- Phan Anh
Ngày 5/10 vừa qua, Ủy ban Nobel của Viện Karolinska (Thụy Điển) đã công bố giải Nobel Y học 2020 thuộc về 2 nhà khoa học người Mỹ (Harvey J. Alter, Charles M. Rice) và 1 nhà khoa học người Anh (Michael Houghton) với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.
Theo Ủy ban Nobel, những phát hiện của họ đã tiết lộ nguyên nhân gây ra tình trạng viêm gan mãn tính, giúp thực hiện các xét nghiệm cần thiết và tìm ra những loại thuốc mới để cứu sống hàng triệu người. Cả 3 nhà khoa học được vinh danh “bởi những đóng góp mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại bệnh viêm gan C lây truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe toàn cầu gây ra xơ gan và ưng thư gan.”
Giáo sư Gilbert Thompson thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh), bệnh viêm gan C được xem là nguyên nhân gây nhiều ca tử vong. Đây là một vấn đề lớn và các khám phá được trao giải là một bước tiến dài. Giải Nobel Y học đặc biệt ý nghĩa trong năm 2020 bởi thế giới vẫn đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, cho thấy tầm quan trọng của nghiên cứu trong lĩnh vực y học đối với xã hội và các nền kinh tế trên toàn cầu.
“Lần đầu tiên trong lịch sử, virus viêm gan C có thể được chữa khỏi,” Ủy ban Nobel cho biết khi công bố giải thưởng vào ngày 5/10. Theo đó, nghiên cứu của nhà khoa học Harvey J. Alter (sinh năm 1935 ở New York, Mỹ, làm việc tại Viện Y tế quốc gia thuộc Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ) đã chứng minh rằng một loại virus không xác định là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm gan mãn tính. Ông Michael Houghton (sinh năm 1950 ở Anh, làm việc tại Đại học Alberta) đã giúp phân lập bộ gen của loại virus mới và đặt tên là virus viêm gan C. Nhà khoa học Charles M. Rice (sinh năm 1952 ở California, Mỹ, chuyên gia về virus học tại Đại học Rockefeller) đã cung cấp bằng chứng cuối cùng cho thấy chỉ riêng virus viêm gan C cũng có thể gây ra bệnh viêm gan. Công trình của các nhà khoa học kể từ thập kỷ 1970 và thập kỷ 1980 đã góp phần cứu sống hàng triệu người.
Ông Thomas Perlmann, Tổng thư ký của Ủy ban trao giải Nobel cho biết ông đã liên lạc với các nhà khoa học và họ rất ngạc nhiên khi biết tin, đồng thời cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã giành giải thưởng cao quý này.
Năm 2020, mỗi giải Nobel sẽ được trao số tiền là 10 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1,2 triệu USD), tăng thêm 1 triệu krona so với năm 2019, và sẽ được chia đều nếu có nhiều hơn 1 người được vinh danh. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lễ trao giải Nobel theo phương thức truyền thống ở Stockholm sẽ không thể diễn ra. Thay vào đó, sự kiện này sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình. Chủ nhân các giải Nobel sẽ nhận giải tại nhà riêng hoặc tại các đại sứ quán.
Tất cả các giải Nobel đều được trao tại Thụy Điển, trừ giải Nobel Hòa bình ở Na Uy. Cũng do tình hình dịch COVID-19, Viện Nobel Na Uy sẽ thu hẹp quy mô lễ trao giải Nobel Hòa bình dự kiến diễn ra tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào tháng 12/2020.
Tính đến nay, giải Nobel Y học đã được trao 111 lần từ năm 1901 cho 222 nhà khoa học trên thế giới, trong đó có 12 phụ nữ từng được nhận giải này. Chủ nhân trẻ tuổi nhất là nhà khoa học người Canada Frederick G. Banting, nhận giải năm 1923 khi mới 23 tuổi, với công trình khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường. Chủ nhân lớn tuổi nhất là bác sỹ người Mỹ Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu phát hiện ra một số virus có thể gây ung thư.
Năm 2019, Giải Nobel Y học được trao cho 3 nhà khoa học William Kaelin, Peter Ratcliffe và Gregg Semenza bởi những khám phá về cách thức các tế bào cảm thụ và thích ứng với môi trường oxygen thay đổi.
Nobel Y học là giải thưởng Nobel đầu tiên được công bố trong năm 2020. Tiếp theo đó sẽ là các lễ công bố trao giải Nobel Vật lý vào ngày 6/10, Nobel Hóa học ngày 7/10, Nobel Văn học ngày 8/10, Nobel Hòa bình ngày 9/10 và Nobel Kinh tế ngày 12/10.
Phan Anh (tổng hợp)