Tác giả: Joseph S. Nye Jr.
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
Không có tương lai duy nhất cho đến khi nó xảy ra, và bất kỳ nỗ lực nào để hình dung cho vấn đề địa chính trị sau đại dịch COVID-19, nó phải bao gồm một loạt các hình thức tương lai có thể xảy ra. Tôi đề xuất năm tương lai hợp lý vào năm 2030, nhưng rõ ràng có thể tưởng tượng ra được những tương lai khác.
Sự kết thúc của trật tự, tự do toàn cầu hóa
Trật tự thế giới do Hoa Kỳ thiết lập sau Đệ nhị Thế chiến đã tạo ra một khuôn khổ các thể chế dẫn đến sự tự do hóa đáng kể đối với nền thương mại và tài chính quốc tế. Ngay cả trước trận đại dịch COVID-19, trật tự này đang bị thách thức bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự phát triển của chủ nghĩa dân túy trong các nền dân chủ phương Tây.
Trung Quốc hưởng lợi từ trong trật tự này, nhưng khi tầm quan trọng chiến lược ngày càng lớn mạnh, Trung Quốc ngày càng kiên quyết dành đặt ra các tiêu chuẩn và quy tắc. Hoa Kỳ chống lại, các thể chế bị thu hẹp, và các yêu cầu về chủ quyền gia tăng. Mỹ vẫn nằm ngoài Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp định Khí hậu Paris. COVID-19 góp phần vào xác suất của kịch bản này bằng cách làm suy yếu cho Hoa Kỳ là “người quản lý cho hệ thống”
Một thách thức độc đoán giống thập niên 1930
Thất nghiệp hàng loạt, bất bình đẳng gia tăng và sự phân hoá trong cộng đồng do những thay đổi kinh tế liên quan đến trận đại dịch tạo ra những điều kiện thuận lợi cho nền chính trị độc tài. Không thiếu những kẻ hoạt đầu chính trị, sẵn sàng sử dụng trào lưu dân túy theo dân tộc chủ nghĩa để giành quyền lực.
Chủ nghĩa suy tôn người bản xứ và bảo hộ gia tăng. Các biểu thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa và con người tăng lên, những người nhập cư và tị nạn trở thành các vật tế thần. Các quốc gia độc tài tìm cách củng cố các lĩnh vực lợi ích trong khu vực và các hình thức can thiệp khác nhau làm tăng nguy cơ xung đột bằng bạo lực.
Một số xu hướng thuộc loại này có thể nhìn thấy trước năm 2020, nhưng triển vọng phục hồi kinh tế yếu, do không thể đối phó với nạn đại dịch COVID-19, làm cho khả năng xảy ra kịch bản này gia tăng.
Một trật tự thế giới do Trung Quốc thống trị
Khi Trung Quốc chế ngự được đại dịch, khoảng cách kinh tế giữa nước này và các cường quốc khác thay đổi đáng kể. Nền kinh tế Trung Quốc vượt qua nền kinh tế Mỹ đang suy giảm vào giữa những năm 2020 và Trung Quốc mở rộng vị trí dẫn đầu trước Ấn Độ và Brazil, những đối thủ tiềm năng trong một thời.
Trong cuộc hôn nhân ngoại giao với Nga vì theo thuận lợi, Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác cao cấp. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đòi hỏi sự tôn trọng và tuân theo với sức mạnh ngày càng tăng của họ. Sáng kiến Vành đai và Con đường được sử dụng để tạo ảnh hưởng không chỉ đến các nước láng giềng mà còn với các đối tác ở xa như châu Âu và Mỹ La tinh.
Bỏ phiếu chống lại Trung Quốc ở trong các tổ chức quốc tế trở nên quá tốn kém, vì chúng gây nguy hiểm cho viện trợ hoặc đầu tư của Trung Quốc, cũng như khả năng thâm nhập thị trường lớn nhất thế giới. Với việc các nền kinh tế phương Tây bị suy yếu so với Trung Quốc do trận đại dịch, chính phủ Trung Quốc và các đại doanh nghiệp có thể định hình lại các thể chế và đặt ra các tiêu chuẩn theo ý thích của họ.
Một chương trình nghị sự quốc tế cho bảo vệ môi sinh
Không phải tất cả các tương lai đều đen tối. Dư luận ở nhiều nền dân chủ đang bắt đầu đặt ưu tiên cao hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Một số chính phủ và doanh nghiệp đang tổ chức lại để đối phó với những vấn đề này.
