Một Trung Quốc đầy tham vọng đang đốt cháy những nhịp cầu hợp tác thế giới

Brian P. Klein

Phạm Hoài Nam dịch

Trong mấy tuần qua, mối quan hệ kéo dài nhiều thập niên giữa Trung Quốc và Âu Châu gặp một trở ngại lớn khi các cuộc thương thuyết giữa hai bên bị bế tắc về vấn đề đầu tư và nhân quyền. Các chiến đấu cơ của Trung Quốc đã mạo hiểm bay vào không phận của Đài Loan. Và những thương thuyết với Ân Độ về vấn đề biên giới đã không giải quyết được những bất đồng sau những cuộc đụng độ chết người.

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ càng lúc càng tệ hơn. Kể từ khi Trung Quốc cải tổ và mở cửa với thế giới bên ngoài từ hơn 40 năm qua, chưa bao giờ mối quan hệ giữa họ với thế giới căng thẳng như hiện nay. Bắc Kinh cùng một lúc đã gây thù với tất cả các nước lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương – Nhật, Úc và Ấn Độ – và phần lớn các nước ở Tây Âu, Canada và Hoa Kỳ.

Tham vọng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng càng lúc càng gia tăng với một cường độ mạnh hơn khiến cho các quốc gia này phải đặt câu hỏi: phải chăng Trung Quốc đang muốn nắm vai trò lãnh đạo thế giới trong một trật tự đa chiều mới. Phản ứng ngược của chính sách hiếu chiến này đã bắt đầu và sẽ gia tăng nếu như Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách này. Trung Quốc sẽ cảm thấy bị cô lập nhiều hơn, không phải vì chính sách ngăn chận của Hoa Kỳ mà chính vì chính sách đối ngoại của họ.

Các nước gần đây đã nhận ra cái giá phải trả để xâm nhập vào thị trường Trung Quốc – nếu không tuân theo luật chơi của nước này thì sẽ bị trừng phạt về kinh tế và chính trị, đồng thời công dân của họ có thể bị quấy rối tại Trung Quốc.

Chính điều đó đã thúc đẩy Ấn Độ và Nhật ký hiệp ước về vận chuyển quốc phòng; Úc, Nhật và Ấn Độ đang có kế hoạch thành lập “Sáng Kiến Một Đường Dây Cung Cấp An Toàn” (Supply Chain Resilience Initiative); và một sự gia tăng đáng kế về quốc phòng đang xảy ra trong khu vực.

Về mặt trận kinh tế, sức mạnh của một thị trường rộng lớn – một lợi điểm chính từng giúp cho chính quyền Trung Quốc thoát khỏi những trừng phạt về vi phạm nhân quyền – đang mất dần sự hấp dẫn. Trong lúc hậu quả của dịch bệnh Covid-19 có vẻ như chỉ gây tác hại nhẹ đối với sự phát triểu kinh tế, những hứa hẹn về lợi nhuận của Trung Quốc đã không mua được nhiều thiện chí địa chính trị như trước đây mặc dầu nhiều nước có nền kinh tế tân tiến đang bị suy thoát và dịch bệnh đang trở lại.

Các công ty Âu Châu mong muốn thương vụ của họ hoạt động như bình thường đang lo sợ bị trả thù một khi xảy ra một trận chiến chính trị với Trung Quốc. Liên Hiệp Âu Châu giữ vững lập trường về đòi hỏi Trung Quốc phải mở cửa thêm thị trường trước khi có thể ký hiệp ước về đầu tư, không để cho Trung Quốc có thêm thời gian để phát triển giống như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Nhật Bản đang tích cực khuyến khích các công ty của họ dời ra khỏi Trung Quốc lục địa. Sự đàn áp phong trào dân chủ tại Hồng Kông khiến cho các công ty ngoại quốc phải đánh giá lại là có nên còn tiếp tục hiện diện tại đó hay không. Và luật lệ mới của Bắc Kinh bắt buộc các công ty tư nhân phải chịu sự kiểm soát gắt gao hơn của chính phủ. Đó là một dấu hiệu rõ ràng đối với cộng đồng thương mại thế giới – việc làm ăn với Trung Quốc không còn giống như trước đây.

