Nhật Tiến
1. Chuông đồng hồ tự động đánh thức Hải bừng dậy vào lúc 6 giờ. Như một cái máy chính xác, anh mở choàng mắt ra và cắt đứt lìa ngay với giấc mơ hình như hết sức êm đềm, hết sức yêu thương mà anh đang trải qua trong giấc ngủ. Anh chỉ lưu luyến gợi nhớ đến nó trong vòng mười lăm giây (nhưng trí óc tỉnh táo của anh không cho phép anh thấy được điều gì trong giấc mơ cả, ngoại trừ cái cảm giác hết sức êm đềm, hết sức yêu thương), và anh đã tung chăn bật dậy. Trời còn tối mò nhưng anh không cần bật đèn cũng quơ được đôi dép, tìm được lối đi đến phòng tắm. Anh đã quen thuộc với căn phòng gần hình vuông, có một cái giường nệm hai lớp, có một ngăn sách nhỏ ở đầu giường, có một dàn dụng cụ âm thanh với những băng nhạc, đĩa hát kê bên cạnh cái tivi mầu và bừa bãi chung quanh là một số tạp chí, sách báo, những bộ quần áo hoặc chưa giặt, hoặc đang xài vứt rải rác trên lớp thảm êm và mịn như nhung. Cũng nên kể thêm một cái bàn nhỏ để ngồi viết, chung quanh bừa bải những phong bì, những tờ quảng cáo, những tờ biên nhận của những món lặt vặt mua sắm và cả những cái bill trả tiền gas, tiền điện thoại, tiền mua trả góp dàn âm thanh, cái máy truyền hình và cả chiếc xe hơi anh đang xài. Gọi là bàn viết nhưng anh chỉ xử dụng vào việc viết lách có đúng một việc ký tên trên những tấm chi phiếu. Dĩ nhiên anh còn nhiều việc phải làm nữa, như viết thư về Sài Gòn thăm cha mẹ già, trả lời thư cho một người bạn vừa ở trại tỵ nạn qua định cư ở một tiểu bang miền Đông Bắc, và kể cả ý định anh thấy cần phải viết một lá thư phàn nàn về thái độ ấu trĩ của một bài báo nào đó, đăng trên một tờ báo nào đó trong tháng vừa qua. Những công việc ấy kể như đã gần ngập đầu, anh tự hứa sẽ giải quyết nó dần dần, mặc dầu anh chưa có thì giờ để thực hiện lời hứa đó và mỗi ngày trôi qua, một cảm giác bứt rứt lại tăng thêm lên trong đầu óc lúc nào cũng căng thẳng của anh. Rất may là anh cũng chỉ để cho mình bứt rứt trong khoảng mươi lăm giây đồng hồ. Anh còn phải dành đầu óc cho những việc cấp bách hơn. Nhào vô phòng rửa mặt năm phút, tắm dưới vòi nước nóng mười phút, bận bộ quần áo ba phút, và đến khi anh đánh được cái xe ra đến đường phố thì đồng hồ đã chỉ đúng sáu giờ hai mươi tám phút rồi. Anh còn mười bẩy phút nửa để vượt qua hai đường phố, vào xa lộ 22 West, chuyển qua xa lộ 57 North, rồi ra exit ở một đường phố có tới hai cái đèn đỏ ở ngã tư trước khi chui vào khu vực đậu xe ở sở làm. Anh phải bấm cái thẻ tính giờ tại cái máy tự động vào lúc bẩy giờ thiếu mười lăm.
