Lục Du
Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vắc xin COVID-19 có tên là Sputnik V vào ngày 11/8. Tuy nhiên việc chính phủ Putin vội vã cho lưu hành một vắc xin chưa được thử nghiệm theo đúng quy trình khoa học đã bị cộng đồng y tế quốc tế chỉ trích.
“Sputnik V” là một loại vắc xin do Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh Quốc gia Gamaleya phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga phát triển.
Viện Nghiên cứu Gamaleya do nhà nước điều hành là một trong những phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc xin lâu đời nhất của Nga. Bản thân cái tên Sputnik V đã trở thành niềm tự hào đối với nhiều người Nga từ thời Liên Xô sau khi một vệ tinh lấy cái tên này được phóng lên quỹ đạo vào ngày 4/10/1957, trong khi cuộc Chiến tranh Lạnh đang diễn ra.
Bộ Y tế Nga lưu ý rằng vắc-xin này được sản xuất dựa trên một loại vắc-xin đã được chứng minh là có tác dụng chống lại adenovirus, một bệnh cảm cúm thông thường, và khẳng định rằng Sputnik sẽ cung cấp khả năng miễn dịch đối với virus Vũ Hán trong tối đa hai năm.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học ở Nga và các quốc gia khác đang bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển và sự thiếu minh bạch trong quy trình Sputnik V được chấp thuận, đồng thời nói rằng việc cung cấp vắc-xin cho công chúng trước khi thực hiện những thử nghiệm quan trọng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng. Chỉ có 76 bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm Sputnik Giai đoạn 1, một số lượng quá nhỏ để xác định liệu vắc xin Covid của Nga có an toàn và hiệu quả hay không.
Viện Gamaleya đã bị một nhóm các nhà khoa học và bác sĩ của 12 quốc gia chất vấn về vắc-xin Sputnik V sau khi họ nêu bật “các mẫu lạ” trong dữ liệu về loại vắc xin này được công bố trên tạp chí The Lancet, một tạp chí y khoa hàng đầu của Anh, một tháng trước.
37 chuyên gia nổi tiếng đã yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu thử nghiệm Sputnik để xem xét kỹ lưỡng hơn, và đã ký một bức thư ngỏ nêu một số lo ngại về sự trùng lặp kết quả rõ ràng liên quan đến sản xuất kháng thể ở những người tham gia thử nghiệm loại virus này lần đầu tiên. Theo The Moscow Times, họ coi sự trùng lặp như vậy là “rất khó xảy ra”.
Viện Gamaleya đã phớt lờ yêu cầu và không trả lời nhiều cuộc gọi công khai cũng như ít nhất hai đề xuất chính thức để có được “thông tin ẩn danh chưa qua xử lý”, theo nhóm các nhà nghiên cứu lần đầu tiên nêu ra mối quan ngại.
Enrico Bucci, giáo sư sinh học tại Đại học Temple, Hoa Kỳ, người đầu tiên nêu bật khả năng trùng lặp dữ liệu, cho biết phản ứng công khai của Nga không giải quyết được mối lo ngại của ông và ông không tin việc chính phủ Putin sẽ trở nên “minh bạch hơn”.
Bất chấp tất cả những điều này, TASS, một hãng thông tấn nhà nước của Nga, cho biết Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị tài trợ cho việc sản xuất vắc-xin, “đã nhận được đơn đặt hàng mua một tỷ liều vắc-xin từ 20 quốc gia”.
Cơ quan này lưu ý thêm rằng việc tiêm chủng công khai vắc-xin Covid Sputnik V mới có thể bắt đầu ở Nga vào cuối tháng 10.
Vào tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị tặng tất cả các nhân viên của Liên hợp quốc mỗi người một liều Sputnik V miễn phí, tuy nhiên bản thân ông Putin vẫn chưa tiêm thử loại vắc xin này trong bối cảnh dịch Covid vẫn đang diễn biến theo chiều hướng xấu tại Nga.