- Tiểu Quỳ
Ngay trước Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cơ sở giáo dục và đào tạo nổi tiếng của Trung Quốc là “Giáo dục Ưu Thắng” vào ngày 19/10 đã nổ ra vụ việc “trụ sở không người”. Vì lý do này, một lượng lớn phụ huynh và những nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi đã tập trung tại trụ sở giáo dục Ưu Thắng tại khu thương mại Triều Dương, Bắc Kinh. Nhà chức trách đã cử cảnh sát đến để kéo dây phong tỏa. Ngay sau đó xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình nổ ra.
Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng đã ‘nguội lạnh’? Hơn 3.000 người đòi quyền lợi ở Bắc Kinh
Theo báo cáo của tờ Hoa Nam Tảo Báo (SCMP) ở Hồng Kông, cuộc biểu tình hy hữu này do phụ huynh học sinh khởi xướng. Trong quá trình ấy, đường xá đã bị tắc nghẽn tạm thời. Dây phong tỏa không chỉ được kéo ra tại hiện trường mà rất đông cảnh sát cũng có mặt. Đến tối ngày 19/10, vẫn còn rất đông phụ huynh và cảnh sát tập trung tại trụ sở của “Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng”.
Video chia sẻ trên mạng cho thấy, rất đông phụ huynh biểu tình đồng loạt hô to “hãy hoàn tiền” bên ngoài trụ sở. Sau khi những người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ, tiếng la hét “hãy thả người” đã phát ra từ hiện trường.
Theo báo cáo của Caixin, ngày 19/10, số phụ huynh học sinh đến trụ sở Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng Bắc Kinh yêu cầu hoàn trả học phí và số nhân viên Giáo dục Ưu Thắng bị nợ lương lên tới xấp xỉ 3 – 4.000 người.
Một số phụ huynh có mặt tại đây cho biết đã trả trước học phí từ 20.000 nhân dân tệ (NDT) (khoảng 69,3 triệu VNĐ) đến 30.000 NDT (khoảng 104 triệu VNĐ), nhiều là 100.000 tệ (khoảng 346,6 triệu VNĐ). Còn có phụ huynh đã đóng hơn 400.000 NDT (khoảng 1,386 tỷ VNĐ) học phí, nhưng hiện giờ không có cách nào yêu cầu hoàn trả học phí.
Một phụ huynh học sinh khác tiết lộ rằng học phí trả trước của phụ huynh học sinh tại Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng ở Quảng Cừ Môn, Bắc Kinh là hơn 9 triệu NDT (khoảng 31 tỷ VNĐ). Nhưng hiện có thông tin cho rằng nhà trường đang “bỏ trốn”, điều này làm dấy lên sự phẫn nộ trong giới phụ huynh.
Lật lại cộng đồng Thiên Nhãn (trang web tra cứu thông tin tianyancha), mới phát hiện nhiều phụ huynh đã kháng nghị. Ví dụ, học phí 36.000 tệ (khoảng 125 triệu VNĐ) của cơ sở Kình Tùng, Bắc Kinh đã bị chậm 2 năm, và vẫn chậm cho đến nay. Cơ sở Kình Tùng, Bắc Kinh còn nợ phí 46.102,3 tệ (khoảng 160 triệu VNĐ), không có người kết nối, nhà trường đã bỏ trốn.
Trên thực tế, không phải là không có cảnh báo rằng trụ sở chính ở Bắc Kinh trống rỗng trong một đêm. Chỉ trong tháng 10 năm nay, đã xảy ra hàng loạt vụ “bỏ trốn” tại các cơ sở giáo dục Ưu Thắng ở Cáp Nhĩ Tân, Thẩm Dương và những nơi khác.
Theo tờ Lưu Thẩm Vãn Báo đưa tin, kỳ nghỉ lễ dài dịp bắt trong dịp 1/10 đã kết thúc. Một phụ huynh họ Dương đưa con đến trường chi nhánh của Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng trên đường Hằng Đạt, quận Hỗn Nam, Thẩm Dương. Họ thấy rằng khuôn viên trường đã đóng cửa, hàng chục phụ huynh đã đợi ngoài cổng từ rất lâu.
Trước sự việc này, cư dân mạng không khỏi bàng hoàng cho biết, làm thế nào mà một cơ sở giáo dục với hàng ngàn giáo viên, hàng ngàn trường học lại “biến mất” chỉ trong giây lát?
3 lần được nêu tên với 193 vụ khiếu nại
Kể từ nửa cuối năm 2019, Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng đã liên tiếp xảy ra các tranh chấp. Chủ yếu liên quan đến khó khăn trong việc hoàn trả phí đào tạo, chạy trường bất thường và lương nhân viên bị chậm trễ. Đến năm 2020, do sự bùng phát của đại dịch viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc, Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng (tập trung đào tạo ngoại tuyến) tiếp tục bị ảnh hưởng.
Mặc dù ông Trần Hạo, người sáng lập Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng, đã tuyên bố công khai vào tháng 4 năm nay rằng, ông sẽ gánh chịu mọi thiệt hại cho phụ huynh và nhân viên, nhưng sau đó sự việc lại bùng phát. Tất cả các cơ sở Giáo dục Ưu Thắng đều nghỉ học, đóng cửa và phụ huynh học sinh gặp khó khăn trong việc yêu cầu hoàn tiền học phí.
Cục Quản lý và Giám sát thị trường quận Hải Điện, Bắc Kinh hôm 13/10 đã đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng, vạch trần các cơ sở có tỷ lệ khiếu nại cao trong ngành giáo dục và đào tạo địa phương. Trong số đó, Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng đứng đầu trong danh sách đen. Đây là lần thứ 3 tổ chức này lọt vào danh sách, với 193 đơn khiếu nại và tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 3,63%.
