- Đào Tử Phong
Trong thời gian dài, một số tập đoàn truyền thông chủ lưu tại Mỹ không dám báo cáo đúng sự thật những tin tức liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì sao lại như vậy? Truyền thông Mỹ, tờ Federalist đã công bố một bài viết tiết lộ về mối quan hệ lợi ích giữa một số kênh truyền thông chủ lưu tại Mỹ và những công ty Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát.
Ở Mỹ, người ta thường thấy đại diện của các công ty Mỹ có giao dịch kinh doanh với Trung Quốc trở thành những người bảo vệ các chính sách của ĐCSTQ, đồng thời giúp đỡ ĐCSTQ tuyên truyền. Ông Helen Raleigh – Nhà văn, tác giả cao cấp của The Federalist, đã nói: “Tồn tại quan hệ lợi ích, điều này có nghĩa là những người Mỹ này không thể thách thức những vấn đề như hồ sơ nhân quyền hoặc những yêu cầu khiến người ta không thể chấp nhận được như [ép buộc] chuyển nhượng công nghệ của Trung Quốc.”
Dưới đây là những mối liên hệ lợi ích kinh tế cụ thể giữa truyền thông chủ lưu tại Mỹ và Trung Quốc:
New York Times
Tỷ phú Mexico Carlos Slim sở hữu 17,4% The New York Times thông qua cổ phiếu loại A của công ty ông. Là cổ đông lớn nhất, ông có thể bỏ phiếu quyết định khoảng ⅓ thành viên của Hội đồng quản trị.
Năm 2009, ông Slim cung cấp khoản vay 250 triệu USD cho công ty The New York Times, tức công ty mẹ của New York Times. Cùng năm, ông mua 15,9 triệu cổ phiếu loại A của công ty.
Tỷ phú Mexico duy trì các giao dịch kinh doanh thường xuyên với các công ty Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát. Năm 2017, Giant Motors của Slim đã liên doanh góp vốn với JAC Motors của Trung Quốc để sản xuất ô tô ở Mexico và tại thị trường Mỹ Latinh. Theo Forbes, mục đích của việc bán sản phẩm sang Mỹ Latinh là để né tránh các chính sách thương mại có mục đích bảo vệ việc làm của người Mỹ của chính quyền Tổng thống Trump. Động thái này đã có lợi cho Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Theo Bloomberg News, năm nay, công ty America Movil của ông Slim đang hợp tác với công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc là Huawei để bán các dự án thí điểm 5G cho Chính phủ Colombia. Huawei đang cố gắng lật đổ việc Mỹ lập pháp để cấm sử dụng mạng 5G của Huawei cũng như ngăn chặn Huawei phá hoại an ninh nội địa Mỹ.
Các hình thức giao dịch thương mại khác nhau giữa Slim và chính quyền Bắc Kinh cũng ảnh hưởng đến lợi ích thương mại của New York Times. Ông có thể không tham dự cuộc họp biên tập, nhưng tất cả những quản lý cấp cao của tờ báo đều biết ai đang trả lương cho họ.
The Washington Post
Năm 2013, tỷ phú Jeff Bezos – CEO Amazon, đã mua lại tờ Washington Post với giá 250 triệu USD. Tháng 1/2016, ông Bezos đã lập một kế hoạch kinh doanh cho tờ báo nhằm mục đích tích hợp nhiều công nghệ hơn.
Ông Bezos có mối liên hệ trực tiếp với thị trường kinh doanh Trung Quốc, và thị trường này lại do ĐCSTQ quản lý. Các sản phẩm phổ biến nhất của Amazon, bao gồm Amazon Echo và máy đọc sách điện tử Kindle, hầu như đều được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc. Theo báo cáo của Tuần san Tin tức (Newsweek), các sản phẩm của Amazon được sản xuất bởi công nhân Trung Quốc với thời gian làm việc dài, mức lương thấp và hầu như không được đào tạo về an toàn.
Từ lâu, ông Bezos đã có ý mở rộng hoạt động kinh doanh của Amazon tại thị trường Trung Quốc. Ông nói: “Amazon đã xác định vị trí có lợi để phục vụ thị trường Trung Quốc.” Bezos cũng ủng hộ một hiệp ước giữa Mỹ và Trung Quốc, cho phép các công ty công nghệ tăng cường kinh doanh với Trung Quốc và cung cấp khuôn khổ cho các công ty công nghệ Mỹ đầu tư nhiều hơn nữa ở Trung Quốc.
