Tâm Tuệ
Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPBF 2020) trong nằm trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở đã chính thức được khai mạc tại TP. Hà Nội. Diễn đàn được đánh giá là mở ra cơ hội cho các nước khu vực đặc biệt là Việt Nam trong bối cảnh mà chính quyền Bắc Kinh đang có những chiến lược được coi là “Ngân hàng thế giới” và “Quỹ tiền tệ quốc tế” phiên bản Trung Quốc do Bắc Kinh thành lập.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nằm trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở được Tổng thống Trump đưa ra cuối năm 2017 khi tham gia Hội nghị APEC tại Việt Nam.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ với triết lý cốt lõi là các quốc gia được tôn trọng chủ quyền, phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng, không bị ức hiếp bởi các quốc gia khác lớn hơn.
Dẫn thông tin từ tờ Biendong, vào ngày 2/6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định: “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở là một bộ phận trong Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ”. Trong Chiến lược này, Mỹ coi việc làm sâu sắc hơn quan hệ với đồng minh đối tác là một ưu tiên hàng đầu; vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có ý nghĩa sống còn và hoan nghênh sự hợp tác với Trung Quốc bất cứ khi nào có thể.
Trong khi tìm kiếm các cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác đa phương thực chất, Mỹ sẽ đẩy mạnh can dự với các cơ chế khu vực hiện có. Chính quyền Mỹ coi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là địa bàn ưu tiên chiến lược.
Về chính trị, Mỹ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia, bất kể lớn, nhỏ; ủng hộ tự do cho mọi quốc gia, tiếp cận không hạn chế đối với các vùng biển, không gian quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp và không sử dụng sức mạnh chèn ép các nước láng giềng, tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế – vốn tồn tại từ lâu và là nền tảng cho hòa bình, thịnh vượng từ nhiều thập niên qua…
Về kinh tế, Mỹ khẳng định sẽ cạnh tranh công bằng với tất cả các bên; theo đuổi chính sách thương mại công bằng, đầu tư tự do, bình đẳng và “có đi có lại”. Để thực hiện các nguyên tắc trên, Mỹ công bố các nhóm giải pháp cơ bản, bao gồm: Mở rộng sự quan tâm đối với không gian biển. Mỹ sẽ duy trì các không gian chung trên biển bằng cách trợ giúp các đối tác xây dựng những lực lượng hải quân và các lực lượng thực thi pháp luật mạnh, hỗ trợ các đối tác xây dựng năng lực nhằm tăng khả năng giám sát và bảo vệ lợi ích và trật tự trên biển.
Tăng cường năng lực và tính liên thông trong tác chiến. Để thực hiện điều này, Mỹ sẽ tài trợ và bán các trang thiết bị quốc phòng tiên tiến cho các đối tác an ninh khu vực, tạo cơ hội về đào tạo quân sự chuyên nghiệp (theo tiêu chuẩn Mỹ) cho các sĩ quan và hạ sĩ quan quân đội các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tăng cường thượng tôn pháp luật, thúc đẩy pháp quyền và quản trị minh bạch. Mỹ cho rằng điều này sẽ giúp hạn chế những tác động xấu có thể ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Sự can dự về quốc phòng của Mỹ sẽ hỗ trợ, bổ sung thêm cho vấn đề này.
Thúc đẩy phát triển kinh tế do khu vực tư nhân dẫn dắt. Mỹ công nhận khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có nhu cầu rất lớn về đầu tư, bao gồm cả kết cấu hạ tầng.
Về các đối tác và các cơ chế khu vực, Mỹ sẽ tiếp tục tham gia sâu rộng vào các thiết chế khu vực hiện hành. Trong số đó, Mỹ sẽ ủng hộ và trợ giúp để ASEAN đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một ASEAN đoàn kết và chung tiếng nói có thể giúp duy trì một khu vực tự do và tôn trọng luật pháp quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục tham gia các cơ chế do ASEAN thành lập, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS), APEC và các cơ chế hợp tác ba bên, nhiều bên với các đối tác khác.
Kiềm chế sự ảnh hưởng của sáng kiến “Vành đai và Con đường”
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. Nó được hình thành từ “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa” – được xây dựng dọc theo hành lang Âu – Á, từ biển Thái Bình Dương tới biển Ban tích, và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.
