ĐCSTQ lợi dụng Liên Hiệp Quốc thu thập dữ liệu lớn trên toàn cầu

  • Ngô Hinh

Có chuyên gia cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chọn Liên Hiệp Quốc (LHQ) làm công cụ để thúc đẩy sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”, lợi dụng LHQ để thu thập dữ liệu lớn (big data) trên toàn cầu. Qua đó, họ tìm kiếm quyền định ra tiêu chuẩn mới từ đó đưa mô hình giám sát cũng như kiểm duyệt của ĐCSTQ ra toàn cầu, thúc đẩy kiểu chính trị bạo ngược toàn trị.

ĐCSTQ thúc đẩy mạnh mẽ kỷ nguyên dữ liệu lớn vì mục đích giám sát động thái của tất cả mọi người: đã ở đâu, gọi điện thoại gì, đọc tin tức gì…  (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Claudia Rosett là nhà nghiên cứu bán thời gian tại Viện Hudson và nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Diễn đàn Phụ nữ Độc lập (Independent Women’s Forum). Vào đầu tháng 10, bà đã đăng một bài bình luận trên The Wall Street Journal (Mỹ) chỉ ra rằng, ĐCSTQ đang lợi dụng LHQ để thu thập dữ liệu lớn trên toàn thế giới, nhằm theo dõi giám sát toàn cầu. Ngoài ra, vì ĐCSTQ đang lợi dụng các tổ chức quốc tế để tranh giành quyền đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế khiến thế giới lo ngại rằng ĐCSTQ sẽ xuất khẩu mô hình chuyên chế của họ ra toàn thế giới.

Địa chỉ trung tâm dữ liệu đã được chọn

Trong một bài phát biểu video tại lễ khai mạc thường niên lần thứ 75 của Đại hội đồng LHQ vào ngày 22/9,  lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã bày tỏ “ủng hộ việc LHQ đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế”, tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ thành lập tại LHQ trung tâm đổi mới và kiến ​​thức thông tin địa lý toàn cầu đồng thời tiếp tục phát triển trung tâm nghiên cứu quốc tế về dữ liệu lớn”.

Rossett chỉ ra rằng ĐCSTQ đang lợi dụng danh nghĩa dự án “phát triển bền vững” của LHQ để hợp tác với LHQ. Hồ sơ của LHQ cho thấy hai trung tâm mà ông Tập Cận Bình đề cập đã chọn địa điểm. Chính phủ ĐCSTQ đã ký một biên bản ghi nhớ với Ban Kinh tế và Xã hội của LHQ, ban này là ban thư ký thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ mà người phụ trách là ông Lưu Chấn Dân, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ĐCSTQ.

Vào tháng 6/2019, ông Cục trưởng Ninh Cát Triết (Ning Jizhe) của Cục Thống kê Quốc gia ĐCSTQ đã gặp ông Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) tại Thượng Hải để ký kết bản ghi nhớ có tiêu đề “Viện Nghiên cứu Dữ liệu Lớn của Cục Thống kê Quốc gia-LHQ”, với mục đích hợp tác với các khu vực công và tư nhân của Trung Quốc để sử dụng các phương pháp và chuyên môn của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. “Kiểu thiết lập này có thể dễ dàng trở thành mạng lưới tình báo toàn cầu của Trung Quốc (ĐCSTQ)”, bà Rosette chỉ ra.

Theo hồ sơ của LHQ thì Trung tâm Không gian địa lý được đặt tại huyện Đức Thanh tỉnh Chiết Giang, là nơi tổ chức Hội nghị thông tin không gian địa lý thế giới của LHQ năm 2018, còn Trung tâm nghiên cứu dữ liệu lớn được đặt tại Hàng Châu nơi có trụ sở chính của tập đoàn công nghệ khổng lồ Alibaba.

