Những giáo sư ngoan như đàn cừu

Lê Trọng Hiệp

Không rõ cụ thể năm nào, nhưng chắc chắn là sau tháng Tư năm 1975 và trước khi rời Việt Nam năm 1980, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chuyển qua làm nhạc sĩ, sáng tác bài “Chiều trên Đường Hồng Thập Tự”, trong có những câu như:

Ngã tư đèn xanh leo heo dăm chiếc xe đạp vờ

Trường đại học im sinh viên ngoan như đàn cừu

Độc Lập Tự Do ta nghêu ngao giúp vui đồng bào

Nguyễn Tất Nhiên xót trước “những sinh viên ngoan như đàn cừu” như bây giờ thì xuất hiện những giáo sư đại học ngoan ngoãn ngêu ngao “độc lập tự do” như thế, qua câu chuyện của tân sinh viên Ngô Văn Hiếu.

Để hiểu đầu đuôi câu chuyện, hãy cùng đọc lại bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 6.10.2020 “Trường ĐH Y Hà Nội trả lời về chuyện có đặc cách thí sinh 10 năm cõng bạn đi học” của nhà báo Ngọc Diệp.

Trường ĐH Y Hà Nội trả lời về chuyện có đặc cách thí sinh 10 năm cõng bạn đi học - Ảnh 1.

“Ngô Văn Hiếu, học sinh 10 năm cõng bạn đi học, đạt 28,15 điểm, không đủ điểm để đỗ ngành y đa khoa, ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Y Hà Nội.

Tình bạn của hai học sinh Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh, Trường THPT Thiệu Sơn 5, Thanh Hóa đã làm lay động trái tim của nhiều người. Nguyễn Tất Minh bị khuyết tật ở chân và suốt 10 năm qua Ngô Văn Hiếu là người đã cõng bạn tới trường.

Cả Hiếu và Minh cùng quyết tâm thi vào ĐH. Đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua Nguyễn Tất Minh đạt 28,1 điểm đã đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đúng theo mơ ước.

Còn Ngô Văn Hiếu đạt 28,15 điểm không đủ điểm để đỗ ngành Y đa khoa, ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Y Hà Nội (28,9 điểm).

Cảm động trước nỗ lực và tấm lòng của cậu học trò xứ Thanh, nhiều người đã đặt câu hỏi có hay chăng một cơ chế đặc biệt để đặc cách cho Ngô Văn Hiếu vào Trường ĐH Y Hà Nội để đôi bạn cùng tiến có thể học chung một thành phố.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết: “Tôi nghĩ Ngô Văn Hiếu là trường hợp rất đặc biệt. Em là người có lòng nhân ái, có trách nhiệm với cộng đồng, là tấm gương tốt đối với các bạn học sinh. Tôi nghĩ em là một trường hợp đặc biệt, đáng được xem xét”.

Tuy nhiên hiện nay theo luật quy định, các trường ĐH, CĐ trước khi tuyển sinh phải công khai đề án tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD-ĐT công bố trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không có quy định xét cho những trường hợp đặc biệt như Ngô Văn Hiếu.

“Chúng tôi được biết em Ngô Văn Hiếu đã trúng tuyển trường khác rồi. Nếu muốn chuyển trường thì cần phải có chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Trường ĐH Y Hà Nội phải tuân thủ quy chế tuyển sinh đại học, nên không thể đặc cách cho thí sinh Ngô Văn Hiếu. Trong trường hợp Bộ GD-ĐT thấy thí sinh này đặc biệt, xứng đáng được đặc cách thì đưa ra chủ trương. Lúc đó nhà trường mới có thể họp bàn về chuyện này”, GS.TS Nguyễn Hữu Tú nói.”

http://cdn.kinhtedothi.vn/553/2020/6/22/GS%20Nguyen%20Huu%20Tu.jpg
GS Nguyễn Hữu Tú

Cũng chuyện của Ngô Văn Hiếu, ngày 7.10.2020 một bác sĩ tên Trần Văn Phúc trình bày ý kiến trên mục “Góc nhìn” của VnExpress “Đi bằng đôi chân mình”:

“Là một cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội, tôi hiểu rằng mỗi kì thi tuyển sinh của ngôi trường mà tôi đã học, đó là việc tuyển nhân tài cho quốc gia, là công bằng xã hội, là lợi ích sống còn của học sinh và gia đình, nhưng vượt lên tất cả đó chính là vấn đề sinh tử của người bệnh; vì thế mà Đại học Y Hà Nội luôn là trường thi đầu vào khó nhất.

