Trung Quốc: Người dân mọi tầng lớp tìm cách nhập cư vào các quốc gia châu Âu

  • Nicole Hao

Một tài liệu rò rỉ tiết lộ rằng một số chính trị gia, tỷ phú và tội phạm Trung Quốc đã có được hộ chiếu Đảo Síp bằng cách đầu tư hơn 2 triệu USD vào nước này.

Trên thực tế, người dân Trung Quốc thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau đang cố gắng thoát khỏi Trung Quốc. Ngoài hình thức nhập cư theo diện gia đình hoặc theo thị thực lao động, những người giàu có Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài để được nhập cư vào nước đó, còn những người bình thường hoặc những người không có đủ nguồn lực tài chính thì đi theo con đường bất hợp pháp.

Viện Chính sách Di cư Mỹ báo cáo hôm 15/1 rằng 2,5 triệu người Trung Quốc Đại lục đã nhập cư hợp pháp vào Hoa Kỳ trong năm 2018.

Theo Bộ phận Dân số Liên Hợp Quốc, cùng lúc đó, ngày càng có nhiều người Trung Quốc Đại lục nhập cư vào Canada, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore, các nước châu Âu cũng như các quốc gia phát triển khác.

Nhà bình luận Tang Jingyuan ở Mỹ nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Dựa trên thông tin tôi nhận được từ Trung Quốc, trên thực tế, cả người giàu và nghèo Trung Quốc đều đang cố gắng di cư ra nước ngoài bằng cả hình thức hợp pháp và bất hợp pháp. Người Trung Quốc đều có cùng nỗi lo sợ.”

Ông Tang giải thích rằng hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của chế độ cộng sản Trung Quốc và những hạn chế chặt chẽ về phát ngôn trên internet khiến cuộc sống tại Trung Quốc ngày càng ngột ngạt. “Chúng ta có thể nhìn thấy người dân Trung Quốc thậm chí không có được các quyền cơ bản của con người.”

Chính quyền Trung Quốc lắp đặt hệ thống giám sát khổng lồ nhận diện khuôn mặt cùng các công nghệ khác để chấm điểm tín nhiệm xã hội đối với từng cá nhân. Nếu điểm thấp, họ có thể bị trừng phạt như không cho sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc cấm không cho con cái họ đến trường.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là nền kinh tế Trung Quốc hiện đang ở trong tình trạng tồi tệ mà chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều thừa nhận.

Ông Tang nói: “Chúng ta đã chứng kiến chế độ cộng sản Trung Quốc từng lợi dụng danh nghĩa cải cách hoặc phát triển một khu vực mới như một cái cớ để cướp đi nhà cửa, xí nghiệp của những người giàu có và trung lưu. Người dân cảm thấy rằng chế độ này có thể lấy tài sản của họ chỉ qua một đêm.”

Trong vài tháng qua, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã tiến hành cưỡng chế các chủ nhà ra khỏi bất động sản mà họ đã mua hơn 10 năm trước. Cùng lúc đó, chính quyền tỉnh Sơn Tây tịch thu các cửa hàng và cửa hiệu của người dân và tuyên bố đất này thuộc về chính phủ.

Ông Tang kết luận: “Cảm thấy mối đe dọa từ chính quyền và tình trạng tệ hại của nền kinh tế, nhiều người đã chọn rời khỏi Trung Quốc.”

Visa/Hộ chiếu vàng

Kể từ năm 2010, ngày càng có nhiều các nước châu Âu triển khai chương trình “Thị thực Vàng” để cấp giấy phép cư trú cho những người không phải cư dân EU nếu họ đầu tư một số tiền nhất định vào những nước này.

Công dân Trung Quốc là một trong những nhóm lớn nhất tham gia vào các chương trình thị thực vàng.

Ví dụ, theo trang web Visa Vàng của Bồ Đào Nha, Bồ Đào Nha lần đầu tiên áp dụng “Giấy phép cư trú vàng” vào tháng 10/2012 và là chương trình phổ biến nhất tại châu Âu. Thông qua chương trình, một gia đình (gồm cả con cái) có thể nhận được giấy phép cư trú sau khi đầu tư vào bất động sản ở Bồ Đào Nha với giá trị ít nhất 500.000 euro (591.900 USD) tại các khu vực sầm uất hoặc 350.000 euro (414.330) tại các khu vực ít đông đúc hoặc các khu vực đang ưu tiên phát triển. Visa vàng có thể được gia hạn mỗi hai năm dựa trên các yêu cầu cư trú nhất định.

Người nộp đơn có thể xin giấy phép thường trú nhân hoặc hộ chiếu sau khi có giấy phép cư trú trong 5 năm.

