Đại Nghĩa
Các cuộc biểu tình được coi là “chưa từng có trong thời đương đại” tại Thái Lan tiếp tục sau hành động trấn áp của chính phủ.
Theo tin từ Nikkei Asia, một sắc lệnh khẩn cấp bổ sung vào sáng thứ Năm (15/10) đã cho phép triển khai cảnh sát chống bạo động, vòi rồng và hơi cay vào đêm thứ Sáu (16/10) chống lại khoảng chừng 4.000 người biểu tình. Lệnh bắt giữ cũng được ban hành đối với 12 thủ lĩnh sinh viên.
Căng thẳng đã gia tăng sau cuộc đàn áp hôm thứ Sáu, làm tăng thêm tình trạng bất ổn với những người biểu tình. Họ thề sẽ tổ chức các cuộc biểu tình hàng ngày với ba yêu cầu: Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và nội các của ông từ chức, thay đổi hiến pháp do đại diện người dân soạn thảo và cải cách chế độ quân chủ.
“Sau cuộc đàn áp vào ngày 16 tháng 10, chúng tôi biết rằng chính phủ và quân đội là kẻ thù của nhân dân”, đảng Nhân dân 2020, một mặt trận thống nhất của các nhóm biểu tình khác nhau, cho biết trong một tuyên bố sáng 17/10.
Khi được các phóng viên hỏi hôm thứ Sáu rằng, liệu ông có nhượng bộ trước các yêu cầu của người biểu tình và từ chức hay không, ông Prayuth nói: “Không… Tôi đã làm gì sai?”. Thủ tướng cho biết tất cả các biện pháp để kiềm chế các cuộc biểu tình sẽ tuân theo các quy tắc quốc tế liên quan đến tình trạng mất trật tự dân sự.
Nhằm ngăn cản sự di chuyển của người biểu tình hôm thứ Bảy (17/10), chính quyền đình chỉ toàn bộ hệ thống giao thông công cộng BTS SkyTrain từ 3 giờ chiều đến nửa đêm, nhưng đã thất bại. Những người trẻ tuổi bắt xe ôm và các phương tiện giao thông khác, hoặc đơn giản là đi bộ, để đi xung quanh thành phố.
Mặt trận liên hợp biểu tình và luật pháp (United Front of Thammasat and Demonstration) trước đó đã yêu cầu những người biểu tình tập trung dọc theo hệ thống BTS: “Tất cả các trạm đã trở thành điểm tập trung biểu tình”, nhóm thông báo.
Các con đường trong các khu tài chính, kinh doanh và bán lẻ đã bị cảnh sát phong tỏa vào đầu giờ chiều.
Ngày thứ tư liên tiếp các cuộc biểu tình ở thủ đô đã được lên kế hoạch vào 4 giờ chiều. Các nhà tổ chức đã thông báo trước 15 phút rằng những cuộc biểu tình này sẽ diễn ra ở các khu vực xa trung tâm của thành phố bao gồm: giao lộ chính Lat Phrao ở phía bắc; Udom Suk, một nút giao thông quan trọng khác ở rìa đông nam của thủ đô; và Wong Wien Yai, một bùng binh lớn ở phía tây Thonburi bắc qua sông Chao Phraya.
Các nhóm cũng xuất hiện ở những nơi khác như giao lộ chính Asoke-Sukhumvit ở trung tâm thành phố, Sam Yan gần Khu phố Tàu và Ramkhamhaeng ở phía đông bắc của thành phố, nơi có nhiều trường đại học và sinh viên. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở ít nhất 30 điểm ngoại ô thủ đô Bangkok.
Apornnath Phoonphongphiphat của Nikkei mô tả, người biểu tình ở Bangkok đã xuống đường mà không sử dụng hệ thống truyền thanh công cộng và thông báo họ sẽ ra về lúc 8 giờ tối. Theo phóng viên này, chiến lược ngừng biểu tình sớm đã vô hiệu hóa tác dụng của lệnh giới nghiêm nhằm đe dọa, một trong những vũ khí của chính phủ đang bị bao vây của thủ tướng Prayuth.
Mặc dù không có trường hợp thương tích nghiêm trọng nào được báo cáo vào tối thứ Sáu, các nhà chức trách Thái Lan đã bị các nhóm luật sư, phe đối lập quốc hội và các nhóm nhân quyền quốc tế chỉ trích nặng nề vì phản ứng mạnh tay đối với cuộc biểu tình có trật tự và hòa bình.
Các đảng đối lập đã đưa ra một tuyên bố chung vào buổi sáng lên án việc sử dụng vũ lực quá mức trong việc giải tán người biểu tình tại giao lộ Patumwan vào thứ Sáu.
“Đây là con em của chúng ta, thế hệ tương lai của chúng ta, những người đã đến để bày tỏ ý kiến của họ với mục đích nhìn thấy đất nước của chúng tôi tiến lên đúng hướng. Và đó là một quyền được quy định bởi hiến pháp”, họ nói.
Tham gia kêu gọi thủ tướng Prayuth và chính phủ của ông từ chức có cả bà Yingluck Shinawatra, cựu thủ tướng chính phủ mà ông Prayuth đã lật đổ khi làm tổng tư lệnh quân đội vào năm 2014.