Belarus : Phong trào đấu tranh biến thành phong trào bài Nga ?
Báo Le Monde có bài viết đáng chú ý với tiêu đề “Tại Belarus, người biểu tình ngày càng bài Putin”. Mặc dù các nhà lãnh đạo đối lập đều nhấn mạnh không bài Nga, nhưng chính việc điện Kremlin hậu thuẫn cho tổng thống Loukachenko đã khiến phong trào đấu tranh đường phố trở nên bài Putin.
Gương mặt nổi bật của phe đối lập, bà Svetlana Tikhanovskaia, hiện giờ sống lưu vong tại Litva, khẳng định phong trào phản kháng làm rung chuyển Belarus suốt 57 ngày qua là “một cuộc cách mạng dân chủ chứ không phải một cuộc cách mạng địa chính trị”. Mỗi khi phát biểu, kể cả trước các lãnh đạo Tây phương, bà Tikhanovskaia đều tìm cách để phong trào đấu tranh của người dân Belarus không bị nhìn nhận là bài Nga. Tuy nhiên, Le Monde cho biết từ nhiều tuần nay, các biểu ngữ bài Putin đã nở rộ trong các đoàn người biểu tình, nhằm phản đối sự can dự của tổng thống Nga theo hướng ủng hộ đồng nhiệm Loukachenko, người bị dân chúng Belarus cho là gian lận trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua.
Theo truyền thông đối lập, cuộc biểu tình tuần thứ 9 chống chế độ Loukachenko đã tập hợp được hơn 100.000 người. Le Monde cho độc giả thấy sự đối lập giữa một bên là người biểu tình ôn hòa nhưng đầy quyết tâm, còn bên kia là vị tổng thống đã tại nhiệm suốt 26 năm, với lời hứa cải tổ Hiến Pháp nhưng luôn từ chối đối thoại với phe đối lập, mà đa phần thành viên đã bị bắt giam hay phải sống lưu vong ở nước ngoài. Sự can dự của chính quyền Nga và tổng thống Putin càng làm mọi việc trở nên khó khăn.
Ông Nikolai, một kỹ sư khoảng 50 tuổi, cho rằng: “Nếu không có Putin, cuộc cách mạng lẽ ra đã hoàn thành sớm hơn rất nhiều. Đương nhiên là có một sự can dự. Putin quá lo sợ là phong trào sẽ lan sang cả đất nước của ông ấy ». Vẫn theo ông Nikolai, cả hai nhà lãnh đạo Putin và Loukachenko đều là « những đứa con của Stalin”.
Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Anna Colin Lebedev, chuyên gia về không gian hậu Xô Viết, khẳng định là trong các bài phát biểu và thảo luận của những người phản đối chế độ, vai trò của nước Nga ngày càng chỉ trích, đặc biệt có những dấu hiệu cho thấy có sự đoàn kết với các phong trào phản kháng ở miền Viễn Đông Nga, tại Khabarovsk.
Tuy nhiên, vẫn có một số người biểu tình ca ngợi “tình huynh đệ” giữa Nga và Belarus, hai nước từng trải qua một lịch sử chung lâu dài. Điều này không khiến nhà nghiên cứu Piotr Rudkouski, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Belarus (BISS) ngạc nhiên. Ông nhận định thường thì người dân Belarus hoài nghi châu Âu và thân Nga, sự đảo chiều từ thân Nga sang bài Nga như hiện nay chủ yếu là do tác động của “cuộc chiến đấu vì dân chủ” của người biểu tình.
Theo Le Monde, thái độ phản đối Putin có thể được bắt nguồn từ thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus đạt được hôm 14/09, trong chuyến công du của Loukachenko tới Sochi. Một khoản cho vay trị giá 1,3 tỉ euro ủng hộ chế độ Belarus đã được Nga công bố. Cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy ông Loukachenko buộc phải đóng vai chư hầu của Matxcơva, và hơn bao giờ hết phụ thuộc vào nước Nga. Những cố gắng giành quyền tự chủ trong những năm gần đây của ông Loukachenko đã “đổ sông đổ bể”.