2. Hôm nay, trên cái thẻ tính giờ hiện ra con số bảy giờ bốn mươi sáu phút. Như vậy là trễ mất một phút. Toản hơi nhen nhúm một sự bực bội. Trên khoảng đường ngắn ngủi đi vội vã qua một dãy hành lang còn đèn sáng để tới chỗ làm việc, anh duyệt nhanh lại công việc đã làm từ sáng để truy ra nguyên do sự chậm trễ một phút này của mình. Đồng hồ đánh thức anh dậy lúc 6 giờ, anh không bịn rịn gì với giấc ngủ. Đánh răng, rửa mặt, tắm dưới vòi nước nóng, thay quần áo và nhào xuống garage để đánh xe ra đường. Anh chợt phát giác ra chỗ trục trặc trong cái thời khắc biểu của mình. Hôm nay cái xe nổ máy hơi khó. Nó lêu ủng oảng và xịt khói mù mịt. Rồi chết máy. Rồi cảnh cũ tiếp điễn. Rất may anh chỉ phải “đề” lại có hai lần và rú nhiều ga để cho nó chóng nóng máy. Nhưng ngần ấy việc cũng đủ tiêu đi mất của anh thời gian một phút rồi. Nếu chậm thêm bốn phút nửa thôi anh sẽ bị kẹt xe ở lối vào xa lộ và ở mấy cái đèn đỏ trên đường rẻ vào sở làm. Anh nghĩ đến chuyện phải tune-up cái xe. Sợ hơn thế nửa. Người chủ garage quen thuộc đã từng nói với anh cả hai tháng nay rằng cái xe của anh phải build-up. Anh nghĩ đến số tiền phải chi ra. Anh nghĩ đến những cái bill hàng tháng. Tiền điện thoại. Tiền gas. Tiền nước. Tiền Tivi. Tiền dàn âm thanh. Và những gói quà 2 pounds gởi về cho gia đình ở Sài Gòn. Đầu óc của anh như bị xiết lại. Anh muốn ngộp thở về những ý nghĩ ấy ở trong đầu, diễn ra rất nhanh như một dòng điện tử xẹt qua óc trong thời gian vừa đủ để anh bước vội vã qua dẫy hành lang còn đèn sáng để tới chỗ làm việc. Tất nhiên trong lúc đầu óc căng thẳng như thế anh chẳng chú ý gì đến ai. Hình như có ai đó kêu tên anh. Hình như có ai đó đi ngược chiều gật đầu, nhìn anh cười cười. Anh như một kẻ sắp chết đuối giữa một con sông đầy những ngọn sóng. Mỗi ngọn sóng là một ý nghĩ, một công việc, một chi tiết của đời sống, một nỗi ray rức về sự toan tính định làm một việc nhưng chưa làm…
Nhưng dù sao thì anh cũng phải tỉnh táo, và anh đã rất tỉnh táo. Anh cắt đứt sự lo lắng, bận tâm một cách mau chóng khi ngồi vào bàn làm việc. Anh biết ở phía sau lưng của anh, lùi về phía cửa ra vào ở góc phòng, có một kẻ đang lom lom quan sát anh từng cử chỉ, từng điệu bộ. Mụ Jeannie, lít (leader) của anh đó. Mụ này rất khó chịu, soi mói, xét nét mọi người từng cử chỉ, từng việc làm. Chỉ cần anh quay lại cười cười, trả lời một câu hỏi nào đó của một đồng nghiệp ngồi ở dẫy sau lưng anh hỏi vọng sang là mụ ta đã sẵn sàng tiến tới bên cạnh anh với một vẻ mặt khó chịu. Rồi trên “lít” còn có visor, trên visor còn có supervisor. Cả một hệ thống nó cưỡng ép anh bắt làm đủ 8 giờ vàng ngọc không tính vào một lần nghĩ 10 phút để xả gân cốt, uống cà phê, và 20 phút để ăn bữa trưa một cách vội vã với mấy mảnh sandwich, một khúc thịt dồi và một trái táo.
