- Gia Huy
Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tuần tới, hai quan chức cấp cao của Đức đã kêu gọi Hoa Kỳ hợp tác với châu Âu để đối phó với Trung Quốc, theo SCMP.
Việc kêu gọi thành lập mặt trận thống nhất chống Trung Quốc đến từ hai Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của Đức được đưa ra sau lễ ra mắt diễn đàn mới Mỹ – châu Âu để thảo luận các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, với cuộc hội đàm đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng tới. Đông thái trên được công bố sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp của ông tại EU Josep Borrell vào thứ 6 (23/10).
Các quan chức châu Âu từ lâu đã chỉ trích việc Bắc Kinh chậm mở cửa nền kinh tế Trung Quốc cho các doanh nghiệp nước ngoài và gần đây hơn là tình hình vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương và Hồng Kông. Các vấn đề này cũng đã được nhiều lãnh đạo EU lên tiếng trong Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9.
Tuy nhiên, Đức không muốn quá thân cận với Mỹ, đặc biệt kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2016. Ông Trump đã liên tục chỉ trích Berlin không đóng góp đủ tiền cho ngân sách của NATO và chỉ trích cả EU nói chung vì cạnh tranh với Mỹ.
Tuy nhiên, tự nhận mình là “người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương” (người ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ giữa châu Âu với Hoa kỳ và Canada), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hôm thứ 7 (24/10) đã đề nghị xây dựng “một liên minh thương mại phương Tây được tăng cường mới” nhằm đối phó với các hoạt động của Trung Quốc.
Bà nói: “Lợi ích của Đức, cũng là lợi ích của châu Âu, cần một trật tự có thể chống lại cả hai nguy cơ đối với thương mại tự do: chủ nghĩa tư bản nhà nước được ĐCSTQ chỉ đạo mạnh mẽ và sự cám dỗ về việc cô lập và tách rời đơn phương mà chúng ta hiện đang nhìn thấy tại Washington.”
Bà cho biết “Do đó, tôi đề nghị chúng ta nên đối phó với thách thức cạnh tranh toàn cầu bằng một liên minh thương mại phương Tây được tăng cường mới.” Bà cũng nói thêm rằng việc đề xuất EU và Hoa Kỳ loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan và thương mại giữa hai bên không phải là một “ý kiến điên rồ.”
Bà Kramp-Karrenbauer, nữ chủ tịch sắp mãn nhiệm của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền, cho biết: “Là một quốc gia xuất khẩu hàng đầu, nước Đức chúng tôi rất lo lắng về cách Trung Quốc hành xử trong các vấn đề thương mại quốc tế.”
Bà cho biết các vấn đề này bao gồm việc Trung Quốc thao túng tiền tệ trong một thời gian dài, tích cực chiếm đoạt tài sản trí tuệ, tạo ra các điều kiện đầu tư bất bình đẳng, và bóp méo việc cạnh tranh bằng trợ cấp của nhà nước.
Ông Mikko Huotari, lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một tổ chức tư vấn chính phủ đặt tại Berlin, cho biết quan điểm chung về Trung Quốc đã trở nên “rất xấu tại Đức, đặc biệt trong 12 tháng qua.”
Ông Huotari nói: “Tôi trông đợi chính sách về Trung Quốc sau thời bà Angela Merkel, bất kể ai kế nhiệm bà, sẽ đưa ra một quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.”
Thủ tướng Merkel sẽ không tranh cử nhiệm kỳ thứ năm trong cuộc bầu cử năm tới, trong khi đó bà Kramp-Karrenbauer, từng được xem là người có khả năng kế nhiệm bà Merkel, sẽ từ chức lãnh đạo CDU vào tháng 12.
Một ngày sau phát biểu của bà Karrenbauer, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết tương lai của mối quan hệ xuyên đại tây dương sẽ “được quyết định bởi cách thức đối phó đúng đắn đối với Trung Quốc.”
Ông Maas viết trên báo Welt am Sonntag rằng “Washington nhìn thấy thách thức chiến lược to lớn của thế kỷ này trước sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua các đường lối của ĐCSTQ. Do đó, chính quyền tiếp theo của Hoa Kỳ cũng sẽ tái định hướng năng lực chính trị và quân sự để đối phó với Trung Quốc.”
Ông viết: “Một số người có thể cho rằng đây là sự suy yếu tự động của mối quan hệ xuyên Đại tây dương. Ngược lại, đối với tôi, việc định hình mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc mang lại cơ hội cho sự hợp tác xuyên Đại tây dương mới, bởi người Mỹ và châu Âu cùng quan tâm đến một xã hội cởi mở, tôn trọng nhân quyền cùng các tiêu chuẩn dân chủ, thương mại công bằng, các tuyến đường biển tự do cũng như an ninh của dữ liệu và tài sản trí tuệ của chúng ta.”
“Nếu chúng ta muốn ép Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như vậy, khi đó Hoa Kỳ cũng có thể được hưởng lợi từ vai trò của EU vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh. Và nếu chúng ta có cùng tiếng nói trong Tổ chức Thương mại Thế giới thay vì áp đặt thuế quan với nhau, khi đó chúng ta cũng có thể thiết lập các tiêu chuẩn mới, ví dụ, liên quan đến vấn đề Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ hoặc các giao dịch với các công ty nhà nước Trung Quốc.”
Gia Huy (theo SCMP)