Gần 26 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, cao gấp hàng chục lần năm 2016

  • Đức Thiện

Cùng thời điểm này 4 năm trước, có khoảng 1,4 triệu người bỏ phiếu sớm. Song năm nay, khi ngày bầu cử chính thức còn hơn nửa tháng, đã có hơn 25,8 triệu cử tri Mỹ hoàn thành quyền bầu cử.

Theo dữ liệu từ tổ chức U.S Elections Project, tính đến thứ Sáu 16/10 (giờ địa phương) đã có tổng cộng hơn 25,8 triệu lá phiếu được bỏ. Đây là số cử tri bầu cử sớm kỷ lục so với 1,4 triệu cử tri bầu cử sớm vào cùng thời điểm này năm 2016. Ngày bầu cử chính thức của Mỹ sẽ diễn ra vào 3/11 và có khoảng 235 triệu cử tri Mỹ trong và ngoài nước đủ điều kiện đi bầu.

Nhà sáng lập U.S Elections Project và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Florida, ông Michael McDonald viết trên trang web của tổ chức này rằng: “Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong một cuộc bầu cử hiện đại tại Mỹ”.

Ông McDonald dự đoán “khoảng 150 triệu người” sẽ tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay – số cử tri bầu cử cao nhất kể từ năm 1908.

Số lượng hơn 25,8 triệu lá phiếu đã được bỏ sớm là bằng 18,6% của tổng số cử tri tham gia cuộc bầu cử năm 2016.

Tuy nhiên, tại 10 bang tính đến 15/10, số phiếu đã bỏ sớm đạt hơn 30% của tổng số phiếu bầu của mỗi bang đó trong năm 2016. Trong đó, Texas (37,9%), Nam Dakota (32,8%), Minnesota (30,7%), Vermont (42,7%), Virginia (30,5%), Georgia (32%) và New Jersey (32,7%).

Tính đến ngày 16/10, Texas đang là bang có số cử tri bầu cử sớm nhiều nhất với gần 3,4 triệu. Tiếp theo đến California và Florida lần lượt đã có 2,9 triệu và 2,4 triệu cử tri đã bầu cử.

Bang dễ dao động Michigan tính đến 14/10 cũng đạt kỷ lục gần 1,4 triệu phiếu bầu sớm. Các bang Maryland, New Jersey và Georgia mỗi bang cũng đã ghi nhận hơn 1 triệu phiếu bầu sớm.

Ông McDonald cũng dự đoán “sẽ có khoảng 70 triệu phiếu bầu qua thư được gửi đến tay cử tri” trước ngày 3/11.

Các bang Colorado, Oregon, Washington, California, D.C., Hawai’i, Montana, Nevada, New Jersey và Utah đã gửi phiếu bầu qua thư tới tất cả các cử tri đăng ký. Giới chức các bang này coi đây là cách bỏ phiếu thay thế cho bỏ phiếu trực tiếp trong thời điểm khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Tính đến 14/10, California đang là bang nhận yêu cầu bỏ phiếu qua thư cao nhất với 21,5 triệu. Tiếp theo là Florida với 5,7 triệu yêu cầu và Washington với 4,6 triệu yêu cầu.

Một số bang vẫn chưa công bố dữ liệu phiếu bầu, trong đó có Idaho, New York, Arkansas, Missouri và Connecticut.

Thành viên Đảng Dân chủ đã yêu cầu 23,5 triệu phiếu bầu qua thư, trong khi số lượng yêu cầu của thành viên Đảng Cộng hòa là 13,1 triệu. 10,3 triệu yêu cầu của thành viên Đảng Dân chủ cao hơn thành viên Đảng Cộng hòa này là dựa trên dữ liệu từ các bang đang báo cáo đăng ký theo đảng phái, gồm California, Colorado, D.C, Florida, Iowa, Maryland, Maine, Bắc Carolina, New Jersey, Nevada, Oregon, Pennsylvania và Utah.

Tuy nhiên, ông McDonald nhiều lần cho rằng những yêu cầu phiếu bầu qua thư dựa trên đăng ký đảng phái này có thể không phải là chỉ dấu chính xác cho kết quả về số lượng cử tri tham gia bầu cử cuối cùng.

Chỉ vì thành viên Đảng Dân chủ đã đăng ký đang dẫn trước thành viên Đảng Cộng hòa trong bầu cử sớm, thì không có nghĩa Đảng Cộng hòa sẽ không bắt kịp về số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu vào Ngày Bầu cử”, ông McDonald cho biết và nhận định thêm rằng “số cử tri tham gia bầu cử là thành viên Đảng Dân chủ thường dẫn trước số cử tri là thành viên Đảng Cộng hòa trong thời điểm bầu cử sớm, và ngược lại, số cử tri Đảng Cộng hòa sẽ dẫn cử tri Đảng Dân chủ đi bỏ phiếu trong Ngày Bầu cử. Đây là mẫu hình thường thấy tại nhiều bang và nhiều cuộc bầu cử tại Mỹ”.

Đức Thiện (Theo Fox News)

Related posts