Đại Nghĩa
Đài Loan sẽ có mối quan hệ bền chặt với những người bạn quyền lực khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo sợ.
Giáo sư Gordon Chang, chuyên gia về Trung Quốc tại đại học Stanford, Hoa Kỳ, đã đưa ra nhận xét nêu bật nét thay đổi trong quan hệ của Đài Loan với cộng đồng quốc tế ngày nay trong bài bình luận của ông đăng trên The National Interest.
Giáo sư Chang trích phát biểu của giáo sư Shen Dingli thuộc Đại học Phúc Đán Thượng Hải trong một cuộc phỏng vấn với New York Times về căng thẳng Trung Quốc – Đài Loan, ông này nói: “Trong một tình huống cực điểm, mọi quốc gia đều có quyền nổ súng trước”.
Có vẻ như Bắc Kinh đang một lần nữa dàn dựng cho các nhà học thuật của mình để đe dọa người dân Đài Loan, lần này là để dọa nạt Hoa Kỳ không được giúp đỡ đảo quốc cộng hòa đang trong nguy hiểm, giáo sư Chang nhận xét.
Giáo sư Shen đã phủ đầu bằng những lời lẽ đe dọa ngầm ý một cảnh báo cho tổng thống Đài Loan, ông ta nói: “Hoa Kỳ, rất tiếc, có thể đã dẫn dắt Thái Anh Văn đánh giá sai tình hình chiến lược”.
Trong tháng này, Bắc Kinh đã bận rộn đưa ra “lằn ranh đỏ” và “giới hạn cuối cùng” cho Mỹ, giống như đã làm vậy vào tháng 5 năm ngoái. Sau đó, ngoài việc tuyên bố “chiến tranh nhân dân” với Hoa Kỳ, họ đã công khai một cụm từ đã sử dụng trong quá khứ trước khi sử dụng vũ lực.
Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc trong một bài bình luận có tiêu đề “Hoa Kỳ, đừng đánh giá thấp khả năng phản công của Trung Quốc” hùng hồn tuyên bố: “Đừng nói rằng chúng tôi không báo trước!”.
Hầu hết mọi nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích đều nói với chúng ta rằng, Đài Loan là lằn ranh đỏ mà Bắc Kinh sẽ hành động. Vì họ cho rằng hòn đảo này là một phần “bất khả xâm phạm” của Trung Quốc.
Ông Chang cho rằng, người Mỹ, từ Nixon và Kissinger, đã quá coi nhẹ quan điểm của Trung Quốc rằng Đài Loan là tỉnh thứ 34 của họ. Mặc dù tên chính thức của Đài Loan là Trung Hoa Dân Quốc, nhưng người dân ở đó nói chung không tự nhận mình là “người Trung Quốc”. Trong một cuộc khảo sát gần đây, 83,2% tự nhận mình là “chỉ người Đài Loan” và 5,3% cho biết họ “chỉ người Trung Quốc”. Số ít còn lại trả lời “cả hai”.
Đài Loan, trên thực tế, chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế chính thức công nhận là một phần của nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đã chấp nhận lập trường của Trung Quốc đối với Đài Loan, và điều đó khiến Bắc Kinh lại yêu cầu nhiều hơn nữa. Ngoài các yêu sách hiện có đối với “đất xanh quốc gia” ở Biển Đông, quần đảo Senkaku của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, và phần lớn miền bắc Ấn Độ, các nhà cầm quyền Trung Quốc hiện đang để mắt đến một phần của Tajikistan, Vladivostok và một phần lớn của vùng Viễn Đông thuộc Nga, Okinawa và phần còn lại của quần đảo Ryukyu của Nhật Bản.
Để ngăn nhiều lãnh thổ trở thành tâm điểm của Trung Quốc, các quốc gia đang phản công. Trong tháng này, Ngoại trưởng Mike Pompeo, khi được Nikkei Asia hỏi liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc “đơn phương” tấn công hay không, đã ám chỉ Mỹ sẽ hỗ trợ hòn đảo.
“Quân đội của chúng tôi đã rất cơ động trong khu vực, chúng tôi có một sự hiện diện để có thể đảm bảo rằng có, trên thực tế, năng lực cho một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” ông nói. “Đây là những việc mà người ta vẫn làm, cho dù đó là Đài Loan hay thách thức đối với Nhật Bản, Hoa Kỳ sẽ là một đối tác tốt cho an ninh ở mọi khía cạnh”.
Đó không phải là tuyên bố chúng tôi sẽ bảo vệ Đài Loan như nhiều người hi vọng, nhưng thông điệp công khai của Washington ngày càng rõ ràng hơn.
Giáo sư Chang nhận định, cho đến nay, Mỹ vẫn duy trì chính sách “chiến lược mơ hồ”. Nói cách khác, Washington không cho cả Trung Quốc hay Đài Loan biết họ sẽ làm gì trong trường hợp có thể xảy ra xung đột. Ông nêu quan điểm: “Lý do căn bản có lẽ là Mỹ để cho Bắc Kinh đoán xem liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan hay không, đồng thời không khuyến khích Đài Loan phá vỡ “hiện trạng” bằng cách tuyên bố độc lập, từ đó khiêu khích Trung Quốc”.
