FTA với Campuchia, Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng kinh tế tại ASEAN

  • Gia Huy

Theo SCMP,  thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà Trung Quốc mới ký với Campuchia trong tuần để cắt giảm thuế quan và thúc đẩy đầu tư cho thấy ý định của Bắc Kinh muốn tăng cường ảnh hưởng kinh tế đối với các nước ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng càng tăng với Hoa Kỳ trong khu vực.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 12 tháng 10 năm 2020 (Tân Hoa Xã)

Hôm 12/10, Trung Quốc đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Campuchia. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Campuchia chính thức đạt được với nước ngoài và nó đã được ký kết rất nhanh chóng chỉ trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, toàn bộ nội dung của hiệp định thương mại hiện vẫn chưa được công bố.

Trước đó, Trung Quốc đã có các thỏa thuận thương mại chung với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (10 thành viên) bao gồm cả Campuchia. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc và Campuchia đã được miễn thuế theo quy định của thỏa thuận Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm 12/10 rằng Trung Quốc sẽ mở rộng chính sách thuế quan bằng “0” cho 97,53% mặt hàng nhập khẩu từ Campuchia, trong khi đó, Campuchia sẽ không áp thuế đối với 90% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán đã được tiến hành từ tháng 12/2019 sau khi Liên minh châu Âu, thị trường chính cho các sản phẩm của Campuchia, đã đình chỉ một số ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Campuchia như một biện pháp trừng phạt do vi phạm nhân quyền.

Ông Xu Liping, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn chính phủ trực thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cho biết Hiệp định FTA đã được thông qua nhanh chóng bởi khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và Campuchia tương đối nhỏ. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng thương mại giữa hai nước trong năm 2019 đạt mức 9,43 tỷ USD, tăng 27,7% so với năm 2018.

Ông Xu nói với SCMP: “Khi nói đến các cuộc đàm phán thương mại, nó không chỉ liên quan đến vấn đề thương mại mà vấn đề chính trị cũng rất quan trọng. Các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Campuchia không bị nhiều vấn đề chính trị ảnh hưởng. Đó là lý do tại sao thỏa thuận có thể đạt được nhanh chóng.”

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, bất chấp sự suy thoái kinh tế do đại dịch virus corona, trong 8 tháng đầu năm nay, thương mại giữa Trung Quốc và khối ASEAN đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 416,6 tỷ USD, khiến ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc cho đến thời điểm này trong năm.

Theo ông Xu, khi Trung Quốc và Hoa Kỳ xung đột về nhiều vấn đề như thương mại, công nghệ, và Biển Đông, áp lực đang gia tăng đối với các quốc gia ASEAN khi lựa chọn đứng về bên nào.

Hôm thứ 3 (13/10), nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đề nghị các nước ASEAN “cảnh giác” trước nguy cơ do chiến lược của Hoa Kỳ gây ra sự cạnh tranh địa chính trị tại Biển Đông và các vùng khác trong khu vực.

Các yêu sách lãnh thổ chồng chéo tại Biển Đông liên quan đến Trung Quốc đại lục, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia, và Brunei cùng với các cuộc xung đột vẫn chưa được giải quyết bởi Trung Quốc vẫn kiên quyết duy trì các tuyên bố chủ quyền sâu rộng của mình đối với vùng biển và tài nguyên đang tranh chấp.

Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng xây dựng “một đế chế hàng hải” tại các vùng biển tranh chấp, điều mà Bắc Kinh phủ nhận. Washington cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hàng chục công ty Trung Quốc vì giúp Bắc Kinh thúc đẩy yêu sách lãnh thổ của mình.

Ông Xu nói: “Đối với Đông Nam Á, rất khó để tránh bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đối với các quốc gia ASEAN, họ sẽ không có lợi khi chọn bên nào. Họ đang thực hiện chiến lược chính sách đối ngoại cân bằng.”

Ông Xu cũng cho biết “không có gì phải nghi ngờ” rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng tại ASEAN sau nhiều năm phát triển kinh tế và thương mại nhanh chóng, nhưng ông cũng nói ảnh hưởng của Hoa Kỳ vẫn rất lớn tại các nước như Campuchia, nơi đồng đô la Mỹ được sử dụng rộng rãi.

Gia Huy (theo SCMP)

Related posts