Với nhiều người, con số 0,25 điểm là rất nhỏ so với 28,9 điểm chuẩn, nó càng trở nên vô cùng nhỏ nếu đặt vào hoàn cảnh Ngô Văn Hiếu 10 năm cõng bạn đi học. Nhưng chúng ta cần biết rằng, đơn vị tính điểm xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội tối thiểu là 0,05 điểm, nghĩa là thí sinh chỉ thiếu 1 phần 20 điểm sẽ bị loại.

Nói cách khác: khoảng cách về trình độ học vấn chỉ chênh nhau 0,05 điểm. Tôi dám chắc, với những thí sinh thi vào Đại học Y Hà Nội có điểm cận kề điểm chuẩn, khi các em nhìn thấy những bạn khác điểm thấp hơn nhưng lại vượt qua mình bằng con số điểm ưu tiên, đó thực sự là ác mộng.

[…] Nhưng với Đại học Y Hà Nội thì khác, theo tôi, sự công bằng trong kì thi tuyển đầu vào phải ở mức cao hơn. Điều quan trọng nhất với thí sinh thi đại học là điểm số. Với chỉ tiêu vào trường Đại học Y Hà Nội có hạn, sẽ không công bằng nếu thí sinh này bị trượt, nhưng nhiều thí sinh khác điểm số thấp hơn lại trúng tuyển vì được cộng điểm ưu tiên, trong khi điểm số thấp hơn ấy vẫn đủ để vào các trường đào tạo y khoa khác.

Ở bậc đào tạo đại học, cần thiết phân biệt hỗ trợ điểm số với hỗ trợ điều kiện học hành. Để đào tạo bác sĩ giỏi, theo tôi Đại học Y Hà Nội phải vượt lên trên việc quẩn quanh hỗ trợ điểm số, làm sao để thí sinh nghèo bước vào ngôi trường danh giá này chỉ cần hỗ trợ sách vở, hỗ trợ học phí và học bổng, chứ không phải hỗ trợ bằng điểm để vượt qua những bạn xuất sắc hơn mình.”

Như vậy để vào một đại học danh giá của Việt Nam tất cả những gì thí sinh cần có là điểm thi, điểm thi và điểm thi.

Thử so sánh với một đại học tiếng tăm tại Mỹ là University of California, Berkerly (UC Berkerly) , đại học có lịch sử từ năm 1869, đến nay đã có 19 cựu sinh viên đoạt giải Nobel trên các lĩnh vực vật lý, hóa học và kinh tế. Năm nay, trong bản xếp hạng đại học toàn cầu cho năm 2021, UC Bekerly được xếp hạng 7 trên thế giới, sau các đại học Oxford (Anh), Stanford (Mỹ), Harvard (Mỹ), California Institute of Technology, Massachusetts Institute of Technology và Cambridge (Anh).

Tại đây việc tuyển nhận sinh viên dựa trên 5 tiêu chí, trong đó đầu tiên là điểm thi, sau đó là phẩm chất cá nhân, tiếp đến là các hoạt động ngoại khóa khi còn đi học, các sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động thi dấu thể thao hay trình diễn nghệ thuật, các hoạt động thiện nguyện.

Tiêu chí về phẩm chất cá nhân nêu rõ: “Personal qualities of the applicant, including leadership ability, character, motivation, insight, tenacity, initiative, originality, intellectual independence, responsibility, maturity, and demonstrated concern for others and for the community are considered.”

Tạm dịch: “Phẩm chất cá nhân của thí sinh, bao gồm khả năng lãnh đạo, tính cách, động cơ, sự hiểu biết sâu sắc, sự kiên trì, sự độc sáng, sự độc lập về trí tuệ, trách nhiệm, sự trưởng thành, chứng tỏ được sự quan tâm đến người khác và cộng đồng, sẽ được xem xét”.

Đó là tiêu chí chung của UC Berkerly, còn riêng khoa Y của Đại học Oxford thì ngòai điểm số còn tính đến phẩm chất cá nhân qua các yếu tố như:

 Sự thấu cảm (Empathy): khả năng và sự sẵn sàng trong việc hình dung ra cảm giác của người khác và hiểu được nguyên nhân để người khác hình thành nên một quan điểm nào đó.

  Động cơ: phải hiểu rõ và có sự khát khao với nghề y.

  Truyền đạt: có khả năng trình bày kiến thức và ý tưởng bằng một ngôn ngữ rõ ràng, thích hợp với từng đối tượng mà mình trình bày.

  Thành thật và chính trực.

