Mùa xuân đã đến với đất nước phước đức phương Nam của chúng ta. Xuân mang nắng ấm và bông hoa rực rỡ. Xuân còn tặng cho chúng ta những trái cây chín mọng. Hưởng nắng ấm, nhiều gia đình bắt đầu lên núi ngắm trăng thanh hay xuống biển hóng gió mát. Ngắm hoa rực rỡ, lòng xuân của cô gái thêm phơi phới. Cuối cùng, chúa xuân còn rải cùng khắp miền thôn dã Úc những trái cây chín mọng. Tiếc một điều, trái cây Úc cín nặng trĩu cành nhưng đành để ung thúi vì thiếu người hái.
Trước đây, công việc này do nhóm người từ các đảo Thái Bình Dương và cô cậu ‘đi phược’ đảm nhận. Ngoài ra, Úc có thêm chương trình tuyển công nhân làm việc tuỳ thời (Seasonal Worker Program). Đã thấy chương trình này tuyển người từ Việt Nam sang đây.
Tuy nhiên, từ khi đường bay quốc tế ngưng trệ vì con Corona, cô cậu du lịch ba-lô bị cùm chưn. Thông thường, vào mùa xuân ở Úc phải có ít nhất 160 ngàn cô cậu ba-lô. Năm nay con số này chỉ còn 70 ngàn. 70 ngàn cô cậu này đã tới Úc và bị kẹt đường về. Vì không nhận được thêm khách du lịch ba-lô nữa, chính phủ Úc phải gia hạn chiếu khán và cho phép cô cậu đang kẹt ở đây được phép… hái trái cây dài dài.
Bên cạnh đó, ông tổng trưởng nông nghiệp David Littleproud khuyến khích ai đang ăn tiền Jobseeker và Youth Allowances cũng thử vài chuyến về miền thôn dã để biết trời trăng mây gió. Bộ trưởng nông nghiệp đề nghị: nhằm khuyến khích người đang ăn trợ cấp từ Centrelink về miền quê, chính phủ nới tay cho phép người thất nghiệp và bạn trẻ được đút túi thêm $300 (mỗi hai tuần lễ) mà không bị trừ trợ cấp. Nhưng điều này chưa được ông tổng trưởng kinh tế loan báo.
Cùng một lúc, hiệp hội nông gia Úc (The National Farmers Federation) đề nghị chính phủ trợ cấp liền $1,200 Úc kim cho ai dọn nhà về quê và cho phép họ đút túi thêm $5,000 / năm mà không bị trừ trợ cấp an sinh xã hội. Nhưng rất ít người thất nghiệp Úc chịu về quê. Thật vậy, người đã sống ở thành phố rất khó về quê vì việc làm ở quê chỉ kéo dài trong vài tháng rồi hết. Ầy là chưa kể tới ai có gia đình thì phải lo nhà ở cho vợ, trường học cho con và ở thành phố lại nhiều thú vui không có ở thôn dã. Nhưng một số cản trở này có thể tiêu tan trong thời đại dịch. Trong mấy tháng gần đây, khá nhiều gia đình trẻ tìm về nơi thôn dã để dễ thở hơn. Người ở Brisbane thì dọn về Wide Bay hay Hervey Bay; người ở Sydney nếu xuống biển rộng thì chọn Shoalhaven; nếu thích núi cao thì bầu đàn thê tử lên Southern Highlands. Nhờ phong trào lui về sống ở thôn dã, nhà cửa ở thị trấn Úc — như Newcastle, Wollongong, Ballarat, Bendigo, the Sunshine và Gold Coasts… rục rịch lên giá.
Dẫu thế, trái cây ở Úc mỗi ngày một chín mọng và chủ nông trại van nài thiên hạ chịu khó ‘đi farm’ hái giúp trái cây. Hàng năm, chủ Mountain Blue Farms ở thị trấn Tabulan, phía Bắc NSW, cần từ 600 đến 700 người hái hơn 1,200 tấn trái dâu thẫm (Blue berry). Hiện nay họ thiếu đến 200 người hái. Để thu hút người đến làm, ông chủ đã treo rất nhiều giải thưởng trị giá tổng cộng $50,000. Công nhân tới Mountain Blue Farms làm việc ăn lương đã vậy mà còn được rút thăm trúng thưởng.
Dù trái cây chín mọng có gào thét đến đâu, dân thành thị và người thất nghiệp vẫn không chịu về nơi thôn dã. Thế là chính phủ phải quay qua mời chài bạn trẻ. Khá đông bạn trẻ ở Úc khi học xong trung học thường nghỉ một năm để đi đây đó, rồi mới trở lại đại học. Tiếc thay! năm nay con Corona chặt hết đường đi của cô cậu. Vin vào cớ này, chính phủ ướm ‘Không du lịch ngoại quốc được, sao cô cậu không thử về thôn dã Úc?’. Về thôn dã có trời rộng, gió mát. Cô cậu sẽ sống suốt ngày bên những trái cây chín mọng. Ôi! tha hồ mà tình tứ và… selfie.
Chính ông tổng trưởng nông nghiệp David Littleproud hồi mới rời ghế trường trung học đã từng đi hái dưa hấu và đào khoai tây. Ông khuyến khích bạn trẻ ngày nay cũng làm vài chuyến về miền thôn dã để biết trời trăng mây gió. Biết đâu mai kia mốt nọ cô cậu trở thành ông nọ bà kia thì có chuyện kể cho cử tri… rằng… thì… mà… khi nước Úc nguy biến mình đã xung phong về miền thôn dã để… hái trái cây.
Thật ra, hái trái cây không phải là chuyện chơi. Công việc này đòi người làm phải khoẻ mạnh và chịu đựng. Hái trái cây phải làm việc quần quật một nắng hai sương, leo trèo khá cao, khiêng vác nặng… Thông thường chỉ người dưới 30 tuổi mới làm nổi. Vì thế Úc chỉ ban ‘Working Holiday Visa’ cho người từ 18 đến 30 tuổi mà thôi.
Cuối cùng, Úc vẫn thiếu trầm trọng người sống tại thôn dã nên cần đến một lớp người khác. Hiện nay, đang có 17,000 người muốn sống ở Úc nhưng lại bị cấm cửa. Họ là người tị nạn sống lây lất ở đây mà không biết bao giờ được thường trú. Hội đồng tị nạn Úc (Refugee Council of Australia) đã xin chính phủ cấp một chiếu khán đặc biệt cho lớp người này được về quê làm việc và có thể định cư tại Úc. Trong quá khứ đã có người Afghanistan đến đây để chăn đàn lạc đà trong các sa mạc phía Bắc nước Úc và người Trung Hoa sang đây săn vàng – thì sao lại không thể có một lớp người đến đây để hái trái cây và làm lại cuộc đời?
Trái cây chín mọng ở miền thôn dã Úc đang chờ đợi.
Việt Luận