Thanh niên Ilya, 28 tuổi, thì khẳng định vấn đề chỉ nằm ở tổng thống Nga chứ không phải do người dân Nga. Còn đối với cô Victoria, việc ông Loukachenko tố cáo chính quyền Nga can thiệp vào bầu cử Belarus rồi sau đó lại đi xin sự trợ giúp của Matxcơva chỉ chứng tỏ sự yếu kém của Loukachenko. Trong khi đó, một phụ nữ khác cho rằng ông Putin làm vậy chỉ vì sợ phong trào đấu tranh lan sang Nga chứ không nhằm sáp nhập Belarus.
Ngôn ngữ và văn hóa Belarus đặc biệt được đề cao trong các cuộc biểu tình từ vài tuần nay song trên thực tế, cho dù tiếng Nga và tiếng Belarus đều được coi là ngôn ngữ chính thức, tiếng Belarus không được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Theo chuyên gia Piotr Rudkouski, nếu Vladimir Putin có những biện pháp mạnh hơn để hậu thuẫn Loukachenko, có thể phong trào đôi khi sẽ mang tính bài Nga, thậm chí sẽ có nhiều lời chỉ trích nhắm vào điện Kremlin hơn, nhưng phong trào đấu tranh của người dân Belarus sẽ không hoàn toàn biến thành bài Nga.
Bị Mỹ chế tài, 6 dự án bán dẫn lớn nhất Trung Quốc hiện đã tạm dừng hoạt động
Thêm một loạt tin xấu cho ngành công nghiệp bán dẫn còn non trẻ của Trung Quốc!
Theo Taiwan News, nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC đã xác nhận tin đồn hôm Chủ nhật (4/10) rằng Mỹ đang đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các nhà cung cấp của họ, và cảnh báo về khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong tương lai.
Tờ Financial Times đưa tin vào cuối tháng 9 rằng các công ty Mỹ hiện cần phải có giấy phép để gửi các mặt hàng nằm trong diện kiểm soát của chính phủ cho Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC). Nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải này cho biết trong thư rằng họ sẽ tiếp tục liên lạc với giới chức Hoa Kỳ, nhưng thừa nhận lệnh cấm này khi đi vào hiệu lực này sẽ khiến triển vọng kinh doanh của họ thêm ảm đạm.
Công ty phân tích thị trường TrendForce nhận xét rằng Đài Loan vẫn là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới với thị phần 65%, tiếp theo là Hàn Quốc 16% và Trung Quốc 6%, trong đó SMIC đóng góp 4%. Các hạn chế xuất khẩu mới có khả năng có tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển chip tiên tiến và khả năng tự cung cấp chip của Trung Quốc.
Sự phấn khích của các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã tăng lên trong vài năm qua trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu tự lực tự cường về công nghệ. Dữ liệu cho thấy có khoảng 45.300 công ty ở Trung Quốc đầu tư sản xuất hoặc thiết kế chip tính đến ngày 20/7, khi một số dự án bán dẫn cao cấp đã bị tạm dừng hoặc chính thức chấm dứt.
Lĩnh vực chip của Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép về các hạn chế xuất khẩu mới của Mỹ và sự đứt gãy chuỗi vốn do các đánh giá tài chính không đầy đủ và thiếu khả năng tiếp cận nguồn chip, bên cạnh các lý do khác.
Nhiều dự án bán dẫn của Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương và có giá trị hàng tỷ nhân dân tệ, ban đầu nhằm mục đích cạnh tranh với Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung của Hàn Quốc.
Theo ấn bản mới nhất của tạp chí kinh doanh Outlook Weekly, một chi nhánh của cơ quan ngôn luận nhà nước Tân Hoa Xã, sáu trong số các dự án bán dẫn này đã bị tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động trong năm qua.
Doanh nhân Triều Tiên: Kim Jong Un từng mắng Tập Cận Bình trước mặt binh sĩ
Đây là phản ứng sau khi ông Kim nhận tin ông Tập sẽ đến thăm Hàn Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần. Vào đầu tháng Mười năm nay, Kim Jong Un cũng tuyên bố trong thông điệp chúc mừng của mình để chủ động phát triển tình bạn giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng một doanh nhân đến từ Triều Tiên đã thông tin rằng quan hệ cấp lãnh đạo Trung – Triều không thân thiện, thậm chí Kim Jong Un đã từng mắng nhiếc Tập Cận Bình trước mặt binh lính Triều Tiên .