Ngay cả trước khi COVID-19, người ta có thể thấy trước một chương trình nghị sự quốc tế vào năm 2030 được xác định bởi các quốc gia tập trung vào các vấn đề môi trường. Bằng cách làm nổi bật các mối liên hệ giữa sức khỏe con người và hành tinh, trận đại dịch đẩy nhanh việc áp dụng chương trình nghị sự này.
Ví dụ, công chúng Hoa Kỳ nhận thấy rằng việc chi ra 700 tỷ đô la cho quốc phòng không ngăn cản được COVID-19 giết nhiều người Mỹ hơn là trong tất cả các cuộc chiến của Mỹ sau năm 1945. Trong một môi trường nội chính thay đổi, một tổng thống Hoa Kỳ đưa ra “Kế hoạch COVID Marshall” để mang lại khả năng cung ứng vaccine nhanh chóng cho các nước nghèo và tăng cường năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ.
Kế hoạch Marshall năm 1948 là vì lợi ích riêng tư của Mỹ, đồng thời cũng là vì lợi ích của các nước khác và có ảnh hưởng sâu xa đến việc định hình nền địa chính trị của thập niên tiếp theo. Sự lãnh đạo như vậy đã nâng cao quyền lực mềm của Hoa Kỳ. Đến năm 2030, một chương trình nghị sự cho môi trường đã trở thành nền chính trị quốc nội tốt, có tác động tương tự đáng kể đến địa chính trị.
Duy trì nguyên trạng còn nhiều hơn
Vào năm 2030, COVID-19 xem ra tác hại giống như dịch cúm kinh hoàng năm 1918-1920 khi nhìn từ năm 1930 và với các tác động trong trương kỳ về địa chính trị bị giới hạn tương tự.
Các điều kiện trước đó vẫn tồn tại. Tuy nhiên, cùng với quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc, chủ nghĩa dân túy trong nước và sự phân hoá ở phương Tây và các chế độ độc tài hơn, có một mức độ nào đó của toàn cầu hóa kinh tế và nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của toàn cầu hóa cho môi trường, nó được củng cố bởi sự thừa nhận miễn cưỡng, rằng không quốc gia nào có thể giải quyết được vấn đề khi hành động đơn phưong.
Mỹ và Trung Quốc phối hợp để hợp tác về đại dịch và biến đổi khí hậu, ngay cả khi họ cạnh tranh về các vấn đề khác như hạn chế hàng hải ở Biển Đông hoặc Hoa Đông. Tình bạn có giới hạn, nhưng sự ganh đua được quản lý. Một số tổ chức không còn sinh động, một số tổ chức khác được cải thiện, và vẫn còn những tổ chức khác được tìm kiếm. Hoa Kỳ vẫn là cường quốc lớn nhất, nhưng không có mức độ ảnh hưởng như trong quá khứ.
Mỗi kịch bản trong bốn kịch bản đầu tiên có cơ hội trong khoảng là một trên mười, tương ứng với tương lai sẽ xảy ra vào năm 2030. Nói cách khác, có ít hơn một nửa trong cơ hội cho rằng, đại dịch COVID-19 sẽ định hướng lại về cơ bản địa chính trị vào năm 2030. Một số yếu tố có thể thay đổi các xác suất này. Ví dụ như sự phát triển nhanh chóng của các loại vaccine hiệu quả, đáng tin cậy và giá rẻ, nó được phân phối rộng rãi trên toàn thế giới, sẽ nâng cao khả năng liên tục và giảm khả năng xảy ra các kịch bản độc tài hoặc Trung Quốc.
Nhưng nếu Donald Trump tái đắc cử, làm suy yếu các liên minh và thể chế quốc tế của Mỹ, hoặc làm tổn hại đến nền dân chủ trong nước, thì khả năng xảy ra kịch bản liên tục hoặc kịch bản môi trường sẽ giảm. Mặt khác, nếu Liên minh châu Âu, vốn ban đầu bị suy yếu do đại dịch, nay thành công trong việc chia sẻ chi phí ứng phó của các quốc gia thành viên, thì Liên minh có thể trở thành một tác nhân quốc tế quan trọng, tăng khả năng xảy ra kịch bản môi trường.
Các ảnh hưởng khác có thể xảy ra và COVID-19 có thể tạo ra những thay đổi quan trọng trong nước, liên quan đến tình trạng bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cũng như thúc đẩy việc tạo ra các sắp xếp thể chế tốt hơn để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Ước tính, ảnh hưởng lâu dài của đại dịch hiện tại không phải là một dự đoán chính xác về tương lai, mà là một bài thực tập trong việc cân nhắc xác suất và điều chỉnh các chính sách hiện tại.
______
Joseph S. Nye, Jr.: Giáo sư Đại học Harvard và là tác giả cuốn sách Is the American Century Over? Và cuốn sách: Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump.