Đài Loan nhắm tên lửa vào Trung Quốc để ngăn chặn các kế hoạch xâm lược

  • Gia Huy

Trước làn sóng đồn đoán việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan đã được lên kế hoạch, chính phủ Đài loan trên thực tế đang tiến hành vừa mua vừa xây dựng một kho tên lửa quy mô lớn của chính mình nhằm ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào của chế độ cộng sản Bắc Kinh muốn chiếm lấy lãnh thổ Đài Loan, Taiwan News đưa tin.

Tên lửa chống hạm Hsiung-Feng III (Ảnh: Facebook BQP ĐL)

Trước lo ngại Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan, một bài báo trên Forbes đã chỉ ra rằng Đài loan có nhiều tên lửa để nhắm vào Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và nước này đang tiến hành vừa mua vừa phát triển nhiều tên lửa khác. Trích dẫn lời nhà nghiên cứu người Mỹ Ian Easton, Forbes cho biết các hệ thống vũ khí HIMARS và SLAM-ERs được Mỹ chấp thuận bán cho Đài Loan “là những tên lửa công nghệ hiện đại và sẽ đa dạng hóa và nâng cao năng lực của lực lượng tên lửa phản công của Đài Loan.”

Vào ngày 21/10, chính quyền TT Trump đã thông báo với Quốc hội Mỹ việc chấp thuận bán cho Đài Loan 11 hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) model M142; 135 tên lửa phản ứng mở rộng tấn công đất liền (SLAM-ER) model AGM-84H cùng các thiết bị có liên quan; và 6 vỏ cảm biến gắn bên ngoài MS-110 Recce dùng cho máy bay chiến đấu do Collins Aerospace sản xuất. Các bệ phóng cơ động HIMARS sẽ bao gồm 64 hệ thống tên lửa chiến thuật (ATACMS).

ATACMS là tên lửa đất đối không mang đầu đạn phi hạt nhân nặng 226kg với tầm bắn lên đến 300km. Trên thực tế, chiều ngang của Eo biển Đài Loan chỉ khoảng 130km, do đó các căn cứ, hải cảng và khu vực đóng quân ven biển của Trung Quốc tại tỉnh Phúc Kiến đều nằm trong tầm bắn của loại tên lửa này.

SLAM-ER là tên lửa hành trình dẫn đường chính xác phóng từ trên không, có thể tấn công các mục tiêu tại Trung Quốc hoặc các vùng biển ven bờ, với tầm bắn tối đa 270km. Một khi được lắp trên phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan, các tên lửa này có thể khai hỏa bên ngoài hệ thống phòng không của Trung Quốc.

Đang có sẵn trong kho vũ khí của Đài Loan là tên lửa hành trình không đối đất Vạn Chiến, đã được đưa vào phục vụ vào năm 2018. Các tên lửa này được lắp trên máy bay chiến đấu phòng thủ của Đài Loan (IDF) và có thể bắn trúng mục tiêu cách xa lên đến 200km.

Mặc dù tên lửa đất đối đất Thiên Kích với tầm bắn chỉ 120km, nhưng nó được triển khai trên đảo Dongyin ngoài khơi bờ biển Phúc Kiến cũng như tại một địa điểm không được tiết lộ khác, giúp nó có thể vươn tới lãnh thổ Trung Quốc. Theo Missile Threat, các tên lửa trên đảo Dongyin được cho là được đặt trong các hầm chứa tên lửa và được bảo vệ bởi các khẩu đội tên lửa đất đối không Thiên Cung II.

Về tên lửa tầm xa, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Vân Phong mới có tầm bắn 2.000km và có thể đặt trên các xe phóng di động. Tên lửa Vân Phong có khả năng tấn công Bắc Kinh hoặc các mục tiêu quân sự của PLA tại miền nam Trung Quốc.

Theo Defense News, về việc phòng thủ trước tàu chiến Trung Quốc, Đài Loan có các tên lửa chống hạm Hsiung-Feng II và Hsiung-Feng III với tầm bắn 250km và 400km. Nhằm giúp Đài Loan tăng cường khả năng chống lại các tàu hải quân Trung Quốc, gần đây chính phủ Mỹ đã công bố thương vụ bán 100 tên lửa chống hạm đặt trên bờ Harpoon cho Đài Loan.

Để hạ gục máy bay và tên lửa của Lực lượng không quân Trung Quốc, quân đội Đài Loan đã phát triển tên lửa Thiên Cung III với tầm bắn 200km. Đối với việc tác chiến trên không, các máy bay IDF của Đài Loan có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm trung do radar dẫn hướng Thiên Kiếm II.

Trong trường hợp Trung Quốc tiến hành xâm lược Đài Loan, sau đợt tấn công đầu tiên bằng tên lửa của Trung Quốc, đảo quốc này rõ ràng cần phải phản công ngay lập tức bằng các tên lửa ATACMS, SLAM-ER, Vạn Chiến, Vân Phong và các loại vũ khí khác. Ông Easton, giảng viên của Viện Dự án 2049, khẳng định việc phản công như vậy không được thực hiện trước và sẽ “nguy hiểm chết người nếu không làm như vậy.” 

Theo báo cáo, mục tiêu chính của tên lửa Đài Loan sẽ là các hải cảng và căn cứ không quân của PLA tại các tỉnh láng giềng Phúc Kiến, Chiết Giang và Quảng Đông. Mục tiêu đầu tiên là tấn công quân đội khi họ tập trung để tiến hành cuộc xâm lược.

Khi phần còn lại của quân xâm lược Trung Quốc tiến đánh Đài Loan, tên lửa tầm xa của Đài Loan sẽ tiếp tục dội xuống các cơ sở hạ tầng hậu cần tại những căn cứ mà lực lượng này xuất kích. Mục tiêu là cắt đứt đường tiếp tế của PLA để tạo cơ hội tốt hơn cho lực lượng Đài Loan tại chiến trường đẩy lui quân xâm lược.

Trong khi đó, tên lửa chống hạm của Đài Loan sẽ tấn công các tàu hải quân của lực lượng hải quân Trung Quốc (PLAN) đang cố gắng chuyển quân đến Đài Loan, đồng thời tên lửa phòng không của Đài Loan sẽ được sử dụng để phá vỡ ưu thế trên không của lực lượng không quân Trung Quốc (PLAAF). Ông Easton nhận xét rằng kho vũ khí tên lửa ngày càng tăng của Đài Loan sẽ khiến Trung Quốc phải tăng chi tiêu cho việc phòng thủ, do đó sẽ có ít kinh phí hơn cho các hoạt động tấn công.

Ôn Eston dự đoán thương vụ bán vũ khí hiện đại của Mỹ cho Đài Loan lần này là một bước ngoặt “mở ra cơ hội cho các thương vụ trong tương lai để bán cho Đài Loan các tên lửa đạn đạo hiện đại và các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất.”

Gia Huy (theo Taiwan News)

Related posts