Choáng với hóa đơn tiền nước gần 40 triệu đồng (khoảng 2400 Úc kim)
Theo thông tin báo Thanh Niên nhận được, đơn khiếu nại của bà T.T.N.H. (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) về việc chỉ số nước tăng bất thường lên gần 40 triệu đồng trong kỳ giãn cách xã hội.
Theo thông tin báo Thanh Niên nhận được, trong đơn khiếu nại, bà H. cho biết đầu năm 2020, bà cho anh H.M.T thuê mặt bằng kế bên số nhà 32C1 Chu Văn An (phường 26, quận Bình Thạnh) để mở quán ăn bình dân. Đồng hồ nước được gắn mới vào tháng 12/2019, nghiệm thu lắp đặt ngày 17/12/2019. Số nước tiêu thụ mỗi tháng hơn 100m3 cho kỳ 2 và kỳ 3. Quán ăn sử dụng nước bình thường cho đến kỳ 4 và kỳ 5 (từ ngày 9/4 – 11/5) thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Chấp hành theo chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội, quán ăn của anh T. cũng như các cơ sở kinh doanh hàng ăn khác phải đóng cửa ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, số nước tiêu thụ trong kỳ 4 và kỳ 5 lại tăng bất thường. Nhà hàng đóng cửa, không sử dụng nhưng chỉ số nước tiêu thụ tăng vọt lên 128m3.
“Nhận thấy có bất thường, tôi điện thoại lên Công ty cổ phần cấp nước Gia Định yêu cầu kiểm tra và xem xét lại thì nhận được câu trả lời “đây là số tạm tính, không sao đâu ?!”. Tôi vẫn phải đóng tiền theo hóa đơn là hơn 3,7 triệu đồng. Đến khoảng 19 ngày sau, Công ty cấp nước lại đưa thêm hóa đơn với chỉ số tăng vọt lên 1.800 m3, thành tiền hơn 36,8 triệu đồng. Tôi lập tức liên hệ lại Công ty Gia Định yêu cầu kiểm tra. Ngày 13/5, có 2 nhân viên công ty xuống lập biên bản ghi nhận “đường nước đi nổi, không phát hiện rò rỉ, không bị thất thoát nước”. Đồng thời, tôi có cung cấp hình ảnh, chứng minh đồng hồ chạy từ ngày 24/4 – 10/5 chưa đến 100m3″, bà H kể với báo Thanh Niên..
Miền Trung đối mặt với 2 áp thấp nhiệt đới liên tiếp
Miền Trung Việt Nam sẽ đối mặt với 2 áp thấp nhiệt đới liên tiếp và có nguy cơ hứng chịu một đợt mưa lũ lớn. Đó là cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia được phát đi trong sáng ngày 6/10 dựa trên đường đi của các vùng áp thấp đang hoạt động trên Biển Đông.
Cụ thể, vào ngày 7/10, một áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ. Áp thấp kết hợp với không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống, tạo thành một tổ hợp xấu tác động đến thời tiết toàn Trung Bộ.
Đến ngày 11/10, một áp thấp nhiệt đới khác có khả năng xuất hiện trên Biển Đông khiến mưa lũ ở Trung Bộ tiếp diễn và phức tạp hơn. Đợt mưa thứ 2 xuất hiện, nối liền với đợt mưa lớn trước đó, có khả năng gây ra đợt lũ lớn trên các sông.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, lượng mưa từ 1.000 đến 1.500mm và kéo dài sẽ gây ra nhiều tình huống phức tạp cho những vùng bị ảnh hưởng. Đáng lưu ý, đây là thời điểm dịch bệnh ở Việt Nam đã tạm thời lắng xuống nên người dân đi du lịch nhiều. Do đó, các địa phương cần chủ động lên phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho nhóm đối tượng này.
Lào Cai: Mưa kỷ lục trong 63 năm, một bé 3 tuổi tử vong
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, đến 10h sáng nay, 6/10, mưa lớn tại một số địa phương như TP Lào Cai, huyện Bát Xát gây ra lũ, ngập lụt và sạt lở đất gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân.
Tại huyện Bát Xát, mưa lớn cục bộ làm vỡ bờ ao gây sập đổ hai gian nhà và cuốn tử vong bé gái 3 tuổi ở thôn Bản Vai, xã Bản Qua.
Mưa lớn cũng làm ngập hàng chục hécta hoa màu, cây trồng, ao nuôi thủy sản của người dân thôn Bản Vai, xã Bản Qua. Các cánh đồng rộng hàng trăm hécta của làng Quang, xã Quang Kim, thị trấn Bát Xát ngập sâu trong nước, có chỗ lên tới gần 1m. Tỉnh lộ 156A, 156B bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn, gây ách tắc giao thông.
Tại thành phố Lào Cai, đoạn quốc lộ 4D đi qua địa bàn tổ 1, phường Kim Tân, lũ suối Cốc San lên cao khiến nhiều phương tiện đi Sa Pa không thể qua được. Theo thống kê ban đầu, mưa lũ đã làm 28 hộ dân bị ngập và bị đất sạt vào nhà.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 63 năm qua tại huyện Bát Xát.
Gần 32 triệu lao động ảnh hưởng tiêu cực bởi viêm phổi Vũ Hán
Báo Tuổi trẻ dẫn nguồn từ Tổng cục thống kê ngày 6/10 cho biết trong 9 tháng qua, có gần 32 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch viêm phổi Vũ Hán.
Cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2020, có gần 70% người lao động từ 15 tuổi trở lên bị giảm thu nhập; gần 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 14% buộc phải tạm nghỉ việc do doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Trong 3 khu vực của nền kinh tế, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với gần 70% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 66% lao động bị ảnh hưởng.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng qua là gần 1,2 triệu người, tăng hơn 132.000 người so với cùng kỳ năm trước.