- Minh Nhật
Trong khi vào ngày 2/10/2020, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ chính thức công bố ngừng cấp thẻ xanh và nhập tịch cho thành viên của Đảng Cộng sản và các đảng độc tài khác, thì việc nhiều người Hoa thật sự bị từ chối nhập tịch vì chưa chủ động thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở thành câu chuyện “nóng” trong cộng đồng Hoa kiều tại hải ngoại. Lúc này, người ta không khỏi nhớ đến câu chuyện hài hước của một học giả “chống Mỹ” từ 8 năm về trước.
Học giả: “Chống Mỹ là công việc của tôi, đến Mỹ là cuộc sống của tôi”
Tư Mã Nam được coi là một “học giả” tại Trung Quốc Đại Lục, với lập trường ủng hộ ĐCSTQ. Nhiều năm về trước, ông từng tích cực tham gia cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ bằng cách viết báo bôi nhọ, tham gia tẩy não và “cải tạo tư tưởng” những người bị giam giữ vì theo tập Pháp Luân Công. Tư Mã Nam cũng là một người “chống Mỹ” không biết mệt mỏi “theo đường lối của Đảng”.
Ngày 20/1/2012, Tư Mã Nam đăng trên trang mạng xã hội Weibo: “Hoa Kỳ là kẻ thù của cả thế giới… nó bóc lột tất cả các quốc gia… giống như một khối u khổng lồ. Ai cũng nghi ngại về Hoa Kỳ.” Tuy nhiên điều hài hước là cuối ngày hôm đó, Tư Mã Nam lại lên máy bay sang Mỹ để đón Tết Nguyên Đán với gia đình ông ta đang sống ở đây. Sau khi chuyến bay hạ cánh, một số người Trung Quốc trên máy bay đã phát hiện ra ông ta và hỏi ông ta tại sao lại đến “khối u khổng lồ” và “kẻ thù của toàn thế giới” này.
Tư Mã Nam đã trả lời: “Chống đối Hoa Kỳ là công việc của tôi, và đến đây là cuộc sống của tôi.”
Tư Mã Nam không phải là một ví dụ duy nhất về sự mâu thuẫn trong lời nói và việc làm.
Sau khi Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ chính thức thông báo chính sách nhằm vào Đảng viên ĐCSTQ, Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết bà “thấy buồn”. Cư dân mạng đã đáp lại lời nhận xét của bà bằng sự mỉa mai.
Một trong số họ đã viết: “Các ông bà luôn coi Hoa Kỳ là một nơi tồi tệ. Từ khi nào việc không được phép đến đó đã trở thành một điều không hay vậy?”
Một người khác viết: “Không có gì ngạc nhiên khi bà Hoa thất vọng vì điều này. Bà ta đã mua một ngôi nhà sang trọng ở Mỹ và con gái bà ta cũng học ở đó!”
Những nhận xét này đều đúng. Các quan chức ĐCSTQ định cư ở Hoa Kỳ từng là chuyện bình thường, mặc dù họ đã dành cả đời để chỉ trích các giá trị của phương Tây và bảo vệ đường lối của Đảng. Nhiều thủ phạm nhân quyền cũng như vậy.
Viên Mộc, phát ngôn viên của Quốc vụ Viện năm 1989, đã công khai nói dối nhiều lần khi tuyên bố không có ai chết trong vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn. Ông ta cũng đưa ra nhiều nhận định công kích Hoa Kỳ và kêu gọi người dân Trung Quốc đi theo đường lối của Đảng. Tuy nhiên, sau đó, con gái của ông ta lại sang Hoa Kỳ và ông ta cũng sang đó sau khi nghỉ hưu.
Có rất nhiều trường hợp kiểu này. Năm 2010, một giáo sư tại Trường Trung ương Đảng của Trung Quốc phát hiện ra rằng 1,18 triệu quan chức ĐCSTQ có vợ chồng, con cái sống ở nước ngoài. Dongxiang, một tạp chí Hồng Kông, đã thu thập được dữ liệu nội bộ của chính quyền ĐCSTQ vào năm 2012 rằng 90% ủy viên Ủy ban Trung ương ĐCSTQ có người nhà đã di cư ra nước ngoài.
Cội nguồn của mâu thuẫn
Những câu chuyện nói trên cho thấy sự mâu thuẫn và dối trá bên trong các học giả và quan chức của ĐCSTQ. Tuy nhiên cái gọi là mâu thuẫn này không giống bình thường, bởi vì người bình thường khi nói dối thì biết ngượng, còn những người bên trong hệ thống của Đảng thì nói dối mà thậm chí không thấy là mình dối trá. Cội nguồn của sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ cách giáo dục tẩy não do Đảng cưỡng ép vào người dân Trung Quốc liên tục trong nhiều năm.
