Mới đây, Bắc Kinh đã chính thức cho phép người dân thành phố “bày bán hàng rong” dù trước đó đã phản đối kịch liệt, theo bài viết được đăng trên trang Epochtimes.
Gần đây, sáu cơ quan ở thành phố Bắc Kinh đã cùng ban hành “Ý kiến công tác liên quan đến việc tạm thời chiếm dụng không gian công cộng để thực hiện các hoạt động kinh doanh đặc trưng trong thời gian bình thường hóa phòng chống dịch”, nêu rõ rằng trong khoảng thời gian phòng chống dịch, các doanh nghiệp phù hợp quy định được nêu trong văn bản có thể tạm thời chiếm dụng không gian công cộng dựng quầy hàng trong khu vực quy định.
Tuy nhiên, văn bản chính thức nêu trên đặc biệt nói rằng động thái này “không phải là ‘kinh tế vỉa hè’ bày biện bừa bãi”.
Báo cáo của “Nhật báo Bắc Kinh” cũng cho biết, “đề xuất của Bắc Kinh về việc tạm thời chiếm dụng không gian công cộng để thực hiện các hoạt động kinh doanh đặc trưng rõ ràng là khác với ‘kinh tế vỉa hè’ được quan tâm trước đó”.
Được biết, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã chỉ định hơn 60 chỗ bán hàng ở khu phố Vọng Kinh, khu phố Tiền Môn, khu trung tâm thương mại thế giới Bairong và các khu vực khác, và có kế hoạch chọn 2 đến 3 khu phố ở 16 quận làm dự án thí điểm vào năm 2021.
Thuật ngữ “kinh tế vỉa hè” này được ông Lý Khắc Cường đưa ra vào đầu tháng 6 năm nay. Khi đó, ông Lý Khắc Cường ở Sơn Đông đã nói, “kinh tế vỉa hè, kinh tế quán tạp hóa nhỏ là nguồn quan trọng tạo nên công ăn việc làm cho người dân”.
Nhưng chỉ vài ngày sau đó, “Nhật báo Bắc Kinh” đã đăng bài bình luận nói rằng “kinh tế vỉa hè không phù hợp với Bắc Kinh”; Đài truyền hình Trung ương CCTV của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các phương tiện truyền thông khác cũng đều đưa ra các bài báo phản đối kinh tế vỉa hè. Vào thời điểm đó, có một đoạn video do người dân Bắc Kinh đăng tải cho thấy Ban quản lý đô thị Bắc Kinh đã trấn áp, thậm chí thực thi bạo lực với người bán hàng rong.
Bây giờ Bắc Kinh lại bắt đầu chủ động thúc đẩy bán hàng rong, nhưng lại không công nhận thuật ngữ “kinh tế vỉa hè”.
Trang “Apple Daily” hôm 16/10 đã dẫn lời phân tích của nhà bình luận về các vấn đề thời sự Lưu Nhuệ Thiệu (Liu Ruishao) rằng, Thái Kỳ – Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, không muốn ca tụng ông Lý Khắc Cường về mặt chính trị, vậy nên mới bôi bác “kinh tế vỉa hè” của ông Lý Khắc Cường là bày biện bừa bãi, nhấn mạnh biện pháp mới này của Bắc Kinh không chút liên quan gì với “kinh tế vỉa hè” của ông Lý Khắc Cường.
Chuyên gia kinh tế La Gia Thông (Luo Jiacong) cho rằng, việc Bắc Kinh đồng ý cho người dân bày bán hàng rong như vậy chứng tỏ thực trạng kinh tế Trung Quốc hiện tại không mấy khởi sắc, sức mua tiêu dùng của người dân thấp, hơn nữa cần phải giải quyết nhu cầu mưu sinh nhất định.
Ông La Gia Thông tin rằng mặc dù các quầy hàng rong không giúp ích gì nhiều cho nền kinh tế Trung Quốc và không được coi là một chính sách kinh tế chính thức, nhưng nếu không thúc đẩy kinh tế vỉa hè, thì sẽ có rất nhiều người thất nghiệp, thậm chí có thể trở thành nguồn gốc của tình trạng hỗn loạn.
Giới quan sát tin rằng tỷ lệ thất nghiệp thực sự ở Trung Quốc, đặc biệt là tình hình thất nghiệp sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát vượt rất xa con số thống kê chính thức của ĐCSTQ.
Ông Lý Khắc Cường lần nữa đề cập đến “ổn định việc làm” gần đây nhất là vào ngày 9/10, ông chỉ ra rằng “việc đảm bảo công ăn việc làm hiện tại vẫn đang phải chịu áp lực lớn”.
Trước đó, ông Lý Khắc Cường đã nhiều lần đề cập đến “thắt lưng buộc bụng”, tại phiên họp “Lưỡng hội” của ĐCSTQ vào cuối tháng 5 đã công khai tuyên bố rằng Trung Quốc có 600 triệu người có thu nhập hàng tháng chỉ là 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 210 Úc kim).