Thông qua sáng kiến “Vành đai con đường” và các sáng kiến khác, Trung Quốc đang mở rộng việc sử dụng các tiêu chuẩn công nghiệp của mình trong nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng, đây là một phần trong nỗ lực củng cố vị thế các công ty của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, gây tổn hại cho các công ty không phải của Trung Quốc và dần đưa các nước phụ thuộc vào nước này.
Cụ thể, một là vấn đề quân sự hóa. Cùng với việc liên tục thúc đẩy xây dựng “Vành đai và Con đường”, lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài nhanh chóng tăng lên, cần Trung Quốc đầu tư sức mạnh quân sự để tăng cường bảo vệ. Trung Quốc có kế hoạch thúc đẩy dự án “chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương, đó là thông qua xây dựng cảng biển và bến tàu lưỡng dụng quân sự và dân sự ở ven Con đường tơ lụa trên biển, để hỗ trợ cho Trung Quốc điều động lực lượng quân sự ra nước ngoài. Hành động của Hải quân Trung Quốc như triển khai hàng loạt cuộc tuần tra ở Ấn Độ Dương và thành lập căn cứ hậu cần ở Djibouti… đã phản ánh xu hướng này.
Hai là vấn đề “sức mạnh sắc bén”. Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có xu hướng sử dụng “cây gậy” kinh tế để đạt được mục tiêu chính sách đối ngoại, trừng phạt các quốc gia chống lại yêu cầu mục tiêu của Bắc Kinh. Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines đều từng trở thành mục tiêu trừng phạt của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc còn dựa vào ảnh hưởng lớn của mình để can dự vào chính trị và xã hội của các nước có liên quan.
Ba là vấn đề trật tự thế giới trong tương lai. Trung Quốc coi sáng kiến “Vành đai và Con đường” là vũ đài, đã thiết lập các cơ chế tài chính như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ con đường tơ lụa…, đây được coi là “Ngân hàng thế giới” và “Quỹ tiền tệ quốc tế” phiên bản Trung Quốc và do Bắc Kinh thành lập. Mục đích cuối cùng để Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường” là thiết lập một trật tự thế giới với trung tâm là Trung Quốc. Ở góc độ kinh tế, việc làm này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có tư cách kiểm soát chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất; ở góc độ chính trị, Trung Quốc sẽ lợi dụng địa vị của mình để kiểm soát chuỗi sản xuất của họ, ép buộc các quốc gia láng giềng phục vụ cho mục tiêu chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.
Về ý đồ chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cho rằng kế hoạch của Trung Quốc đã thay đổi từ 5 năm trước, thậm chí 2-3 năm trước, từ năng lực của Trung Quốc khi đầu tư ra thế giới có thể nhận thấy điều này thông qua biện pháp “đế quốc thu mua” sử dụng tiền để gây tổn thất cho các quốc gia có liên quan, đồng thời cũng đe dọa lợi ích của Mỹ, “Washington sẵn sàng làm mọi thứ để ứng phó với Trung Quốc”. Từ đó có thể thấy, để gây tác động và làm suy yếu ảnh hưởng quốc tế và sức hấp dẫn từ phát triển của “Vành đai và Con đường”, Mỹ đã thể hiện thái độ sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt.
Ông Pompeo cho biết tại Sri Lanka hôm thứ Tư (28/10) rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hoạt động như một “kẻ săn mồi”. Tháng trước, ông kêu gọi các nước Đông Nam Á đứng lên chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc và đánh giá lại các giao dịch kinh doanh với các công ty nhà nước Trung Quốc.
Cơ hội cho Việt Nam
Truyền thông trong nước đồng loạt dẫn tin, sáng 28/10/2020, Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPBF 2020) trong nằm trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở được đã chính thức được khai mạc tại TP. Hà Nội, tạo điều kiện cho các bên tiếp xúc, trao đổi và thúc đẩy các sáng kiến vì khu vực.
Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng cơ quan Chính phủ và Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tổ chức IPBF từ ngày 28-29/10.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, Diễn đàn là cơ hội để tăng cường hợp tác theo hướng thắt chặt và sâu rộng hơn nữa để hồi phục kinh tế sau dịch bệnh.
