Tin Việt Nam sáng thứ Ba

Ngoại trưởng Việt Nam làm ‘mất mặt’ Vương Nghị tại hội nghị các ngoại trưởng Asean

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. (Ảnh: Reuters).

Phát biểu của ông Trần Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean khiến truyền thông nước ngoài đánh giá là đã làm mất mặt Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Sau thất bại trong chuyến đi Châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tại Hội nghị truyền hình trực tuyến các Bộ trưởng Ngoại giao Asean trong tháng này, Vương Nghị một lần nữa khiển trách Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông, nhưng đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh “làm mất mặt” ngay tại chỗ, khi ông hoan nghênh và cảm ơn những nỗ lực và cống hiến tích cực của Hoa Kỳ trong việc duy trì sự an toàn ở Biển Đông, theo Epoch Times ngày 13/9.

Theo báo cáo toàn diện của các phương tiện truyền thông, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) lần thứ 53 đã khai mạc vào ngày 9/9. Cuộc họp được tổ chức bằng hình thức hội nghị truyền hình. Cuộc họp kéo dài 4 ngày, bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc-Asean, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực Asean, cùng các cuộc họp khác.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đều tham dự hội nghị thượng đỉnh. Đây là lần gặp nhau đầu tiên giữa ông Pompeo và Vương Nghị, sau khi Washington đưa 24 công ty, bao gồm các công ty con của Công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc (China Communications Construction Corporation – CCCC) vào danh sách đen xuất khẩu vào cuối tháng 8. Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến tình hình Biển Đông, Hồng Kông và các vấn đề khác, cũng như phản ứng của ĐCSTQ đối với đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán đã trở thành trọng tâm của cuộc họp.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch luân phiên Asean, phát biểu tại lễ khai mạc: “Tình hình khu vực, trong đó có Biển Đông, có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định toàn khu vực”.

Tờ Bloomberg đưa tin, tại cuộc họp, ông Pompeo đã kêu gọi Đông Nam Á giảm thiểu tiếp xúc với các công ty Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo và các bãi đá ngầm ở Biển Đông. “Chúng ta không chỉ phải lên tiếng mà còn phải hành động. Đừng làm ăn với những doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã bắt nạt các nước Asean, và đừng để ĐCSTQ chà đạp lên đất nước và con người của chúng ta“.

Ông Pompeo cũng bày tỏ lo ngại về các hành động gây hấn của ĐCSTQ ở Biển Đông, trong khi tại cuộc họp một ngày trước đó, Vương Nghị nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là “động lực lớn nhất của quá trình quân sự hóa ở Biển Đông”.

Bloomberg đưa tin, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã phát biểu tại cuộc họp trực tuyến các ngoại trưởng: “Chúng tôi hoan nghênh Hoa Kỳ đến Biển Đông để giúp đỡ các nước Asean, đóng góp mang tính xây dựng, phản ứng nhanh chóng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực“.

Phân tích bên ngoài chỉ ra rằng, bài phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh như một “cái tát” vào mặt Vương Nghị.

Ngoài ra, ông Phạm Bình Minh cũng đề cập đến việc Việt Nam quan tâm nghiêm túc đến tình hình hiện nay ở Biển Đông, bao gồm các vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến chính quyền Trung Quốc, việc ĐCSTQ tiếp tục quân sự hóa, vi phạm chủ quyền của các nước nhỏ, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Ông Phạm Bình Minh cũng chỉ ra rằng việc quân sự hóa vùng biển này “làm xói mòn lòng tin và sự tự tin, gia tăng căng thẳng và phá hoại hòa bình, an ninh và pháp quyền trong khu vực”.

Ông Phạm Bình Minh từng là đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Báo cáo của cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không đề cập đến nhận xét của ông Phạm Bình Minh. Nó chỉ nói rằng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nói tại lễ khai mạc rằng, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean sẽ tìm hiểu cách thúc đẩy hơn nữa hợp tác và hội nhập khu vực để vượt qua những khó khăn và thách thức liên quan nhằm đạt được các mục tiêu đã thiết lập của Asean.

Ngoài các nước Asean, ngoại trưởng các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga cũng tham gia cuộc họp.

Vào ngày 26/8, khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo công bố các lệnh trừng phạt đối với công ty CCCC của ĐCSTQ, ông đã chỉ trích Bắc Kinh gây bất ổn khu vực và chà đạp lên chủ quyền của các nước láng giềng, đồng thời cáo buộc các công ty của Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt đã bắt nạt các nước láng giềng và cướp đoạt tài nguyên ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tuyên bố vào thời điểm đó rằng họ dự định “chia sẻ chi tiết về nỗ lực của chúng tôi nhằm hỗ trợ các khu vực tự do và mở” tại Hội nghị cấp cao Đông Á và thiết lập quan hệ đối tác với các nước trong lưu vực sông Mê Kông.

Vương Nghị bắt đầu chuyến thăm châu Âu vào ngày 25/8, trong một nỗ lực nhằm thu phục các nước châu Âu và nâng cao sự ủng hộ của dư luận châu Âu với Bắc Kinh vốn đã xuống mức đóng băng. Nhưng Vương Nghị đi đến đâu cũng gặp sự phản đối liên tục, các chính trị gia từ nhiều nước cũng lo ngại về cuộc đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc. Truyền thông Pháp đưa tin rằng chính sách ngoại giao của Vương Nghị đã thất bại, và ông ta đi đến đâu, thì các cuộc biểu tình của các nhóm nhân quyền diễn ra ở đó.

Theo Fang Xiao, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Vụ án Đồng Tâm: 2 con cụ Lê Đình Kình bị mức án tử hình

Hai ông Lê Đình Công (SN 1964) và ông Lê Đình Chức (SN 1980), là con cụ Lê Đình Kình, bị chịu mức án tử hình từ tòa sơ thẩm Hà Nội.

Các bị cáo tại phiên tòa . (Ảnh qua FB luật sư Nguyen Van Mieng)

Truyền thông nhà nước chiều hôm 14/9 đồng loạt đưa tin, tòa sơ thẩm Hà Nội đã đưa ra mức án đối với 29 người trong vụ án Đồng Tâm.

Có 6 người liên quan đến tội “Giết người”: Tòa Hà Nội tuyên tử hình ông Lê Đình Công (SN 1964) và ông Lê Đình Chức (SN 1980), là con cụ Lê Đình Kình;

  • Còn anh Lê Đình Doanh (SN 1988) chịu tù chung thân;
  • Cụ Bùi Viết Hiểu (SN 1943) chịu 16 năm tù;
  • Ông Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980) chịu 13 năm tù;
  • Ông Nguyễn Văn Tuyển (SN 1974) chịu 12 năm tù.

23 người liên quan đến tội “Chống người thi hành công vụ”: Những người này đều chịu mức án từ 15 tháng tù (hưởng án treo) đến 6 năm tù giam.

Phiên tòa Đồng Tâm được mở hôm 7/9, dự kiến ngày 17/9 kết thúc. Tuy nhiên, phiên tòa kết thúc sớm hơn dự kiến.

Trong quá trình diễn ra phiên tòa, đáng chú ý vào hôm 10/9, luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền lợi cho 3 công an tử vong trong vụ Đồng Tâm, đã phản đối đề nghị của một số luật sư bào chữa cho các bị cáo rằng, cần thực nghiệm điều tra và dựng lại hiện trường vụ án.

Theo ông Bách, việc thực nghiệm lại hiện trường “sẽ gợi lại nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân”.

Ông Bách cũng khẳng định 3 cảnh sát này đã thực thi công vụ theo kế hoạch 419A được giao.

Phạm Toàn

Cựu chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến bị đề nghị khai trừ Đảng

Ông Văn Hữu Chiến, cựu chủ tịch Đà Nẵng bị đề nghị khai trừ khỏi Đảng vì có sai phạm nghiêm trọng trong vụ thâu tóm nhà đất công sản. Trong vụ án này, ông Chiến cùng các đồng phạm gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng.

Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh (trái) và Văn Hữu Chiến (Ảnh: Vietnamfinance.vn)

Ủy ban Kiểm tra Trung ương Việt Nam vừa ra thông cáo báo chí, đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với 4 đảng viên thuộc Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, do đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gồm:

  • Ông Văn Hữu Chiến, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND thành phố;
  • Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố;
  • Ông Nguyễn Điểu, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường;
  • Ông Đào Tấn Bằng, cựu Bí thư Đảng ủy các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng.

Các Đảng viên trên đều là các bị cáo trong vụ thâu tóm nhà đất công sản tại Đà Nẵng, có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”).

Trước đó hồi giữa tháng 5, tòa cấp cao Hà Nội đã tuyên phạt ông Văn Hữu Chiến 10 năm tù (giảm 2 năm so với phiên sơ thẩm); phạt ông Nguyễn Ngọc Tuấn 3 năm tù (giảm 2 năm so với phiên sơ thẩm); ông Đào Tấn Bằng 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (phiên sơ thẩm là 18 tháng tù giam) và ông Nguyễn Điểu là 3 năm tù.

Bản án kết luận, ông Văn Hữu Chiến khi còn giữ chức Phó chủ tịch Đà Nẵng (từ năm 2006-2011), đã giúp sức cho cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh trong việc ký các văn bản chuyển nhượng các nhà, đất công sản, dự án bất động sản trái quy định.

Cụ thể, 19 nhà đất công sản đã chuyển nhượng sai tạo điều kiện cho Vũ “Nhôm” trục lợi 15 nhà đất, gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Chiến còn có sai phạm tại dự án 29 ha khu đô thị quốc tế Đa Phước khi ký quyết định giao đất cho công ty của Vũ “Nhôm” không qua đấu giá.

Từ thời điểm xảy ra vụ án cho đến khi bị khởi tố, các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng.

Phạm Toàn

Gần 60 lãnh đạo ở Quảng Ngãi xin nghỉ hưu trước tuổi

Ngày 14/9, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho Zing biết, trên địa bàn có gần 60 cán bộ, lãnh đạo từ cấp xã đến cấp tỉnh xin nghỉ hưu trước tuổi.

“Trong số này có 3 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh ủy viên – Chủ tịch tịch UBND TP. Quảng Ngãi viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi do không đủ tuổi tái cử. Nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp xã, huyện, TP Quảng Ngãi đã nghỉ hưu trước tuổi bắt đầu từ ngày 1/9”, ông Dụng nói.

“Đây là cơ hội cho đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực được bổ nhiệm, đề bạt tiếp tục gánh vác trọng trách nhiệm kỳ 2021-2026 thay cho các lãnh đạo nghỉ hưu trước tuổi”, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi nói.

Đất Đà Nẵng rớt giá thê thảm, nhiều người vỡ nợ

Theo Tuổi Trẻ, sau thời gian ngắn ‘sốt’ giá, từ đầu năm 2020 trở lại đây đất ở Đà Nẵng rớt giá, người bán ồ ạt nhưng không có người mua. Nhiều đại gia vỡ nợ, trong khi nhà đầu tư bất động sản đang ‘ôm bom’, nhiều đại gia bất động sản thậm chí đã bị “knock-out” và vướng vòng lao lý.

Anh D.V.H. – giám đốc một công ty bất động sản tại Đà Nẵng chia sẻ, nếu dịch COVID-19 đợt 1, công ty của anh còn thực hiện được một vài giao dịch bất động sản với khách thì đợt 2 đến nay hoàn toàn không có. Nguồn thu không có, chi phí lớn anh H. phải đưa ra chính sách các nhân viên chính thức đã gắn bó lâu năm cố gắng để không giảm lương, còn cộng tác viên thì không nhận lương hoặc giảm 50% lương.

“Sau vụ mất sổ đỏ ở chi nhánh văn phòng đất đai quận Sơn Trà đang bị điều tra thì dòng tiền trong bất động sản lưu thông tại Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng nhiều. Hồ sơ, đối tượng cho vay của ngân hàng cũng làm chặt chẽ hơn” – anh H. cho biết.

Theo anh H. theo thống kê biến động giá đất nền tại 16 dự án ở Đà Nẵng trong thời điểm trước dịch-tháng 6/2020 đã giảm 13-30% so với đầu năm 2019. Và từ khi dịch đến này thì gần như đóng băng.

“Khi thị trường chững lại và có dấu hiệu giảm giá mạnh như hiện nay, nhiều người gom đất bắt đầu “thải” một lượng đất lớn mà họ đã “ôm” trước đây. Tuy nhiên, thực tế hiện giá có giảm nhưng người có nhu cầu mua rất ít. Hiện tại, các tay đầu cơ đất “ôm” hàng với số lượng lớn đã tìm cách “nhả” hàng cắt lỗ nhưng không có người mua. Có thể thấy các tay đầu cơ đất ở nhiều khu vực đang ôm đất như ôm bom” – Ông Nguyễn Văn Lan, giám đốc Công ty bất động sản Minh Lan cho biết.

Xe tải tông trạm BOT Cai Lậy

Trên báo Zing, vụ tai nạn xảy ra rạng sáng 13/9. Cảnh sát xác định xe tải này do tài xế Trần Quốc Cường (37 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cầm lái, lưu thông từ cầu Mỹ Thuận đi ngã ba Trung Lương.

Đến khu vực trạm thu phí BOT Cai Lậy, xe tải tông vào mũi tàu, sau đó làm hỏng barie và cabin thu phí trên quốc lộ 1.

Vụ tai nạn không gây thương vong về người. Tuy nhiên, xe tải biến dạng sau cú va chạm mạnh.

Cảnh sát đã làm việc với tài xế và chờ kết quả định giá tài sản thiệt hại. Theo nhà chức trách, nguyên nhân vụ việc có thể do tài xế buồn ngủ.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy hoạt động đầu tháng 8/2017. Việc thu phí tại trạm này vấp phải sự phản đối gay gắt của các tài xế do thu phí cho tuyến tránh nhưng lại đặt trạm trên quốc lộ 1. Sau nhiều lần xả trạm vì tài xế tụ tập phản đối, trạm phải dừng thu từ cuối năm 2017.

Đường sắt bắt đầu nhận đăng ký mua vé tàu tập thể Tết Tân Sửu 2021

Cụ thể, Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn nhận đăng ký mua vé tập thể Tết 2021 (cả lượt đi và lượt về, mỗi lượt từ 5 vé trở lên) từ nay đến hết ngày 25/9.

Ngành đường sắt sẽ ưu tiên các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, khu chế xuất, các tổ chức xã hội… Đơn vị có nhu cầu mua vé liên hệ phòng bán vé tại ga Sài Gòn (số 1 Nguyễn Thông, quận 3, TP.HCM) từ 7h30 – 19h30 hằng ngày.

Về thủ tục đăng ký, người đặt vé mang theo giấy giới thiệu của đơn vị và danh sách mua vé ghi rõ, chính xác họ tên, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân của người đi tàu.

Theo ông Văn, dự kiến tháng 10/2020 ngành đường sắt sẽ bắt đầu mở bán vé tàu Tết Tân Sửu 2021 thông qua mạng và các nhà ga, đại lý…

Related posts