Trung Quốc tức giận khi Mỹ bổ nhiệm đặc phái viên nhân quyền về Tây Tạng
Hôm thứ 5 (15/10), Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đang tìm cách gây bất ổn ở Tây Tạng sau khi chính quyền TT Trump bổ nhiệm một quan chức nhân quyền cấp cao làm điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo hôm thứ 4 (14/10) rằng ông Robert Destro, trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, sẽ đảm nhận vị trí này, theo tin từ Reuters. Đây là vị trí vốn đã bị bỏ trống kể từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2017.
Trung Quốc liên tục từ chối làm việc với điều phối viên Hoa Kỳ, xem đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của mình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Vấn đề Tây Tạng là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép sự can thiệp của nước ngoài.”
Ông Triệu nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Việc thành lập cái gọi là điều phối viên về các vấn đề Tây Tạng hoàn toàn là sự thao túng chính trị nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gây bất ổn cho Tây Tạng. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó.”
Việc bổ nhiệm diễn ra vào thời điểm mối quan hệ Mỹ – Trung đã xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vì một loạt các vấn đề như thương mại, Đài Loan, nhân quyền, Biển Đông, và virus corona.
Ông Pompeo nói trong một thông báo: “Ông Destro sẽ lãnh đạo những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy việc đối thoại giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc các đại diện của Ngài; bảo vệ bản sắc tôn giáo, văn hóa, và ngôn ngữ độc đáo của người Tây Tạng; và thúc đẩy việc tôn trọng quyền con người.”
Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950, miêu tả đó là cuộc “giải phóng hòa bình” giúp vùng Himalaya xa xôi loại bỏ quá khứ “phong kiến”.
Ông Triệu nói: “Người dân của tất cả các nhóm dân tộc ở Tây tạng là một phần của đại gia đình đất nước Trung Quốc; và kể từ khi được giải phóng hòa bình, Tây Tạng đã có sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc.”
Ông nói thêm rằng mọi người dân Tây Tạng đều được hưởng quyền tự do tôn giáo và các quyền của họ đều được tôn trọng đầy đủ.
Tuy nhiên, các nhà phê bình, đứng đầu là nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng – Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho biết việc cai trị của Bắc Kinh chẳng khác gì “sự diệt chủng văn hóa.”
Vào tháng 7, ông Pompeo cho biết Hoa Kỳ sẽ hạn chế visa đối với một số quan chức Trung Quốc liên quan đến việc ngăn chặn tiếp cận ngoại giao đến Tây tạng và tham gia vào “vi phạm nhân quyền”. Ông nói thêm rằng Washington ủng hộ “quyền tự trị đúng nghĩa” dành cho Tây Tạng.
Gia Huy (theo Reuters)
Đài Loan đang truy tìm 48 công dân mất tích không dấu vết ở Trung Quốc
Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan (MAC) hôm thứ Năm (15/10) cho biết, các nhà chức trách đã không nhận được bất kỳ thông tin nào về 48 công dân Đài Loan mất tích từ năm 2016 đến năm 2019 sau khi họ đi du lịch Trung Quốc, theo Taiwan News.
Người phát ngôn của MAC Khâu Thùy Chính nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng trường hợp 48 công dân Đài Loan mất tích ở Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết. Ông cho biết các vụ việc đang được điều tra và chính phủ đã liên hệ với những cá nhân có báo cáo về những trường hợp mất tích.
Theo ông Khâu, Quỹ trao đổi eo biển của Đài Loan đã nhận được 149 báo cáo về việc người Đài Loan mất tích ở Trung Quốc kể từ ngày 20/5/2016. Trong số những người mất tích, 101 người đã trở về nhà hoặc thông báo cho giới chức Đài Loan về việc họ bị chính quyền Trung Quốc giam giữ, trong khi vẫn chưa rõ tung tích của 48 người còn lại.
Ông Khâu nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bắt giữ công dân Đài Loan trên cơ sở những cáo buộc không có căn cứ và thao túng họ để phá vỡ hòa bình xuyên eo biển. Ông kêu gọi Bắc Kinh dừng ngay những việc làm ác ý như vậy.
Ông Khâu cũng một lần nữa cảnh báo người Đài Loan về nguy cơ bị chính quyền Trung Quốc bắt giam tùy tiện khi tới Đại Lục du lịch và cho hay nhiều người Đài Loan bị gán nhãn là gián điệp và bị giam giữ khi đang trong quá trình trao đổi học thuật bình thường.
Ông cho biết thêm rằng MAC đã hỗ trợ các gia đình của những người Đài Loan bị Bắc Kinh cầm tù và sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến, CNA đưa tin.
Mỹ thu giữ 1.900 đôi găng tay Trung Quốc bị nghi sử dụng lao động cưỡng bức
Giới chức Mỹ hôm 15/10 cho biết họ đã thu giữ lô hàng 1.9.00 đôi găng tay nữ bị nghi ngờ có dính líu đến hoạt động cưỡng bức lao động ở Trung Quốc.
AP đưa tin, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cho biết lô hàng sẽ bị giữ tại Cảng Los Angeles nếu Overland, công ty Mỹ nhập khẩu những sản phẩm trên không thể chứng minh rằng chúng được sản xuất từ lao động hợp pháp.
