Bà Thái Anh Văn đã nói gì mà chọc thẳng vào những nỗi đau của Bắc Kinh?

Hương Thảo

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: Shutterstock).

Về bình luận của Thời báo Hoàn cầu đả kích bà Thái, chuyên gia bình luận cho rằng “chắc là do đã không học tốt tư tưởng Tập Cận Bình rồi!”

Chuyên gia bình luận thời sự Liên Thư Hoa đã có bài phân tích thấu đáo trên Epoch Times. Sau đây là nguyên văn bài bình luận:

Thứ Bảy tuần trước được người Đài Loan gọi là ngày Lưỡng Thập (10/10), kỷ niệm năm thứ 109 thành lập Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Bà Thái Anh Văn đã có bài phát biểu với tư cách là Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, bà diễn thuyết có chủ đề: “Đoàn kết với Đài Loan và tự tin tiến về phía trước”. Kết quả là, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột nhiên nổi cơn thịnh nộ. Trong bài phát biểu của mình, bà Thái Anh Văn đã ẩn giấu mật mã nào khiến ĐCSTQ tức giận đến vậy?

Phản ứng của ĐCSTQ sau bài phát biểu nhân Quốc khánh Đài Loan của bà Thái

Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của ĐCSTQ phản hồi rằng bài phát biểu này của bà Thái Anh Văn tiếp tục tư duy đối đầu và thù địch, ngôn luận cổ xúy mưu đồ “độc lập”, kêu gọi kết nối với các thế lực bên ngoài, lừa dối trái tim của người dân Đài Loan, và một lần nữa bộc lộ bản chất của việc tìm kiếm độc lập của chính quyền đảng Dân Tiến (DPP).

Tờ Hoàn cầu Thời báo của ĐCSTQ cho rằng “bài phát biểu ngày Lưỡng Thập” của bà Thái Anh Văn vừa nham hiểm vừa nực cười. Bài báo này còn chọc ngoáy, cho rằng nền kinh tế Đài Loan đang kém và suy thoái, bà Thái Anh Văn muốn ràng buộc Hoa Kỳ chặt hơn mà không biết giữ tự trọng. Rằng, đảo Đài Loan không những đã không được hưởng lợi từ điều này, mà thay vào đó, ngày càng đứng trước những rủi ro cao khi trở thành một quân cờ chiến lược của Hoa Kỳ…

3 nỗi đau lớn của ĐCSTQ mà bà Thái đã đạp lên

Trước hết, việc Đài Loan từ chối một quốc gia, hai chế độ và câu chuyện của bà Thái Anh Văn về bảo vệ chủ quyền không thực sự khiến ĐCSTQ ngạc nhiên. Điều này là do trong quá khứ, các quan chức Đài Loan, dù là Đảng Dân chủ Tiến bộ (Đảng Dân Tiến) hay Quốc dân Đảng, chưa bao giờ chấp nhận một quốc gia, hai chế độ, và chưa bao giờ coi nhẹ chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc.

Thứ hai, phát biểu của bà Thái Anh Văn về sự phát triển kinh tế và dịch bệnh không phải là vấn đề khiến ĐCSTQ khó chịu. Thời báo Hoàn cầu đã dành nhiều thời gian cho rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc nên không có chủ quyền, thực ra đó chỉ là nó tự nói tự thoại chứ không được ai công nhận, bởi vì mặc dù không có nhiều quốc gia trên thế giới có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng không ai công nhận ĐCSTQ quản trị Đài Loan. Về quyền lực quản trị Đài Loan, hầu hết các quốc gia đều tin rằng Đài Loan thực chất là một chính phủ độc lập.

Thực ra bài phát biểu của bà Thái có ba nội dung khác thực sự khiến ĐCSTQ bất an.

Phá tan âm mưu tranh thủ tấn công Đài Loan của ĐCSTQ

Đầu tiên, bà Thái nói về phản kháng quân sự, sự nhu nhược sẽ không mang lại hòa bình, và cần củng cố sức mạnh quân sự của Đài Loan. Trong năm qua, Đài Loan đã thu được nhiều vũ khí tối tân từ Hoa Kỳ và cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ quân đội Hoa Kỳ, điều này đã nâng cao đáng kể khả năng quốc phòng của hòn đảo.

Ở eo biển Đài Loan, mấy chục năm nay, về hải quân và không quân luôn là Đài Loan mạnh Trung Quốc yếu, cho nên về cơ bản ĐCSTQ đã không thể dùng vũ lực tấn công Đài Loan. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2012, xu hướng này đã đảo ngược, ĐCSTQ mua vũ khí từ Nga và đầu tư rất nhiều tiền để làm nhái vũ khí. Cán cân sức mạnh của hải quân và không quân hai bên đã thay đổi. Do đó, ĐCSTQ nhận thấy có thể tấn công Đài Loan bằng vũ lực.