Về phương diện địa chính trị, Trung Quốc luôn luôn nói rằng họ chủ trương một sự hợp tác đa phương, nhưng thực tế cho thấy họ luôn làm ngược lại. Bắc Kinh đã đơn phương gây ra một cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Hy Mã Lạp Sơn, đội tàu đánh cá của họ không ngần ngại xâm phạm vào hải phận của nước khác cách xa bờ biển Trung Quốc và bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế về sự tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc ngày nay phát triển đủ mạnh để nói không với phần còn lại của thế giới, làm cho những ý kiến của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Liên Minh Âu Châu không còn có ảnh hưởng giống như trước đây.

Về phương diện quân sự cũng giống như thế, Trung Quốc đã tiến quá nhanh. 20 năm trước lực lượng không quân của họ được xem là lạc hậu, vô tổ chức, ngày nay phát triển mạnh đến độ bản báo cáo hàng năm của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ năm 2020 cho rằng họ đã “tận dụng tất cả tài nguyên, kỹ thuật và ý chí chính trị trong 2 thập niên qua để củng cố và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc về mọi phương diện.” Thật sự, là cũng từ bản báo cáo này cho thấy là Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ về một số phương diện.

Vấn đề không phải là các chính phủ không hiểu về Trung Quốc, đây là điệp khúc luôn được nhắc lại khi có sự bất đồng về ngoại giao xảy ra trong quá khứ. Những gì mà các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới thức tỉnh nhận ra, là Bắc Kinh không chỉ có một kế hoạch cho tương lại mà còn sẵn sàng áp đặt các nhìn của họ lên nước khác nếu như không làm theo ý họ.

Nước Úc gần đây đã phải hứng chịu sự trừng phạt của Bắc Kinh về giao thương khi quốc gia này kêu gọi mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh Covid-19. Trước đây Trung Quốc thường hay chỉ trích sự trừng phạt của Hoa Kỳ đối với một số nước và phủ quyết nó tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày nay chính họ là người sự dụng phương cách này với những lý lẽ biện hộ yếu kém hơn.

Sự cắt đứt liên hệ này đối với phần còn lại của thế giới cũng kinh khủng như sự giương lên nhanh chóng của Trung Quốc. Đối với các đối thủ cường quốc, các quốc gia này sẽ tận dụng mọi cơ hội để dành được ưu thế.

Nhưng phản ứng gần đây cho thấy sự phản khán của thế giới đối với Trung Quốc đang gia tăng, họ không muốn quốc gia này có ảnh hưởng lớn đối với thế giới giống như các cường quốc trước đây.

Dù tương lai có thể thường có cùng nhịp điệu với quá khứ, nhưng nó chưa được viết ra. Các nhà lãnh đạo khi đưa ra những quyết định cần quan tâm đến những lợi ích chung trong mối quan hệ liên tục, thay vì sa lầy vào cuộc chiến tranh bất tận với lịch sử.

Một hành tinh chung đang mất thế cân bằng, một hệ thống quốc tế được trang bị yếu kém để đối phó với thử thách này và đại dịch hiện tại không phân biệt biên giới giữa các quốc gia, đang cần có những chính sách sáng suốt hơn. Tối thiểu, Trung Quốc và các nước lân bang phải giữ những đường giây đối thoại để cho các cuộc thương thuyết có cơ hội được hình thành.

Thử thách sắp tới sẽ lớn hơn nhiều so với những tranh chấp giữa các cường quốc trong khá khứ và không có nước nào có thể đơn phương đương đầu với nó.

Brian P. Klein, từng là nhà ngoại giao của Mỹ, là người thành lập và là CEO của công ty  Decision Analytics, đặt trụ sở tại New York chuyên cố vấn về chiến lược chính trị.

Nguồn: How China’s growing power and ambitions are burning the bridges of global cooperation

Brian P. Klein, a former US diplomat, is the founder and CEO of Decision Analytics, a New York-based strategic advisory and political risk firm

Related posts