- Minh Nhật
Một cuốn sách đặc biệt với tựa đề “Who Are China’s Walking Dead?” (Tạm dịch: Ai là những cái xác biết đi ở Trung Quốc?) vừa được xuất bản vào 9/2020, kể lại câu chuyện kỳ lạ về thế giới đầy mâu thuẫn của các cựu quan chức và cựu Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), những người đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc sau khi chứng kiến và hiểu ra bản chất thật sự của chế độ mà họ đang phục vụ.
Kay Rubacek, tác giả của “Who Are China’s Walking Dead?”, có một cuộc đời không kém phần đặc biệt so với tác phẩm của cô. Các thành viên trong gia đình Rubacek đã thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản ở Nga, Trung Quốc và Tiệp Khắc cũ từ năm 1918 đến 1986, và bản thân Rubacek bị bắt ở Trung Quốc vào năm 2001 vì là một nhà vận động nhân quyền. Sinh ra và lớn lên ở Sydney, Úc, cô hiện sống ở Thung lũng Hudson, New York, cùng chồng và hai con. Cô trở thành đạo diễn, nhà sản xuất cho hãng sản xuất phim Swoop có trụ sở tại New York, và một số tác phẩm của cô đã đạt được giải thưởng tại các liên hoan phim trên thế giới.
Cuốn sách của Rubacek giới thiệu “câu chuyện cuộc đời” của những người từng là Đảng viên hay quan chức ĐCSTQ. Thông qua cuộc phỏng vấn, họ đã tiết lộ về những công việc bên trong chính quyền, cuộc sống khác lạ của họ, cũng như sự thức tỉnh lương tri của họ trong các hoàn cảnh khác nhau. Trong đó, đặc biệt có trường hợp của hai cựu quan chức là Han Guangsheng và Hao Fengjun, hai người với độ tuổi khác nhau, đến từ các vùng khác nhau, làm việc tại các phòng ban khác nhau, nhưng đều rời khỏi Trung Quốc và thoái xuất khỏi ĐCSTQ vì cùng một lý do: trực tiếp chứng kiến những gì đã xảy ra trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Mặc dù cả hai đều không tập Pháp Luân Công và không trực tiếp chịu đựng bức hại, nhưng họ đã lựa chọn con đường bảo vệ lương tri của bản thân, mặc dù đó là lựa chọn không hề dễ dàng cho cuộc sống của bản thân và gia đình họ.
Khi còn ở Trung Quốc, ông Han Guangsheng từng là giám đốc một trại cải tạo lao động. Trong cuộc phỏng vấn của mình, ông Han kể câu chuyện về cách mà ông vô tình trở thành đồng phạm trong một vụ tra tấn dã man một bé gái 15 tuổi tại một trong những “cơ sở tội phạm” của mình. Ông cũng kể về việc ông đã cố gắng để thay đổi hệ thống này như thế nào từ bên trong nhưng đã thất bại ra sao. Cuối cùng ông Han quyết định rời khỏi Trung Quốc để tránh việc trở thành đồng phạm thêm một lần nữa.
Trong chương 12 của cuốn sách, khi bày tỏ cảm nghĩ của mình về ĐCSTQ, ông Hàn kể rằng có một “cái nêm chí tử” đã bị đóng sâu vào giữa ông và “Đảng thân yêu” của ông. Cái nêm ấy đã gieo rắc nỗi sợ hãi trong ông và khiến ông phải rời xa quê hương. Đó không phải là nỗi sợ hãi về việc Đảng sẽ làm gì đó với ông về mặt thể chất. Mà đó là nỗi sợ hãi về việc Đảng sẽ làm gì đó với ông về mặt tinh thần. Đó là nỗi sợ hãi về việc ông sẽ thành ra thế nào nếu như còn ở lại chung con đường với Đảng.
“Đó là sự xung đột về các giá trị”, ông Han nói, “Tôi đã phát triển nhận thức riêng của mình về ĐCSTQ. Nhưng tất nhiên tôi không nói thẳng ra điều đó.” Đây cũng là lần duy nhất mà ông Han bộc lộ một cách không nao núng, tháo bỏ toàn bộ những phòng vệ bên trong cũng như bên ngoài, và không để ý gì đến “hậu quả của việc lên tiếng chống lại Đảng”.
“Trong một thời gian dài, tôi đã muốn thay đổi từ bên trong, tôi đã muốn thúc đẩy sự tiến bộ trong hệ thống. Sau đó tôi nhận ra tôi chỉ là một con kiến bé xíu. Tôi hoàn toàn không thể thay đổi được điều gì.”
“Bởi vì tôi không còn cách nào khác để thay đổi bất cứ điều gì, tôi đã quyết định rằng ít nhất thì tôi sẽ không trở thành đồng phạm, vì thế tôi đã chọn một con đường khác. Tôi chọn cách rời đi.”
Đó chính là lúc ông Han nhận ra rằng ông phải rời khỏi Trung Quốc, ông không thể ở lại Trung Quốc để đứng chung hàng với những cái xác biết đi. Nếu ở lại, ông sẽ phản bội lại lương tri của mình, trực tiếp tham gia vào tội ác chống lại loài người, và đánh mất linh hồn.