Trong hai năm qua, các chuyên gia từ các quốc gia khác nhau đã thảo luận về khả năng ĐCSTQ tấn công Đài Loan. Tuy nhiên, ít người cụ thể hóa thành các chính sách chuyên môn. Số lượng và chất lượng vũ khí của Trung Quốc đại lục đang dần vượt qua Đài Loan. Nhưng Đài Loan cũng đang tăng cường trang bị vũ khí và mua thiết bị mới từ Mỹ. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian trễ giữa việc nhập khẩu trang bị này và việc triển khai nó trong quân đội, vì vậy khoảng thời gian này là thời điểm mà ĐCSTQ muốn tấn công Đài Loan.

ĐCSTQ đã có thời gian biểu và các bước lên kế hoạch cụ thể cho việc dùng vũ lực để xâm lược Đài Loan, bắt đầu từ cuối năm 2017. Tình báo Mỹ cho biết như vậy, tức là tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, Tập Cận Bình đã đề xuất giải quyết vấn đề Đài Loan bằng cách, trước tiên sử dụng chiêu bài ‘một quốc gia, hai chế độ’ hòa bình. Sau đó nếu không đạt hiệu quả thì trực tiếp dùng vũ lực. Thời gian được ấn định từ năm 2020 đến 2022.

Theo thông tin tình báo, bài phát biểu nội bộ của ông Tập Cận Bình nói rằng vấn đề Đài Loan không thể trì hoãn lâu hơn nữa và không thể để lại cho thế hệ sau.

Nhưng bố cục này đã bị phá vỡ bởi sự leo thang đối đầu Trung – Mỹ. Trên thực tế, điều này là không thể tránh khỏi, bởi vì không ai ngồi chờ ĐCSTQ khai chiến mà không chuẩn bị. Mọi hoạt động quân sự đều có thể bị theo dõi, mọi kế hoạch và mục tiêu sẽ bị lộ, và bên kia sẽ tăng cường đối phó.

Tình hình hiện nay là chủ lực của quân đội Mỹ đã hoàn thành việc chuyển giao cơ bản, từ châu Âu và Trung Đông sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hay trực tiếp hơn là khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đối với chính phủ và quân đội ĐCSTQ, đây là kế hoạch không thể triển khai nhanh. Sách lược quân sự ban đầu của ĐCSTQ là triển khai chớp nhoáng, và việc giải quyết Đài Loan trong vòng một tuần đòi hỏi phải tăng cường các biện pháp chống can thiệp của Mỹ. Vì vậy, ĐCSTQ đã phát triển các loại tên lửa tầm trung, bao gồm tên lửa siêu thanh, diệt tàu sân bay, máy bay ném bom tầm xa, tàu ngầm… Ví dụ, trong quá trình quân sự hóa Biển Đông, mục tiêu của nó không phải là kiểm soát thương mại, mà là kiểm soát quân đội Hoa Kỳ chuyển quân từ Trung Đông.

Nhưng giờ đây, quân đội Hoa Kỳ đã vào cuộc, và khoảng 70% lực lượng chiến đấu chính của quân đội Hoa Kỳ, bao gồm cả hải quân và không quân, đã được triển khai. Với sức mạnh quân sự hiện tại của ĐCSTQ, đơn giản là không thể đối phó với sự hùng mạnh của Hoa Kỳ. Hóa ra là ĐCSTQ muốn chặn viện binh của Hoa Kỳ, nhưng bây giờ quân đội Hoa Kỳ đã đến và triển khai, vì vậy thời điểm để tấn công Đài Loan đã bị đóng lại.

Vì vậy, khi bà Thái Anh Văn nói về việc chuẩn bị quân sự và đối phó cứng rắn với các mối đe dọa quân sự, ĐCSTQ sẽ từ buồn phiền thành tức giận. Đây là nỗi đau đầu tiên của ĐCSTQ.

Một từ “bình đẳng” khiến ĐCSTQ giận tím mặt

Về điểm thứ hai, bà Thái Anh Văn một lần nữa nhắc lại “hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại”, bà cho rằng cả hai bên đều có trách nhiệm duy trì hòa bình ở eo biển Đài Loan. Bà hy vọng rằng các nhà lãnh đạo ở phía bên kia có thể gánh vác những trách nhiệm tương đương và cùng nhau ổn định sự phát triển lâu dài của mối quan hệ xuyên eo biển.