ĐCSTQ là một đảng theo thể thức Marx-Lenin. Từ ngày thành lập, nó đã xác lập ra ba đường lối lớn làm nền tảng cho Đảng: đường lối chính trị, đường lối tư tưởng, và đường lối tổ chức. Diễn đạt nôm na cho dễ hình dung là thế này: đường lối tư tưởng là cơ sở lý luận của Đảng, đường lối chính trị tức là xác lập mục tiêu, rồi đến đường lối tổ chức là làm sao để đạt được mục tiêu ấy.
Đảng viên và những ai do Đảng chỉ đạo trực tiếp được nhận chỉ thị trước và họ phải tuyệt đối phục tùng. Đấy chính là toàn bộ nội dung của đường lối tổ chức.
Ở Trung Quốc, người ta nói chung đều biết đến hai tính cách của một đảng viên ĐCSTQ. Tại gia đình và hoàn cảnh riêng tư, một đảng viên ĐCSTQ vẫn có đầy đủ “nhân tính” như một con người bình thường, buồn vui hờn giận, có cái ưu cái khuyết của con người. Họ có thể là cha mẹ, là vợ chồng, là bè bạn… Nhưng đặt lên trên nhân tính thường tình ấy, chính là “đảng tính”. Một “người cộng sản” chính là: Đảng yêu cầu họ phải đặt Đảng lên trên, vì theo yêu cầu của Đảng, chủ nghĩa cộng sản là tối thượng, là vĩnh viễn vượt trên nhân tính thường tình của con người, và “nhân tính” chỉ là tương đối, là có thể đổi thay, còn “đảng tính” là bất biến, và không được phép hoài nghi hay thách thức.
Hồi Cách mạng Văn hoá, cha con giết nhau, vợ chồng đấu nhau, thầy trò phản nhau, mẹ con coi nhau như kẻ thù… là những việc thường xảy ra trong quần chúng. Đó là do đảng tính kích động mâu thuẫn và thù hận mà nên. Thời kỳ đầu khi Đảng nắm quyền, có nhiều quan chức cao cấp của ĐCSTQ bó tay không cứu nổi người nhà khi người nhà của họ bị liệt vào giai cấp thù địch và bị đàn áp. Đó cũng là do tôn sùng đảng tính.
“Đảng tính” là kết quả của những huấn luyện thâm sâu do Đảng tổ chức, nó được thực hiện ngay từ tuổi nhi đồng một cách có hệ thống. Tại các trường mẫu giáo ở Trung Quốc, trẻ em được khuyến khích bằng khen thưởng khi trả lời đúng, và ở đó đáp án thường không theo luân thường đạo lý và nhân tính. Từ tiểu học, trung học, cho đến các cấp học vấn, học sinh phải học môn chính trị tuân theo hệ tư tưởng do ĐCSTQ chỉ đạo. Ai không học theo và không trả lời đúng đáp án sẽ không thể tốt nghiệp. (Xem thêm: Yêu nước kiểu Trung Quốc thời hiện đại nhìn từ Hán tự)
Một đảng viên, lúc ở nhà có thể thể hiện ý kiến riêng của mình, nhưng hễ ra ngoài với cương vị một đảng viên, thì họ dứt khoát phải nhất trí với đường lối của Đảng. Với tổ chức nhất quán từ trên xuống dưới, ĐCSTQ tựa như một kim tự tháp khổng lồ, với điều khiển tuyệt đối từ trên xuống. Cách thức tổ chức này đóng vai trò trọng yếu trong chính quyền của ĐCSTQ, nhằm đảm bảo sự phục tùng tuyệt đối.
Bởi thế, câu nói “Chống Mỹ là công việc của tôi, đến Mỹ là cuộc sống của tôi” không phải là sự trâng tráo của Tư Mã Nam, mà là một lời trần tình thật sự, thể hiện ra toàn bộ sự mâu thuẫn bên trong Đảng viên ĐCSTQ. (Xem bài: Cuốn sách đặc biệt về quan chức ĐCSTQ: “Những cái xác biết đi”)
Đảng viên đã đến lúc phải giã từ ý thức hệ
Đã hơn ba mươi năm trôi qua kể từ sau khi Đảng cộng sản Đông Âu giải thể. Trong ba mươi năm nay, các quốc gia Đông Âu vẫn luôn cố gắng rửa sạch tàn dư độc hại của chủ nghĩa cộng sản.
ĐCSTQ đang lâm vào tình cảnh nguy khốn bị bao vây tứ bề, phải chăng nó sẽ bị đưa lên bục phán xét của lịch sử? Nếu như ngày đó thật sự đã đến thì đảng viên ĐCSTQ sẽ đối diện như thế nào đây? Nhân dân thoát khỏi sợ hãi, sẽ không tha cho bất kể người xấu nào còn bám víu vào chế độ.