Nghĩ đến thời gian một ngày còn đằng đẵng trước mặt, anh muốn mệt xỉu. Nhưng kinh nghiệm cho biết ngay lúc bắt đầu làm thì đừng vội nghĩ đến giờ về. Phải quên nó đi. Cũng như đầu tuần vào ngày thứ hai thì đừng vương vấn gì đến những chuyện cuối tuần, vì nó còn xa vời. Càng trông đợi, nó càng gây cho mình nỗi mệt mỏi chán chường. Hãy chịu khó gồng mình cho đến ngày thứ tư trong tuần. Thứ tư mà nghĩ đến ngày thứ năm thì rất thoải mái vì hôm đó là ngày phát paycheck. Lãnh xong paycheck thì ngày thứ sáu còn lại chỉ là chuyện nhẹ tênh vì những ngày cuối tuần đang mỉm cười đón chào. Thank God It’s Friday. Cám ơn Thượng Đế đã cho chúng con ngày thứ sáu. Ngày cả kẻ thả câu sắp kéo lên một con cá bự. Ngày của chú rể sau bao nhiêu lao tâm khổ trí, xoa tay mỉm cười chuẩn bị bước vô phòng hoa chúc. Trong một tuần lễ, ngày thứ sáu là ngày có nhiều ý nghĩa nhất đối với những kẻ lao động triền miên như Toản. Anh không chỉ đi làm mà lại còn đi học thêm. Sau cuộc đổi đời ở quê nhà bị ném từ vị trí của một chủ sự phòng dưới tay có hàng chục nhân viên xuống cái chỗ thấp kém nhất chịu sự kiểm soát của một mụ “lít” vô học, anh quyết phải ngoi lên. Anh sẽ phải đi từ assembler lên technician, từ technician lên engineer, anh quyết sẽ có ngày quay trở lại điều khiển “chúng nó”, rầy la “chúng nó ” như những ngày dài thăm thẳm hiện nay’”chúng nó” đang xét nét anh, soi mói anh, dằn vặt anh từ một nụ cười, từ một câu nói, từ một lần đi trễ một phút như ngày hôm nay.
3. Khi tới giờ tan sở, Bình bao giờ cũng là người phóng ra ngoài hành lang trước tiên. Anh chỉ có trước mắt ba phút để ra tới khu vực đậu xe, hai phút để lái được cái xe ra khỏi cổng, ba phút nữa để tới được lối vào xa lộ nếu như anh không bị kẹt ở cái bảng Stop, mất quyền ưu tiên trước cả một dòng xe nhiều khi tưởng như bất tận qua lại ở cả hai bên tay trái lẫn tay mặt. Nhiều hôm kẹt cứng ở đó, anh ước gì mình là Thị Trưởng thành phố, Thống Đốc tiểu bang, Tổng Thống Hoa Kỳ để gắn cho cái chỗ chờ xe đó một cái đèn xanh đèn đỏ. Có đèn thì đông xe cách mấy anh cũng chỉ phải chờ 48 giây là thoát ra được đường cái. Không có đèn, lắm khi anh đã phải tiêu vô ích ở đó đến năm bẩy phút. Có lúc sốt ruột quá, anh đã nhào càn ra, và dĩ nhiên là phải lãnh những tiếng còi xe, những cặp mắt nhìn hằn học. Rất may là ở chỗ đó ít có mặt cảnh sát, và dĩ nhiên nếu cảnh sát có mặt thì dù nóng lòng các mấy anh cũng tỏ ra (và ai cũng tỏ ra) là người lái xe hiền như bụt.