Ở phương diện này, then chốt nằm ở từ “bình đẳng”. Đối với ĐCSTQ, bình đẳng là không thể chấp nhận được. ĐCSTQ coi Đài Loan là một “địa phương”, bà Thái Anh Văn là lãnh đạo địa phương, và ĐCSTQ là trung ương, cao hơn “địa phương” vài cấp. Trên thực tế, ĐCSTQ đã luôn làm điều này. Văn hóa Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến điều này, coi nước ngoài là chư hầu. Vua nước ngoài có thể xưng vương, có thể thành vương, thì phải gọi “ta” là hoàng đế, nếu coi ngang vai, thì tuyệt đối không thể, nhất định phải chiến đấu đến lúc ngươi chết ta sống. Ai làm lão đại là vấn đề sinh tử, căn bản không thể có chuyện chung sống hòa bình.

Một hệ thống chuyên chế, quyền lực có hình kim tự tháp. Trên toàn thế giới, ĐCSTQ coi nó là “Vương”. Bà Thái Anh Văn yêu cầu bình đẳng và ngang hàng với Ủy ban Trung ương, đây là nỗi đau thứ hai của ĐCSTQ.

Một câu “các quốc gia có giá trị chung” càng khiến ĐCSTQ sợ hãi

Điểm cuối cùng, có thể thực sự là quan trọng nhất. Bà Thái Anh Văn nói rằng Đài Loan đã được quốc tế định vị như một câu chuyện dân chủ thành công, một đối tác đáng tin cậy và một lực lượng tốt trên thế giới. Bà nói, “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác cùng phát triển thịnh vượng với tất cả các quốc gia và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của chúng tôi với các quốc gia có chung giá trị như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu”.

Từ khóa nhạy cảm ở đây là “các quốc gia có giá trị chung”.

Như các bạn đã biết, Hoa Kỳ và ĐCSTQ đã bước vào giai đoạn đối đầu toàn diện. Chiến lược của Mỹ là hình thành một liên minh giá trị chung trên thế giới. Điều này có nghĩa là cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là tranh chấp về lợi ích quốc gia, không phải là tranh chấp thương mại, hay vấn đề ai kiếm được nhiều hơn và ai kiếm được ít hơn, mà là cuộc chiến giữa các giá trị và thể chế xã hội.

Trong khoảng thời gian vừa qua, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, đến bất kỳ quốc gia nào, đều nói về cuộc chiến Mỹ – Trung. Và giai điệu này quả thực đã đạt được thành công đáng kể. Nhật Bản, Châu Âu, bao gồm Úc và Canada, về cơ bản đã hình thành liên minh giá trị này. Bên ngoài giá trị cốt lõi này, thực tế còn có hàng loạt hệ thống, bao gồm kinh tế và thương mại, quan hệ quân sự và triển khai địa chính trị.

Giờ đây, Đài Loan cũng hưởng ứng liên minh giá trị này, tất nhiên là đã chọc vào nỗi đau lớn nhất của ĐCSTQ.

Đối với một chính quyền mà nói, điểm nhức nhối lớn nhất là vấn đề an toàn. Các giá trị quan này liên quan đến sự an nguy tồn vong của ĐCSTQ. Đài Loan không chọn liên minh dân tộc, liên minh huyết thống hay liên minh quốc gia, mà chọn liên minh giá trị, tương đương với việc công khai tuyên bố rằng họ sẽ đứng về phía Hoa Kỳ.

Mặc dù ĐCSTQ đại khái đã biết rằng, trong cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ toàn cầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Đài Loan khó có khả năng giúp gì cho Trung Cộng. Nhưng suy cho cùng, nó vẫn hy vọng rằng Đài Loan sẽ đứng trung lập và không dám đi về phe đối lập. Tuy nhiên, bài phát biểu của bà Thái Anh Văn tương đương với việc công bố chính thức Đài Loan đứng về phe đối lập.

Nếu nhìn vào tình hình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta có thể hiểu tại sao ĐCSTQ lại rất tức giận với “liên minh giá trị” này. Trước đây, Hoa Kỳ đã triển khai liên minh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với 4 quốc gia là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Trên thực tế, liên minh này tương đối lỏng lẻo, vì mục tiêu của các nước là khác nhau.

Bây giờ, Hàn Quốc đã bước ra khỏi liên minh. Dưới sự lãnh đạo của Moon Jae In, các mối quan hệ của Hàn Quốc với Nhật Bản và Hoa Kỳ đều trở nên có vấn đề. Tam giác sắt Mỹ-Nhật-Hàn dường như không còn bền chặt.

