- Nicole Hao
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát hành một bản tin dài 7.000 từ sau khi kết thúc cuộc họp chính trị quan trọng nhất trong năm, trong đó nhấn mạnh vai trò “hạt nhân” của lãnh đạo Tập Cận Bình và ám chỉ những khó khăn to lớn của nền kinh tế Trung Quốc.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ V, các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đã được triệu tập để vạch ra sự phát triển kinh tế cho đất nước và soạn thảo kế hoạch 5 năm và kế hoạch 15 năm mới với tên gọi “Tầm nhìn 2035”.
Bản tin phát hành ngày 29/10 nhấn mạnh ông Tập là “hạt nhân của Đảng” và “nắm quyền lãnh đạo,” đồng thời đề cập đến những thách thức kinh tế trước mắt của nước này.
Bản tin viết: “Chúng ta chắc chắn sẽ có thể vượt qua các khó khăn và trở ngại khác nhau xuất hiện trên con đường phía trước và chúng ta chắc chắn sẽ có thể tiến đến một thời đại mới của ‘chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.”
Các chuyên gia về Trung Quốc nói rằng điều này cho thấy ĐCSTQ đã thừa nhận tình hình tồi tệ của nền kinh tế đất nước.
Bản tin cũng cho biết có 198 ủy viên chính thức và 166 ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ tham gia cuộc họp. Điều này có nghĩa là có 4 ủy viên chính thức và hai ủy viên dự khuyết không tham gia. Mặc dù Bắc Kinh không đưa ra lời giải thích cho việc vắng mặt của họ, nhưng một số nhà quan sát dự đoán rằng các quan chức này đã bị bãi nhiệm khỏi chức vụ của mình bởi rất hiếm khi các quan chức bỏ lỡ các cuộc quan trọng.
Thành tựu trong quá khứ?
Bản tin cho biết ĐCSTQ đã chiến đấu “ba trận chiến quan trọng” trong 5 năm qua. Khái niệm này được ông Tập đưa ra vào tháng 10/2017, với các mục tiêu ngăn chặn rủi ro tài chính, xóa đói giảm nghèo, và giảm ô nhiễm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các dự án mạo hiểm rủi ro cao như ngành cho vay ngang hàng (P2P) đã bùng nổ và sụp đổ, trong khi đó các nhà phát triển bất động sản lớn nhất của nước này đã tích lũy những khoản nợ khổng lồ. Vào tháng 9, truyền thông nhà nước đưa tin rằng 76 trong số các nhà phát triển bất động sản lớn nhất sẽ phải trả 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 373,6 tỷ USD) trong 12 tháng tới, bao gồm 177 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,64 tỷ USD) tiền lãi.
Trong khi đó, ĐCSTQ không đưa ra các kế hoạch cụ thể để cắt giảm lượng khí thải carbon. Bản tin nhấn mạnh rằng nước này hy vọng sẽ phát triển nhiều công nghệ xanh hơn và “lượng khí thải carbon sẽ giảm sau khi đạt đến đỉnh điểm” trong vòng 15 năm tới.
Những thách thức kinh tế
Bản tin cũng thừa nhận Trung Quốc đang phải đối mặt với các thách thức kinh tế như:
- Trung Quốc hiện đang thiếu “các công nghệ thiết yếu và khả năng sáng tạo”
- Năng suất nông nghiệp cần phải được cải thiện
- “Môi trường quốc tế” trở nên khó khăn hơn
- Sự chênh lệch kinh tế giữa đô thị và nông thôn vẫn rất lớn
Để đối phó với những thách thức này, ĐCSTQ nhấn mạnh sự cần thiết phải trở nên “tự chủ” về công nghệ và mở rộng nhu cầu trong nước bằng cách nâng cấp các nhà máy để có khả năng sản xuất hàng hóa cao cấp.
Thứ trưởng phụ trách Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan Chiu Chui Cheng nói trong cuộc họp báo hàng ngày tại Đài Bắc hôm 29/10 rằng điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc đang muốn đối phó với các hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung – Mỹ ngày càng tăng. Ông cho biết thêm rằng nó cũng cho thấy “tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc là nghiêm trọng và xã hội đã xuất hiện những yếu tố bất ổn.”
Ông nói rằng Bắc Kinh sẽ rất khó tăng mức tiêu thụ của nền kinh tế do tỷ lệ thất nghiệp cao và ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19.
Tham vọng của Trung Quốc
Trong bản tin, Bắc Kinh cũng cho biết họ sẽ tiếp tục phát triển Dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án chính sách đối ngoại do lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình khởi xướng nhằm đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới với mục đích tăng cường ảnh hưởng chính trị của ĐCSTQ tại các nước tham gia dự án. Dự án này đã bị các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ chỉ trích nặng nề vì đưa các nước đang phát triển tham gia dự án rơi vào trạng thái nợ nần trầm trọng.
Bản tin cho biết: “Trung Quốc sẽ tích cực tham gia việc cải cách hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu.”
ĐCSTQ cũng cho biết phát triển công nghệ quân sự cũng quan trọng như phát triển kinh tế. Họ đã lên kế hoạch đầu tư nhiều hơn để phát triển vũ khí và tình báo.
Bản tin nhấn mạnh: “Chúng ta phải đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quốc phòng và quân đội quốc gia.”
Không có chi tiết về kế hoạch dài hạn 15 năm “Tầm nhìn 2035”, nhưng như các nhà bình luận về Trung Quốc trước đây đã phân tích, kế hoạch bất thường này cho thấy ông Tập có ý định tiếp tục nắm quyền lãnh đạo ít nhất cho đến năm 2035.
Nicole Hao / The Epoch Times
Xem thêm: