Phóng viên quốc tế: Tất cả các chủ đề ở Trung Quốc đều là nhạy cảm

Vũ Dương 

Kể từ sau khi Mỹ – Trung đối đầu, nhất là phát động cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông, tình hình các phóng viên tác nghiệp ở Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, theo Vision Times.

Anh Jamil Anderlini, biên tập viên chuyên mục AsiaNews thuộc trang Financial Times, từng là trạm trưởng trạm phóng viên của tờ báo này tại Bắc Kinh và là người có tiếng nói trong giới phóng viên nước ngoài công tác tại Trung Quốc. Trong một cuộc họp video tại Trung tâm Thế giới Kỹ thuật số Edward Murrow, Hoa Kỳ vào ngày 30/9, anh Jamil Anderlini nói rằng sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đối với thông tin truyền thông đang bóp chết không gian thông tin.

Anh nói: “Bạn tôi Anna Fifield, cựu giám đốc chi nhánh văn phòng tại Bắc Kinh của tờ ‘The Washington Post’, đã so sánh kinh nghiệm đưa tin ở Trung Quốc và Triều Tiên của bản thân, cô ấy tin rằng hai chế độ này ngày càng giống nhau hơn. Chế độ độc tài nào cũng đều kiểm soát và thao túng thông tin như nhau. Ở Bắc Triều Tiên, các nhà báo nước ngoài bị sách nhiễu và trục xuất. Ở Trung Quốc, chính quyền ĐCSTQ cũng đối xử với các nhà báo nước ngoài làm việc ở Tân Cương y như vậy”.

Theo Xếp hạng Tự do Báo chí Thế giới năm 2020 của tổ chức phi lợi nhuận Phóng viên không biên giới, Trung Quốc đứng thứ 177 trong số 180 quốc gia và khu vực được thống kê, trong khi Triều Tiên xếp cuối cùng.

Phóng viên Châu Á Adrienne Carter của tờ “New York Times” cho rằng việc Trung Quốc kiểm soát thông tin không chỉ thể hiện ở việc thao túng các kênh truyền thông tin tức, mà còn gây áp lực đối với các nguồn tin.

Cô nói: “Chính quyền ĐCSTQ không chỉ kiểm soát các báo cáo có nội dung mà nó xem là nhạy cảm, chẳng hạn như Tân Cương, đồng thời ngày càng ít người dân Trung Quốc nguyện ý tiếp nhận phỏng vấn từ các kênh truyền thông nước ngoài, điều này khiến công việc của chúng tôi ngày càng khó khăn hơn”.

Anh Jamil Anderlini cho rằng việc đàn áp, trục xuất các nhà báo và kiểm soát các kênh truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc không chỉ là tai nạn nghề nghiệp đối với các nhà báo, mà càng bất lợi hơn cho sự phát triển của chính Trung Quốc.

Anh nói: “Điều này làm cho các bản tin thiếu nhiều góc nhìn chuyên sâu hơn, bất kể là đối với độc giả Trung Quốc hay những người theo dõi Trung Quốc trên khắp thế giới. Việc thiếu lý giải một cách trung lập và khách quan đối với mọi người mà nói quả thật là điều tệ hại”.

Sau khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc phát sinh đối đầu nghiêm trọng, một cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông cũng theo đó mà nổ ra. Cuộc chiến truyền thông bắt đầu vào tháng Giêng năm nay khi chính quyền Trung Quốc trục xuất ba phóng viên của trang “Nhật báo phố Wall” (The Wall Street Journal). Sau đó, Hoa Kỳ đã liệt mấy hãng truyền thông nhà nước lớn của Trung Quốc là phái đoàn ngoại giao mang đậm màu sắc bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ.

Cho đến nay, hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ đã áp đặt nhiều đợt hạn chế thị thực mang tính trả đũa đối với phóng viên của đôi bên.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đội hình phóng viên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tờ Washington Post trong tháng này đã thông báo rằng họ sẽ không thiết lập thêm trạm phóng viên ở Trung Quốc nữa. Tính đến thời điểm hiện tại, các kênh truyền thông nước ngoài nổi tiếng như The Wall Street Journal và Bloomberg đã cắt giảm đáng kể số lượng nhân sự của họ tại Trung Quốc, tất cả các nhà báo Australia đều đã bị trục xuất.

Cô Adrienne Carter tin rằng cuộc chiến truyền thông Trung-Mỹ là một ván cờ chính trị giữa Washington và Bắc Kinh, và các nhà báo của hai nước cũng đã bị cuốn vào cuộc đọ sức này.

Anh Jamil Anderlini cho rằng các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chịu sự kiểm soát của ĐCSTQ trong một thời gian dài, thiếu mất tính độc lập và khách quan.

Anh nói: “Dù là tin tức hay trong sách giáo khoa, mọi thông tin có thể truyền tải đến công chúng đều được kiểm duyệt nghiêm ngặt và thiết kế cẩn thận. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn truyền tải thông tin dựa trên lý niệm ‘Trung Quốc vĩ đại, ĐCSTQ vĩ đại, còn các nước khác thật là tệ hại’”. 

Anh Jamil Anderlini tin rằng môi trường truyền thông đang xấu đi ở Trung Quốc đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc.

Anh cho hay: “Các nhà chức trách Trung Quốc sẽ chỉ ra mọi lỗi nhỏ mà bạn mắc phải trong các bản tin của mình để gây áp lực lên bạn. Vậy nên, là phóng viên nước ngoài, chúng tôi phải hết sức thận trọng và phải đảm bảo được chính xác, khách quan và cân bằng. Điều này cũng liên quan đến danh tiếng và độ tin cậy của truyền thông trên toàn cầu”.

Cô Adrienne Carter cho rằng việc kiểm soát thông tin và đàn áp nhà báo của ĐCSTQ là phương pháp quan trọng để Tập Cận Bình củng cố quyền lực và duy trì sự cầm quyền của ĐCSTQ.

Cô nói: “Trước đây, nhiều CEO sẵn sàng thảo luận các vấn đề kinh tế của Trung Quốc với chúng tôi mà không liên quan đến chính trị. Giờ đây, khi mà ngày càng nhiều CEO nhận thấy bản thân bị cấm tiếp nhận phỏng vấn của giới truyền thông nước ngoài, chủ đề kinh tế này cũng trở nên nhạy cảm và không thể thảo luận thêm nữa. Tuy nhiên ở Trung Quốc, tất cả các chủ đề hiện nay đều là chủ đề nhạy cảm”.

Sự thống trị ngày càng khắc nghiệt của Trung Quốc đối với Hồng Kông đã khiến độ tin cậy của Hồng Kông bị quốc tế nghi ngờ. Do hiện trạng ngày càng xấu đi, trang New York Times đã thông báo vào tháng 7 rằng họ sẽ chuyển mảng kinh doanh tin tức kỹ thuật số của Hồng Kông sang Seoul trước năm sau.

Cô Carter tin rằng, Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông đã thay đổi tất cả các khía cạnh, không chỉ là môi trường truyền thông tự do.

Cô nói: “Nhiều phóng viên của chúng tôi ở Hồng Kông hiện không thể tiếp tục làm việc do hạn chế về thị thực và ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Tất nhiên, nó mang tính chính trị nhiều hơn. Tuy nhiên, áp lực gia tăng liên tục từ ĐCSTQ đã ảnh hưởng lớn hơn đến các phương tiện truyền thông địa phương ở Hồng Kông”.

Theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới mới nhất của năm nay, xếp hạng của Hồng Kông đã giảm từ vị trí thứ 18 năm 2002 xuống hạng thứ 80 vào năm 2020.

Related posts