Theo tin tức từ tờ “Trung ương Nhật Báo” của Hàn Quốc, ông Moon Jae In của Hàn Quốc đã đưa ra cam kết “ba không” với ĐCSTQ, đó là không nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot, không nâng cấp hệ thống chống tên lửa THAAD và không nâng cấp quan hệ quân sự Mỹ, Nhật Bản,Hàn Quốc. Đây là một chiến thắng địa chính trị lớn của ĐCSTQ.

Hàn Quốc hy vọng sẽ tiếp tục giữ trung lập và không chọn bên nào. Nhưng cuối cùng, vẫn phải mất mát.

Vì vậy, bây giờ chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ về cơ bản đã chuyển sang các hệ thống Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, và mục tiêu rất rõ ràng, là đối phó với ĐCSTQ.

Việc làm rõ thái độ của Nhật Bản là rất quan trọng đối với hệ thống này. Vì Nhật Bản có thể đóng vai trò hùng mạnh hơn ở Đông Nam Á và Châu Á so với Hoa Kỳ, và một khi công nghệ của Nhật Bản hợp nhất với Hoa Kỳ sẽ trở thành công nghệ quân sự và một lực lượng cực kỳ hùng mạnh. Và tất cả những điều này chính là đang xảy ra bây giờ.

Đài Loan đã không đi theo con đường của Hàn Quốc, mà đi theo con đường của Nhật Bản để gia nhập “liên minh giá trị” này. Đây không chỉ là một vấn đề vô vọng đối với việc thống nhất bằng quân sự của ĐCSTQ, mà còn là một trở ngại lớn đối với toàn bộ địa chính trị của ĐCSTQ. Liên minh này không chỉ về quân sự mà còn về kinh tế, thương mại và công nghệ, Đài Loan sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ. Nếu bạn nói về vấn đề quân sự, toàn bộ tác dụng càng trở nên rõ ràng hơn, bởi vì vị trí của Đài Loan thực sự trọng yếu hơn Hàn Quốc.

Về cơ bản mà nói, chiến lược Đài Loan của ĐCSTQ, ban đầu là dùng uy thế của lực lượng vũ trang mạnh hơn để uy hiếp, buộc đối thủ phải ký một liên minh cấp thành phố, thành lập khu vực tự trị theo mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’, rồi từ từ thâm nhập vào nó trong nhiều thập kỷ, giống như Hồng Kông. Đây là chính sách đầu tiên, và chính sách tiếp theo là thống nhất bằng vũ lực. Chiếm cứ Đài Loan bằng vũ lực sẽ phải đối diện với Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, khó có thể đánh giá được điều gì xảy ra sau đó, nhưng ít nhất có thể hoàn thành địa vị lịch sử của Tập Cận Bình là thống nhất đất nước.

Nhưng bây giờ, nếu Đài Loan hoàn toàn gia nhập “liên minh giá trị” này, mọi thứ sẽ biến đổi cự đại. Chính sách Đài Loan của ĐCSTQ từ thế tấn công biến thành phòng thủ. Thật là một chuyển biến quá đau đớn.

Tóm lại, ba khía cạnh trong bài phát biểu của bà Thái Anh Văn khiến ĐCSTQ đau đớn nhất: Thứ nhất, tăng cường vũ khí và trao đổi sức mạnh quân sự mạnh mẽ để giữ gìn nền hòa bình; Thứ hai, bình đẳng với Trung Quốc đại lục và Ủy ban Trung ương ĐCSTQ; Thứ ba, đó là tham gia “Liên minh giá trị” và trở thành một phần của cuộc tranh bá toàn cầu.

Bị chọc vào ba nỗi đau này, làm sao ĐCSTQ không nổi giận? “Thời báo Hoàn cầu” còn nực cười hơn, lúc đầu nó tưởng Đài Loan mềm lòng, nên nói rằng bà Thái Anh Văn đã run sợ trước sự phô trương sức mạnh quân sự của ĐCSTQ. Sau đó, người ta phát hiện ra điều đó là sai, và nó đưa ra một bài báo chỉ trích bà Thái Anh Văn là nham hiểm.

Bài báo của tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết: “Tôi không biết Thái Anh Văn nghĩ gì sau khi xem lễ duyệt binh mừng Quốc khánh vừa được tổ chức ở đại lục. Khi bà ta va phải với một lực lượng hùng hậu và ý chí kiên định như vậy, hậu quả thực sự rõ ràng trong nháy mắt”. Dòng chữ này khiến chúng ta liên tưởng đến những bộ phim xã hội đen Hồng Kông “người có cú đấm lớn sẽ quyết định”. Thật mỉa mai, vài ngày trước, Tập Cận Bình còn nói rằng không thể cứ ai có cú đấm lớn thì người khác phải nghe theo. Phát ngôn này của Thời báo Hoàn cầu chắc là do đã không học tốt “tư tưởng Tập Cận Bình”!

Related posts