Vào tháng 9, Cơ quan quản lý Biên giới và Người nước ngoài Bồ Đào Nha (SEF) đã công bố số liệu thống kê mới nhất về chương trình Visa Vàng, cho thấy có 9.015 người đã nhận được giấy phép thường trú nhân Bồ Đào Nha thông qua hình thức đầu tư trong khoảng thời gian từ tháng 10/2012 đến tháng 7/2020.

Trong số đó, 4.652 người, chiếm 51,6% đến từ Trung Quốc, tiếp theo là 956 từ Brazil, 433 từ Thổ Nhĩ Kỳ, 370 từ Nam Phi, và 340 từ Nga.

Đảo Síp cũng có chính sách nhập cư hấp dẫn đối với các cư dân không thuộc EU. Họ cung cấp quyền công dân cho những người đầu tư vào nước này mà không yêu cầu phải cư trú.

Theo chính sách, để có hộ chiếu Síp, người nộp đơn cần đầu tư 2 triệu euro (2,37 triệu USD) vào bất động sản và đóng góp 100.000 euro cho Quỹ Nghiên cứu và Phát triển của chính phủ, cộng với 100.000 euro cho Tổ chức Phát triển Đất đai.

Để có giấy phép thường trú nhân Síp cho toàn bộ gia đình (bao gồm cha mẹ của cả người nộp đơn chính và của vợ hoặc chồng người nộp đơn, cùng với con cái phụ thuộc lên đến 25 tuổi), người nộp đơn cần đầu tư 300.000 euro (352.000 USD) vào bất động sản.

Đảo Síp là một quốc gia EU. Công dân của họ có thể làm việc và sống tại bất kỳ quốc gia EU nào và thường trú nhân của họ có thể đi khắp Khu vực Schengen mà không cần visa.

Để giúp việc đi lại xuyên quốc gia dễ dàng hơn, 26 nước châu Âu đã tham gia Hiệp định Schengen, được ký lần đầu tiên vào ngày 14/6/1985. Các nước thành viên EU đã bãi bỏ biên giới quốc gia và cho phép công dân của mình đi lại tự do mà không cần phải xin visa.

Tài liệu Síp

Al Jazeera, một cơ quan tin tức có trụ sở tại Qatar, đã đưa tin hôm 26/8 rằng họ có được dữ liệu xin cấp hộ chiếu của Síp từ các tài liệu bị rò rỉ, được gọi là “Tài liệu Síp.”

Theo tài liệu này, Al Jazeera đưa tin rằng hơn 500 công dân Trung Quốc và 350 người Ả Rập đã nhận được quốc tịch Síp thông qua chương trình Hộ chiếu Vàng. Tuy nhiên, một số người trong đó có tiền án hình sự.

Trong số 500 người Trung Quốc này, ông Li Jiadong bị buộc tội rửa tiền 100 triệu USD thông qua hình thức tiền điện tử tại Hoa Kỳ vào ngày 2/3. Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt ông này.

Ông Li 33 tuổi là người tỉnh Liêu Ninh. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các hacker Triều Tiên đã truy cập vào được một sàn giao dịch tiền ảo vào năm 2018 và đã cướp đi một số tiền ảo trị giá 250 triệu USD. Sau đó họ đã rửa số tiền điện tử này thông qua một số giao dịch.

Các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc rằng Ông Li và ông Tian Yinyin, một công dân Trung Quốc khác, đã rửa số tiền điện tử này từ tháng 12/2017 cho đến tháng 4/2019. Họ cũng kinh doanh tại Hoa Kỳ nhưng không đăng ký với Bộ Tài chính theo yêu cầu của luật pháp Hoa Kỳ.

Ông Li đã có quốc tịch Síp vào năm 2018 bằng cách đầu tư vào thị trường bất động sản địa phương.

Giới thượng lưu Trung Quốc với tiền án hình sự cũng được chấp thuận cấp visa Síp.

Ông Zhang Keqiang 60 tuổi là cựu thành viên của cơ quan lập pháp Trung Quốc và là một tỷ phú ở thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Ông và vợ đã nhận được hộ chiếu Síp vào năm 2018.

Ông Zhang đã bị bắt vào tháng 1/2011 tại Trung Quốc vì bị tình nghi gian lận khi mua lại một công ty khai thác mỏ của nhà nước.

Ông đã bị kết án bốn năm tù và mất tư cách thành viên cơ quan lập pháp vào năm 2011.

Chính phủ Trung Quốc không cho phép mang hai quốc tịch và cũng yêu cầu rằng các đại biểu Quốc hội, quan chức cấp cao và lãnh đạo chủ chốt các công ty nhà nước phải là người có hộ chiếu Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Tài liệu Síp, một số đại biểu Quốc hội Trung Quốc hiện tại và chủ tịch các công ty nhà nước có quốc tịch Síp.