Sau nhiều năm hoạt động tại thị trường Trung Quốc, mối quan hệ giữa ông Bezos và chính quyền Bắc Kinh đã được thể hiện một cách không chút che đậy qua các “quảng cáo” của tờ Washington Post.
Khi độc giả đặt mua Washington Post họ sẽ nhận được một phụ chương “Quan sát Trung Quốc (China Watch) miễn phí. Ông Mark Hemingway đã viết trên tờ The Federalist rằng Washington Post đã gửi kèm phụ chương China Watch để lấy lòng cơ quan truyền thông nhà nước Nhật báo Trung Quốc (China Daily) của ĐCSTQ. Washington Post đã công khai chấp nhận phí quảng cáo tuyên truyền của ĐCSTQ và giúp phân phát các tài liệu tuyên truyền bằng tiếng Trung Quốc.
CNN
CNN được sở hữu và điều hành bởi WarnerMedia, công ty này có quan hệ kinh doanh quan trọng với Trung Quốc. Tháng 6/2013, WarnerMedia đã công bố xây dựng quan hệ hợp tác đối tác với một quỹ đầu tư của Trung Quốc có giá trị 50 triệu USD. Số tiền này sẽ được đầu tư trực tiếp vào China Media Capital Co., Ltd, (CMC). Đây là một một công ty truyền thông do ĐCSTQ giám sát trực tiếp, có nghĩa là khoản đầu tư của WarnerMedia vào Trung Quốc sẽ trực tiếp chịu sự kiểm duyệt và kiểm soát của ĐCSTQ đối với phương tiện truyền thông, và tiến hành tuyên truyền theo yêu cầu của ĐCSTQ..
WarnerMedia coi Trung Quốc là “đối tác” trong ngành kinh tế và điện ảnh. Ông Jeff Bewkes, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WarnerMedia cho biết: “Tăng cường ảnh hưởng toàn cầu là một trong những chiến lược trọng điểm của Time Warner và Trung Quốc là một trong những khu vực hấp dẫn nhất mà chúng tôi hoạt động … Liên minh này sẽ cung cấp các đối tác thông minh và hoàn chỉnh cho tất cả các hoạt động kinh doanh của chúng tôi.”
Theo Raleigh, khi các công ty Mỹ hợp tác với các công ty như China Media Capital (CMC), họ phải tuân theo luật an ninh mạng của ĐCSTQ. Điều này bao gồm bắt buộc chuyển giao công nghệ, hoạt động của công ty và dữ liệu sẽ bị yêu cầu kiểm tra và tìm kiếm bất cứ lúc nào. Tất cả những điều này đều gây ra nguy cơ an ninh quốc gia cho Mỹ.
Ông Jeff Zucker, Chủ tịch toàn cầu của CNN, cũng có mối quan hệ với Trung Quốc. Theo CNN, ông Zucker hợp tác với công ty Turner Sports, chịu trách nhiệm lập kế hoạch mua lại, sản xuất, tiếp thị, quan hệ giải đấu và bán quảng cáo thể thao. Turner Sports hợp tác trực tiếp với NBA để phát sóng các trận đấu ở Trung Quốc, điều này có nghĩa là ông Zucker có rất nhiều hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Chỉ cần các doanh nhân Mỹ có thể làm hài lòng ĐCSTQ thì họ có thể kiếm được nhiều tiền.
Chương trình “Tucker Carlson Tonight” của Fox News đã thực hiện một chương trình về việc CNN ca tụng ĐCSTQ trong đại dịch virus corona mới. Trong chương trình, người dẫn chương trình CNN ca ngợi chính quyền Bắc Kinh đã gửi máy thở và khẩu trang đến châu Âu, đồng thời cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump lãnh đạo yếu kém trong việc kiểm soát đại dịch virus corona mới, nhưng thực tế là ĐCSTQ đã để cho virus lây lan toàn cầu.
Mới đây, CNN đã đăng một câu chuyện ca ngợi “mô hình kiểm soát virus của Trung Quốc”. Kylee Zempel đã có bài viết trên tờ The Federalist và nhận xét: “CNN lặp lại những gì truyền thông Trung Quốc đã nói, nói rằng quốc gia này đã kiểm soát hiệu quả virus, đồng thời làm mờ nhạt trách nhiệm của ĐCSTQ trong việc lây lan virus đến các nơi trên thế giới.”
