Hiểu Minh
Nữ sinh lớp 8 trường THCS Trung Mầu (Hà Nội) bị bạn đánh, dẫn đến chấn thương cột sống. Clip cho thấy rất đông học sinh đứng xung quanh xem, một số người cổ vũ và không ai có động thái can ngăn.
Nữ sinh lớp 8 trường THCS Trung Mầu (Hà Nội) bị bạn đánh, dẫn đến chấn thương cột sống.
Ngày 9/10, mạng xã hội lan truyền bài đăng kèm hình ảnh, clip với nội dung một nữ sinh bị bạn đánh đập, hành hung giữa đường.
Theo bài đăng, nạn nhân là học sinh trường THCS Trung Mầu, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nữ sinh bị một bạn nữ mặc áo màu xanh túm tóc, dùng tay, chân đạp, đánh liên tiếp vào đầu và người.
Toàn bộ hành động trên được chính nhóm bạn của người đánh nữ sinh quay lại. Thời điểm nạn nhân bị đánh, rất đông học sinh đứng xung quanh xem, một số người cổ vũ và không ai có động thái can ngăn.
Chị Đới Hiền (người thân nạn nhân) đăng tải bài viết kèm clip trên và cho biết nữ sinh lớp 8 sau khi bị đánh đã phải nhập viện trong tình trạng chấn thương cột sống cổ.
Trao đổi với Zing chiều cùng ngày, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm cho biết phòng đã nắm bắt được sự việc.
Theo báo Người lao động, tương tự ngày 8/10 một nữ sinh lớp 8 tên A. ở huyện Anh Sơn, Nghệ An đã bị nhóm bạn nữ cùng trường đánh hội đồng ngay trước cổng trường .
Theo hình ảnh clip cho thấy các nữ sinh chửi bới, đấm đá, dùng cả mũ bảo hiểm đánh vào đầu trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác song không một ai can ngăn. Do yếu thế nên nạn nhân không thể chống trả, chỉ biết ôm đầu chịu đánh.
Sau khi xem clip này, nhiều người đã bất bình trước ứng xử bạo lực của nhóm học sinh.
Lên tiếng về sự việc trên, ông Đoàn Văn Thanh, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo huyện Anh Sơn, Nghệ An cũng nói đã nắm được thông tin.
Việt Nam trong những năm gần đây, dư luận xã hội lên tiếng khá nhiều về bạo lực học đường với những lo ngại về sự đa dạng và mức độ nguy hiểm của hành vi này. Các vụ bạo lực không chỉ gia tăng về số lượng mà còn tăng cả mức độ nguy hiểm, nó lan rộng ra nhiều địa phương, báo động về thực trạng suy thoái đạo đức, lối hành xử bạo lực, thiếu lành mạnh ở một số bộ phận thế hệ trẻ chưa thành niên là học sinh.