- Gia Huy
Bắc Kinh sẽ áp đặt thêm hạn chế đối với các chi nhánh tại Trung Quốc của 6 tổ chức truyền thông Hoa Kỳ. Đây được xem là một động thái trả đũa sau khi Washington chỉ định một số cơ quan truyền thông Trung Quốc là phái bộ nước ngoài vào tuần trước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm thứ 2 (26/10) rằng 6 cơ quan truyền thông của Mỹ bao gồm ABC, Los Angeles Times và Newsweek phải nộp các chi tiết về nhân sự, tài chính và bất động sản của chi nhánh đặt tại Trung Quốc của họ trong vòng bảy ngày.
Cũng bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu mới là Đài Phát thanh Công cộng Minnesota (Minnesota Public Radio – MPR); Văn phòng Các vấn đề Quốc gia và Tin tức nổi bật (Bureau of National Affairs and Feature Story News); và Tập đoàn Công nghiệp Bloomberg (Bloomberg Industry Group) chuyên cung cấp tin tức pháp lý và quy định cho các chuyên gia trong ngành.
Ông Triệu cho biết hành động này là để đáp trả việc Washington từ chối hủy bỏ quyết định chỉ định thêm 6 cơ quan truyền thông của Trung Quốc là các phái bộ nước ngoài, khiến các cơ quan này phải chịu các hạn chế tương tự những các cơ quan tin tức khác của Trung Quốc hồi tháng 6.
Việc gắn nhãn phái bộ nước ngoài có nghĩa là nhân viên của các hãng truyền thông này phải đăng ký là “đại diện nước ngoài” giống như các nhà ngoại giao được yêu cầu làm.
Ông Triệu cho biết các hành động của Hoa Kỳ đã “làm tổn hại nghiêm trọng” đến danh tiếng và khả năng hoạt động của truyền thông Trung Quốc; cũng như “can thiệp nghiêm trọng” vào việc trao đổi văn hóa Trung – Mỹ và phơi bày thói đạo đức giả của cái gọi là ‘tự do báo chí’ phô trương của Hoa Kỳ.
Đại diện của MPR xác nhận rằng hãng đã nhận được yêu cầu cung cấp thông tin về văn phòng Marketplace ở Thượng Hải, một chương trình phát thanh kinh tế và kinh doanh nổi tiếng mà họ sở hữu.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các hãng truyền thông khác chưa có bình luận về vụ việc.
Trong số các hãng truyền thông bị ảnh hưởng bởi những yêu cầu quy định mới, một số hãng gần đây đã đăng báo cáo về các vấn đề nhạy cảm tại Trung Quốc, bao gồm hồ sơ chuyên sâu của Los Angeles Times về việc thâu tóm quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tờ báo này cho biết trong khi đưa tin về các cuộc biểu tình tại Nội Mông hồi tháng 9, phóng viên của LA Times đã bị cảnh sát Trung Quốc giam giữ và hành hung.
Ngay trước khi chính phủ Trung Quốc thông báo áp đặt các yêu cầu mới hôm thứ 2 (26/10), một trong các hãng truyền thông bị nhắm đến, Newsweek, đã đăng một bài điều tra cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm cách thực hiện các biện pháp nhằm gây bất ổn xã hội ở Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
ABC cũng đã phát sóng chương trình chỉ trích các chính sách của chính phủ Trung Quốc, bao gồm nhiều cuộc phỏng vấn với người thân ở Mỹ của những người được cho là nạn nhân trong cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm dân tộc thiểu số khác ở miền tây bắc Trung Quốc.
Thông báo ngày 26/10 của chính phủ Trung Quốc là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp ăn miếng trả miếng kéo dài nhiều tháng giữa Bắc Kinh và Washington nhằm hạn chế quyền tự do của các phóng viên nước ngoài của bên kia.
Khi căng thẳng song phương đạt đến đỉnh điểm trong năm nay trong bối cảnh đại dịch virus corona, Bắc Kinh đã trục xuất các nhà báo của ba tờ báo lớn của Mỹ có văn phòng tại Trung Quốc và gia tăng các quy định pháp lý đối với hơn một chục hãng truyền thông Hoa Kỳ.
Đáp trả, Hoa Kỳ đã buộc một số cơ quan truyền thông Trung Quốc cắt giảm số nhân viên, giảm bớt thời gian lưu trú cho phép và dán nhãn hơn một chục cơ quan truyền thông Trung Quốc là cơ quan nhà nước.
Việc Washington thúc đẩy quy tắc có đi có lại với Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng việc chỉ trích cách các phóng viên đưa tin về chính quyền của ông trước cuộc bầu cử ngày 3/11.
Ông Trump đã tweet hôm thứ 2 (26/10): “Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn trong việc đối phó với Virus Trung Quốc, nhưng những tờ báo Fake News (Tin tức giả) đã từ chối nói về điều này khi gần đến ngày bầu cử. COVID, COVID, COVID đang được họ phối hợp với nhau sử dụng nhằm thay đổi con số bầu cử sớm tuyệt vời của chúng ta. Đó nên được xem là hành vi vi phạm luật bầu cử.”
Gia Huy (theo SCMP)