ĐCSTQ tăng cường lực lượng “ngoại giao sói chiến”

  • Y Bình

Trong khi “ngoại giao sói chiến” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gây phản ứng mạnh mẽ trên thế giới thì thông tin cập nhật trong mục “Cục Thông tin” của trang web Bộ Ngoại giao ĐCSTQ lại cho thấy có thay đổi nhân sự. Theo đó, Cục Thông tin của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ có Phó Cục trưởng mới là Hồ Kiên (Hu Jian), một người từng làm việc nhiều năm cho hãng truyền thông nhà nước Nhật báo Nam Phương (Nanfang Daily).

Hiện nay, vị trí Cục trưởng Cục Thông tin của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ là bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying). Có 5 Phó Cục trưởng là: Uông Văn Bân (Wang Wenbin), Vu Đội Hải (Yu Dunhai), Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), Hồ Kiên (Hu Jian) và Tưởng Tiểu Yên (Jiang Xiaoyan).

Theo thông tin công khai, ông Hồ Kiên sinh tháng 8/1978 tại huyện Huệ Lai tỉnh Quảng Đông, tốt nghiệp Viện Báo chí và Truyền thông của Đại học Tế Nam, từng là phóng viên tại Trung tâm Tin tức Thời sự của Nhật báo Nam Phương, Ủy ban Xã hội của Nhật báo Nam Phương, và Chủ nhiệm Tin tức Nam Phương, Phó Tổng Biên tập và Phó Chủ nhiệm Ban Điều hành Tập đoàn Truyền thông Nhật báo Nam Phương.

Năm 2017, ở tuổi 39, ông Hồ Kiên bước vào vai trò mới với chức Phó Chủ nhiệm Ban Điều hành Tập đoàn Truyền thông Nhật báo Nam Phương.

Kể từ năm ngoái đến nay thường xuyên có biến động nhân sự tại Cục Thông tin của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ.

Tháng 7/2019, ông Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Ngoại giao ĐCSTQ khi đó là Lục Khang (Lu Kang) được điều động làm Cục trưởng Cục Bắc Mỹ và Châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao, sau đó bà Phó Cục trưởng Hoa Xuân Oánh lên chức Cục trưởng.

Tháng 7/2019, trang web Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho thấy có Phó Cục trưởng Cục Thông tin mới là ông Vu Đội Hải (Yu Dunhai).

Tháng 8/2019 Tham tán Công sứ ĐCSTQ tại Pakistan là Triệu Lập Kiên được điều chuyển sang làm Phó Cục trưởng Cục Thông tin của Bộ Ngoại giao.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh từ trang web của Bộ Ngoại giao TQ).

Tháng 2/2020 lần đầu tiên Triệu Lập Kiên chủ trì một cuộc họp báo thường kỳ với tư cách là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao.

Tháng 6/2020, tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang) tuyên bố rời khỏi cương vị Phó Cục trưởng kiêm người phát ngôn báo chí của Cục Thông tin Bộ Ngoại giao, và sau đó xuất hiện với tư cách là Phó đại diện Phái đoàn Thường trực ĐCSTQ tại Liên Hợp Quốc.

Tháng 7/2020, Đại sứ ĐCSTQ tại Tunisia là ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nhậm chức Phó Cục trưởng Cục Thông tin của Bộ Ngoại giao và trở thành người phát ngôn thứ 32 của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ.

Tháng 9/2020 Tham tán Cục Thông tin của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ là bà Tưởng Tiểu Yên (Jiang Xiaoyan) trở thành Phó Cục trưởng Cục Thông tin của Bộ Ngoại giao.

Kể từ đầu năm nay, chính sách “ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ đã không ngừng gánh chịu thất bại. Do ĐCSTQ che giấu dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán làm cho virus lây lan trên toàn thế giới, thậm chí đã lợi dụng dịch bệnh để gây hấn với xung quanh (cho máy bay quân sự và tàu chiến đến Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông để phô trương sức mạnh, xung đột biên giới lớn nhất với Ấn Độ trong nhiều thập kỷ gần đây) khiến quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng ngày càng căng thẳng, tương tự là quan hệ Trung-Mỹ vài tháng nay không có gì chuyển biến. Chính quyền Trump đã lần lượt trừng phạt Bắc Kinh về các vấn đề tài chính, công nghệ, an ninh quốc gia và nhân quyền, đã xây dựng thành Liên minh quốc tế chống ĐCSTQ do Mỹ lãnh đạo.

Vấn đề này được ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), người sáng lập tổ chức nhân quyền “Quyền lực công dân” (Citizen Power Initiatives for China) chỉ rõ: trong chính sách “ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ thì vai trò điển hình phải kể là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên, ông ta không chỉ hung hăng mà còn ngụy tạo xuyên tạc thường xuyên.

Reuters ngày 30/3 đưa tin, có hai nhà ngoại giao ĐCSTQ xác nhận rằng vào năm ngoái lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã viết công hàm yêu cầu các nhà ngoại giao giữ vững lập trường và thể hiện “tinh thần chiến đấu” trước những thách thức quốc tế như sự xấu đi của quan hệ Trung-Mỹ. Đây được cho là nguyên nhân khiến “sói chiến” hình thành trong hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ.

Về lý do ông Tập Cận Bình chọn “ngoại giao sói chiến”, ông Dương Kiến Lợi lý giải rằng ông Tập làm điều này vì nhu cầu chính trị của bản thân. Ông chỉ ra rằng lâu nay vấn đề triển khai chính sách của ĐCSTQ thường dựa vào hai nguồn gốc: một là phát triển kinh tế, xưa nay họ tự hào về phát triển kinh tế nhưng bây giờ đã có vấn đề; nguồn khác là chủ nghĩa dân tộc, ĐCSTQ tự cho là đại diện cho lợi ích của Trung Quốc, khi thể hiện cho thấy đất nước mạnh mẽ thì cũng củng cố tính hợp pháp của chủ nghĩa dân tộc. Trong hai căn nguyên này, khi một cái xảy ra vấn đề thì ĐCSTQ dồn vào củng cố một thứ để gia cố tính hợp pháp. Ngoài ra là ông Tập Cận Bình cần tăng cường tập trung quyền lực trong bối cảnh quan hệ quốc tế chịu nhiều thách thức lớn khiến áp lực phe chống đối trong nội bộ mạnh mẽ hơn, do đó, ông Tập không ngần ngại gây ra các vấn đề khủng hoảng chính trị trên trường quốc tế nhằm giảm thiểu trở ngại nguy cơ chính trị nội bộ.

Y Bình

Related posts