- Xuân Thành
Khi thời gian chỉ còn chưa đến 1 tuần là tới Ngày Bầu cử chính thức 3/11, hơn 68 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm, cao hơn nhiều so với tổng số 47 triệu cử tri bỏ phiếu sớm năm 2016, theo số liệu của tổ chức U.S Elections Project.
Texas đang là bang có số phiếu bầu được bỏ sớm nhiều nhất, gần 8 triệu phiếu, gần bằng 90% tổng số phiếu bầu tại bang này trong kỳ bầu cử 4 năm trước.
Các bang như Bắc Carolina, Georgia, New Mexico và Montana, số cử tri bỏ phiếu sớm cũng đã gần bằng 75% tổng số cử tri tham gia bầu cử năm 2016. Tiếp đến là các bang Washington, Florida và Tennessee, số phiếu được bỏ sớm cũng đã chiếm khoảng 70% tổng số cử tri của mỗi bang tham gia bầu cử lần trước.
Ông Michael McDonald, phó giáo sư Đại học Florida, điều hành tổ chức U.S Elections Project, hôm 25/10 nhận định: “Với tốc độ bỏ phiếu sớm tại một số bang như hiện nay, thì một số bang nhất định số lượng phiếu bầu được bỏ sớm có thể vượt qua cả tổng số phiếu bầu của mỗi bang đó trong năm 2016”.
Trong số gần 70 triệu phiếu bầu đã được bỏ sớm, hầu hết là bỏ phiếu qua thư. Số lượng người Mỹ bỏ phiếu qua thư kỷ lục vào năm nay, một phần bởi vì những quan ngại về đại dịch virus corona và phần khác là do nhiều bang đã chủ động thúc đẩy bỏ phiếu qua thư là cách thức ưu tiên và đã làm cho tiến trình bỏ phiếu này thuận tiện hơn.
Năm nay, cử tri Mỹ đã nộp lại các phiếu bầu của họ sớm hơn các năm trước. Ông McDonald cho rằng điều này sẽ làm giảm bớt gánh nặng lên các quan chức bầu cử trong công việc kiểm soát phiếu bầu.
Nhiều người dự đoán rằng tỷ lệ cử tri Mỹ tham gia bỏ phiếu trên tổng số cử tri đủ điều kiện bầu cử năm 2020 có thể sẽ vượt qua tỷ lệ 55,5% của năm 2016. Nếu tỷ lệ này vượt ít nhất 1,7%, thì kỳ bầu cử 2020 sẽ lập kỷ lục về tỷ lệ số cử tri tham gia bầu cử lớn nhất kể từ sau chiến thắng của ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Richard Nixon năm 1968. Nếu tỷ lệ này vượt 6,2%, thì cuộc bầu cử năm 2020 sẽ có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu lớn nhất kể từ chiến thắng của ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Howard Taft năm 1908.
Tại một số bang như Oregon, Washington, Nevada và California, số lượng phiếu bầu được bỏ sớm đạt mức kỷ lục có thể là do các bang này hoặc là đẩy mạnh thực thi hình thức bỏ phiếu qua thư hoặc năm nay họ đã quyết định gửi phiếu bầu vắng mặt tới tất cả các cử tri đăng ký trong bang.
Tuy nhiên, một số bang có truyền thống tin tưởng vào bỏ phiếu trực tiếp trong Ngày Bầu cử, năm nay họ dường như họ vẫn không mặn mà với bỏ phiếu qua thư. Mississippi báo cáo số phiếu bầu được bỏ sớm mới chỉ chiếm 5% tổng số phiếu bầu năm 2016. Tương tự, số phiếu bầu sớm của bang Alabama mới chỉ chiếm 10%. Các bang khác như New York, Oklahoma, Tây Virginia, Idaho, và New Hampshire, số phiếu bầu đã được bỏ sớm hiện chỉ ở mức trên dưới 20% so với tổng số phiếu bầu được bỏ ở mỗi bang này trong kỳ bầu cử 4 năm trước.
Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, cử tri đăng ký là thành viên Đảng Dân chủ đang bỏ phiếu qua thư nhiều hơn cử tri đăng ký là thành viên Đảng Cộng hòa. Các bang có xu hướng ủng hộ Đảng Dân chủ cũng thiết lập nhiều quy định giúp thuận tiện hóa cách thức bỏ phiếu qua thư hơn các bang nghiêng về Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần công khai thúc giục những người ủng hộ ông hãy bỏ phiếu trực tiếp và bản thân tổng thống cũng đã bỏ phiếu sớm trực tiếp tại bang Florida, nơi ông đăng ký thường trú.
Trong số những người đã bỏ phiếu sớm bằng hình thức trực tiếp, hơn 3 triệu là cử tri Đảng Cộng hòa, khoảng 2,7 triệu là cử tri Đảng Dân chủ và khoảng 1,5 triệu là những người độc lập, theo số liệu của 10 bang có báo cáo về đăng ký cử tri theo đảng phái.
Xuân Thành