Phó Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, Myron Brilliant kêu gọi Bắc Kinh hãy cam kết tuân thủ luật quốc tế, tăng cường sự minh bạch nhằm hướng đến một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng cho tất cả các bên.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nơi hội tụ của những nền kinh tế lớn nhất và phát triển năng động nhất trên thế giới với những tuyến đường biển thông thương huyết mạch vô cùng quan trọng, là động lực của tăng trưởng và liên kết trên toàn cầu. Đây cũng là khu vực có hơn một nửa trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo sẽ chiếm tỷ trọng gần 70% GDP toàn cầu vào năm 2050.
Trong những năm qua, các nước trong khu vực này là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ với tổng kim ngạch thương mại đạt mức hơn 1.400 tỷ USD mỗi năm. Hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Trong 4 năm qua, quan hệ thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển. Nhiều vấn đề tiếp cận thị trường đã được giải quyết kịp thời và hiệu quả, các hợp đồng thương mại trị giá hàng chục tỷ USD đã được ký kết.
Tới nay, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã tham gia vào khoảng 20 ngành nghề tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đứng thứ 11 trong số các nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với những dự án lớn của các tập đoàn có tên tuổi như Murphy Oil, Chevron, Intel, Nike, Coca Cola, Procter and Gamble…
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi trọng vai trò của Hoa Kỳ với sự phát triển kinh tế của khu vực và đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đầu tư các nước khu vực.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ đồng hành, tích cực tham gia các sáng kiến hợp tác, liên kết ASEAN, xây dựng một cộng đồng kinh tế mang tính hội nhập và có sức cạnh tranh cao. Một ASEAN mạnh, đoàn kết, phát triển năng động sẽ có lợi cho cả các nước ASEAN và Hoa Kỳ, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại khu vực.
Tại Diễn đàn, chia sẻ về quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo đã khẳng định, Hoa Kỳ cam kết hợp tác sâu rộng hơn nữa với Việt Nam, theo Tapchicongthuong.
“Năm 2018, chúng ta đã đặt ra mục tiêu và chính sách rất cụ thể nhằm cùng hỗ trợ tăng trưởng để tạo ra thương mại và công bằng. Chúng ta đang cùng khai phá tiềm năng của chúng ta. Hoa Kỳ toàn tâm toàn ý cam kết thực hiện cam kết với các đối tác và đưa quan hệ đối tác lên tầm cao mới.
Chúng ta cũng đã có mối quan hệ hợp tác trên nhiều mặt, lĩnh vực tư nhân cùng nhau phát triển thịnh vượng có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân Hoa Kỳ. Chúng ta đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ với Việt Nam, ví như dự án kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng Sơn Mỹ giữa đối tác Hoa Kỳ với Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn cùng với các bạn có những thành công như vậy, những người tham gia diễn đàn này cũng nhau tham gia vào diễn đàn đó với cam kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết để có những mối quan hệ có lợi cho cả hai bên”, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, 7 thoả thuận hợp tác kinh tế thương mại quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trị giá nhiều tỷ USD được ký kết và công bố, bao gồm: Thỏa thuận các điều khoản chính của hợp đồng liên doanh dự án kho cảng LNG có tên LNG Sơn Mỹ giữa AES và PV Gas
Biên bản ghi nhớ giữa Công ty Delta Offshore Energy và GE Việt Nam; doanh nghiệp Bechel, McDermott cung cấp thiết bị cho Nhà máy điện khí hoá lỏng LNG Bạc Liêu.
Thỏa thuận hợp tác về Ethanol giữa Bộ Công Thương và Hiệp hội hạt cốc Hoa Kỳ.
Thỏa thuận hợp tác cung cấp tuốc bin cho dự án điện khí LNG Long An.
Biên bản ghi nhớ giữa Exxon Mobil-JERA Co Inc – UBND Hải Phòng phát triển dự án điện khí LNG tích hợp tại thành phố Hải Phòng.
Thỏa thuận nhập khẩu thịt lợn Hoa Kỳ giữa Việt Nam Trade Alliance avà Công ty Masan.