Ý thức đạo đức.

Có khả năng làm việc với người khác.

Có khả năng làm việc với cường độ cao.

Khỏi nói, với cách “nhìn người” như vậy, thí sinh Ngô Văn Hiếu sẽ dễ dàng vượt qua con số 0.25 với đại học trên vì đã chứng tỏ được “sự quan tâm đến người khác và cộng đồng”.

Bởi vậy, cách nhìn nhận vấn đề của Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội và bác sĩ Trần Văn Phúc, cựu sinh viên trường này, có nhiều điều đáng bàn.

Những giáo sư ngoan như đàn cừu

Một trong những khẩu hiệu mà nhiều nhà lãnh đạo kêu gào là “bứt phá để đi lên”. Muốn bức phá để đi lên thì mình phải làm những điều chưa có tiền lệ.

Ông Tú tin rằng thí sinh Ngô Văn Hiếu là “trường hợp rất đặc biệt” “đáng được xem xét”, tuy nhiên việc này phải gác qua một bên vì “Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD-ĐT công bố trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không có quy định xét cho những trường hợp đặc biệt như Ngô Văn Hiếu.”

Xem ra ông GSTS Tú và Đại học Y Hà Nội của ông không hề muốn bức phá, không muốn làm điều đặc biệt. Ông muốn là một ông hiệu phó ngoan và đại học của ông là một đại học ngoan.

Lâu nay các thức giả tại VN đã kêu gào cho một sự “tự chủ đại học”, chỉ một việc cỏn con là thu nhận một sinh viên đặc biệt, đáng được xem xét mà cũng không dám, do đó mấy chữ “tự chủ” này chỉ là điều “nghêu ngao giúp vui đồng bào”!

Mà đó lại là điều cực kỳ đáng làm vì vấn đề “y đức” lâu nay là một vấn đề nhức nhối của xã hội.

Dám dẫm qua quy định để tiếp nhận một sinh viên mà đạo đức, sự quan đến người khác đã được cả nước bày tỏ sự ngưỡng mộ chỉ có thể làm sáng danh Đại học Y Hà Nội, bước đi nhỏ này sẽ dần dà mở lối cho tinh thần tự chủ đại học!

Trong khi đó thì suy nghĩ “điểm thi trên hết” của Bác sĩ Trần Văn Phúc cho thấy dấu ấn từ lối suy nghĩ lúc thực dân mới đến khai phá trong chính sách giáo dục tại Việt Nam

Trước khi thực dân đến, người Việt chuyên tâm vào lối học khoa cử với mục đích thi đỗ để làm quan. Nhưng khi thực dân mang lới giáo dục thực dụng vào thì chuyển sang lối học thực dụng để “tối rượu sâm banh sáng sửa bò”, nếu không làm quan thì cũng những nghề nghiệp có địa vị cao trọng trong xã hội như kỹ sư, bác sĩ.

Gần ba phần tư thế kỷ đã trôi qua, dấu ấn của đường lối giáo dục này vẫn còn đó trong việc xem xét thí sinh có đủ kỷ năng để nắm vững chuyên môn của một kỹ sư hay bác sĩ hay không.

Để chứng tỏ mình đủ khả năng để trở thành một chuyên viên thì phải chứng minh qua điểm số. Nhưng bên cạnh việc làm một chuyên viên mổ xẻ hay khám bệnh, họ còn phải là một con người, cái mà điểm số không thể nào thể hiện.

Thí sinh Ngô Văn Hiếu đã chứng tỏ khả năng làm người của mình, nhưng không được họ nhìn nhận dựa vào lẽ “công bằng”.

Đâu là lẽ công bằng?

Năm 2018, sau vụ tỉnh nghèo Hà Giang xuất hiện hàng loạt thủ khoa, người ta khám phá ra việc việc gian lận điểm thi có hệ thống tại đây.  Kết quả điều tra dẫn đến tình trạng tương tự tại Sơn La và Hòa Bình và tổng cọng có gần 400 thí sinh con quan chức và “đại gia” được nâng từ 1 đến 8.75 điểm, trong đó các quan chức giáo dục chỉ cần mất 6 giây để sửa điểm cho mỗi bài thi.

Cũng năm 2018, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ bị tố cáo là gian lận học thuật.

Trước đó, vào tháng tư Năm 2016 , đã có nhiều nghi vấn về các “học hàm học vị” của ông Nhạ tuy nhiên đây chỉ là ý kiến lẻ tẻ trên mạng xã hội. Bây giờ ông Nhà bị vạch mặt một cách rành rõi, dựa trên những “báo cáo khoa học” của chính ông ta.