Overland, một nhà bán lẻ có trụ sở tại Fairfield, Iowa, cho biết họ đã cung cấp bằng chứng cho Hải quan Mỹ để xác minh điều trên. Công ty đang chờ phản hồi và hy vọng sẽ lấy lại được lô găng tay.
Hải quan Mỹ cho biết lô găng tay này được sản xuất bởi Công ty sản xuất hàng may mặc Yili Zhuowan ở Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc. Bắc Kinh bị cáo buộc đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi ở khu vực này.
“Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới sẽ không dung thứ cho chế độ nô lệ hiện đại trong thương mại Mỹ”, Brenda Smith, trợ lý ủy viên điều hành của Văn phòng Thương mại, cho biết trong một tuyên bố thông báo về việc tạm giữ lô hàng găng tay Trung Quốc.
Tháng trước, chính quyền Mỹ đã ra lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hoá từ Trung Quốc được sản xuất bằng “lao động cưỡng bức do nhà nước bảo trợ”. Chính quyền Trump đã xác định Yili là một trong số các công ty bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức và cảnh báo sản phẩm từ doanh nghiệp này có thể bị cấm nhập khẩu vào Mỹ.
Theo luật, nếu công ty nhập khẩu không thể chứng minh hàng hoá không được làm từ lao động cưỡng bức trong vòng 3 tháng, các sản phẩm sẽ bị tịch thu, và thường sẽ bị tiêu hủy.
Quỹ nhà Clinton bị buộc tội trốn thuế lên tới 2,5 tỷ USD
Một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đã ra phán quyết rằng khiếu nại trốn thuế chống lại Quỹ Clinton nên được tiếp tục xem xét, The BL đưa tin.
Quỹ Clinton được thành lập vào năm 1997 bởi vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton với mục tiêu phục vụ các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Just The News, quỹ này bị cáo buộc trốn khoản tiền thuế lên tới 2,5 tỷ đô la.
Thẩm phán Tòa án Thuế Hoa Kỳ David Gustafson đã từ chối quyết định hôm 8/10 miễn truy cứu Quỹ Clinton của Sở Thuế vụ (IRS), sau khi hai chuyên gia thuế nộp đơn khiếu nại quỹ của gia đình Clitn vì nó vi phạm các điều khoản miễn thuế.
Thẩm phán Gustafson nói rằng hai người tố cáo quỹ Clinton, John Moynihan, một cựu quan chức Cơ quan Thực thi Ma túy và Larry Doyle, một chuyên gia thuế doanh nghiệp, “đã cung cấp‘ tài liệu đáng tin cậy, cụ thể ’hỗ trợ cho các cáo buộc của họ”.
Thẩm phán Gustafson cho rằng, IRS đã “lạm dụng quyền quyết định của mình” trong việc cố gắng bác bỏ các cáo buộc chống lại Quỹ Clinton.
Ông Gustafson cho biết Cục Khiếu nại (WB) của IRS đã bác bỏ cáo buộc của Moynihan và Doyle một cách nhầm lẫn đơn giản vì văn phòng Điều tra Hình sự (CI) của IRS đã gửi một email nói rằng các vấn đề trong đơn khiếu nại đã được khép lại.
Theo một báo cáo của nhà nghiên cứu nổi tiếng John Solomon, Moynihan và Doyle là những nhà điều tra tài chính đã nộp đơn khiếu nại lên IRS với cáo buộc rằng Quỹ Clinton đã vi phạm luật thuế quản lý các tổ chức từ thiện miễn thuế.
Các nhà điều tra đã xem xét các bản khai thuế của Quỹ Clinton, các dữ liệu công khai khác và phỏng vấn một số nhân viên của quỹ này. Họ cũng cố gắng so sánh số tiền được chi cho các khoản quyên góp từ thiện và số tiền được dành cho các khoản như đi lại, tiền lương và chi phí hành chính.
Ngoài những thứ khác, họ nhận thấy rằng khoảng 60% thu nhập của quỹ được chi cho các khoản như lương, du lịch và trợ cấp. Moynihan cho biết anh tin rằng một tổ chức từ thiện đúng nghĩa sẽ chỉ dành khoảng 15% cho những khoản chi tiêu đó.
Do đó, Doyle và Moynihan đã phân loại Quỹ Clinton thuộc nhóm “quan hệ đối tác chặt chẽ” thay vì là một tổ chức từ thiện như điều mà quỹ này tự xưng.
Các nhà nghiên cứu tin rằng gia đình Clintons nợ từ 400 triệu đến 2,5 tỷ USD tiền thuế. Họ cũng cho biết họ đã tìm thấy các trường hợp mượn việc ủng hộ quỹ để thực hiện những hành vi mờ ám.
Dựa trên một cuộc phỏng vấn với một nhân viên cũ, những người tố cáo nói rằng cựu Tổng thống Bill Clinton thường xuyên “trộn lẫn và kết hợp, trên cơ sở liên tục, công việc kinh doanh của ông với hoạt động của quỹ”.
Trong khi Quỹ Clinton phủ nhận các cáo buộc của những người khiếu nại, quyết định của thẩm phán có nghĩa là vụ việc sẽ được tiếp tục, vì ông Gustafson đã đề nghị thời gian biểu cho các bước xử lý tiếp theo lên Bộ Tài chính Hoa Kỳ và những người khiếu nại.