- Xuân Lan
Hôm 29/10, tại Jakarta, Indonesia, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cam kết gia tăng đầu tư và thương mại với quốc gia Đông Nam Á này như một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông cũng ca ngợi Indonesia đã trở thành tấm gương trong việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình trước các yêu sách “vô pháp luật” của Bắc Kinh.
Chuyến thăm của ông Pompeo tới Indonesia được thực hiện chưa đầy một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Đây được cho là một phần của cuộc thăm dò 5 quốc gia châu Á ở các mức độ hiềm khích khác nhau với Trung Quốc. Ấn Độ đang có tranh chấp biên giới với Trung Quốc; Sri Lanka và Maldives vướng “bẫy nợ”; trong khi cả Indonesia và Việt Nam, nơi ông sẽ đến thăm sau Jakarta, liên tục mâu thuẫn với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
Trước đó, trong chuyến thăm New Delhi hôm thứ Ba, Mỹ đã ký với Ấn Độ hiệp ước quân sự quan trọng về trao đổi thông tin tình báo, nổi bật là việc Ấn Độ được quyền tiếp cận các vệ tinh hiện đại của Mỹ. Ở Male, ông Pompeo hứa sẽ mở Đại sứ quán Mỹ đầu tiên tại Maldives kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1966. Món quà của ông Pompeo cho Jakarta là một lời hứa về mối quan hệ kinh tế bền chặt hơn.
Về vấn đề Biển Đông, ông Pompeo cho biết Indonesia đang “làm gương với hành động kiên quyết để bảo vệ chủ quyền hàng hải của mình” xung quanh quần đảo Natuna, một quần đảo nhỏ nằm ở vị trí biệt lập trên Biển Đông. Yêu sách lãnh thổ của Indonesia ở vùng nước không trực tiếp xung đột với Trung Quốc, nhưng vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia chồng lấn với “đường chín đoạn” của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ gọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “trái pháp luật” và nói thêm rằng Mỹ sẽ tìm cách hợp tác “theo những cách mới” với Indonesia để bảo vệ khu vực hải quân quan trọng về mặt chiến lược này.
Ngoại trưởng Indonesia Marsudi, người luôn cam kết trung lập trong chính sách đối ngoại của Indonesia, đã không nêu đích danh Trung Quốc khi đáp lại ông Pompeo, nhưng nói rằng Biển Đông “nên được duy trì như một vùng biển hòa bình và ổn định.”
Bất chấp các cuộc đối đầu trên biển, Jakarta có quan hệ ngoại giao và kinh tế khá mật thiết với Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã rót vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 3,5 tỷ USD vào Indonesia trong 9 tháng đầu năm nay, nguồn vốn cao thứ hai sau Singapore. Nhiều công ty Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực chiến lược quan trọng tại Indonesia như sản xuất niken. Bắc Kinh cũng đã hứa cung cấp cho Indonesia hơn 30 triệu liều vắc-xin COVID-19.
Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ đóng góp 480 triệu USD vốn FDI từ tháng 1 đến tháng 9, xếp thứ 8 trong các nước đầu tư trực tiếp vào đảo quốc này.
Bà Marsudi kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ “đầu tư nhiều hơn vào Indonesia, bao gồm cả các dự án ở các đảo bên ngoài của Indonesia, chẳng hạn như quần đảo Natuna.”
Hồi đầu năm, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã kêu gọi Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Natuna khi ông gặp ngoại trưởng Toshimitsu Motegi.
Cũng tại Indonesia, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gọi những cáo buộc lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tương lai của tự do tôn giáo” trong bài phát biểu tại Jakarta.
“Tôi biết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục Indonesia hãy ngó lơ những đau khổ mà tín đồ Hồi giáo của các bạn đang phải gánh chịu … Hãy nghĩ về cách các chính phủ độc tài đối xử với những người chống lại sự cai trị của họ”, ông Pompeo nói với cánh thanh niên của Nahdlatul Ulama, nhóm Hồi giáo lớn nhất Indonesia, ám chỉ đến 30 năm độc tài của Indonesia dưới thời cựu Tổng thống Suharto.
“Tôi chắc rằng các bạn biết truyền thống Hồi giáo và truyền thống Indonesia đều yêu cầu chúng ta lên tiếng và hành động vì công lý. Tôi biết các bạn sẽ làm điều đó”, ông nói thêm.
Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhiều quan chức Trung Quốc trước cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh đã phủ nhận mọi hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và nói rằng các trại “cải tạo” ở đó cung cấp đào tạo nghề để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Xuân Lan (theo Nikkei)