Đồng thời, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Công nghệ Giáo dục Huy Hoàng, Ưu Thắng, Bắc Kinh, đơn vị điều hành Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng, bất ngờ thay đổi từ ông Trần Hạo thành bà Đường Phương Quỳnh. Đáp lại, cả công ty và người sáng lập Trần Hạo đều không đưa ra bất kỳ phản hồi nào.
Với hơn 1.100 cơ sở giáo dục, ông chủ này từng xuất hiện trên “Only You”
Thông tin công khai cho thấy Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng được thành lập vào năm 1999, và Viện Nghiên cứu Giáo dục được thành lập vào năm 2006. Gần 1.000 giáo viên và chuyên gia giáo dục tuyến đầu đã thành lập một nhóm giảng dạy và nghiên cứu, dùng mô thức “giáo dục cá nhân hóa”, với hàng ngàn cơ sở tại các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc.
Theo trang web chính thức của Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng, cơ sở này bao gồm chương trình giáo dục và đào tạo cá nhân hóa “Ưu Thắng 1 kèm 1” cho người từ 6 đến 18 tuổi, chương trình đào tạo giáo dục tố chất “Phái Ưu Thắng” và chương trình đào tạo giáo dục gia đình “Gia đình Ưu Thắng”. Trường này có hơn 1.100 cơ sở trên toàn Trung Quốc vào đầu năm 2018.
Người sáng lập và kiểm soát thực tế của công ty là ông Trần Hạo, sinh ra tại Bắc Kinh vào năm 1978. Cha và mẹ của ông đều là nhà nghiên cứu và giáo sư tại Học viện Khoa học Trung Quốc. Bản thân ông Trần Hạo tốt nghiệp Đại học Thương mại và Kinh tế Đối ngoại. Lúc đầu, ông Trần Hạo đã thu hút được sự chú ý của ngoại giới bởi ông đã tham gia chương trình tìm kiếm việc làm “Only You” và là một trong những ông chủ. Năm 2014, ông còn tham gia ghi hình cho chương trình “Kế Biến hình thành ông chủ”. Trong chương trình này, ông Trần Hạo với tính cách cởi mở, thường nói thẳng vào các vấn đề. Đó là lý do tại sao ông được nhiều khán giả ưu ái.
Từng tham gia “tái tổ chức lừa đảo” công ty niêm yết với 500 triệu NDT
Điều đáng nói là nửa đầu năm nay, Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng cũng dính vào vụ “tái tổ chức kiểu lừa đảo” một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ngày 26/5/2020, công ty niêm yết Từ Hàng Kim Châu đã đưa ra một thông báo, cho biết họ đã ký một thỏa thuận dự định mua lại Công ty TNHH Công nghệ Thông tin Đằng Phi, Ưu Thắng, Bắc Kinh do ông Trần Hạo và những người khác nắm giữ bằng tiền mặt của riêng mình (gồm cả vốn tự huy động) với giá không vượt quá 500 triệu NDT (khoảng 1.733 tỷ VNĐ). Công ty có 100% vốn cổ phần và công ty con chính là Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng. Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng cũng xuất hiện trong ngày tài trợ 500 triệu NDT mua lại của Công ty Từ Hàng Kim Châu.
Ngay sau khi tin tức về việc mua lại được đưa ra, thị trường thường đặt câu hỏi rằng đây là hành vi “tái tổ chức lừa đảo”.
Theo thông báo vào thời điểm đó, trong 3 năm từ năm 2017 đến 2019, tổng tài sản của Công ty Đằng Phi Ưu Thắng đã tăng từ 251 triệu NDT (khoảng 870 tỷ VNĐ) lên 514 triệu NDT (khoảng 1.781 tỷ VNĐ). Tổng nợ phải trả tăng từ 357 triệu NDT (khoảng 1.237 tỷ VNĐ) lên 509 triệu NDT (khoảng 1.764 tỷ VNĐ). Năm 2019, doanh thu của công ty đạt 357 triệu NDT (khoảng 1.237 tỷ VNĐ) và lợi nhuận hoạt động chỉ là 57,39 triệu NDT (khoảng 196 tỷ VNĐ).
Công ty đã ký cam kết thực hiện đặt cược doanh số. Trong số các cam kết phỏng theo doanh số ước tính, Cơ sở Giáo Dục Ưu Thắng hứa sẽ đạt lợi nhuận ròng chỉ 20 triệu NDT (khoảng 69 tỷ VNĐ) vào năm 2020, giảm mạnh hơn nữa so với năm 2019. Nhưng ông Trần Hạo và những người khác hứa rằng tổng lợi nhuận ròng trong 5 năm tới sẽ không dưới 500 triệu NDT (khoảng 1.733 tỷ VNĐ).
Sau đó, Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đã vội vã ban hành một bức thư, yêu cầu Công ty Kim Châu * ST giải thích về việc thực hiện lời hứa doanh thu, tính hợp lý thương mại của giao dịch và phương thức thanh toán. Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến thậm chí còn truy hỏi 2 lần rằng liệu công ty này và đối tác phải chăng đã “tái tổ chức lừa đảo”.
Về vấn đề này, Công ty Kim Châu * ST đã trả lời thư của Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến vào tháng 6, nói rằng việc mua lại cơ sở Đằng Phi Ưu Thắng của công ty chỉ đang trong “giai đoạn dự kiến”. Kể từ đó, Công ty Kim Châu * ST không có thêm thông báo nào về Cơ sở Giáo dục Ưu Thắng.
Tiểu Quỳ