Theo tờ báo lớn của Hàn Quốc Chosun Ilbo, vào ngày 2/10, Lee Hyun Sung (리현승), một “người đào tẩu Bắc Triều Tiên” ở độ tuổi 30 trốn hỏi Bắc Triều Tiên vào năm 2014 và định cư tại Hoa Kỳ từ năm 2016, đã đề cập đến vấn đề này trong một bài giảng học thuật trực tuyến về chủ đề “Thống nhất Bán đảo Triều Tiên” được Voakorea tường thuật lại. Khi Kim Jong Un nghe tin Tập Cận Bình dẫn đầu phái đoàn đến thăm Hàn Quốc gặp tổng thống lúc đó là bà Park Geun Hye vào tháng 7/2014, ông Kim đã nói những lời lẽ không hay về ông Tập.
Lee Hyun Sung cho biết, trước đây, mọi người luôn tin rằng ĐCSTQ là nhà nước anh em của Triều Tiên và có thể gây ảnh hưởng quan trọng đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, đây là định kiến sai lầm, Triều Tiên vốn đã trở thành cái gai trong mắt ĐCSTQ.
Vào thời điểm khi ông Tập đến thăm Hàn Quốc, ông đã phá vỡ thông lệ và đến thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập tới Triều Tiên diễn ra vào tháng 6 năm ngoái, 5 năm sau chuyến thăm Hàn Quốc.
Kim Jong Un mắng Tập Cận Bình
Theo Lee, khi Kim Jong Un biết được Tập đến thăm Hàn Quốc, ông đã mắng Tập Cận Bình là “tên khốn” (개새끼) trước mặt nhiều sĩ quan và tướng lĩnh.
Báo cáo cho biết ông Kim Jong Un tỏ ra khó chịu và ra lệnh đình chỉ ngay lập tức mọi hoạt động hợp tác, trao đổi giữa Triều Tiên và Trung Quốc, thay vào đó là phát triển quan hệ tốt đẹp với Nga và các nước Đông Nam Á.
Có thông tin cho rằng chính Lee Hyun Sung, người “đào tẩu khỏi phương Bắc”, đã vạch trần vụ việc. Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại ngữ Bình Nhưỡng, anh đến Đại học Kinh tế Tài chính Đông Bắc ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào năm 2006 để dành hơn 7 năm học tập ở đây. Sau khi trở về từ Trung Quốc, anh đã thực hiện nghĩa vụ quân sự ba năm và tham gia Đảng Công nhân Hàn Quốc. Kể từ đó, Lee là phó đại diện chi nhánh Trung Quốc của một công ty vận tải biển Bắc Triều Tiên, phụ trách thương mại Bắc Triều Tiên-Trung Quốc. Năm 2014, Lee Hyun Sung đến Hàn Quốc sau khi rời Triều Tiên và chuyển đến Mỹ vào năm 2016.
Lee Hyun Sung tiết lộ rằng sau khi Kim Jong Un xử tử người chú của mình là Jang Sung Taek vào tháng 12/2013, Lee và cha của mình là người ở Phòng 39 của Đảng Công nhân Hàn Quốc, đã tuyệt vọng về chế độ độc tài của gia đình họ Kim và quyết tâm thoát khỏi Triều Tiên đi lưu vong.
Kim Jong Un mắng ĐCSTQ là “kẻ thù của thiên niên kỷ”
Kim Jong Un lên nắm quyền sau khi vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bị quốc tế trừng phạt, do đó, đã bị Bắc Kinh gạt bỏ, Triều Tiên nguyền rủa ĐCSTQ là “kẻ thù của thiên niên kỷ”. Và ông Tập Cận Bình cũng không giấu giếm bày tỏ thái độ không thích Kim Jong Un cho đến năm 2019, khi ông đến thăm Triều Tiên lần đầu tiên, theo NTDTV.