Bắc Kinh rõ ràng đang lo lắng về chính sách của Chính quyền Trump. Thời báo Hoàn Cầu, cái loa của ĐCSTQ, đã đưa ra một bài báo vào ngày 12/10 nói rằng chính sách này không thể thay đổi vì điều đó sẽ “khiến Bắc Kinh phẫn nộ”. Tờ báo tuyên bố: “Không nghi ngờ gì Washington nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của Trung Quốc đại lục” và rằng “Mỹ sẽ không chấp nhận rủi ro khi phá vỡ mối quan hệ với Trung Quốc đại lục chỉ vì Đài Loan, bởi cái giá phải trả quá cao”.
Chính sách mơ hồ vẫn còn hiệu quả cho đến nay, nhưng chính sách này đã được áp dụng trong một thời kỳ khi mà Trung Quốc, vì nhiều lý do, không có thế gì để đi xâm lược. Tuy nhiên, Tập Cận Bình, hiện đang nắm quyền, là một kẻ hiếu chiến. Trong bất kỳ trường hợp nào, ông ta đều tăng cường những lời đe dọa chiếm Đài Loan, cho phát đi những tuyên truyền về Đài Loan với tốc độ chóng mặt, theo giáo sư Chang.
Sự hiếu chiến rành rành của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo sợ, đặc biệt là hai cường quốc Nhật Bản và Ấn Độ.
Nhật Bản là nước láng giềng phía bắc của Đài Loan. Trên thực tế, đảo nhỏ có người ở Yonaguini ở cực tây của Nhật Bản nằm ở phía nam thủ đô Đài Bắc của Đài Loan, và những ngọn núi của Đài Loan có thể trông thấy từ đảo Nhật Bản vào ngày trời quang.
Tokyo, dĩ nhiên, ủng hộ Đài Loan, mặc dù lặng lẽ, bởi vì phòng hộ cho hòn đảo của Nhật Bản phụ thuộc vào việc Đài Loan đỡ đần một tay. Gordon Chang cho biết, một chuyên gia an ninh châu Á đã từng nói với ông: “Nhật Bản sẽ không bao giờ để Trung Quốc chiếm Đài Loan”.
New Delhi thì không cho thấy sự mạnh mẽ như vậy, nhưng họ đang dần thắt chặt quan hệ với Đài Loan, một phần vì Ấn Độ nhận ra rằng Đài Loan và vùng biển ngoại vi Trung Quốc rốt ráo cũng ảnh hưởng đến sườn phía đông của Ấn Độ.
Như Cleo Paskal của Quỹ Quốc phòng Dân chủ (FDD) nói với The National Interest, quan hệ giữa New Delhi và Đài Bắc đã ấm dần lên trong vài năm qua.
Việc Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ của Ấn Độ ở Ladakh vào mùa xuân này và cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ vào ngày 15/6 đã “thêm dầu vào lửa” trong quan điểm của chính phủ Ấn Độ nhìn nhận Trung Quốc. Như Paskal lưu ý: “các chuyên gia tầm cỡ hiện đang công khai nói về việc xem xét lại chính sách Một Trung Quốc”.
Hơn nữa, vụ việc các binh sĩ mất mạng đã đẩy Ấn Độ xích lại gần Hoa Kỳ và Nhật Bản, cả hai đều ủng hộ Đài Loan. Khi các thành viên trong Bộ tứ Kim cương (nhóm QUAD) gồm Úc, Ấn, Nhật, Mỹ xích lại gần nhau hơn trong việc phòng thủ chung chống lại Trung Quốc, Đài Loan sẽ được hưởng lợi. Paskal cho biết rằng đại diện trên thực tế của New Delhi tại Đài Bắc đã công tác ở Mỹ và đang là người làm việc về các vấn đề liên quan đến Bộ tứ.
Dư luận phổ biến ở Ấn Độ ủng hộ một động thái mạnh mẽ tách khỏi Bắc Kinh. Một lãnh đạo địa phương của Đảng Bharatiya Janata cầm quyền, đã treo hàng trăm áp phích Ngày Quốc khánh Đài Loan bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi trong tuần này, gây ra sự phản đối từ phía Bắc Kinh và làn sóng ủng hộ Đài Loan từ công dân Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Ấn Độ gần đây đã tích cực ủng hộ các tình cảm thân Đài Loan ở Ấn Độ.
Như ông Shen của đại học Phúc Đán cảnh báo, Trung Quốc đã sẵn sàng “bắn trước”. Và như Rick Fisher của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế nói với The National Interest: “Sau 30 năm xây dựng và hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc gần như đã sẵn sàng thực hiện một cuộc xâm lược”.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể phát hiện ra rằng vào thời điểm Bắc Kinh sẵn sàng chiến tranh, Đài Loan sẽ có mối quan hệ bền chặt với những người bạn quyền lực, những người mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo sợ, tác giả cuốn sách The coming collapse of China (Sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc), kết luận.