- Lê Vy
Ấn Độ hôm thứ Hai (19/10) cho biết Úc sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên cùng với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 11 tới, một động thái được cho là sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa bốn thành viên của Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là “Bộ Tứ Kim cương” để đối phó với Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết Ấn Độ đang tìm cách tăng cường hợp tác với các nước khác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và trong bối cảnh tăng cường hợp tác quốc phòng với Úc, Tập trận Malabar 2020 sẽ có sự tham gia của Hải quân Úc. New Delhi sẽ tổ chức cuộc tập trận Malabar ở Vịnh Bengal và Biển Ả Rập vào tháng 11 này.
Thông báo được đưa ra vào thời điểm Ấn Độ và Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng liên quan tới tranh chấp biên giới ở Ladakh dọc theo dãy Himalaya.
Malabar bắt đầu vào năm 1992 với tư cách là cuộc tập trận song phương giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ. Từ năm 2015, Nhật Bản đã cùng tham gia. Cuộc tập trận được tiến hành ngoài khơi đảo Guam thuộc Biển Philippines vào năm 2018 và ngoài khơi Nhật Bản vào năm 2019. Úc tham gia lần cuối vào năm 2007.
“Năm nay, cuộc tập trận đã được lên kế hoạch theo hình thức ‘không tiếp xúc trên biển’” và “sẽ tăng cường sự phối hợp giữa hải quân các nước”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, đồng thời nói rằng các bên tham gia “nhằm tăng cường an toàn, an ninh trong lĩnh vực hàng hải.”
Các nước tham gia cùng nhau ủng hộ một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa nhập và luôn cam kết tuân theo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, thông báo của Ấn Độ cho hay.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã ca ngợi việc Ấn Độ mời Úc là “một bước tiến quan trọng” trong mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Canberra với New Delhi. Bà nói trong một tuyên bố: “Điều này sẽ thúc đẩy khả năng của Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ cùng hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực của chúng ta.”
Trong cùng tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds cho biết “các cuộc tập trận quân sự cấp cao như Malabar là chìa khóa để nâng cao năng lực hàng hải của Úc, xây dựng khả năng tương tác với các đối tác thân thiết của chúng tôi và thể hiện quyết tâm chung của chúng tôi nhằm hỗ trợ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và thịnh vượng.”
Cuộc diễn tập hải quân cũng thể hiện “sự tin tưởng sâu sắc giữa bốn nền dân chủ lớn ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và ý chí chung của 4 nước để cùng nhau thực hiện các lợi ích an ninh chung”, bà nói thêm.
Ông Pankaj Jha, cựu Phó Giám đốc Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ, cho biết việc Canberra chấp nhận lời mời của New Delhi để tham gia Malabar “thực sự cho thấy Úc muốn củng cố cam kết của mình đối với Bộ Tứ, đồng thời cũng cho thấy cuộc tập trận hải quân ở Malabar đang được nâng cấp”.
“Đây không phải là những bài tập đơn giản”, ông nói với Nikkei. “Trong các phiên bản trước, chúng tôi đã thấy các cuộc chiến chống tàu ngầm tinh vi, máy bay giám sát và máy bay trinh sát đều được triển khai. Bây giờ, khi Úc cũng tham gia và có các thỏa thuận hỗ trợ hậu cần [giữa bốn nước], về mặt kỹ thuật điều đó có nghĩa là việc mở rộng Bộ Tứ hiện được triển khai lên hai khu vực: Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.”
Vào tháng 9, Ấn Độ và Nhật Bản đã ký một hiệp ước về việc cung cấp qua lại các vật tư và dịch vụ giữa các lực lượng vũ trang hai bên, vài tháng sau khi New Delhi ký một thỏa thuận tương tự với Úc hồi tháng 6. Ấn Độ đã có một thỏa thuận như vậy với Hoa Kỳ.
Sameer Lalwani, giám đốc khu vực Nam Á của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, nói với Nikkei rằng việc Canberra có mặt trong Tập trận Malabar “là một dấu hiệu tích cực và rất được mong đợi, cho thấy Bộ Tứ sẽ bắt đầu hoạt động cùng nhau thay vì chỉ gặp gỡ.”
Ông nói: “Đây cũng là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy cơ sở quốc phòng Hoa Kỳ tiếp tục đạt được những tiến bộ trong các nỗ lực đa phương ở Ấn Độ – Thái Bình Dương bất chấp một cuộc bầu cử gây tranh cãi”.
“Trung Quốc không thể vui mừng về thông báo này nhưng nhiều khả năng họ sẽ chỉ bị khuấy động chứ không lo sợ”, ông Lalwani nói. “Các chiến lược gia Trung Quốc dường như đang đặt cược rằng có một giới hạn nhất định đối với quan hệ đối tác tứ giác này và họ có thể chỉ thực sự bắt đầu lo lắng khi phạm vi tham gia thu hẹp và các cam kết trở nên ngày càng sâu sắc hơn.”
Đầu tháng này, Ngoại trưởng của 4 nước đã gặp nhau tại Tokyo và nhấn mạnh sự sẵn sàng của họ trong việc hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn chung cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Việc chúng ta gặp mặt trực tiếp tại đây hôm nay, bất chấp đại dịch toàn cầu, là minh chứng cho tầm quan trọng mà các cuộc tham vấn này đã đạt được, đặc biệt là trong thời gian gần đây”, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar phát biểu khai mạc.
Ông Jaishankar nói: “Là nền dân chủ đa nguyên và sôi động với các giá trị được chia sẻ, các quốc gia của chúng ta đã khẳng định chung tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hội nhập”. “Chúng tôi vẫn cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, được củng cố bởi pháp quyền, minh bạch, tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp.”
Lê Vy (theo Nikkei)