Kyrgyzstan: Khủng hoảng chính trị vì đồng minh biến thành thù địch


Tú Anh

Người dân biểu tình phản đối kết quả bầu cử lập pháp trước trụ sở chính phủ, Bishkek, Kyrgyzstan, ngày 06/10/2020. AFP – VYACHESLAV OSELEDKO

Bị chấn động qua hai cuộc cách mạng trong vòng 15 năm, Kyrgyzstan được xem là một trường hợp cá biệt, một « mô hình dân chủ » tương đối nằm giữa thế giới độc tài hậu Liên Xô. Nhưng sau cuộc bầu cử gian lận vào Chủ Nhật 04/10/2020, hàng ngàn người biểu tình tấn công trụ sở chính quyền và nhà giam, giải thóat cựu tổng thống và đòi đương kim tổng thống từ chức. Báo chí Nga tố cáo Mỹ gây ra cách mạng màu nhưng căn nguyên nguồn cội ra sao ?

Kyrgyzstan một nước đất rộng, dân thưa ở Trung Á, ba năm sau cuộc bầu cử tổng thống minh bạch, đánh dấu  bước thành công xây dựng  chế độ dân chủ, rơi vào khủng hoảng với cuộc bầu cử Quốc hội bị tố là gian lận. Chính Ủy ban bầu cử nhìn nhận có khoảng 500.000 cử tri trên tổng số 3,5 triệu  thay đổi nơi bỏ phiếu một cách đáng ngờ.

Suốt ngày thứ Ba 06/10/2020, sau một đêm bạo động, phong trào biểu tình giải thóat cựu tổng thống Almazbek Atambaiev đang lãnh án 11 năm tù và hàng chục chính trị gia khác, trong đó có Sadyr Japarov, những người chống tổng thống Sooronbai Jeenbenov kịch liệt nhất. Xung đột với cảnh sát trong đêm đầu tiên làm 120 người bị thương và một người chết. Để tránh đổ máu, tổng thống  Kyrgyzstan không cho phép nổ súng. Trước áp lực đường phố, chính quyền phải nhượng bộ, hủy kết quả bầu cử. Tổng thống Sooronbai Jeenbenov khẳng định ông kiểm sóat được tính thế cho dù phải bổ nhiệm Sadyr Japarov, một trong những đối thủ, làm thủ tướng.

Cách mạng màu hay tham vọng cá nhân?

Chưa biết tình hình sẽ đi về đâu. Washington kêu gọi đôi bên chừng mực và thương lượng. Matxcơva, có một căn cứ quân sự tại  Kyrgyzstan, kêu gọi một giải pháp ôn hòa nhưng báo chí thân điện Kremlin tố cáo điều mà họ gọi là cách mạng màu.

Còn đối với một số chuyên gia độc lập, khủng hoảng tại  Kyrgyzstan bắt nguồn từ mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai tổng thống tiền nhiệm và đương nhiệm, giữa đàn anh và đàn em trong một đảng.

Bầu cử gian lận để phe tổng thống Sooronbai Jeenbenov kiểm soát Quốc Hội là giọt nước làm tràn ly đầy.

 Năm 2017, sau nhiệm kỳ sáu năm cầm quyền, trong bối cảnh quốc gia tương đối ổn định sau hai cuộc cách mạng 2005 và 2010, tổng thống Almazbek Atambaiev, theo đúng quy định của Hiến Pháp, nhường ghế cho Sooronbai Jeenbenov, chính trị gia cùng đảng Dân Chủ Xã Hội.

Năm Sooronbai Jeenbenov đắc cử là giai đoạn lịch sử của Kyrgyzstan chứng kiến hai vị tổng thống bàn giao quyền bính trong không khí yên bình.

Tuần trăng mật không kéo dài

Thế nhưng, theo giáo sư chính trị Meded Tiouleguenov, Đại học Mỹ ở Trung Á, cựu tổng thống Almazbek Atambaiev lại muốn chi phối chính trường từ sau hậu trường qua mạng lưới ảnh hưởng của ông.

Vấn đề là Sooronbai Jeenbenov không phải là một kẻ bù nhìn, dể bị giựt dây, như Almazbek Atambaiev lầm tưởng. Đầu năm 2019, cựu tổng thống còn tỏ thái độ thiếu tôn trọng khi công khai chỉ trích người kế nhiệm.

Vụ việc này đã cắt đứt quan hệ giữa hai vị tân cựu lãnh đạo. Bị điều tra về các hành vi tham nhũng và bị Quốc hội tướt quyền bất khả xâm phạm, Almazbek Atambaiev còn từ chối trình diện Toà án. Chưa hết, tháng 07/2019, ông còn tổ chức kháng cự, tử thủ trong biệt thự của ông tại Bichkek, cùng với một nhóm võ trang và đe dọa tổng thống : Jeenbekov đùa với lửa, đất nước sẽ chia đôi.

Sau khi bị cảnh sát tấn công đợt một, một người chết và hàng chục cận vệ bị thương, cựu tổng thống Almazbek Atambaiev đầu hàng. Một năm sau, ông bị kết án 11 năm tù vì quyết định thả một trùm xã hội đen khi làm tổng thống. Vụ nổi dậy có võ trang đang chờ xét xử.

Kỳ thị nam bắc

Theo giới quan sát, xung khắc giữa hai nhân vật có thế lực này còn được nung nấu bởi kỳ thị địa phương . Almazbek Atambaiev là dân bắc, nơi có thủ đô Bishkek, được xem là thành phần tinh hoa còn Sooronbai Jeenbenov gốc miền nam, nông thôn, nóng tính mà biểu tượng là thành phố Och, thành phố lớn thứ hai sau thủ đô.

Thế mà, sự ổn định  chính trị của  Kyrgyzstan được đặt trên cán cân phân chia tài nguyên đất nước sao cho công bình.

Tình hình ở Bishkek được Moscow quan tâm đặc biệt vì có môt căn cứ quân sự tại đây. Nga cũng là nơi có hàng trăm ngàn người Kyrgyzstan lao động và sinh sống.

Năm 2019, khi xung khắc  Almazbek Atambaiev và Sooronbai Jeenbenov lên cực điểm, tổng thống Nga Putin đích thân gặp từng người với hy vọng giải hòa, nhưng vô hiệu.

Related posts