Vào được vào xa lộ rồi thì anh chỉ còn hai mươi hai phút nữa để băng qua hai cái xa lộ, ba đường phố chính, một đường phố phụ, một khu rộng bát ngát đậu kín mít những xe hơi của các sinh viên đã đến trước anh, tìm được chỗ đậu và chạy tất tưởi thông qua bốn dẫy hành lang mới vào tới lớp học. Bao giờ thì anh cũng trễ ít nhất là năm phút. Anh len lén như một kẻ phạm tội luồn qua mấy dẫy ghế để vào chỗ ngồi. May mà anh đã nói lót trước với những ông thầy, bà thầy. Tôi đi làm fulltime, đi học fulltime, xin cảm thông những lần đi trễ. Cái đó thì cảm thông được, nhưng đối với những homework thì không có ngoại lệ, Đã nhiều khi Bình ví homework như những cái đầu của Pham Nhan trong chuyện dã sử. Chặt đầu này, nó mọc ra đầu khác. Mới góp xong bài này đã nợ thầy giáo bài khác. Suốt đời đi học là một chuỗi dài lo toan trả nợ những bài homework. Nó ám ảnh anh trong những giờ ở sở làm, trong lúc lái xe trên xa lộ, ngay cả trong lúc anh trệu trạo nuốt mấy lát sandwich, một khúc dồi, hay ngoạm vội vã một quả táo cho qua bữa trưa thông lệ.
Tuy nhiên bầu không khí trong lớp học vẫn là những giờ vui tươi, thoải mái nhất trong ngày. Nó làm cho anh quên những nỗi lo toan hàng ngày. Ba tháng nay chưa viết thư về Sài Gòn thăm gia đình, món nợ đó nằm sẵn trong đầu óc của anh sẵn sàng lúc nào cũng nhắc anh như lương tâm sẵn sàng lên án một tội ác. Được cái là không tháng nào anh lơ là chuyện gửi quà về cho gia đình. Món quà kể như là trọn vẹn tình nghĩa nếu như anh kèm vô đó một lá thư thăm hỏi. Anh biết rõ điều đó mà không cách nào thực hiện được. Làm sao người ở nhà thông cảm được với anh rằng, trong hoàn cảnh của anh hiện nay, gửi quà thì dễ nhưng viết được một lá thư thì khó. Riết rồi anh đâm sợ hãi khi có ai nhắc đến chuyện thư từ. Anh sợ luôn cả những lúc mắt nhìn thấy một con tem, một cái phong bì, hay một cái xe sơn hai màu xanh, trắng chạy lũn cũn trong đường phố của những người đi phát thư. Đã có lúc anh nảy ra sáng kiến, nếu một mai thất nghiệp, anh ra mở một văn phòng viết thư giùm cho thiên hạ. Anh tưởng tượng rằng với mỗi thân chủ của anh, anh sẽ mở một hồ sơ, trong kê khai đầy đủ tình trạng gia đình, tên tuổi mọi người cả hai bên nội, ngoại, một vài đặc tính của mỗi người và những chi tiết sinh hoạt chính yếu của họ. Với ngần ấy dữ kiện, anh có thể sẽ viết giùm cho thân chủ một cái thư lâm ly. Như ông bác bây giờ ra sao, có còn lên những cơn suyễn kéo dài suốt cả mùa đông như năm ngoái, hay bà dì lúc này thế nào, cái nhọt ở lưng đã tuyệt nọc chưa hay là trị dứt chỗ này nó lại chạy ra chỗ khác. Rõ ra một thằng cháu hiếu đễ lúc nào cũng quan tâm đến cả họ hàng nội ngoại. Lá thư sẽ đánh máy sạch sẽ, thân chủ chỉ cần “Ký” một cái là sẽ sẵn sàng được gửi đi, nhưng nếu cần anh cũng có thể ký thay cho thân chủ bằng một kiểu chữ ký mới sau khi xếp đặt một màn thông báo về nhà rằng “kể từ nay con xử dụng chữ ký mới cho mọi công việc được hạnh thông “.
Một dịch vụ như thế sẽ giải tỏa cho nhiều người những cơn ác mộng về chuyện nợ nần thư từ. Nó cũng giống như sáng kiến của nhiều ngân hàng hiện nay nhận lãnh dịch vụ ký check thanh toán đủ mọi thứ bill cho thân chủ để mọi người được sống trong cái cảm giác thoải mái “sống trong xã hộ Mỹ mà không hề vương vấn nợ nần”.
