Cổ Nhuế
Tối thứ Ba vừa qua, tổng trưởng kinh tế liên bang Josh Frydenberg đã đệ trình dự luật ngân sách cho nước Úc. Lẽ ra, ngân sách này đã ra từ tháng Năm nhưng vì con Corona cắn dữ quá nên chính phủ phải hoãn lại. Tại quốc hội, dân biểu ngồi thưa thớt vì sợ lây con Corona và bầu không khí của đêm đệ trình ngân sách khá ảm đạm. Không ai lên tiếng ‘Hear! hear!’ dù ông tổng trưởng kinh tế hết nhét tiền vào túi ông bà già, chủ thương nghiệp, cho đến từng người đóng thuế ở Úc. Lý do là ai ai cũng biết ‘tiền, tiền, tiền khắp nơi’ ấy là đống nợ nước Úc phải gánh.
Nhét tiền vào túi người dân
Xin nói đến lớp người được nhét tiền vào túi trước.
Trước tiên là tiền mặt sẽ vào túi ông bà già. Trước lễ Giáng Sinh năm nay, lớp người này sẽ được nhét $250; và trong tháng Ba sang năm lại được $250 nữa. Đây là số tiền chính phủ nhét vào túi cụ ông cụ bà sau khi đã nhét $750 trong tháng Tư và tháng Bảy vừa qua để các cụ cà-phê cà-pháo cho quên con Corona. Cũng vẫn ưu ái cho lớp người từng bị nạn nặng nề nhất trong mùa đại dịch này, chính phủ nhét $1.6 tỷ để giúp thêm 23 ngàn cụ ông cụ bà được chăm sóc tại gia.
Bên cạnh cụ già, ai đang đóng thuế thì được được chính phủ âm thầm nhét thêm tiền vào túi qua chương trình cắt giảm thuế. Đóng thuế càng nhiều thì càng được chính phủ nhét tiền trở lại vào túi. Khi trà dư tửu hậu, bạn đọc nghe ai nói năm nay họ được giảm thuế hơn $5,000 thì phải hiểu rằng lương của người ấy thuộc hạng chót vót ở Úc. Còn người chỉ được bớt thuế ở mức ‘hai ngàn bạc’ thì chỉ là công nhân thường thường bậc trung (lương sáu chục xấp!) mà thôi. Nhìn chung, với mức thuế mới, ai kiếm được đến $45,000 /năm thì chỉ phải đóng thuế 19%. Làm ra đến $120,000 / năm chỉ đóng thuế 32.5% mà thôi. Còn người chỉ đút túi dưới $18,200 / năm thì khỏi đóng thuế một cắc.
Ai đang làm chủ bất kỳ thương nghiệp nào (ngoại trừ chủ nhà băng) khi mướn người làm việc cho mình thì có thể được chính phủ phụ thêm tiền lương trả cho người làm mướn. Khi chủ mướn một người dưới 30 tuổi đang ăn tiền JobSeeker, Youth Allowance hay Parenting Payment thì chính phủ phụ thêm $200 / tuần để trả lương. Chính phủ phụ thêm $100 / tuần nếu chủ mướn người từ 30 đến 25 tuổi. Phụ cấp này gọi là JobMaker. Muốn được lãnh phụ cấp JobMaker, chủ phải cho nhân viên làm việc ít nhất 20 tiếng đồng hồ / tuần lễ. Bằng vào JobMaker, chính phủ hy vọng giúp 450 ngàn người dưới 35 tuổi được lọt vào mắt xanh của chủ.
Ngoài ra, chính phủ còn phụ cấp lên đến 50% tiền lương cho chừng 100 ngàn bạn trẻ học nghề. Bạn trẻ học nghề gì, học ở đâu và với bất kỳ chủ nào cũng được lãnh phụ cấp này.
Tiêu tiền xả ga, à nghen!
Khi đệ trình ngân sách chính phủ chia chiếc bánh ngọt cho người dân. Năm nào cũng thế, khi ngân sách ra có người hí hửng có người yểu xìu. Hí hửng vì được tiền năm nay là ông già bà cả, người dưới 35 tuổi chớp được việc làm, chủ các thương nghiệp và 11 triệu người đóng thuế ở Úc.
Trước một nền kinh tế tang hoang vì con Corona, chính phủ Úc tung ra thật nhiều tiền để mong ‘tiền đẻ ra tiền’. Từ tháng Ba năm nay, rất đông người Úc nếu không bị cùm chưn trong nhà thì cũng nhận được thư ‘cám ơn’ từ chủ. Nước Úc rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nặng nề như chưa từng thấy kể từ năm 1930. Năm nay kinh tế Úc sụt xuống 3.75% và chính phủ đoán vào cuối năm nay cứ trăm người Úc thì có 8 thất nghiệp.
Thật vậy, mong muốn lớn nhất của ông Josh Frydenberg hiện nay là: người Úc tiêu tiền thật nhiều. Ổng mong chủ thương nghiệp hào phóng mua sắm dụng cụ và mướn thêm nhân viên (và ổng cho phép khấu trừ thuế hay phụ cấp tiền lương). Ổng mong ai đi làm thì dùng tiền giảm thuế để vui chơi, đi du lịch, cà phê cà pháo cho đời lên hương. Ngay đến cụ già cũng được nhét tiền vào túi để chống gậy … đi shop nữa là!