Al Jazeera đã liệt kê một số chính trị gia Trung Quốc, gồm có ông Lu Wenbin, đại biểu của cơ quan lập pháp thành phố Thành Đô; ông Chen Anlin, thành viên hiện thời của cơ quan hiệp thương chính trị quận Hoàng Bi (thuộc thành phố Vũ Hán); ông Zhao Zhenpeng, thành viên hiện thời của cơ quan hiệp thương chính trị thành phố Tân Châu (tỉnh Sơn Đông), và ông Fu Zhengjun, phó chủ tịch Trung tâm Phát triển Kinh tế Zheshang ở tỉnh Chiết Giang.

Bà Yang Huiyan, cổ đông lớn nhất và cũng là đồng chủ tịch của công ty bất động sản Country Garden Holdings, và ông Chen Chong, chồng bà cũng có tên trong danh sách.

Năm 2007, bà Yang được tại chí Forbes xếp vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Năm 2020, Forbes xếp bà Yang là người giàu thứ năm ở Trung Quốc với tài sản ròng 20,3 tỷ USD. Ông Chen hiện là thành viên cơ quan hiệp thương chính trị tỉnh Quảng Đông.

Việc cấp hộ chiếu EU cho các cá nhân có tiền án hình sự hoặc đang trốn các nhà chức trách là vi phạm các quy định của EU.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu đã trả lời The Epoch Times qua email hôm 31/8 rằng mỗi quốc gia EU phải tuân thủ luật pháp của Liên minh, và “Ủy ban đã thường xuyên nêu lên quan ngại về chương trình cấp quốc tịch cho nhà đầu tư và một số rủi ro cố hữu, đặc biệt liên quan đến an ninh, rửa tiền, trốn thuế, và tham nhũng.”

Người phát ngôn cho biết Ủy ban đã nêu lên quan ngại trực tiếp với nhà chức trách Síp sau vụ tài liệu bị rò rỉ, bởi “những chương trình như vậy ảnh hưởng đến toàn EU.” Chính phủ Síp đã thông báo họ sẽ xem xét lại tất cả các đơn đăng ký trước đó.

Những người Trung Quốc bình thường

Người Trung Quốc bình thường cũng đang cố gắng di cư đến các nước phương Tây. Trong những tháng gần đây, một kênh mới đã trở nên phổ biến.

Cô Sun và con trai 11 tuổi đã trốn khỏi Trung Quốc và hiện đang định cư tại một quốc gia nhỏ ở đông nam châu Âu. Họ đến từ Quảng Đông, một trong những khu vực phát triển nhất ở Trung Quốc.

Cô Sun nói với Đài Á châu Tự do (RFA) qua điện thoại vào tháng 8: “Nền kinh tế Trung Quốc hiện rất tệ. Ngay cả người trẻ tuổi cũng thất nghiệp. Chính quyền Trung Quốc đang lấy đi tài sản của người dân mà không có lý do chính đáng.”

Sau đó cô Sun đưa ra một ví dụ: “Một trong những người bạn của tôi là một doanh nhân giàu có ở thành phố Phật Sơn. Anh ấy có ba nhà máy. Chính quyền đã tịch thu hai nhà máy của anh ấy. Thậm chí tài sản mà anh ấy chuyển đến Hồng Kông cũng bị lấy đi.”

Cô Sun nói thêm: “Tôi không có ý định quay về Trung Quốc. Tôi đang lên kế hoạch cho tương lai của mình ở đây. Những người bạn giàu có của tôi cũng có kế hoạch trốn khỏi Trung Quốc.”

Trung Quốc có thỏa thuận miễn visa với một số quốc gia nhỏ ở Balkan như Serbia, Bosnia & Herzegovina, và Albania trong mùa du lịch.

Biết được chính sách này, cô Sun đã rời khỏi Trung Quốc bằng máy bay hôm 30/6. Tại sân bay, cô và con trai đã bị hải quan Trung Quốc điều tra. Họ đã nói dối rằng họ sẽ đến du lịch các nước ở vùng Balkan. 

Cô Sun nói với RFA: “Trong tháng 6, hơn 10 người Trung Quốc đã đến thành phố này trước chúng tôi. Theo tôi biết, một số lượng lớn người Trung Quốc sẽ sớm đến đây. Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là các nước Tây Âu.”

Cô Sun không nói cách mà cô dự định nhập cư vào EU từ quốc gia không thuộc EU này. Cô cho biết chi phí sinh hoạt ở đây khá thấp, nhưng cô vẫn muốn sống tại EU.

