Hương Thảo
Thêm các rủi ro đe dọa an ninh quốc gia khác sắp bị ngăn chặn.
Tờ Bloomberg trích dẫn các nguồn tin cho biết, Hoa Kỳ đang nghiên cứu cách thức áp đặt các hạn chế đối với nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay của tỷ phú Jack Ma và WeChat Pay của Tencent. Về vấn đề này, Vương Kiếm, một nhà quan sát kinh tế và chính trị hải ngoại, đã đưa ra phân tích, ông tin rằng Hoa Kỳ rất có thể sẽ áp đặt các biện pháp chế tài đối với nền tảng thanh toán di động này của Trung Quốc. Nếu điều này là thật, quy mô tác động của nó có thể sẽ vượt qua các chế tài đối với Huawei cả trăm lần.
Hoa Kỳ xem xét áp hạn chế đối với hệ thống thanh toán di động của Jack Ma và Tencent
Bloomberg hôm thứ Tư (7/10) dẫn các nguồn tin cho biết chính quyền Trump đang xem xét áp đặt các hạn chế đối với Ant Group và Tencent của Trung Quốc vì nền tảng thanh toán kỹ thuật số của họ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng các quan chức Mỹ lo ngại Tencent, Ant Group và các nền tảng công nghệ tài chính khác của Trung Quốc sẽ thống trị các khoản thanh toán kỹ thuật số toàn cầu, giúp Trung Quốc tiếp cận một số lượng lớn các dịch vụ ngân hàng và hàng trăm triệu dữ liệu cá nhân. Trong những tuần gần đây, các quan chức cấp cao của Mỹ đã đẩy nhanh các cuộc thảo luận về “phương thức và việc liệu có nên hạn chế Ant Group và hệ thống thanh toán của Tencent hay không”, nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Theo hai người quen thuộc với vấn đề này, các quan chức cấp cao của Mỹ đã thảo luận về ý tưởng này tại một cuộc họp được tổ chức tại Nhà Trắng vào ngày 30/9. Theo một người am hiểu vấn đề, sau khi các quan chức họp bàn về những vấn đề trên, thì Tổng thống Trump được chẩn đoán mắc COVID, nên trong vài ngày kế tiếp, vấn đề này không có nhiều tiến triển.
Theo các báo cáo, động thái này sẽ đánh dấu một sự tình trạng hạ giảm mới trong mối quan hệ Mỹ-Trung, và nó cũng cho thấy chính quyền Trump hiện đang cố gắng ngăn các công ty Trung Quốc nhúng tay vào hệ thống tài chính Mỹ trước khi nó trở thành một mối đe dọa lớn.
Nhà phân tích Supun Walpola của LightStream Research cho biết, các hạn chế của Hoa Kỳ chủ yếu nhằm ngăn Ant Group mở rộng tại thị trường Mỹ trong tương lai, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến việc định giá cổ phiếu của tập đoàn này, vì Ant Group có nhiều dư địa hơn để tăng trưởng ở Trung Quốc.
Trước đó, Mỹ đã ban hành lệnh cấm tải xuống TikTok do lo ngại về việc TikTok xử lý dữ liệu cá nhân. Hiện tại, ByteDance, công ty mẹ của TikTok đang nỗ lực để tránh việc ứng dụng này bị cấm ở Mỹ.
Chính quyền Trump cũng đã có hành động chống lại WeChat Pay, một phiên bản WeChat ở nước ngoài, một ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent. Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố vào ngày 2/10 rằng họ đã kháng cáo quyết định chặn của thẩm phán đối với lệnh cấm tải xuống WeChat từ kho ứng dụng của Apple và Wechat của chính quyền tổng thống Trump.
Người phát ngôn của Ant Group tuyên bố rằng công ty “không biết về bất kỳ cuộc thảo luận nào như vậy trong chính phủ Hoa Kỳ”.
Ant Group, một công ty con của Tập đoàn Alibaba, có kế hoạch đồng thời niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải vào tháng tới, có thể lập kỷ lục IPO lớn nhất thế giới và vượt qua mức kỷ lục IPO 29,4 tỷ USD của Saudi Aramco vào tháng 12 năm ngoái.
Người kiểm soát thực tế của Ant Group là Jack Ma. Theo báo cáo tài chính của Alibaba, Jack Ma nắm giữ khoảng 8,8% cổ phần của Ant và sở hữu 50% quyền biểu quyết.
