Tâm Thanh
Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” với hy vọng trở thành một siêu cường quốc, nhưng Stan Grant, một nhà báo nổi tiếng người Úc và là nhà phân tích các vấn đề quốc tế của kênh ABC News, trên một bài viết đăng trên đài phát thanh Úc cho rằng, ĐCSTQ kỳ thực là một thể chế yếu ớt bị cô lập, hoang tưởng và có những phản ứng cực đoan, theo Sound of Hope.
Bài viết nói rằng, Susan Shirk, một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ và là chuyên gia Hoa Kỳ về các vấn đề Trung Quốc, từng mô tả các quốc gia sử dụng một số tiền lớn để duy trì ổn định trong nước thay vì chống lại kẻ thù nước ngoài là “các quốc gia yếu ớt”.
Từ năm 2007 đến năm 2019, chi tiêu duy trì sự ổn định trong nước của ĐCSTQ đã tăng gấp ba lần, đạt 1,24 nghìn tỷ Nhân dân tệ (185 tỷ USD). Chỉ riêng từ năm 2017 đến năm 2018, chi tiêu của ĐCSTQ cho việc duy trì sự ổn định ở các khu vực trong nước mà ĐCSTQ coi là có rủi ro cao, chẳng hạn như Tân Cương, đã tăng 90%.
Bài báo cho hay: “ĐCSTQ đã cố gắng sử dụng bạo lực để trấn áp sự bất ổn định và tô vẽ một cái trật tự xã hội, nhưng đằng sau vẻ bề ngoài của cái hình thế trật tự bề mặt này là sự bất mãn của người dân”.
Bài viết dẫn ví dụ rằng, hiện nay tại Trung Quốc có hàng trăm cuộc biểu tình mỗi ngày, người dân Trung Quốc thông qua các cuộc kháng nghị này để phát tiết sự bất mãn của họ đối với vấn nạn tham nhũng, cưỡng chiếm đất đai của các quan chức, cũng như hiện tượng ô nhiễm môi trường và khó khăn về kinh tế…
Mặc dù con số chính xác rất khó xác định, nhưng có chuyên gia phân tích ước tính rằng, từ những thập niên 90 của thế kỷ 20 đến thập kỷ đầu thế kỷ 21, số lượng các cuộc biểu tình bạo lực quy mô lớn ở Trung Quốc đã tăng từ trên 9.000 lên 180.000 trường hợp.
Đặc biệt, các cuộc biểu tình “phản đối Luật Dẫn Độ” tại Hồng Kông vào năm ngoái càng khiến các hành vi trấn áp bạo lực của ĐCSTQ được phơi bày ra xã hội quốc tế.
Bài báo cho biết: “ĐCSTQ tuyên bố xây dựng một ‘xã hội hài hòa’, nhưng xã hội của nó sở dĩ ‘hài hòa’ là vì chính phủ của nó đã nhốt tất cả những người bất đồng chính kiến, bao gồm các nhà văn, luật sư, nghệ sĩ và các đối thủ chính trị nội bộ có thái độ phản đối”. Điều này còn chưa kể đến lượng lớn tộc người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương bị ĐCSTQ giam giữ trên quy mô lớn.
ĐCSTQ cũng đặc biệt nhạy cảm với những lời chỉ trích từ bên ngoài, ví như nhiều nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc, trong đó có Bill Birtles, phóng viên của đài phát thanh Úc trốn khỏi Trung Quốc gần đây nhất, hoặc bị ĐCSTQ trục xuất, hoặc bị buộc phải tự mình rời đi.
Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng đưa tin rằng, chính phủ Trung Quốc đã liệt kê danh sách các giáo sư đạo đức công cộng của đại học Charles Sturt, chuyên gia các vấn đề Trung Quốc Clive Hamilton và nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Alex Joske của Úc, cấm họ xin visa vào Trung Quốc. Bởi vì họ đều viết sách nói về hành vi can thiệp và xâm nhập của ĐCSTQ vào nước Úc.
Stan Grant dẫn lời Susan Shirk nói rằng, ĐCSTQ tự nhận mình là một cường quốc, và chính sách ngoại giao sói chiến của nó không dám tỏ ra mềm yếu với thế giới bên ngoài, bởi ĐCSTQ đã rút ra những bài học từ lịch sử thất bại của nhà Thanh.
Bà Susan Shirk nói: “Tại Trung Quốc, bất kỳ chính phủ nào tỏ ra yếu thế trước các thế lực nước ngoài đều có thể bị lật đổ”. Chính phủ nhà Thanh năm xưa chính vì tham nhũng yếu nhược, trong “Chiến tranh nha phiến” đã bị liên quân 8 nước làm nhục, cuối cùng bị người dân lật đổ.
Stan Grant chỉ ra rằng, ĐCSTQ vốn cai trị người dân bằng nắm đấm sắt, chỉ cần xuất hiện một vấn đề nhỏ, nó liền lo sợ bị lật đổ. ĐCSTQ chỉ là một thể chế yếu đuối “bị cô lập, hoang tưởng và có những phản ứng cực đoan”.
“ĐCSTQ nếu muốn chứng minh rằng bản thân Trung Quốc là một ‘cường quốc’, nó không chỉ cần phải thuyết phục cộng đồng quốc tế, mà còn phải thuyết phục được cả người dân Trung Quốc”, ông viết.