Đó là “Báo cáo phân tích sơ bộ về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ”, do Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse (Pháp) cùng các cộng sự thực hiện. Báo cáo được gởi đến Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam là Giáo sư Trần Văn Nhung (Chủ tịch là ông Nhạ) vào ngày 18.2.2018.

Thứ nhất, tự đạo văn, tức ăn cắp của chính mình!

Hai bài báo bằng tiếng Anh của ông Nhạ và một đồng tác giả khác công bố năm 2013 và 2014 cho thấy hai đồng tác giả này đã dùng bài cũ để “tân trang” thành bài mới nhằm gian lận “thành tích nghiên cứu” của mình.

Thứ hai là vấn đề trích dẫn.

Bài báo khoa học do ông Nhạ và một số cộng sự viên khác với các biểu hiện bất thường:

–  Nêu nhiều bài báo trong danh sách tham khảo nhưng không hề trích dẫn trong bài viết, nghĩa là chỉ nêu ra cho xôm tụ, chứng tỏ mình đã tham khảo nhiều tài liệu.

–  Trong bài thì trích học giả này và học giả kia như không cho biết xuất xứ, nghĩa là trích dẫn khống “ông A nói tên, bà B nói thế”.

Thứ ba, tiếng Anh kém.  Các bài báo bài báo bằng tiếng Anh của ông Nhạ có quá nhiều lỗi sai về từ vựng và ngữ pháp, có cấu trúc câu lủng củng như thể đã “được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh một cách gượng gạo”.

Thứ tư, hời hợt thiếu hoa học. Các kết luận và khuyến cáo trong các bài “nghiên cứu” của ông Phùng Xuân Nhạ có không đáng tin, do lối phân tích hời hợt và thiếu tính khoa học của ông Nhạ.

Thứ năm, tạp chí giả khoa học. Những bài như thế sao được đăng? Tác giả chỉ ra là 2 “bài báo khoa học” mà ông Nhạ “công bố quốc tế” trên tạp chí Asian Social Science ở Canada năm 2014.

Thực chất đây là một tạp chí “giả khoa học”, do một số người thành lập để đăng bài lấy tiền: ông Nhạ phải trả tiền để đăng bài tại đây, rồi sử dụng việc “công bố quốc tế” này để tô vẻ thành tích trong “lý lịch khoa học” của mình.

Với các bằng chứng trên, Gs Dũng và các cộng sự  viên kết luận trong báo cáo rằng ông Nhạ “vừa thiếu đạo đức vừa kém về trình độ” và “hoàn toàn không xứng đáng” với chức danh giáo sư mà ông được phong năm 2016.”

Báo cáo nhấn mạnh rằng người đang nắm chức bộ trưởng giáo dục và đào tạo lại là “một gương xấu” cho nền giáo dục và khoa học Việt Nam.

Thế nhưng đến nay ông Nhạ vẫn “vững như kiềng ba chân”.

Gần đây nhất, tháng qua báo chí lề trái vừa mới xôn xao vụ “Tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường, ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy Đak Lak.

Tiến sĩ Phạm Đình Quý viết bài chứng minh luận án “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt-bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng” của  ông Cường đã sao chép đến 70% các công trình được xuất bản trước đó.

Buồn cười hơn, ông tiến sĩ Cường đã ăn cắp cả ý và hình từ công trình “Nâng cao chất lượng ổn định hướng đi tàu thủy sử dụng bộ quan sát trạng thái” của giảng viên Nguyễn Hữu Quyền tại Đại học hàng hải vào tháng 6 năm 2016 nhưng lại
“hô biến” nó thành một tài liệu bằng tiếng Anh, ra vẻ ta đây nghiên cứu tài liệu nước ngoài cho sang!

Luận án nêu rõ ông Cường đã nghiên cứu thực địa vào ngày 15.7.2017 trong khi đó thì tin tức rành rành trên báo chí cho biết vào chính này đó ông ta — trong vai Chủ tịch TLĐLĐVN – đã xuất hiện tại… Khánh Hòa để chủ trì Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ và khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma!

Gian lận trắng trợn như vậy thế nhưng kẻ gian không hề hấn gì, còn người vạch ra sự thật thì bị tống giam một cách hoàn toàn trái luật!

Với một nền giáo dục như vậy mà mang chuyện “công bằng” ra để bác bỏ khoảng thiếu 0.25 điểm của Ngô Văn Hiếu thì quả là chuyện mỉa mai.

Related posts