Cô Sun kết luận: “Những người giàu có Trung Quốc đang di cư đến các quốc gia thành viên thuộc nhóm Ngũ Nhãn (Úc, Canada, New Zealand, Anh, và Hoa Ky. Những người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu đang cố gắng để được sống tại Khu vực Schengen của châu Âu. Những người Trung Quốc nghèo hơn giống như tôi cũng đang trốn khỏi Trung Quốc.”

Giống như cô Sun, nhiều người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn đã rời khỏi Trung Quốc nhưng họ không có tư cách pháp nhân ở nước ngoài.

Nhập cư lậu

Anh Arnold Song (bí danh) làm đầu bếp tại một nhà hàng ở Paris. Anh đã nhập cư lậu vào Pháp từ quê nhà của mình ở Công Chủ Lĩnh thuộc tỉnh Cát Lâm, vùng đông bắc Trung Quốc vào năm 2018. Phí nhập cư lậu khiến anh mất khoảng 180.000 nhân dân tệ (26.200 USD). Lý do anh rời Trung Quốc là để kiếm nhiều tiền hơn để lo cho cha mẹ già và cô con gái nhỏ của mình.

Anh Song, một người cha đơn thân, nói với The Epoch Times qua điện thoại hôm 29/8 rằng chuyến đi nhập cư lậu đầy gian khổ.

Chuyến đi bắt đầu từ thành phố Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông giáp biên giới với Hồng Kông. Kẻ buôn người đã sắp xếp để anh Song và hơn 10 người Trung Quốc khác đến sân bay Hồng Kông bằng xe buýt, sau khi giúp họ kiếm được giấy phép du lịch Hồng Kông dành cho người Đại lục.

Tại sân bay Hồng Kông, kẻ buôn lậu đưa hộ chiếu Nhật Bản cho từng người. Anh Song cho biết hộ chiếu đưa cho anh có hình của anh với tên tiếng Nhật trên đó. Vài giờ sau, họ đã đáp chuyến bay đến Kiev, Ukraine.

Tại sân bay Kiev, một người đàn ông đón anh Song và những người khác, rồi thu hồi hộ chiếu Nhật Bản của họ. Bảy hoặc tám giờ sau, họ được đưa đến một ngôi nhà nằm trong rừng.

Anh Song nói: “Người lái xe là người Trung Quốc. Anh ấy yêu cầu tất cả chúng tôi ngồi ở bên trong thùng sau của một chiếc xe tải. Chúng tôi chỉ được phép xuống xe một lần trong suốt chuyến đi dài. Rất khó thở bởi vì có hơn 10 người bên trong và đường đi rất xóc.”

Những thử thách thực sự đã đến sau đó. Anh Song nói ngôi nhà nằm cách biên giới Ba Lan khoảng một giờ lái xe, và không có tòa nhà nào xung quanh đó. Khi họ đến, đã có 8 hoặc 9 người Trung Quốc bên trong ngôi nhà. Họ nói với anh Song rằng họ đã chờ ở đó nửa tháng.

Những ngày sau đó rất buồn chán. Anh Song nói: “Không thực phẩm tươi, không nước nóng, không giường, không kết nối internet, không có gì để đọc hoặc xem … Cứ cách 3 hoặc 4 ngày, người lái xe lại đưa đến một ít bánh mì khô. Tôi đã sống ở đó một tháng.”

Cuối cùng, một người Trung Quốc xa lạ đã đến đón anh Song và 4 người đàn ông rồi đưa họ vượt qua biên giới bằng cách đi bộ xuyên qua khu rừng.

Anh Song nói: “Chúng tôi đã trải qua một tuần trong rừng … Tôi không muốn nói chi tiết. Rất là cực khổ. Tại Ba Lan, một tài xế khác đã đón và đưa chúng tôi đến Slovakia. Sau đó một tài xế khác đưa chúng tôi đến Hungary.”

Anh Song nói rằng kẻ buôn người đã hứa đưa anh đến Hà Lan, nhưng đã để anh ở lại Budapest sau khi ông ta nhận toàn bộ tiền thanh toán. Sau đó, anh Song đã thuê một người đàn ông Trung Quốc chở anh đến Paris.

Trong Khu vực Schengen, các nhân viên biên phòng vẫn kiểm tra hộ chiếu của hành khách nếu họ đi xe buýt hoặc xe lửa, nhưng lại không kiểm tra giấy tờ tùy thân của người lái xe ô tô riêng.

Anh Song nói rằng nếu cuộc sống ở Trung Quốc dễ chịu hơn, anh đã không trốn khỏi quê hương mình.

Anh Song nói: “Tôi chắc chắn sẽ quay trở về nếu chính phủ Trung Quốc có thể chăm lo cho giới trẻ và những người cao tuổi.”

Nicole Hao/ The Epoch Times

Related posts