Mỹ cho phép Ấn Độ tiếp cận các vệ tinh quân sự nhằm đối phó Trung Quốc

  • Xuân Lan

Mỹ và Ấn Độ hôm thứ Ba (27/10) đã ký một hiệp ước quân sự quan trọng về trao đổi thông tin tình báo, dự kiến ​​sẽ giúp New Delhi tấn công các mục tiêu tiềm năng với độ chính xác cao. Đây là bước tiến mới trọng yếu có thể giúp Ấn Độ giành lợi thế trong cuộc chiến biên giới căng thẳng kéo dài nhiều tháng với Trung Quốc.

Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản, hay BECA, đã được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, theo truyền thông Ấn Độ.

Đây là hiệp ước cuối cùng trong bốn hiệp ước liên lạc quân sự “nền tảng” giữa hai nước, được cho là sẽ giúp tăng cường khả năng tương tác và chia sẻ thông tin liên quan đến dữ liệu vệ tinh nhạy cảm, hình ảnh, dữ liệu địa hình và thủy văn, cùng những thứ khác. Ba hiệp ước trước đó, gồm Hiệp định An ninh chung về thông tin quân sự; Biên bản Thỏa thuận trao đổi hậu cần; và Thỏa thuận Truyền thông, Tương thích và Bảo mật, đã được ký lần lượt vào các năm 2002, 2016 và 2018.

Phát biểu sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper khẳng định Mỹ sát cánh cùng Ấn Độ để ủng hộ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho tất cả các bên, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động gây hấn và gây bất ổn.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã đạt được một cột mốc quan trọng ngày hôm nay với việc ký BECA, cho phép chia sẻ thông tin không gian địa lý nhiều hơn giữa các lực lượng vũ trang của hai nước.”

Ông Esper cũng cho biết hai bên đang tiếp tục làm việc để thiết lập các cuộc đối thoại mới về không gian và mạng nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai nước đều phải đối mặt trước những mối đe dọa mới nổi.

Theo các nhà phân tích, BECA đặc biệt có lợi cho Ấn Độ khi quốc gia này sẽ có thể truy cập dữ liệu vệ tinh cao cấp, hình ảnh, bản đồ và thông tin không gian địa lý khác từ Hoa Kỳ.

“BECA cung cấp cho Ấn Độ một bước nhảy vọt trong việc chia sẻ dữ liệu, thông tin và thông tin tình báo ở cấp độ tương đương so với các đồng minh khác của Mỹ [trong khu vực] như Nhật Bản và Úc,” ông Pankaj Jha, giáo sư nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại trường đại học OP Jindal Global và là cựu phó giám đốc Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ, nói với Nikkei Asia.

Ông nói rằng BECA sẽ cho phép Ấn Độ khảo sát một quốc gia hoặc khu vực cụ thể thông qua quyền truy cập vào dữ liệu không gian địa lý theo thời gian thực không bị gián đoạn. “Điều này có thể giúp Ấn Độ xác định chính xác mục tiêu của mình [vì] vệ tinh của Hoa Kỳ vượt xa [của Ấn Độ] về độ chính xác,” ông Jha nói. “Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho hệ thống dẫn đường tên lửa của Ấn Độ.”

Ngay trước khi ký kết hiệp ước, giáo sư Harsh V. Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Tổ chức Nghiên cứu Observer có trụ sở tại New Delhi, cũng nhận xét rằng thỏa thuận này đến vào “thời điểm rất quan trọng đối với Ấn Độ” khi New Delhi đang căng thẳng về vấn đề biên giới với Trung Quốc. 

“Chia sẻ thông tin tình báo [đã] đang diễn ra ở mức rất cao giữa hai nước, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng này [ở biên giới Trung – Ấn] như chúng ta đã thấy”, ông Pant nói, đồng thời cho biết thêm rằng giờ đây hai quân đội và các cơ sở quốc phòng “rất thoải mái” trong giao dịch với nhau. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong năm qua, hai nước đã mở rộng hợp tác trong các vấn đề không gian mạng; hải quân của hai nước cũng đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương. Ông cũng “vui vẻ” lưu ý về việc Úc sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar 2020 vào tháng 11 tới cùng với ba thành viên khác của nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác, hay Bộ Tứ Kim Cương.  

Cả ông Pompeo và Esper đều công khai nhắm mục tiêu vào Trung Quốc trong khi kêu gọi một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, mặc dù các Bộ trưởng Ấn Độ đã không đề cập trực tiếp đến Bắc Kinh.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar cho biết khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là một trọng tâm cụ thể của các cuộc đàm phán. “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và thịnh vượng đối với tất cả các quốc gia trong khu vực này. Như [Bộ trưởng Quốc phòng Singh] đã tuyên bố, điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế, thúc đẩy sự cởi mở kết nối và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia,” ông nói. “Một thế giới đa cực phải có một châu Á đa cực làm cơ sở.”

Ông Pompeo và ông Esper cũng đã cùng gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm và “thảo luận về một số vấn đề quan tâm của khu vực và toàn cầu mà Hoa Kỳ và Ấn Độ hợp tác, bao gồm ứng phó COVID-19, hợp tác an ninh và quốc phòng, và chia sẻ lợi ích trong một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, theo Phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Cale Brown.

Xuân Lan (theo Nikkei)

Related posts