Sau khi Kim Jong Un thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 3/2018, ông đã gặp Tập Cận Bình 4 lần trong vòng chưa đầy một năm, và quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên dần ấm lên. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng đó chỉ là do Bắc Kinh và Bình Nhưỡng mỗi bên nắm lấy những gì họ cần, và họ cùng nhau giữ ấm mối quan hệ trước sức ép từ Hoa Kỳ và các nước trên thế giới.
Ông Trump làm việc dưới hầm Nhà Trắng
Theo CNN, Văn phòng tạm thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ở hầm Nhà Trắng, ngay cạnh phòng y tế, sẽ giúp ông được các bác sĩ, thiết bị y tế chăm sóc và hỗ trợ kịp thời trong trường hợp cần thiết. Văn phòng này cũng sẽ giúp ông Trump cách ly với dinh thự riêng ở Cánh Tây, nơi phát hiện ngày càng nhiều ca nhiễm mới ở các thành viên chính quyền Trump tuần này.
Nhật siết thị thực đối với sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc
Trang The Strait Times dẫn tin từ báo Yomiuri thân chính phủ Nhật Bản ngày 5/10 cho biết, kể từ tháng 4/2021, Tokyo sẽ siết chặt quá trình xem xét trong việc cấp thị thực, đặc biệt với các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Tokyo lo ngại công nghệ nhạy cảm và tin tình báo an ninh của Nhật Bản bị rò rỉ sang Trung Quốc hoặc các quốc gia khác thông qua những đối tượng nhập cảnh vào Nhật Bản dưới diện sinh viên cao học hoặc nhà nghiên cứu.
Nếu điều này diễn ra, Nhật Bản sẽ nối gót Mỹ và Úc trong việc nâng cao cảnh giác chống lại sự can thiệp từ Trung Quốc.
Một chuyên gia về chính sách an ninh kinh tế nhận định: “Các sinh viên Trung Quốc bị Mỹ từ chối có thể thay đổi đối tượng của họ và chuyển sang Nhật Bản”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma dự định thăm Đài Loan
Taiwan News hôm nay đưa tin, Đức Đạt Lai Lạt Ma có kế hoạch thăm Đài Loan và phát biểu tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thông báo kế hoạch trên cho các tín đồ Đài Loan trong một cuộc hội thảo trực tuyến trên Facebook kéo dài ba ngày, bắt đầu từ 2/10.
Nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng hồi tháng trước bày tỏ hy vọng sẽ đến thăm Đài Loan nhưng không tiết lộ tổ chức nào đã gửi thư mời cho ông. Ông đã thực hiện các chuyến đi tới Đài Loan vào các năm 1997, 2001 và 2009 nhưng chưa đặt chân đến hòn đảo kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn lên nắm quyền.
Bà Âu Giang An, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm nay cho biết hòn đảo hoan nghênh chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Ấn Độ, Bộ cho biết chính phủ Đài Loan sẽ cần đảm bảo cả hai bên phải tuân thủ các quy trình kiểm soát dịch bệnh. Bà Âu cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Đài Loan đến nay vẫn chưa nhận được thông báo từ Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Người biểu tình lao vào tù phóng thích cựu tổng thống Kyrgyzstan
Aljazeera đưa tin cựu tổng thống Kyrgyzstan, ông Almazbek Atambayev đã được thả tự do vào ngày 6/10 sau khi người biểu tình xông vào nhà giam. Có khoảng 2.000 người biểu tình cùng tham gia chiếm đóng, húc đổ cổng các tòa nhà.
Trước đó, con trai của ông Atambayev đã dẫn đầu nhóm biểu tình tấn công các văn phòng chính phủ và tòa nhà quốc hội Kyrgyzstan.
Người biểu tình bắt đầu xuống đường từ ngày 5/10 sau khi tố cáo cuộc bầu cử gian lận và cáo buộc Tổng thống Sooronbay Jeenbejov mua phiếu bầu và đe dọa.
Dự kiến, cựu tổng thống Atambayev sẽ tham gia với đám đông biểu tình tại quảng trường Ala-Too để kêu gọi hủy bỏ cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi hôm 4/10.