- Xuân Lan
Nhằm đưa hợp tác quốc phòng song phương lên một tầm cao mới, Ấn Độ đã tặng Myanmar một tàu ngầm lớp Kilo, một động thái được cho là nhằm đối trọng lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, Nikkei đưa tin.
Tàu ngầm có tên gọi INS Sindhuvir chạy bằng năng lượng diesel đã được Ấn Độ trang bị cho Hải quân nước này từ năm 1988. Trước khi bàn giao cho Myanmar, tàu đã được cơ sở đóng tàu quốc phòng nhà nước Hindustan Shipyard tân trang lại. Với lượng giãn nước khoảng 3.000 tấn, độ sâu hoạt động tối đa 300m và tốc độ cao nhất 18 hải lý một giờ, đây sẽ là tàu ngầm đầu tiên của Myanmar.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết trong một buổi họp báo trực tuyến, “Hợp tác trong lĩnh vực hàng hải là một phần trong các hoạt động hợp tác đa dạng và tăng cường của chúng tôi với Myanmar.”
Ông Srivastava nói rằng động thái này phù hợp với tầm nhìn của Ấn Độ về “an ninh và tăng trưởng cho toàn khu vực, và cũng phù hợp với cam kết của chúng tôi về xây dựng năng lực và tự lực tại tất cả các nước láng giềng.”
Khi được trao cho Myanmar, tàu ngầm đã được đổi tên thành UMS Minye Theinkhathu theo tên một anh hùng lịch sử của Myanmar, và đã được trưng bày trong cuộc tập của hạm đội hải quân vào tuần trước.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của tàu ngầm trong việc hiện đại hoá lực lượng hải quân.
Tuyên bố của ông Aung Hlaing được đưa ra sau chuyến thăm Myanmar của Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane và Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla hôm 4-5/10. Trong chuyến thăm, hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác trong việc kết nối các dự án, nâng cao năng lực & thương mại, và mở rộng giao lưu quốc phòng ở cả ba quân chủng – lục quân, hải quân và không quân.
Myanmar là nước duy nhất tại Đông Nam Á có biên giới trên bộ với Ấn Độ với đường biên giới trải dài hơn 1.600km. Hai bên cũng có chung 725 km biên giới trên biển tại Vịnh Bengal. New Delhi coi Myanmar như lối vào Đông Nam Á, nơi họ đang tìm cách hội nhập sâu rộng hơn về kinh tế qua chính sách “Đạo luật hướng Đông”.
Myanmar cũng là một trong 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh về vai trò quan trọng của ASEAN trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhất là khi Trung Quốc cũng tự khẳng định vị thế trong khu vực.
“Quyết định của Ấn Độ cung cấp tàu ngầm cho Myanmar… dường như là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng để làm đối trọng với Trung Quốc,” theo ông Shamshad Ahmad Khan, một học giả tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi.
“Bằng cách cung cấp một vũ khí quốc phòng quan trọng như vậy cho Myanmar, Ấn Độ rõ ràng đang tìm cách gia tăng năng lực hải quân cho người láng giềng phía đông để đạt được cân bằng sức mạnh chống Trung Quốc,” ông nói.
Giữa bối cảnh căng thẳng biên giới kéo dài nhiều tháng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, dường như New Delhi “ngày càng chú ý tìm kiếm các đối tác quốc phòng và an ninh khác để chống lại hải quân Trung Quốc,” ông Khan bổ sung.
N.C. Bipindra, một nhà phân tích biên tập viên tại Cổng thông tin Quốc phòng, chỉ ra rằng Myanmar đã có kế hoạch mua thêm những tàu ngầm lớp Kilo tương tự từ Nga trong vòng vài năm tới.
Ông Bipindra nói ông cũng nhận thức được động thái này của Ấn độ như “một đòn phản công chống lại việc Trung Quốc đang xâm nhập về kinh tế và quân sự vào Myanmar.”
Một số nhà phân tích tin rằng việc tăng cường quan hệ quốc phòng hàng hải với Myanmar có thể là một phần trong chiến lược lớn hơn của Ấn Độ, “Giống như hợp tác an ninh hàng hải [giữa] Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives, [New Delhi] có thể nghĩ về một [cơ chế] tương tự liên quan tới Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan [qua đó] họ có khả năng bảo vệ Vịnh Bengal tốt hơn.”
Vịnh Bengal nằm ở phía đông bắc Ấn Độ Dương, là nơi New Delhi muốn bảo đảm an ninh bằng cách đẩy mạnh hợp tác với những nước trong khu vực. Điều này cũng là một phần của khuôn khổ đối thoại an ninh bốn bên hay Bộ Tứ Kim Cương vì “một Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do, cởi mở và toàn vẹn” để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tại Myanmar, Trung Quốc đang điều khiển dự án xây dựng hạ tầng một cảng nước sâu ở Kyaukphyu, được kết nối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc bằng đường bộ và đường sắt. Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đều đang theo dõi dự án gắt gao, lo sợ cảng có thể bị Trung Quốc sử dụng cho các mục đích quân sự.
Bất chấp hợp tác quân sự Myanmar và Trung Quốc trong suốt thời kỳ Myanmar bị phương Tây xa cách trong những năm 1990 và 2000, quân đội Myanmar tự nhận thức được tham vọng của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn duy trì các mối liên hệ không chính thức với nhiều nhóm sắc tộc có vũ trang tại nhiều khu vực biên giới, điều Myanmar coi là một sự đe dọa đối với chủ quyền của họ.
Xuân Lan (theo Nikkei)