MSNBC và NBC
Cả MSNBC và NBC News đều được điều hành bởi NBC Universal, công ty này có quan hệ kinh doanh sâu rộng với Trung Quốc. Vào tháng 11/2010, NBC đã ký một thỏa thuận với Tân Hoa xã (truyền thông chính thức của ĐCSTQ) để thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh tin tức truyền hình quốc tế. Đây là lần mở rộng thị trường mới nhất của ĐCSTQ nhắm vào truyền thông Mỹ.
Năm 2015, NBC Universal đã cấp giấy phép cho iQIYI (một nền tảng mạng video thuộc sở hữu của Baidu tại Trung Quốc), vì thế công ty đã được niêm yết trên Nasdaq và thành công trong việc phát quảng cáo tại Quảng trường Thời đại ở New York.
Cuối cùng, theo The Hollywood Reporter, CMC Capital Partners – một tập đoàn đầu tư tại Bắc Kinh do ĐCSTQ đầu tư và giám sát, đã có được toàn quyền sở hữu Oriental DreamWorks. NBC Universal mua lại 45% cổ phần với mức giá lên tới 3,8 tỷ USD.
Công ty Phát thanh Truyền hình Mỹ ABC
Mối liên hệ kinh doanh rõ ràng nhất giữa ABC và Trung Quốc là thông qua các liên doanh vốn với Disney và ESPN. Cả hai công ty đều có cổ phần tài chính trong nền kinh tế Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát.
Tháng 11/2009, chính quyền Bắc Kinh đã thông qua kế hoạch thành lập một công viên giải trí Disney World ở Thượng Hải. Dự án tiêu tốn khoảng 3,6 nghìn tỷ USD và nhận được sự hỗ trợ tài chính từ một số doanh nghiệp lớn của nhà nước Trung Quốc. Sau khi dự án hoàn thành, Disney chỉ giữ lại 43% vốn cổ phần, trong khi Tập đoàn Shanghai Shendi do ĐCSTQ kiểm soát mua lại 57% còn lại.
ESPN là một thực thể khác của ABC, được chính quyền Bắc Kinh đấu thầu thắng vào tháng 10/2019. Khi NBA gây nhiều tranh cãi vì từ chối lên án ĐCSTQ do mối quan hệ lợi ích với ĐCSTQ, ESPN đã chọn đứng về phía NBA để đảm bảo thu nhập tài chính cho năm tài chính 2019. Theo báo cáo, Giám đốc tin tức cấp cao của ESPN đã chỉ thị nhân viên tránh đưa ra bất kỳ bình luận chính trị nào nếu được hỏi về chính trị Trung Quốc hoặc tweet ủng hộ Hồng Kông của Daryl Morey (Giám đốc của đội bóng rổ Houston Rockets).
Theo Raleigh, các công ty Mỹ cần phải nhượng bộ nhiều để làm hài lòng Trung Quốc thì mới có thể vào thị trường tiêu dùng khổng lồ 1,4 tỷ dân này. Để các chương trình của họ xuất hiện trên màn hình của người tiêu dùng Trung Quốc từ đó kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc, các công ty con của ABC như ESPN và ABC News phải đưa tin tức Trung Quốc một cách tích cực và tuân thủ luật an ninh mạng của Trung Quốc.
Mối quan hệ hữu hảo giữa ABC và Trung Quốc cũng đã làm đẹp thêm hình ảnh của ĐCSTQ tại phòng vé ở Mỹ. Bộ phim mới nhất của Disney là phim Mulan (Hoa Mộc Lan) là ví dụ điển hình nhất. Để tiếp tục thu lợi từ thị trường Trung Quốc béo bở, các công ty điện ảnh Mỹ như Disney sẽ tự kiểm duyệt trước hoặc sau khi sản xuất để lấy lòng ĐCSTQ.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz thuộc bang Texas đã đề xuất một dự luật để ngăn Bộ Quốc phòng Mỹ hỗ trợ bất kỳ hãng phim nào của Mỹ cho phép Trung Quốc kiểm duyệt nội dung phim của họ. Dự luật được gọi là dự luật “Chấm dứt kiểm duyệt, khôi phục tính toàn vẹn, bảo vệ tiếng nói nghệ thuật”. (The Stopping Censorship, Restoring Integrity, Protecting Talkies Act).