Khi bạn đọc tiêu $1 thì giúp cho đồng bạc đó đẻ ra $1 đồng 4 xu vì ông tổng trưởng kinh tế tung tiền ra khắp nơi để mong sang năm kinh tế Úc lại tăng trưởng 4%. Trong diễn văn đệ trình ngân sách, ông tổng trưởng kinh tế Josh Frydenberg đã thốt ra 32 lần chữ ‘việc làm, job’. Ổng nói: ngân sách này nhắm tới tạo ra việc làm. Nhưng trước khi có việc làm thì người dân được khuyến khích tiêu xài. Tiêu xài thả ga!
Tầng lớp thiệt thòi ở Úc
Bên cạnh những người hí hửng khi ngân sách ra bao giờ cũng có vài ba lớp người chỉ được hưởng phần chút ít. Họ yểu xìu.
Yểu xìu năm nay là người sắp hàng trước Centrelink xin tiền thất nghiệp. Lương ‘hãng gạch’ của họ vẫn chỉ ở mức $40 / ngày. Hai ngày sau khi ông tổng trưởng kinh tế đệ trình dự luật ngân sách, thủ lãnh đối lập được quyền lên tiếng đáp trả. Bạn đọc đã nghe thủ lãnh đối lập Anthony Albanese than vãn giúp cho người không sao sống được với $40 / ngày. Ổng gióng lên tiếng rên vì ròng rã 25 năm qua trợ cấp thất nghiệp ở Úc đã không nhíh lên được một xu! Nhưng ổng đã quên trong 25 năm đó, cũng có những năm đảng Lao Động cầm quyền. Trong thực tế, cả Lao Động lẫn Tự Do đều không màng tới lớp người thất nghiệp.
Hơn nữa, hôm nay rủi ai trên 35 tuổi mà thất nghiệp thì cuộc đời coi như vào ngõ cụt. Họ rất khó được chủ mướn vì chính phủ không phụ cấp tiền lương cho chủ. Cũng yểu xìu là người lãnh lương mỏng dính. Lương đã mỏng mà không được giảm thuế bao nhiêu. Mặt thì yểu xìu mà cổ thì dài ra là lớp người mong mỏi được ở nhà ‘chính phủ’ vì ngân sách năm nay không dành ra nhiều tiền giúp xây nhà cho người vô gia cư, dân nghèo, người tị nạn …
Ngay đến lớp người di dân và tị nạn cũng ít có cơ hội tìm được một chỗ sống trên đất nước phước đức này. Có lẽ phải chờ cho tới cuối sang năm sinh viên du học mới trở lại Úc. Riêng năm nay, chắc là chỉ có chừng 72 ngàn người được di dân vào Úc. Con số này chưa bằng phân nửa so với năm ngoái (154 ngàn người). Cùng một lúc, vì đại dịch các bà mẹ Úc không đẻ nữa. Năm ngoái, dân số Úc tăng lên 1.2%. Năm nay chỉ nhích được 0.2% là khẩm rồi. Với dân số ít ỏi này, Úc khó phát triển kinh tế vì người già quá đông mà lại tiếng khóc chào đời lại thưa thớt.
Nợ ngập đầu ngập cổ
Một đàng chính phủ Úc thu về không được bao nhiêu tiền, đàng khác lại nhét tiền quá nhiều cho đủ lớp người thì hỏi chính phủ lấy tiền từ đâu? Xin thưa: ví như nhà kia khi chồng mất việc, vợ đau yếu, con cái nheo nhóc mà mấy cái miệng trong nhà vẫn phải ăn thì họ phải vay đầu này mượn đầu kia. Nước Úc cũng thế.
Năm nay Úc thu về ít hơn chi ra đến $213 tỷ. Vậy là phải vay đầu này mượn đầu kia. Sang năm, Úc sẽ nợ gần $1 ngàn tỷ. Số nợ này bằng 40% tổng sản lượng của Úc. Với đống nợ khổng lồ này, con cháu chúng ta phải còng lưng trả. Chưa biết tới bao giờ mới dứt nợ vì chỉ nói về tiền lời mà thôi: từ rày mỗi năm Úc phải trả đến $18 tỷ tiền lời.
Với số nợ gần một ngàn tỷ, khi một em bé Úc cất tiếng khóc chào đời thì em đã nợ $37 ngàn Đô La. Ôi thật bất hạnh cho em bé vì không được sinh ra ở đất nước ‘tiền rừng bạc biển’ ở phía Đông Lào. Nhưng sự đời lại oái ăm! Người ở nước ‘tiền rừng bạc biển’ lại tìm đường thoát thân qua những xứ ‘giãy chết’ – trong đó có Úc. Sao vậy? Chắc là ở đây chính phủ thà nợ nần để có tiền nuôi dân.
Cổ Nhuế