Ông Han chọn cách ra đi, từ bỏ mọi thứ đã thân thuộc và tìm nơi ẩn náu tại phương Tây. Ở đó, ông sẽ bị cộng đồng người Trung Quốc do Đảng lãnh đạo khinh bỉ vì là “kẻ phản bội chống Trung Quốc” và bị chính quyền phương Tây thẩm vấn về động cơ, về sự trung thực. Ở đó, ông sẽ phải dựa vào những phiên dịch viên không quen biết, những người sẽ giúp ông phơi bày sự thật, vì ông không biết nói ngôn ngữ phương Tây.
Khác với ông Han, Hao Fengjun có ít sự lựa chọn hơn, và trường hợp của ông cũng thật kỳ lạ. Ông là một nhân viên an ninh quốc gia, là cán bộ phòng 610, một tổ chức có quyền lực cực lớn, nằm ngoài vòng pháp luật, tương tự Gestapo của Đức Quốc Xã. Sau khi từ chối nói dối về cuộc đàn áp Pháp Luân Công khi phối hợp lên hình cùng một kênh truyền thông nhà nước, ông Hao đã bị bắt giam trong 1 tháng, lãnh đạo đã nói dối gia đình ông rằng ông đang đi công tác. Ông Hao đã lựa chọn trốn thoát khỏi Trung Quốc 10 năm về trước.
Được đào tạo bài bản, ông Hao luôn giữ cho khuôn mặt của mình nét lạnh lùng và vô cảm. Ông luôn để ý đến những chi tiết nhỏ, và thậm chí đã nghi ngờ Rubacek trong cuộc phỏng vấn với cô. Ông không sẵn lòng để được phỏng vấn.
“Điều gì khiến ông rời khỏi Trung Quốc?”
“Lý do tôi rời khỏi Trung Quốc là vì cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công. Những gì tôi đã chứng kiến trong các nhà tù và trại lao động khi tôi đi điều tra người tập Pháp Luân Công đã khiến tôi bị sốc rất nhiều. Và cũng do một số đoạn phim về người tập Pháp Luân Công do CCTV sản xuất với toàn những tuyên truyền giả dối đã làm hại tôi, nhưng cũng làm tôi tỉnh ra.”
Ông Han và ông Hao không phải là những trường hợp duy nhất mà Rubacek phỏng vấn. Trong quá trình thực hiện bộ phim tài liệu “Finding Courage” (Tạm dịch: Đi tìm dũng khí) của mình, cô đã tiến hành phỏng vấn nhiều cựu quan chức và cựu Đảng viên ĐCSTQ. Rubacek đã rất sốc khi nghe họ tự mô tả bản thân là “những cái xác biết đi” (Walking Dead). Khi cô tìm được nhiều người để phỏng vấn hơn nữa, trong đó có cả những người từng là giám đốc trại lao động, quan chức tuyên truyền, thẩm phán tòa án tội phạm, đại tá quân đội, nhà ngoại giao, đặc vụ an ninh quốc gia và sinh viên ĐCSTQ kiểu mẫu… thì những câu chuyện của họ đã vén bức màn về thế giới thực sự bên trong “những con ốc vít” của chế độ, những “cái xác biết đi”.
“Thế giới của quan chức ĐCSTQ rất tàn độc và đen tối”, một cựu giám đốc trại lao động nói. “Chúng tôi phải biết rằng tuyên truyền và sự thật là không hề ăn khớp với nhau.”
“Luật pháp chỉ dành cho những người thấp kém trong xã hội – những người mà không có quan hệ gì”, một cựu quan chức ngoại giao chia sẻ.
“Bạn bị buộc phải nói dối. Không nói dối thì không làm được việc. Cuối cùng, tất cả mọi người đều trở thành những kẻ dối trá”, một cựu quan chức cấp cao tâm sự.
Trong cuốn sách của mình, Rubacek đã tạo ra một câu chuyện hấp dẫn và khiến độc giả mở rộng tầm mắt bằng cách khéo léo kết hợp các cuộc phỏng vấn của cô với các nghiên cứu chi tiết, bao gồm các chỉ thị, tài liệu bị rò rỉ của ĐCSTQ. Mỗi chương đều tiết lộ những hiểu biết mới mẻ về những điều dẫn đến hình ảnh của chế độ ĐCSTQ ngày nay, cách ĐCSTQ – các quan chức ĐCSTQ – thăng và giảm cấp bậc, và văn hóa ĐCSTQ đã định hình cuộc sống của hơn một tỷ người tại quốc gia đông dân nhất thế giới như thế nào.
Dù ám ảnh, “Who Are China’s Walking Dead?” không phải là một cuốn sách đen tối, bởi vì vượt lên trên hết, nó cho thấy lương tri của con người, cả ở trong những xã hội tối tăm nhất, những hoàn cảnh tối tăm nhất. Ngày nay, khi phong trào thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc đang dâng cao, thì những con người dám lựa chọn bước ra khỏi “đế chế tà ác” và mất đi tất cả những quyền lợi vật chất từ nhiều năm về trước, cũng là những con người rất đáng khâm phục. Họ chắc chắn không phải là những “cái xác biết đi”. (Xem bài: Từ “Trời diệt Trung Cộng” đến làn sóng thoái xuất khỏi ĐCSTQ)
Tham khảo cuốn sách tại đây
Faluninfo.net
Minh Nhật biên tập