Hollywood thường hợp tác với Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng để sử dụng tài sản của Mỹ như máy bay, xe tăng và căn cứ hải quân làm đạo cụ. Dự luật SCRIPT của ông Cruz chỉ cho phép Bộ Quốc phòng ký hợp đồng với các công ty từ chối chấp nhận sự kiểm duyệt của Trung Quốc.
Theo David Wright, phóng viên kỳ cựu của ABC, ABC và các chi nhánh của ABC có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong một báo cáo điều tra có tên Veritas, phóng viên Wright thừa nhận rằng ABC hoàn toàn lấy lợi nhuận làm trung tâm và từ lâu đã không còn là ngọn hải đăng của tự do báo chí. David Wright nói: “[ABC] đã trở thành một trung tâm lợi nhuận, một trung tâm quảng bá. Hiện tại, nếu không có sự đồng hành của Công chúa Disney hay Avengers của Marvel, bạn sẽ không thể xem chương trình ‘Chào buổi sáng nước Mỹ’. Đây đều là tự tuyên truyền và quảng bá của của công ty.”
Bloomberg
Cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg và công ty Bloomberg LP của ông đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc. Bloomberg (Bloomberg LP) đã gửi một lượng lớn ngoại tệ đô la Mỹ cho các công ty Trung Quốc thông qua dòng tiền trên thị trường trái phiếu Mỹ.
Công ty Bloomberg đã hỗ trợ cho 364 công ty Trung Quốc và giúp họ phát hành khoảng 150 tỷ USD trái phiếu. Trong số 364 công ty, có 159 công ty do ĐCSTQ trực tiếp kiểm soát.
Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia của Mỹ (NPR) gần đây đã chỉ ra rằng, để lấy lòng ĐCSTQ, vào năm 2014, Bloomberg đã chặn một báo cáo điều tra về tầng lớp lợi ích cốt lõi của ĐCSTQ. Công ty đã sử dụng thỏa thuận bảo mật (NDA) để bịt miệng phóng viên điều tra trú tại tại Bắc Kinh.
Phóng viên Mike Forsythe tập trung vào mối quan hệ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và tỷ phú Trung Quốc Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin). Khi câu chuyện sắp được xuất bản, thì Tổng biên tập Matthew Winkler – một trong những nhà sáng lập, đã nói với Forsythe rằng ông quyết định ngừng đăng tải câu chuyện này để tránh chọc giận ĐCSTQ.
Winkler nói: “Có thể khẳng định, bạn biết đấy, đây là lời mời Đảng Cộng sản đóng cửa hoàn toàn và tống cổ chúng tôi ra khỏi đất nước [Trung Quốc]. Vì vậy, tôi chỉ nghĩ rằng không đáng để xuất bản câu chuyện này.”
Sau khi câu chuyện bị dập tắt, công ty còn đe dọa Forsythe và vợ anh, nói rằng nếu họ tiết lộ Matthew Winkler đã chặn câu chuyện này, thì họ sẽ bị kiện.
Bản thân ông Mike Bloomberg luôn là người bảo vệ ĐCSTQ. Cá nhân ông đã đích thân vận động hành lang phản đối các cuộc đàm phán thương mại của Tổng thống Trump với chính quyền Bắc Kinh và bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với ĐCSTQ. Bloomberg News nói rằng ông Tập Cận Bình không phải là một nhà độc tài và “Đảng Cộng sản muốn tiếp tục cầm quyền ở Trung Quốc và lắng nghe tiếng nói của công chúng.” “Ông Tập Cận Bình không phải là một nhà độc tài. Ông ấy cần phải đáp ứng các yêu cầu của cử tri, nếu không sẽ không cách nào sinh tồn”.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ An ninh Nội địa Mỹ mà Hãng tin AP có được, chính quyền Bắc Kinh đã tích trữ một lượng lớn vật tư bảo y tế và phòng hộ dịch bệnh vào đầu tháng 1 và đầu tháng 2 năm nay. Đồng thời, họ che đậy mức độ nghiêm trọng của dịch viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đã cố gắng hết sức để tránh các báo cáo tiêu cực về chính quyền Bắc Kinh trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Sau khi tra lại những mối quan hệ lợi ích này, sẽ không khó để hiểu được vì sao ĐCSTQ là kẻ gây ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán này, nhưng lại được truyền thông Mỹ khen ngợi.
Đào Tử Phong