Tháng 12/1991, nghị viện Đức thông qua “Luật hồ sơ Bộ Công an Đông Đức cũ”. Căn cứ theo luật này, nước Đức không chỉ đầu tư một lượng tài lực cực lớn để khôi phục những mảnh hồ sơ của cảnh sát mật, mà tiến hành thanh sát trên quy mô lớn đối với những nhân viên phục vụ trong Chính phủ Đông Đức. Trong 17 triệu người Đông Đức cũ, số người bị điều tra lên đến 3,1 triệu. Kết quả điều tra khiến người ta kinh ngạc: ngoài 90.000 cảnh sát mật, Đông Đức còn có 180.000 người chỉ điểm; khoảng 6 triệu người được lập hồ sơ mật, vượt quá 1/3 số nhân khẩu của Đông Đức; 78.000 người bị quy vào tội “làm nguy hại an ninh quốc gia” mà phải ngồi tù.
Năm 2009, Ba Lan bắt đầu ban hành luật xóa bỏ các ký hiệu và biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản. Đến năm 2010, Ba Lan lại tiếp tục thực thi một số chính sách liên quan đến việc thanh trừ chủ nghĩa cộng sản. Tiền lương hưu của 40.000 người có tên trong danh sách bị cắt giảm nặng. Người lãnh đạo đảng cộng sản tiền nhiệm cũng không có ngoại lệ, ví dụ như tiền lương hưu mỗi tháng của Jaruzelski trước đây khoảng 2.800 đô la Mỹ giảm còn 1.600 đô la Mỹ.
Ngày 30 tháng 11 năm 2010, Tòa án Cộng Hòa Czech phán quyết “không được giữ bí mật về tình huống của các thẩm phán phục vụ cho chủ nghĩa cộng sản thời kỳ trước”. Vào ngày 7 tháng 1 năm 2011, Bộ Tư pháp của Cộng Hòa Czech công bố trên trang mạng cơ quan chính phủ bảng danh sách gần 1.000 thẩm phán và nhân viên cơ quan kiểm sát có thân phận đảng viên vào thời trước. Trong số đó có 618 thẩm phán, chiếm 1/5 trong tổng số 3.076 thẩm phán hiện đang tại chức; và 359 nhân viên viện kiểm sát, chiếm 1/3 trong tổng số 1.272 người hiện đang tại chức.
Đông Đức, khi thanh trừ chủ nghĩa cộng sản, đã sa thải 20 nghìn trong số 180 nghìn giáo sư, gần phân nửa số lượng thẩm phán và nhân viên viện kiểm sát đã bị bãi chức; và 42 nghìn quan chức chính phủ Đông Đức thời trước bị cách chức.
ĐCSTQ như là “pháo đài” cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới, khắp nơi trên thế giới đã nhìn rõ bộ dạng của nó, hơn nữa còn ủng hộ việc tách biệt người dân Trung Quốc với ĐCSTQ.
Trong khi đó, ở trong và ngoài nước, phong trào thoái ĐCSTQ đang dâng cao. Đến ngày 21/4/2005, số người tuyên bố thoái Đảng và các tổ chức liên đới đạt mốc 1 triệu. Đến ngày 22/4/2006, số người tuyên bố thoái tiến gần tới mốc 10 triệu. Đến khoảng tháng 2/2009, con số vượt mức 50 triệu. Ngày 7/8/2011, số người thoái đạt 100 triệu. Con số là 200 triệu vào tháng 4/2015, 300 triệu vào 2018, và tới 18/7/2020, đã có hơn 360 triệu người Trung Quốc tuyên bố thoái xuất khỏi chế độ. (Xem bài: Từ “Trời diệt Trung Cộng” đến làn sóng thoái xuất khỏi ĐCSTQ)
ĐCSTQ đang trong cơn hấp hối, xem ra thế cuộc không thể nào vãn hồi, nó ra lệnh cho các đảng viên còn đang nhậm chức giao nộp lại hộ chiếu với mưu đồ bắt cóc con tin để duy trì sự thống trị của nó.
Rốt cuộc vì sao ĐCSTQ lại sợ mọi người li khai đảng? Vì sao nó không để cho các đảng viên vượt tường lửa lên mạng? Vì sao nó không để cho các đảng viên tiếp xúc với tin tức ở hải ngoại? Thực ra, trong tâm của ĐCSTQ hiểu rõ hơn ai hết, nó tựa như chiếc lồng đèn giấy chỉ cần chọc tay là thủng, hoặc như châu chấu cuối thu chẳng còn nhảy nhót được mấy ngày nữa.
Chiếc kim đồng hồ lịch sử đã điểm đến thời khắc quan trọng chưa từng có trong tiền lệ, đó là ĐCSTQ sẽ biến mất trên vũ đài lịch sử. Mỗi một đảng viên cần phải biết nghĩ cho tương lai của chính mình, sớm ngày thoát ly khỏi thứ tổ chức này để sớm ngày được cứu rỗi.
Minh Nhật tổng hợp