Thăm Việt Nam, ông Pompeo muốn thúc đẩy tạo dựng an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương

  • Xuân Lan

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa đi thăm 5 quốc gia ở châu Á nhằm thúc đẩy chiến lược xây dựng khu vực an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương để đối kháng lại Trung Quốc. Chặng cuối trong chuyến công du của ông Pompeo là ở Việt Nam, được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố vào phút chót hôm 28/10 với lý do “Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Việt – Mỹ.” 

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Hà Nội hôm 30/10 (Ảnh: VGP/Hai Minh)

Ông Pompeo nhấn mạnh hợp tác Việt – Mỹ

Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định Mỹ ủng hộ Việt Nam vững mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, ông Pompeo đánh giá cao việc hai nước tăng cường và mở rộng quan hệ Đối tác toàn diện.

Trước đó, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 29/10 nêu rõ Mỹ và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mỹ cũng tái nhấn mạnh nước này ủng hộ chủ quyền của các nước Đông Nam Á và luật pháp quốc tế, bác bỏ yêu sách biển của Trung Quốc xung quanh khu vực bãi Tư Chính ngoài khơi bờ biển Việt Nam và phản đối “bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông hoặc các nơi khác”.

Ông Pompeo cũng đã gặp Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm tại Việt Nam hôm 30/10. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác an ninh song phương ở khu vực Mekong và biển Đông, cùng những lợi ích có thể mang lại cho cả hai nước khi tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Trước đó, ông Pompeo đã đưa ra tuyên bố về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN vào tháng Chín. Ông kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết để đương đầu với mối đe dọa từ ĐCSTQ. Ông nói, “Ở khu vực sông Mekong, chúng tôi ủng hộ sự minh bạch và tôn trọng lẫn nhau, trong khi ĐCSTQ khuyến khích buôn lậu vũ khí, ma túy và đơn phương thao túng các đập ở thượng nguồn, làm trầm trọng thêm đợt hạn hán lịch sử.”

Việt Nam hiện đang giữ vai trò là chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Các nhà phân tích cho hay với vai trò này của Việt Nam, cùng với việc Hội nghị cấp cao Đông Á dự kiến sắp ​​được tổ chức vào giữa tháng 11, ông Pompeo đang nỗ lực để tăng cường mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội.

Mặc dù ông Pompeo không công khai đề cập đến Trung Quốc trong các cuộc hội đàm với các ông Phạm Bình Minh và Nguyễn Xuân Phúc, nhưng từ ngữ được sử dụng trong các cuộc hội đàm của Việt Nam đều đề cập đến Trung Quốc ở mức độ nhất định. Điều này bao gồm việc nói rằng “Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Quan hệ Việt – Mỹ đang tăng cường

Ông Pompeo đã tới Việt Nam để kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Một tuần trước chuyến thăm của ông Pompeo, Việt Nam đã trả tự do cho một công dân Mỹ gốc Việt, người trước đó đã bị kết án 12 năm tù vì “âm mưu lật đổ nhà nước”.

Vài giờ trước khi ông Pompeo đến Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo cho biết người đàn ông tên là Michael Nguyễn đã trở về nhà ở California. Việc trả tự do cho Nguyễn là vì “lý do nhân đạo” của nhà chức trách Việt Nam.

Khoảng 20 năm sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Hoa Kỳ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Khi ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Đông Nam Á và Nam Á tiếp tục gia tăng, Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Mối quan hệ kinh tế Việt – Mỹ cũng đang được tăng cường. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2020, họ đã mua 62,3 tỷ đô la Mỹ sản phẩm và dịch vụ từ quốc gia Đông Nam Á này, tăng 24% so với một năm trước.

Đồng thời, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường quan trọng cho xuất khẩu vật liệu máy bay và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Hoa Kỳ trong tương lai.

Trong số 10 quốc gia thành viên của ASEAN, Việt Nam được coi là quốc gia có lập trường chống Trung Quốc mạnh nhất.

Đất nước này không chỉ thu hút sự quan tâm của Hoa Kỳ, mà còn là quốc gia đầu tiên tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đến thăm sau khi nhậm chức.

Nhật Bản và Hoa Kỳ khẳng định hợp tác với Australia và Ấn Độ trong việc thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Việt Nam cũng được cho là đang tìm cách hỗ trợ chiến lược này.

Bắc Kinh đã định hình lại ưu tiên ngoại giao của Mỹ

Theo các nhà phân tích, chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho thấy rằng Bắc Kinh đã định hình lại các ưu tiên ngoại giao của Mỹ.

Chuyến đi kéo dài một tuần của ông Pompeo đến Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Indonesia và Việt Nam – đều là những quốc gia có hiềm khích với Trung Quốc ở các cấp độ khác nhau – có mục đích rõ ràng nhằm tập hợp những nước này để đối kháng Trung Quốc với các thỏa thuận quân sự của Mỹ, cũng như những hứa hẹn về thương mại và đầu tư.

Trước chuyến đi của mình vào tuần trước, và trước khi Việt Nam được thêm vào lịch trình, ông Pompeo cho biết chuyến công du “sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về cách các quốc gia tự do có thể hợp tác cùng nhau để ngăn chặn các mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Khi ở New Delhi, ông Pompeo đã ký các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Ấn Độ, và cho biết Mỹ sẽ sát cánh cùng Ấn Độ bảo vệ chủ quyền của mình khi tranh chấp biên giới Ấn Độ – Trung Quốc ở Ladakh tiếp tục leo thang.

Tại Colombo, ông Pompeo nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là một “kẻ săn mồi”, và hứa sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư của Mỹ với Sri Lanka.

Tại Maldives, ông Pompeo đã làm lễ khai trương Đại sứ quán đầu tiên của Hoa Kỳ ở một quốc gia nhỏ với nửa triệu dân. Việc dừng chân của ông ở Maldives được coi là phản ứng đối với các dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng ngày càng tăng của Trung Quốc trên đảo này trong những năm gần đây.

Tại Indonesia, ông ca ngợi Jakarta đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình trên biển Đông, đồng thời cáo buộc ĐCSTQ đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Chuyến đi đã đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược dài hạn của Washington nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Chìa khoá để liên kết tất cả các quốc gia này của ông Pompeo chính là Trung Quốc.

Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm với chuyến công du này, đã tấn công ngược lại ông Pompeo trong mỗi chặng dừng của hành trình, cáo buộc ông Pompeo gây bất hoà giữa các quốc gia. Phản ứng của Bắc Kinh đối với chuyến đi của ông Pompeo cho thấy Trung Quốc lo ngại rằng Washington có thể làm mất đi ảnh hưởng mà họ đã gây dựng ở Thái Bình Dương.

Xuân Lan (t/h)

Related posts