Trước đó, Bloomberg đưa tin rằng sau khi đánh giá mong muốn ban đầu của các nhà đầu tư, Ant Group đang tìm cách huy động khoảng 35 tỷ USD trong một đợt IPO ở Thượng Hải và Hồng Kông dựa trên mức định giá hơn 250 tỷ USD của công ty này.
Ant Group ban đầu được gọi là Ant Financial, nhưng do sự thắt chặt giám sát tài chính của Trung Quốc, nó được đổi tên vào năm nay để nhấn mạnh vị thế của một công ty công nghệ và mang màu sắc của một nhà cung cấp công nghệ tài chính.
Chuyên gia Vương Kiến: Tác động lệnh trừng phạt đối với thanh toán di động vượt quá các chế tài Huawei cả trăm lần
Về tin tức Mỹ đang xem xét các hạn chế đối với Alipay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent, nhà quan sát kinh tế và chính trị hải ngoại Vương Kiến cho biết trong một chương trình phát sóng trực tuyến vào ngày 7/10 rằng, Mỹ có khả năng hạn chế nền tảng thanh toán di động của Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, xung đột Mỹ-Trung sẽ tăng lên một cấp độ mới, bởi vì Mỹ đang đối phó với cả một ngành công nghiệp, không chỉ là một hai doanh nghiệp. Một khi Alipay và WeChat Pay bị hạn chế ở Mỹ, nó cũng tương tự như việc hạn chế toàn bộ ngành thanh toán di động của Trung Quốc. Tác động của nó đối với Trung Quốc là rất lớn, so sánh với chế tài Huawei thì tác động của nó vượt quá cả trăm lần.
Quy mô thanh toán di động của Trung Quốc là rất lớn. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Analysis, tính đến cuối năm 2017, quy mô thanh toán di động của Trung Quốc đạt 117 nghìn tỷ nhân dân tệ (7 nghìn tỷ USD) vào năm 2017, với thị phần của Alipay là 54% và thị phần của nền tảng thanh toán trên WeChat vượt quá 39%.
Vương Kiến cho biết cách vận hành của Alipay và WeChat Pay trên thực chất chính là đang chộp giật thị phần với ngành ngân hàng Trung Quốc, khi số tiền gửi trong các ứng dụng thanh toán của bên thứ ba này là khổng lồ. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, trong nửa đầu năm 2018, hai gã khổng lồ thanh toán là Alipay và WeChat Pay đã tích lũy tổng cộng khoảng một nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) số dư tài khoản dự trữ của khách hàng, tương đương 90% tổng dự trữ của tất cả các tổ chức thanh toán. Dựa trên các phép tính đơn giản, lợi tức của Alipay và Tenpay là khoảng 1%, tức hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) mỗi năm.
Để rút tiền, Ngân hàng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành thông tri khẩn vào tối ngày 29/6/2018, rằng bắt đầu từ ngày 9/7/2018, sẽ từng bước tăng dần tỷ lệ dự trữ tiền gửi tập trung vào cơ cấu thanh toán hàng tháng của khách hàng, thực hiện 100% tiền gửi tập trung trước ngày 14/1/2019. Theo phân tích của nhà phân tích vĩ mô Hoành Quán Phân của công ty chứng khoán Founder Securities, dự kiến số tiền ký quỹ sẽ đạt 1,04 nghìn tỷ nhân dân tệ (155 tỷ USD) vào tháng 12/2018, mang lại quy mô lợi nhuận khoảng 535 tỷ nhân dân tệ (80 tỷ USD).
Ngoài việc rút tiền khỏi nền tảng thanh toán di động, theo báo cáo của Reuters ngày 31/7/2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tin rằng Alipay và WeChat Pay đang sử dụng vị trí thống lĩnh thị trường của họ để đàn áp các đối thủ cạnh tranh. Cơ quan chống độc quyền hàng đầu của Trung Quốc đang xem xét liệu có nên điều tra hai gã khổng lồ thanh toán kỹ thuật số này hay không.
Vương Kiến chỉ ra rằng, những hành động này cho thấy Alipay và WeChat Pay đã khiến Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ “mất ngủ”. Nhưng hai doanh nghiệp ngoài quốc doanh này có thể tồn tại cho đến ngày nay, nguyên nhân chủ yếu là do thanh toán di động đã trở thành hiện tượng “ngựa bất kham” đối với ĐCSTQ.
Vương Kiến cho rằng lý do cho sự phổ biến của thanh toán di động ở Trung Quốc là do lợi thế của kẻ đến sau. Việc kết hợp thanh toán bằng điện thoại di động rất phù hợp với cuộc sống của người Trung Quốc, và nhờ đó trở thành phương thức thanh toán phổ biến nhất ở Trung Quốc, vốn rất cạnh tranh. Mô hình này phù hợp như một công cụ sẵn sàng để ĐCSTQ mở rộng việc sử dụng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, và thúc đẩy “quốc tế hóa” đồng Nhân dân tệ, có thể giúp ĐCSTQ vượt qua mọi khó khăn.
Trước hết, về kịch bản sử dụng, quá trình du khách Trung Quốc sử dụng nền tảng thanh toán di động để chi tiêu ở nước ngoài có thể thúc đẩy Nhân dân tệ “đi ra toàn cầu” ở một mức độ nhất định và đóng một vai trò nhất định trong việc thúc đẩy quốc tế hóa Nhân dân tệ;
Thứ hai, Alipay và WeChat Pay đã thiết lập một nền tảng mới để lưu hành Nhân dân tệ ở nước ngoài. Mặc dù đồng Nhân dân tệ không thể lưu hành ở nước ngoài, nhưng một khi một quốc gia ở nước ngoài trở thành điểm đến du lịch phổ biến của du khách Trung Quốc, và du khách Trung Quốc sử dụng Alipay và WeChat để thanh toán mua sắm và tiêu dùng, nước này sẽ phải tìm kiếm một ngân hàng địa phương của Trung Quốc để đổi tiền. Nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ làm tăng khối lượng giao dịch quốc tế của đồng Nhân dân tệ.
Do đó, thanh toán di động đã làm được hai việc trong việc giúp quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, một là giúp đồng Nhân dân tệ đi ra nước ngoài, hai là thiết lập một nền tảng để đồng Nhân dân tệ lưu thông ở nước ngoài.
Vương Kiến cho biết, tất nhiên, việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ không thể chỉ dựa vào hai điều này. Để đạt được quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, ĐCSTQ phải hiện thực hóa khả năng chuyển đổi tự do các tài khoản vốn, nhưng ĐCSTQ hiện không thể làm được điều đó. Do đó, hai điều mà thanh toán di động có thể làm được ở trên hiện vẫn là điều cần thiết đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Việc quốc tế hóa Nhân dân tệ hiện nay của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào thanh toán di động.
Vương Kiến chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Alipay và WeChat Pay mẫn cảm hơn về mặt thời điểm.
Thứ nhất, Ant Group đang chào bán cổ phiếu A trong đợt IPO trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nó.
Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc đang khá suy yếu và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài đã suy giảm. Điều này được phản ánh thông qua việc lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài giảm mạnh. Số lượng du khách đi du lịch giảm có nghĩa là việc sử dụng đồng nhân dân tệ đã giảm và ảnh hưởng bên ngoài của Trung Quốc cũng giảm;
Thứ ba, cũng là chủ yếu. Hiện tại, không còn môi trường để đồng nhân dân tệ chảy ra nước ngoài. Hoa Kỳ chọn hạn chế thanh toán di động của Trung Quốc vào thời điểm này, có thể nói đã hạn chế ảnh hưởng của nó đối với Mỹ.
Vương Kiến cho rằng, tài chính là con dao hai lưỡi, khi bên này đánh bên kia thì bên này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khi nền tảng thanh toán di động của Trung Quốc chưa thể giáng đòn trả đũa vào Mỹ, thì thiệt hại cho Mỹ sẽ được giảm thiểu.
Vương Kiến phân tích rằng, mặc dù các hoạt động kinh doanh chính của Alipay và WeChat Pay là ở Trung Quốc, nhưng chỉ cần Mỹ tấn công vào nó thì sẽ khiến nó rất lo lắng, vì Mỹ là bá chủ tài chính toàn cầu. Do đó, nếu Mỹ thực sự áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành thanh toán di động của Trung Quốc, đây sẽ không phải là một trận chiến nhỏ mà là một trận đại chiến. Tác động của nó sẽ vượt xa các chế tài đối với Huawei. Đây không chỉ là lấy đi miếng phô mai trước miệng ĐCSTQ, mà là nguồn lương thực chính của ĐCSTQ.