4. Ở lớp học tan ra, không cần nhìn đồng hồ, Sảnh cũng biết lúc đó là hai mươi giờ thiếu mười. Anh không còn phải chạy như lúc đã chạy từ nhà đến sở làm hay từ sở làm đến trường học. Bây giờ là cái phút mà anh đã chấm dứt một ngày lao động. Chân tay anh bải hoải, đầu óc anh rã rời. Anh như người hết hơi, đến độ chẳng còn đủ sinh lực để hưởng thụ cái thú xoa tay rũ bỏ một ngày phải chạy đua với thời gian. Anh không còn đi nữa mà như muốn lết qua những dãy hành lang của trường đại học cộng đồng. Đèn ở đó sáng choang nhưng anh chỉ thấy mọi người qua lại như những cái bóng. Anh chẳng buồn nhìn ai, thấy ai. Anh cũng mang máng thấy như có kẻ nào vừa đi ngang qua mặt mỉm cười chào. Buổi sáng anh không đáp lại vì vội vã. Buổi tối thì lại vì quá mệt mỏi. Anh biết thiên hạ đã chửi mình là một thứ khùng, một loại sống mất quân bình đến nỗi quên cả những phép lịch sự tối thiểu. Thời gian, công việc ở sở, công việc ở trường gò anh lại như một cái vỏ ốc và anh đã bó tròn mình ở trong cái vỏ ốc đó.
Quê hương là cái gì xa thẳm hết sức nhạt nhòa, mỗi tháng chỉ hiện hữu bên anh qua hình ảnh một vài gói quà, mỗi gói cân nặng vừa đúng hai pounds. Bạn bè thì lẩn quẩn đâu đó trong trí nhớ, lâu lâu tình bạn trỗi dậy qua những cuộc điện đàm. Anh bận rộn đến nỗi không kịp có cả một người yêu hay tệ hơn nữa, không có đến cả một hình ảnh lộng lẫy nào đó để tôn thờ. Ngày xưa khi còn ở quê nhà anh đã lao vào tình yêu với tất cả sự mù quáng của tuổi trẻ. Bây giờ thì tình yêu được đem lên bàn cân để tính toán. Anh đã cảm thấy ngay (rất nhậy bén!) rằng yêu nhau thì phải gặp gỡ, hẹn hò, mất công dỗ dành, dàn xếp những chuyện tình cảm vụn vặt, lỉnh kỉnh và dĩ nhiên là phải tốn tiền. Làm gì ở trên đời này lại có thể có những cuộc tình không tốn kém dù chỉ là tiền đi ăn tại một nhà hàng, đi nghe nhạc ở một quán cà phê hoặc điện thoại com-măng một tiệm bán hoa để gửi đến nhà người yêu một bó hoa nồng nàn trong một dịp đặc biệt nào đó. Trong hoàn cảnh hiện nay, anh biết rõ mình không đủ điều kiện để chu toàn những công việc đó. Điều đáng buồn cho anh là cái “hoàn cảnh hiện nay ” ấy đã kéo dài tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, đã đủ thời gian chín mùi để cho mấy cô sinh viên trẻ trong trường buông một câu kết luận “thằng ấy khùng” và gán cho anh cái danh hiệu “thằng Sảnh khùng”.
