điều trần trước Quốc hội. Hồi tháng 7 vừa qua, CEO của Facebook và Google đã có mặt để trả lời các câu hỏi chất vấn về hành vi độc quyền, trong khi CEO Twitter từng bị triệu tập năm 2018 với chủ đề kiểm duyệt nội dung liên quan đến các cuộc bầu cử tại Mỹ.
Ngành công nghệ từ lâu đã coi Điều 230 là sự bảo vệ quan trọng, dù quy định này ngày càng gây tranh cãi khi “quyền lực ngầm” của các công ty đã tăng lên một cách đáng kể.
Phan Anh (tổng hợp)