Trọng Nghĩa
Sau các giải về y học, vật lý, hóa học và văn học, mùa trao giải Nobel đã kết thúc hôm thứ Sáu 09/10/2020 với việc công bố danh tánh giải Nobel Hòa Bình năm 2020. Tại Viện Nobel ở Oslo, thủ đô Na Uy, trước một cử tọa rất thưa thớt vì dịch Covid-19 vẫn hoành hành, bà chủ tịch Ủy Ban Nobel Na Uy đã xướng tên Giải Nobel năm nay: Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc – World Food Program (WFP) theo tiếng Anh hay Programme Alimentaire Mondial (PAM) theo tiếng Pháp.
Việc chọn một tổ chức để trao giải được xem là một quyết định khôn ngoan, vì lẽ việc vinh danh một cá nhân luôn hàm chứa rủi ro.
Khả năng rủi ro khi trao giải Nobel Hòa Bình
Gần đây nhất là vào năm ngoái, với thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed được trao giải nhờ đã kết thúc cuộc chiến tranh với láng giềng Eritrea, nhưng hiện nay lại bị cuốn vào cuộc tranh chấp trên đất nước của mình, và đã quyết định hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử.
Xa hơn là trường hợp nhà đấu tranh nhân quyền Miến Điện Aung San Suu Kyi, đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1991, nhưng sau này lại trở thành một lãnh đạo nhắm mắt làm ngơ trước nạn diệt chủng người Rohingya trong nước.
Riêng về Chương Trình Lương Thực Thế Giới, việc tổ chức này được trao giải được cho là rất xứng đáng. Bảng vàng của Ủy Ban Nobel Na Uy ghi nhận các “nỗ lực chống nạn đói, đóng góp vào việc cải thiện điều kiện hòa bình ở các khu vực bị chiến tranh ảnh hưởng và vai trò hàng đầu trong nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh.”
Giải Nobel đã đến rất bất ngờ với giám đốc điều hành Chương Trình Lương Thực Thế Giới David Beasley, người Mỹ. Phản ứng ngay sau khi biết tin, ông không che giấu sự sửng sốt, nhưng rất phấn khởi:
Quả là lần đầu tiên trong đời mà tôi bị nghẹn nói không ra lời. Tuyệt vời thật ! Đây chính là điều gọi là phấn khích nhất có thể xảy ra trong đời ! Một giải Nobel Hòa Bình !
Và đó là nhờ đại gia đình của Chương Trình Lương Thực Thế Giới. Họ luôn ở hiện trường, tại những nơi xa xôi hẻo lánh nhất, những nơi có chiến tranh, những nơi bị thiên tai khắc nghiệt nhất. Dù khó khăn đến mấy họ cũng có mặt ! Họ xứng đáng được giải thưởng này.
Waouh ! Đến giờ tôi vẫn chưa tin nổi rằng đó là sự thật.
WFP/PAM: Tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới
Phải nói là logo của Chương Trình Lương Thực Thế Giới đã trở thành biểu tượng ở một số vùng nhất định trên hành tinh. Trên những chiếc xe tải chở lương thực viện trợ, trên những bao gạo, những hộp sữa mẹ, trong những khu trại dành cho những người phải di dời, ở hàng chục quốc gia, hình bàn tay cầm một bắp ngô được những cành ô liu bao bọc đồng nghĩa với hy vọng, hy vọng có được một bữa ăn.
Chương Trình Lương Thực Thế Giới tự giới thiệu mình là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới. Bộ máy khổng lồ này của Liên Hiệp Quốc bao gồm 17.000 nhân viên, ra đời vào đầu những năm 1960. Năm 2019, WFP/PAM đã cung cấp viện trợ cho 97 triệu người ở 80 quốc gia, tổng cộng là 15 tỷ khẩu phần thực phẩm.
Thiên tai, chiến sự, di dời dân cư, WFP/PAM can thiệp bằng các biện pháp tinh vi. Mỗi ngày đều có 5.000 chiếc xe tải, 20 chiếc tàu và 92 chiếc máy bay hoạt động trên hiện trường để cung cấp thực phẩm cho những người dân gặp nạn.
Tổ chức cũng đang chiến đấu nhằm ngăn không cho một số người sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh. Điều này đã trở thành một trong những hướng hoạt động chủ đạo của tổ chức. Tuy nhiên, với ngân sách 8 tỷ đô la mỗi năm, WFP/PAM không có đủ phương tiện để ứng phó với mọi cuộc khủng hoảng. Và các nhà lãnh đạo của tổ chức thường xuyên phàn nàn rằng họ gặp khó khăn trong việc huy động tài chánh. Vì mọi thứ đều phụ thuộc vào tình đoàn kết quốc tế và các nhà tài trợ.
Trong bối cảnh đó, giải Nobel Hòa Bình có lẽ sẽ giúp nhiệm vụ của Chương Trình Lương Thực Thế Giới dễ dàng hơn một chút trong tương lai.