Rosette chỉ ra rằng ông tỷ phú Mã Vân (Jack Ma, CEO của Alibaba) và Melinda Gates (vợ tỷ phú Bill Gates) đã trở thành đồng Chủ tịch của nhóm Hợp tác kỹ thuật số (Digital Cooperation) do Tổng thư ký LHQ Guterres (Antonio Guterres) tổ chức vào năm 2018. Rosette viết: “Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa LHQ và các tỷ phú Trung Quốc và Mỹ đang hỗ trợ cho tham vọng bá chủ toàn cầu của ĐCSTQ”.

Sử dụng LHQ thúc đẩy “Vành đai và Con đường” để cạnh tranh quyền thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu mới

Ngoài việc lợi dụng danh nghĩa LHQ để thành lập Viện Dữ liệu lớn Toàn cầu, Rosette cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ còn chọn LHQ làm công cụ để thúc đẩy sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của ông Tập Cận Bình. “Vành đai và Con đường” là chính sách ngoại giao bẫy nợ của ĐCSTQ với mục đích đầu tư vào những nơi có tiềm năng mở rộng sức mạnh quân sự nhằm thúc đẩy ảnh hưởng của chế độ chuyên chế ĐCSTQ.

Năm ngoái, Tổng thư ký LHQ Guterres đã ca ngợi “Vành đai và Con đường” là có kết nối nội tại với mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Các tài liệu của LHQ cho thấy hàng chục chi nhánh của LHQ đã ký các thỏa thuận hỗ trợ “Vành đai và Con đường”, bao gồm tất cả 15 cơ quan chuyên môn của LHQ như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế… mà  trong số đó có 4 cơ quan do các cựu quan chức ĐCSTQ phụ trách, bao gồm cả Lưu Chấn Dân nêu trên.

Ngoài ra còn phải kể nhân vật Triệu Hậu Lân (Zhao Houlin), hiện là Tổng thư ký của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Financial Times (Thời báo Tài chính Anh) có bài viết chỉ ra rằng ĐCSTQ thông qua hơn 100 nước đã tham gia vào sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” để thúc đẩy việc tuân thủ một bộ tiêu chuẩn và thỏa thuận riêng biệt của Trung Quốc (ĐCSTQ). Triệu Hậu Lân đã lợi dụng chức vụ bản thân để mạnh mẽ quảng bá sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”, đồng thời bảo vệ Huawei trước cáo buộc của Mỹ rằng thiết bị của họ có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp.

Tờ Financial Times có nhận định rằng nếu Chiến tranh Lạnh trước đây lấy vấn đề chủ đạo là chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân thì Chiến tranh Lạnh mới sẽ được tiến hành một phần thông qua cuộc cạnh tranh nhằm kiểm soát quyền đưa ra các tiêu chuẩn, vì áp đặt tiêu chuẩn để kiểm soát công nghiệp là vấn đề quan trọng nhất của thời đại hiện nay. Nhà công nghiệp và nhà sáng tạo người Đức ở thế kỷ 19 Werner von Siemens là người sáng lập Tập đoàn Siemens từng có câu nổi tiếng: “Ai nắm được tiêu chuẩn thì nắm được thị trường”.

Adam Segal, giám đốc Chương trình Chính sách Không gian mạng internet và Kỹ thuật số của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), một tổ chức tư vấn trụ sở tại New York cho biết: “Tiêu chuẩn công nghiệp là lĩnh vực cạnh tranh quan trọng trong Chiến tranh Lạnh mới, Bắc Kinh và Washington đang đẩy mạnh điều chỉnh việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn trên toàn cầu”.

Sáng kiến “​​Vành đai và Con đường” ẩn chứa bẫy nợ khiến Sri Lanka không có khả năng trả nợ hàng tỷ USD, cảng chiến lược quan trọng Hambantota đã được cho Trung Quốc thuê đến 99 năm. Hình ảnh dự án chính cảng Colombo (Nguồn: LAKRUWAN WANNIARACHCHI/AFP/Getty Images).

Related posts