5. Khi Dũng lái xe về đến nhà, lên mở cửa phòng, bật đèn sáng thì bao giờ đồng hồ cũng chỉ tám giờ hai mươi. Anh ném chồng sách xuống một góc nhà rồi tiến lại dàn âm thanh để vặn lên một đĩa hát. Âm thanh thánh thót từ tiếng dương cầm trong một bản nhạc cổ điển làm đầu óc của anh dịu lại. Cả một ngày dài, suốt từ 6 giờ sáng cho đến bây giờ, anh mới có cảm giác lúc này là của riêng anh. Anh có quyền nằm vắt ngang trên giường đệm hai chân ghếch lên thành ghế, anh có quyền nhắm mắt lại không phải để ngủ mà để nghiền ngẫm cái cơn thú vị đang ùa đến sau một ngày dài mệt mỏi. Anh cũng có quyền ngáp thật dài, há mồm thật to, điều mà anh không được quyền làm ở sở, dưới cặp mắt soi mói của lão “lít” già thỉnh thoảng hay xuất hiện ở khung cửa sổ xế chỗ anh làm việc và nhìn anh chằm chặp như muốn soi mói, tìm tòi ở những hành động của anh một vài cử chỉ lỗi lầm. Những phút đó anh rất thèm ngáp. Cơn “buồn ngáp” có lúc thôi thúc anh nổ bùng không chỉ chống lại lão già có cái tên kỳ cục là Boebel (mà các bạn đồng nghiệp của anh phiên âm thành tiếng tục tĩu) nhưng là chống lại cả cái đời sống tôi mọi này, cái xã hội máy móc này và cả cái cuộc đời lưu vong khốn khổ này. Nhưng bao giờ thì anh cũng nén được cơn bùng nổ bất trắc của mình. Mắt của anh chỉ đỏ ngầu lên. Những giọt nước mắt ứa ra mấp mé bờ mi, nhìn qua đó anh thấy hình ảnh của lão Boebel nhòa nhoẹt ra nom giống như hình nhân bằng đất thó bị nhão nhoét dưới sự tàn phá của một trận mưa.
Tuy nhiên sự thú vị chỉ có thể kéo dài tối đa cho đến tám giờ rưỡi là cùng. Anh còn phải nhỏm dậy đun cho mình một ấm nước sôi, đủ pha một bình cà phê và một tô mì gói. Trong lúc đun nước, anh vào phòng để xối mình dưới vòi nước nóng. Rồi thay quần áo ngủ. Rồi ăn mì. Uống cà phê. Xong xuôi bắt đầu mở sách vở ra làm homework. Bài làm dù ngắn, dù dài, dù khó, dù dễ bao giờ anh cũng buộc phải đứng dậy tắt đèn đi ngủ vào lúc đồng hồ chỉ mười giờ ba mươi. Nếu không, ngày mai anh không thể dậy nổi lúc 6 giờ, xách xe ra cửa lúc sáu giờ hai mươi tám phút để có mặt được ở sở vào lúc bẩy giờ thiếu mười lăm.
Thường thường thì anh không thể đặt mình lên giường lúc mười giờ ba mươi mà ngủ ngay được lúc đó. Tùy theo mức độ mệt mỏi của từng ngày, anh có thể sẽ thao thức thêm tám phút, mười phút hoặc tối đa mười hai phút, đó là lúc anh để cho đầu óc tự do thả hồn về quê nhà, ở đó có cha mẹ già, có những đứa em nhỏ, có những bạn bè thân quen đang kéo dài một kiếp sống đọa đầy thiếu thốn từng một bữa ăn no, một bộ quần áo lành lặn hay từng một giây phút được tự do nói gì thì nói, đi đâu thì đi, không phải băn khoăn gì tới chuyện bắt bớ, tù đầy.
Anh hay đi vào giấc ngủ bằng những hình ảnh của các người thân quen xơ xác, tiều tụy đó. Lòng thương yêu của anh đối với họ dâng lên xót xa, mặc dầu chính anh, buổi sáng vô rửa mặt, soi gương anh cũng đã tiều tụy, xác xơ từ lúc nào mà chính anh không nhận ra.
Nhật Tiến
Santa Ana ngày 10 tháng 11 năm 1982
Related posts
-
Nỗi nhớ
Em đi tìm nỗi nhớ của riêng emNắng cuối... -
Thuyền không bến đỗ…
Ký sự – Viễn Trình Ngày 25.11.24 vừa qua... -
Có một người
Đồng Ánh Liễu Có một người ta mới chỉ...